1. Khái quát chung về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Cho tới nay, đã có rất nhiều tổ chức và quốc gia đưa ra các khái niệm về hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này thể hiện những quan điểm khác nhau về FTA cũng như sự phát triển đa dạng của thương mại quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do về bản chất là thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc tự do trong thương mại quốc tế.
FTA truyền thống được hiểu là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm mục đích cắt giảm các hàng rào thương mại bằng việc cắt giảm thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ, xúc tiến và tự do hóa đầu tư, chuyển giao công nghệ[1]… Ở FTA truyền thống, các thành viên không có biểu thuế quan chung trong quan hệ thương mại với các nước bên ngoài FTA. Các FTA điển hình theo khái niệm này là: FTA ASEAN (AFTA); FTA Trung Âu (CEFTA)…
FTA thế hệ mới là thuật ngữ mang tính tương đối, thường được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa. Ngoài việc xử lý các nội dung trong các FTA truyền thống, các FTA thế hệ mới còn ghi nhận các nội dung mới hơn như đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình… Đặc biệt, FTA thế hệ mới bao gồm cả các nội dung được coi là “phi thương mại” như lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt…
FTA thế hệ mới góp phần thúc đẩy thương mại tự do, thông qua những FTA này những rào cản thương mại về mặt kinh tế học bị coi là trở ngại cho phát triển dần được xóa bỏ, các quốc gia có thể được hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Khi kinh tế phát triển, các quyền con người, đặc biệt là quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa sẽ có điều kiện bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào thương mại tự do cũng có tác động tích cực đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nói cách khác, các FTA trong khi có thể thúc đẩy quyền con người ở một số nước nhất định, của các nhóm xã hội nhất định, thì đồng thời có thể phá hoại những nỗ lực bảo đảm nhân quyền ở những nước khác, của các nhóm xã hội khác. Các quyền con người thường được cho là bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi thương mại tự do là các quyền của người lao động bao gồm quyền về việc làm, quyền về môi trường, quyền được hưởng các thành tựu của khoa học, kỹ thuật...
2. Những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Thứ nhất, các FTA thế hệ mới góp phần nâng cao cơ hội hưởng thụ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các FTA, đặc biệt là các hiệp định đa phương thế hệ mới đã và sẽ tạo lập những quy tắc thương mại quốc tế theo hướng công bằng, cởi mở hơn, qua đó giúp các quốc gia thành viên phát triển nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân nước mình. Thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế, FTA thế hệ mới giúp gia tăng nguồn lực vật chất của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, để hiện thực hóa các quyền phát triển, quyền có mức sống thích đáng, quyền giáo dục, quyền được chăm sóc y tế, quyền bảo trợ xã hội… những quyền mà phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực của các quốc gia[2].
Đối với Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang đưa tới những cơ hội để Việt Nam phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống về nông, lâm, thủy sản, dệt may và da giày… Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), là một thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều các hiệp định, thỏa thuận, sáng kiến… kinh tế của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5%; người tiêu dùng được sử dụng các loại hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn; dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam hứa hẹn sẽ nhiều hơn[3].
Thứ hai, FTA có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các điều kiện làm việc của người lao động. Tuân thủ các quy định bắt buộc của FTA, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiến hành những cải cách về mặt lập pháp trong lĩnh vực luật lao động, trong đó, có việc thông qua tất cả các công ước cốt lõi của ILO. Thông qua đó, sẽ có những cải thiện nhất định về các vấn đề lao động di cư, tiền công của người lao động, bình đẳng giới, các quyền lao động… Các FTA thế hệ mới khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động của ILO[4], các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN)[5]. Các FTA thế hệ mới thúc đẩy điều kiện làm việc của người lao động, mặc dù, các FTA thế hệ mới không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Thứ ba, các FTA thế hệ mới góp phần hỗ trợ việc tiếp cận thị trường lao động, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương trong độ tuổi lao động. Các FTA không chỉ yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho mọi người lao động, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử về giới tính, tình trạng khuyết tật, dân tộc, chủng tộc mà còn đòi hỏi các quốc gia thành viên phải xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Những quy định này tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiệu quả bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương nêu trên khỏi sự phân biệt đối xử hoặc bóc lột, cưỡng bức lao động[6]. Các điều khoản về lao động ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (giúp tăng tỷ lệ dân số cả nam và nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động).
