1. Giới thiệu chung
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của Liên Hợp quốc về vấn đề quyền con người. Cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 (Công ước ICESCR) và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 (gọi tắt là Tuyên ngôn UDHR), Công ước ICCPR trở thành một trong ba trụ cột của Bộ luật Nhân quyền quốc tế - nhóm văn kiện nền tảng cho sự hình thành và phát triển các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản trên thế giới.
Công ước ICCPR được thông qua theo Nghị quyết số 2200A (XXI) của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào ngày 16/12/1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 23/03/1976. Cho đến nay, với sự tham gia của 173/193 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, Công ước ICCPR đã trở thành một trong những điều ước quốc tế có số lượng thành viên đông đảo nhất.
Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của cá nhân, Công ước ICCPR đã trở thành nền tảng pháp lý cho sự ra đời của các điều ước quốc tế chuyên biệt về sau như: Công ước về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục người khác năm 1984; Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về quyền trẻ em năm 1989… Xuyên suốt 53 điều, Công ước ICCPR ghi nhận 01 quyền của tập thể (quyền tự quyết dành cho các dân tộc (Điều 1) và 18 nhóm quyền căn cốt, cơ bản gắn liền với mỗi cá nhân như quyền sống, tự do và an ninh cá nhân; quyền không bị phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật; quyền được xét xử công bằng; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền được bảo vệ bí mật đời tư; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ý kiến và biểu đạt; quyền tự do lập hội; quyền tự do hội họp một cách hòa bình; quyền tham gia vào đời sống chính trị;…
2. Nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự và chính trị thông qua việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966
Thứ nhất, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp quốc (năm 1977) và gia nhập Công ước ICCPR (năm 1982), Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên của Công ước ICCPR. Điều này được minh chứng thông qua công tác: (i) Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; (ii) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị với nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Công ước ICCPR ở cấp độ quốc gia; (iii) Tăng cường thực thi pháp luật trong tất cả các lĩnh vực và (iv) Thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia định kỳ thực thi Công ước ICCPR với 04 lần nộp báo cáo quốc gia lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023.
Hơn 40 năm gia nhập Công ước ICCPR, Việt Nam đã có những bước phát triển trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hàng trăm đạo luật đã được rà soát, xây dựng và hoàn thiện. Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Việt Nam đã thông qua 56 luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022…
Bên cạnh đó, để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, theo đó, xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành từng loại văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, đánh giá tác động về giới... Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình đề xuất, xây dựng đều được đánh giá để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[1]. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng có thể được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành; xây dựng và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[2]. Ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp luật để trực tiếp ghi nhận, bảo vệ quyền con người, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khung khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể. Hiện nay, Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận thông tin, hiểu rõ hơn và có cơ hội thực hiện quyền của mình, chẳng hạn như: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012,…
Việc hoàn thiện khung khổ pháp luật để thúc đẩy quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới, trong đó có Việt Nam vừa trải qua đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, cản trở nghiêm trọng việc thụ hưởng quyền của các cá nhân. Trong giai đoạn dịch bệnh, Quốc hội đã kịp thời ban hành các nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng được ban hành trong giai đoạn này để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân trong bối cảnh dịch bệnh (ví dụ như: Quyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19,…).
Thứ hai, kể từ năm 2013, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực thi Công ước ICCPR, cũng trong năm này, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng quy định về quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nguyên tắc: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[3], đồng thời cũng quy định rõ, “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác... Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”[4]. Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về hạn chế quyền, theo đó: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[5].
Sau khi tiếp nhận vai trò đầu mối xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 487/QĐ-BTP ngày 04/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Công ước ICCPR. Đây được coi là Kế hoạch đầu tiên của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Công ước ICCPR, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ ba thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2017.
Sau khi Việt Nam đệ trình Báo cáo quốc gia, ngày 03/8/2018, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc (Ủy ban) gửi Danh sách các vấn đề Ủy ban quan tâm (LOI) gồm 27 đoạn. Việt Nam đã xây dựng Báo cáo trả lời LOI bao gồm 119 đoạn và 04 phụ lục cung cấp các thông tin bổ trợ cho nội dung Báo cáo. Tại Phiên họp lần thứ 125, Ủy ban đã tổ chức phiên đối thoại đối với Việt Nam về báo cáo này vào ngày 11 - 12/3/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ. Ngày 28/3/2019, Ủy ban đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo quốc gia của Việt Nam. Bản khuyến nghị có tổng cộng 59 đoạn, trong đó tại đoạn 58 của Bản khuyến nghị, Ủy ban có yêu cầu Việt Nam cung cấp các thông tin về việc triển khai các khuyến nghị nêu tại đoạn 24, 46 và 52 Bản khuyến nghị vào ngày 29/3/2021. Tại đoạn 59 Bản khuyến nghị, Ủy ban yêu cầu Việt Nam nộp Báo cáo định kỳ tiếp theo vào ngày 29/03/2023 và có báo cáo cụ thể, cập nhật thông tin về việc triển khai các khuyến nghị nêu tại Bản khuyến nghị và về Công ước ICCPR nói chung.
