1. Điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật Liên bang Nga
1.1. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi
Pháp luật Liên bang Nga không phân định rõ điều kiện của người nhận nuôi con nuôi và điều kiện của người được nhận làm con nuôi. Những điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi nằm rải rác ở các điều luật khác nhau. Tựu chung lại, người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây[1]:
(i) Người nhận nuôi con nuôi phải là người đã thành niên trừ những trường hợp sau đây: Người đã được Tòa án công nhận không có năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị Tòa án tước hoặc hạn chế quyền làm cha mẹ; người bị tước quyền giám hộ do không thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; người đã từng nhận con nuôi nhưng do có tội bị Toà án huỷ việc nuôi con nuôi; người do tình trạng sức khoẻ không thể thực hiện được quyền làm cha, mẹ; người mà tại thời điểm xin con nuôi không có thu nhập đủ để nuôi dưỡng con nuôi ở mức tối thiểu do pháp luật của Liên bang Nga nơi người xin con nuôi cư trú quy định; người không có nơi sinh sống ổn định; người mà tại thời điểm xin con nuôi phạm tôi cố ý gây thiệt hại cho sinh mạng hoặc sức khoẻ của người khác; người sống trong nhà không có điều kiện vệ sinh và an toàn kỹ thuật.
(ii) Những người không đang trong tình trạng hôn nhân không thể cùng nhận một trẻ em làm con nuôi. Điều đó cũng có nghĩa là một trẻ em chỉ có thể nhận một người làm cha nuôi hoặc mẹ nuôi trừ trường hợp làm con nuôi chung của hai vợ chồng.
(iii) Về ưu tiên trong việc nhận nuôi con nuôi: Khi có nhiều người cùng muốn nhận một trẻ em làm con nuôi thì ưu tiên người có họ hàng trước khi họ đáp ứng được các điều kiện trên và trên hết là vì lợi ích của đứa trẻ.
(iv) Về khoảng cách độ tuổi[2]: Bộ luật Gia đình Liên bang Nga chỉ quy định khoảng cách độ tuổi giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi trong trường hợp người độc thân (không trong tình trạng hôn nhân) là không được ít hơn 16 tuổi. Đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế thì không bị áp dụng điều kiện này. Tức là không cần có khoảng cách về độ tuổi.
1.2. Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi
Pháp luật Liên bang Nga không có điều luật riêng về điều kiện đối với người được nhận nuôi con nuôi. Dựa trên nội dung các điều luật cụ thể, có thể rút ra một số điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi như sau:
(i) Người chưa thành niên[3]: “Chỉ cho phép nhận trẻ em chưa đến tuổi thành niên làm con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ em theo các quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật này, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, tinh thần và nhân cách”.
(ii) Trẻ em là anh chị em ruột không thể làm con nuôi của những người khác nhau trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Quy định này có ưu điểm là đảm bảo sự gắn kết về mặt huyết thống giữa những người ruột thịt, nếu là anh chị em ruột cùng được một người nhận làm con nuôi thì rõ ràng họ không bị chia cắt. Thêm vào đó, nếu một người mắc những loại bệnh cần đến yếu tố di truyền để chữa trị thì sẽ có cơ hội chữa bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình khi nhận con nuôi họ chỉ muốn nhận nuôi một con nuôi. Nếu đây là một quy định cứng thì anh chị em còn lại của người được nhận làm con nuôi sẽ mất cơ hội tìm kiếm gia đình thay thế. Do đó, quy định “trừ trường hợp việc nuôi con nuôi được giải quyết phù hợp với lợi ích của trẻ em” (khoản 3 Điều 124 Bộ luật Gia đình Liên bang Nga) đã làm cho quy định trên có lối mở phù hợp.
Ngoài ra, pháp luật Liên bang Nga còn quy định người được nhận nuôi là công dân Nga chỉ được làm con nuôi người nước ngoài hoặc người không quốc tịch khi không thể được nhận con nuôi ở trong nước hoặc không thể được người họ hàng của người đó (có bất cứ quốc tịch nước nào và cư trú ở đâu) nhận nuôi. Bên cạnh đó, chỉ khi trẻ em sau sáu tháng kể từ ngày thông tin về trẻ thuộc diện không được cha mẹ chăm sóc được đưa vào dữ liệu ngân hàng liên bang về trẻ em thuộc diện không được cha mẹ chăm sóc theo quy định của pháp luật thì mới được làm con nuôi của công dân Liên bang Nga thường trú ngoài lãnh thổ Liên bang Nga, công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch không có họ hàng với đứa trẻ[4].
1.3. Sự tự nguyện của các chủ thể trong việc nuôi con nuôi
(i) Sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi[5]
Việc nhận nuôi con nuôi đương nhiên cần sự đồng ý của cha mẹ đẻ. Trong trường hợp mẹ đẻ là người chưa thành niên, chưa đủ 16 tuổi thì phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ của mẹ đẻ (tức là của ông bà) hoặc của người giám hộ; nếu cha mẹ đẻ không còn thì cần có sự đồng ý của cơ quan giám hộ và trợ tá. Việc đồng ý của cha mẹ đẻ phải được lập thành văn bản được công chứng hoặc do người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hoặc do cơ quan giám hộ và trợ tá nơi giải quyết việc nuôi con nuôi hay nơi cư trú của cha mẹ đẻ xác nhận, hoặc sự đồng ý của cha mẹ đẻ được thể hiện trực tiếp tại phiên toà giải quyết việc nuôi con nuôi. Cha mẹ đẻ có thể thay đổi quyết định của mình trước khi Toà án ra quyết định về việc nuôi con nuôi. Cha mẹ đẻ chỉ có thể đồng ý cho con mình làm con nuôi sau khi trẻ được sinh ra.