Thứ tư, các quy định về môi trường trong các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới được coi là “hàng rào xanh” yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo khi hoạt động thương mại. Đối với Việt Nam, các quy định về môi trường trong các FTA có ý nghĩa hết sức to lớn. Đầu tiên, một số vấn đề về môi trường có thể được giải quyết thông qua các luật lệ thương mại trên một số lĩnh vực như bảo vệ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã; buôn bán gỗ hợp pháp; thúc đẩy các sản phẩm môi trường cho các mục đích sử dụng khác nhau mà Việt Nam là một thị trường quan trọng. Tiếp theo, vấn đề đảm bảo môi trường có thể cùng được hỗ trợ bởi việc tự do hóa thương mại, hàng hóa và dịch vụ môi trường hay sẽ được ưu tiên xuất khẩu. Các cam kết ở mức cao và mang tính ràng buộc trong các FTA sẽ là cơ sở cho Việt Nam trong việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường, góp phần vào nỗ lực chung trong các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời, tạo ra sức ép tích cực góp phần vào việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả các chính sách và pháp luật trong nước cũng như các cam kết quốc tế về môi trường của mọi thành phần và đối tượng trong xã hội.
Thứ năm, các FTA không chỉ góp phần bảo vệ các quyền riêng lẻ của con người mà còn thúc đẩy cải cách thể chế chính trị của các quốc gia thành viên theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong các FTA cũng chính là cơ hội để các quốc gia thành viên cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó, có vấn đề quyền con người; cải cách nền quản trị quốc gia theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch hơn… với những sự hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. Cụ thể, quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) trong FTA với Việt Nam (EVFTA) là: Trước khi Hiệp định có hiệu lực chính thức, hai bên cần chuẩn bị và tiến hành các cải cách pháp lý; EU cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để giúp người dân Việt Nam tiếp cận tốt hơn về pháp luật và chính sách… Hoặc trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có riêng một chương về minh bạch hóa và chống tham nhũng, trong đó, yêu cầu các quốc gia thành viên phải đảm bảo luật pháp, quy định và các quy chế hành chính phải được công khai, các quy trình tố tụng, đặc biệt là tố tụng hành chính phải độc lập, không được thiên vị. Các quốc gia cũng được yêu cầu thúc đẩy liêm chính trong bộ máy nhà nước, duy trì hoặc áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của công chức và các biện pháp để chống xung đột lợi ích.
3. Những tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ, chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa và tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động.
Việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước thành viên CPTPP, EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất trong nước, làm giảm cơ hội việc làm của người lao động. Chưa kể tới việc khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, khi các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam rất dễ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với việc mở cửa thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể dẫn tới việc cắt giảm nhân sự (đặc biệt là nhân công tay nghề thấp), thậm chí đóng cửa doanh nghiệp, gây trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp, nhất là ở các quốc gia kém phát triển và đang phát triển như Việt Nam. Những hệ quả khác có thể kéo theo như gia tăng khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội, gia tăng các tệ nạn, gây bất ổn định xã hội...