Để triển khai thực hiện Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban, ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban (Quyết định số 1252/QĐ-TTg). Cho đến nay, khoảng 40 bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch riêng thực hiện các khuyến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3028/QĐ-BTP ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp trong việc thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban. Bên cạnh đó, các khuyến nghị cũng được tiến hành hiệu quả thông qua việc lồng ghép với các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030,...
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 cho giai đoạn 2019 - 2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4. Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 được chia thành 2 phần (Phần I Thông tin chung và Phần II về Báo cáo về các quy định cụ thể) với tổng số 135 đoạn, trong đó tình hình thực hiện đối với từng điều và khuyến nghị được phân chia cụ thể, rõ ràng tại Phần II của Báo cáo. Báo cáo này cũng được trình bày theo đúng yêu cầu của Ủy ban với dung lượng không vượt quá 21.200 từ. Cùng với Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4, Việt Nam đã nộp 05 Phụ lục kèm theo, bao gồm: Phụ lục 1 (Các Kế hoạch thực hiện Công ước ICCPR); Phụ lục 2 (Danh mục luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan (năm 2019 - 2022)); Phụ lục 3 (Danh mục các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị (năm 2019 - 2022)); Phụ lục 4 (Các chương trình mục tiêu quốc gia (năm 2021 - 2025)) và Phụ lục 5 (Thông tin về một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông). Báo cáo đã được nộp và đăng tải trên website của Ủy ban.
3. Khó khăn, thách thức và đề xuất, kiến nghị
Hơn 40 năm triển khai thực hiện Công ước ICCPR, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam còn có nhiều khó khăn, thách thức, trong số đó có thể kể đến thách thức do hoàn cảnh lịch sử, trong một thời gian dài, Việt Nam là quốc gia kém phát triển, phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước mà hậu quả là nền kinh tế kiệt quệ, môi trường bị tàn phá, nguồn lực bị hạn chế, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiều mục tiêu tốt đẹp trong chính sách xã hội liên quan đến quyền con người. Với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực trong thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực từng bước đẩy mạnh việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Do mới thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực của đất nước còn hạn chế trong khi đó lại phải phân bổ sử dụng cho việc thực hiện rất nhiều nhu cầu khác về kinh tế - xã hội trong đó có việc bảo đảm quyền con người. Mức độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các vùng và các nhóm dân cư, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt các nguồn lực dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Những rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, mà đối tượng chịu tác động nặng nề nhất chính là các nhóm yếu thế, vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Do thiếu hụt nguồn lực, nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn đã gây ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người dân.
Trong khi khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế do đây là vấn đề cần có sự đầu tư lớn và nhiều thời gian; các điều kiện cần và đủ để bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả không phải lúc nào cũng được bảo đảm đầy đủ đã ảnh hưởng tới việc đạt được những mục tiêu đề ra. Hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện hiệu quả pháp luật và Công ước ICCPR.
Bên cạnh đó, giáo dục về quyền con người, quyền công dân trong các cấp học, mặc dù đã được quan tâm và đẩy mạnh nhưng so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách nhất định. Nội dung giảng dạy về quyền con người nói chung và các quyền cụ thể còn đơn giản và chưa phù hợp với cấp học và độ tuổi, phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, nội dung các quy định pháp luật. Một số phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại đã cản trở phụ nữ và một số đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số trong việc chủ động bảo vệ các quyền của chính mình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bạo lực trong gia đình vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp. Những vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc hưởng thụ các quyền mà còn là thách thức đối với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trước những biến động của tình hình khu vực và quốc tế như các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang tại một số khu vực, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố diễn ra nhiều nơi trên thế giới, suy thoái kinh tế, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cao… đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người dân mà còn làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển quyền dân sự, chính trị. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan chủ trì thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trong quá trình xây dựng báo cáo quốc gia và thực hiện Công ước ICCPR.
Các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm triển khai các công việc được phân công cụ thể tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg, từ đó góp phần bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói chung và thực hiện các quy định của Công ước ICCPR nói riêng, trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Công ước ICCPR, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân để công tác này được hiệu quả hơn.
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Giang
ThS. Lê Thị Hồng Hải
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đề cập về bảo đảm sự phù hợp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với điều ước quốc tế có thể kể đến như khoản 5 Điều 5, khoản 2 Điều 32, khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 34, khoản 2 Điều 36, khoản 3 Điều 39, khoản 2 Điều 55…
[2]. Khoản 3 Điều 12, khoản 1 Điều 51, khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[3]. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Khoản 2, khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013.
[5]. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 385), tháng 7/2023)