Thứ hai, các cam kết về sở hữu trí tuệ có thể tác động tiêu cực tới quyền về sức khỏe ở Việt Nam. Mặc dù các FTA thế hệ mới khẳng định đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, không gây trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ nền y tế công cộng của các quốc gia nhưng trong thực tế, các quy định cụ thể về sở hữu trí tuệ vẫn có thể đặt ra một số thách thức đối với việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là quyền được tiếp cận các thuốc điều trị cơ bản. Một trong những vấn đề quan ngại đối với quy định về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới là các quy định này cho phép kéo dài thời gian bảo hộ bản quyền và bằng sáng chế đối với các loại thuốc và quy trình y học. Ví dụ, CPTPP đòi hỏi các quốc gia thành viên kéo dài thời gian độc quyền sáng chế trước khi sản phẩm đó được bán ra thị trường theo giá thuốc gốc. CPTPP cũng yêu cầu các quốc gia thành viên kể cả khi thời gian độc quyền sáng chế đã hết thì các công ty dược phẩm vẫn có thể hạn chế không cho phép sản xuất thuốc gốc. CPTPP đưa ra các yêu cầu gây hạn chế tiếp cận thị trường của các các công ty sản xuất thuốc gốc vào các quốc gia thành viên CPTPP. Những thay đổi này dẫn đến hậu quả là chi phí cho chăm sóc y tế sẽ tăng lên. Như vậy, các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ đặc biệt tác động đến hệ thống y tế, bệnh nhân ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Không ai khác, bệnh nhân sẽ là đối tượng phải gánh chịu chi phí phát sinh hoặc thậm chí không có cơ hội để mua các loại thuốc điều trị thiết yếu để duy trì, hay kéo dài sự sống. Thêm vào đó, quy định về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới cũng ảnh hưởng đến tính sẵn có của nhiều loại thuốc khác.
Thứ ba, các FTA thế hệ mới có thể dẫn đến một số tác động tiêu cực trong lĩnh vực lao động. Về việc áp dụng, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn lao động, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các FTA thế hệ mới. Đối với quốc gia đang phát triển, thị trường lao động sử dụng lợi thế giá rẻ chiếm đa số như Việt Nam thì việc thực hiện các cam kết về lao động trong các FTA có thể sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh về lao động. Về vấn đề công đoàn, các FTA thế hệ mới yêu cầu các quốc gia thành viên cho phép thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp cơ sở độc lập với hệ thống từ trung ương tới cơ sở. Đây là một cơ chế hoàn toàn mới so với công đoàn hiện nay và được coi là một thách thức lớn với Việt Nam, vì Luật Công đoàn hiện hành của Việt Nam chưa cho phép người lao động được thành lập và đăng ký một công đoàn độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam...
Thứ tư, là những thách thức trong lĩnh vực môi trường. Quyền được sống trong môi trường trong lành là một trong những quyền cơ bản của con người. Môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người. Quyền về môi trường và bảo vệ môi trường là hai vấn đề liên quan mật thiết, bảo vệ môi trường chính là đảm bảo cho những quyền về môi trường của con người. Bên cạnh những mặt tích cực, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít những thách thức, do điều kiện năng lực thực thi các vấn đề môi trường ở Việt Nam còn hạn chế, khó khăn, đặc biệt là về tài chính để giải quyết các tranh chấp môi trường nên để đảm bảo các cam kết môi trường cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân.
4. Một số kiến nghị
Từ những phân tích trên có thể thấy, các FTA thế hệ mới đều có những tác động tích cực và tiêu cực tới nhân quyền. Nói theo cách khác, các quyền con người đều có thể được củng cố, thúc đẩy hoặc bị phá hoại, ảnh hưởng tiêu cực bởi các FTA nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng. Do đó, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam cần xác định những biện pháp để phát huy tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của các FTA tới nhân quyền.
Trước hết, Nhà nước cần công khai các hiệp định cùng những tài liệu liên quan đến quá trình đàm phán, đặc biệt là các tài liệu liên quan đến ảnh hưởng của các FTA tới nhân quyền để người lao động được biết. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở học thuật, các tổ chức xã hội nghiên cứu, thảo luận, thực hiện đánh giá, cũng như tham gia thực hiện các biện pháp thúc đẩy tác động tích cực, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các FTA với nhân quyền.
Trong lĩnh vực lao động, Việt Nam cần nỗ lực tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tiếp tục phê chuẩn các công ước của ILO. Tiếp đó, cần nội luật hóa đầy đủ các quy định của ILO vào hệ thống pháp luật quốc gia và có đầy đủ các biện pháp bảo đảm thực thi trên thực tế; tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật lao động và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới nếu cần thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thực hiện hiệu quả các FTA.
Tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động để phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động về những quyền, lợi ích mà họ sẽ được nhận cũng như những nghĩa vụ họ sẽ phải thực hiện trên cơ sở các FTA mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, cần giám sát việc thực hiện công việc của những bộ phận tiếp thu ý kiến phản hồi của người lao động về việc bảo đảm quyền lợi của họ trong quá trình làm việc. Với cơ chế hoạt động như vậy sẽ đảm bảo được người lao động biết họ có những quyền gì và nếu như bị vi phạm quyền lợi họ sẽ được bảo vệ như thế nào.
Về vấn đề việc làm, có rất nhiều nguy cơ đẩy người lao động Việt Nam vào tình trạng thất nghiệp dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới dẫn tới những khó khăn trong việc thụ hưởng, thực thi, phát triển quyền con người của họ. Việt Nam cần tiến hành đồng thời các biện pháp tích cực mang tính chiến lược hỗ trợ cho sự phát triển an toàn, bền vững nguồn nhân lực, bảo vệ quyền cho người lao động, điều này sẽ góp phần quan trọng tạo ra sự gia tăng tác động tích cực của việc thực thi các hiệp định thương mại tự do nhằm bảo vệ, chống lại nạn thất nghiệp cho lao động Việt Nam.
Trong lĩnh vực môi trường, để khắc phục những tác động tiêu cực của các FTA thế hệ mới tới quyền về môi trường của con người, Việt Nam cần phải chuẩn bị nhân lực, vật chất và phân công trách nhiệm để thực hiện các nội dung cũng như các yêu cầu về môi trường trong các hiệp định này. Trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường theo hướng tiệm cận với pháp luật quốc tế. Nhà nước cần ban hành những biện pháp nhằm mục đích ngăn ngừa tác hại của môi trường, bảo đảm đền bù tối thiểu, sử dụng bền vững tài nguyên tự nhiên; thu thập và phổ biến thông tin liên quan tới môi trường; đánh giá trước, kiểm soát, cấp giấy phép, ban hành quy định hay ngăn cấm các hoạt động và những nguồn gây hại tới môi trường; kêu gọi sự tham gia của công chúng vào việc ban hành các quyết định có liên quan; khôi phục và đền bù thiệt hại theo thủ tục tư pháp và hành chính đối với những thiệt hại do môi trường gây ra và những đe dọa; giám sát, quản lý và chia sẻ một cách công bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên; có biện pháp kiểm soát chất thải gây hại; có biện pháp bảo đảm hợp tác xuyên quốc gia trong thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tôn trọng nhân quyền.
Tóm lại, việc tham gia các FTA thế hệ mới đã và đang mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển. Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần thận trọng, áp dụng đồng thời tất cả các biện pháp, chính sách từ tiến hành nghiên cứu, đánh giá các tác động của FTA trên từng lĩnh vực trong đó có quyền con người cho tới rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế trong nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phù hợp với các nội dung quy định của FTA nhằm phát huy được các tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của văn kiện thương mại này đối với sự phát triển của Việt Nam.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. ThS. NCS. Nguyễn Minh Tâm, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, “Về ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại tự do với quyền con người”, Sách chuyên khảo: Ảnh hưởng của thương mại tự do đến nhân quyền, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
[2]. PGS.TS. Vũ Công Giao, “Tác động hai chiều của các Hiệp định thương mại tự do với việc bảo đảm quyền con người”, Sách chuyên khảo: Ảnh hưởng của thương mại tự do đến nhân quyền, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
[3]. Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-4882-2015-nam-cua-dau-an-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do.html.
[4]. Tiêu chuẩn lao động quốc tế được xây dựng bởi ILO, bằng việc ban hành khoảng 190 công ước và 200 khuyến nghị, trong đó tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được quy định bởi tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc năm 1998 (Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work).
[5]. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995, chỉ có 04 FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 01/2015, đã có 72 FTA có nội dung về lao động.
[6]. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khẳng định: Cam kết đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc ký tại SanFrancisco ngày 26/6/1945 và quan tâm đến những nguyên tắc được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 10/12/1948.