Bên cạnh đó, pháp luật Liên bang Nga còn quy định những trường hợp trẻ em đi làm con nuôi không cần sự đồng ý của cha mẹ đẻ nếu không xác định được cha mẹ đẻ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ bị Toà án tuyên bố mất tích; bị mất năng lực hành vi dân sự; bị Tòa án tước quyền của cha mẹ; không sống cùng con 06 tháng trở lên và từ chối giáo dục, nuôi dưỡng đứa trẻ mà không có lý do và được Tòa án cho là xác đáng[6]. Ở đây có một điểm khác biệt so với pháp luật Việt Nam là “không sống cùng con 06 tháng trở lên và từ chối giáo dục, nuôi dưỡng đứa trẻ mà không có lý do và được Tòa án cho là xác đáng”. Quy định này của pháp luật Liên bang Nga là hơi hà khắc với cha mẹ đẻ nhưng nếu xét ở một góc độ khác thì việc nuôi con nuôi sẽ là cứu cánh cho đứa trẻ đang không được sống chung với cha mẹ và đang không được cha mẹ chăm sóc, giáo dục.
(ii) Sự đồng ý của người giám hộ, người nuôi dưỡng thay thế, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em[7]
Trong những trường hợp nhất định, việc nhận nuôi con nuôi phải có sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ; hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của người nuôi dưỡng thay thế nếu trẻ em đang được nuôi dưỡng tại gia đình; hoặc có sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo vệ xã hội nếu trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đó. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích của đứa trẻ, Toà án có quyền ra quyết định việc nuôi con nuôi mà không cần sự đồng ý của các chủ thể trên. Quy định này là khác biệt so với pháp luật Việt Nam, tránh tình trạng các chủ thể trên vì những lý do không chính đáng hoặc lý do cá nhân cản trợ việc nuôi con nuôi, không đồng ý cho trẻ em đi làm con nuôi.
(iii) Sự đồng ý của người được nhận làm con nuôi[8]
Pháp luật Liên bang Nga quy định trẻ em từ 10 tuổi trở lên sẽ được thể hiện sự đồng ý có muốn đi làm con nuôi hay không trừ khi trước khi nộp đơn xin nhận trẻ em làm con nuôi thì đứa trẻ đó đã sống ở gia đình người xin nhận con nuôi và coi người đó như cha mẹ mình. Điều này thể hiện rằng, việc nuôi con nuôi thực tế đang xảy ra và việc cho phép nuôi con nuôi chỉ là hợp pháp hóa việc nuôi đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, dù trong hoàn cảnh nào cũng cần có sự đồng ý của người được nhận làm con nuôi khi đã 10 tuổi trừ khi đứa trẻ bị tâm thần, bị một loại bệnh nào đó không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
(iv) Sự đồng ý của vợ hoặc chồng của người nhận nuôi con nuôi
Pháp luật Liên bang Nga có quy định về ý chí của một bên vợ hoặc chồng không muốn nhận con nuôi nhưng thể hiện ý chí đồng ý cho chồng hoặc vợ mình nhận nuôi con nuôi. Nếu việc nhận nuôi con nuôi hoàn tất thì giữa đứa trẻ lả con nuôi của một bên vợ, chồng với bên chồng, vợ còn lại là quan hệ giữa con riêng và cha dượng hoặc mẹ kế chứ không phải là quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
2. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo pháp luật Liên bang Nga[9]
2.1. Quan hệ giữa người được nhận nuôi với người nhận nuôi con nuôi và những mối quan hệ gia đình liên quan đến việc nuôi con nuôi
(i) Luật Liên bang Nga quy định cụ thể về các mối quan hệ sau khi hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi, đó là:
- Giữa người nhận nuôi, họ hàng của người nhận nuôi và người được nhận nuôi sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản như quan hệ giữa những người ruột thịt.
- Giữa con cái, cháu chắt… của người con nuôi và cha mẹ nuôi, họ hàng của cha mẹ nuôi phát sinh quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản như quan hệ giữa những người ruột thịt.
(ii) Một số hệ quả liên quan đến giấy tờ hộ tịch sau khi làm con nuôi như sau[10]:
- Khi làm con nuôi, trẻ em được giữ họ và tên của mình. Tuy nhiên, theo đề nghị của cha mẹ nuôi, họ của người con nuôi được xác định theo họ của cha, mẹ nuôi. Sự thay đổi họ tên của người con nuôi sẽ phải hỏi ý kiến của người con đã từ 10 tuổi trở lên trừ trường hợp con nuôi đã sống tại gia đình cha mẹ nuôi và lúc đó đã coi như họ như cha mẹ của mình từ trước khi nộp đơn xin nhận nuôi con nuôi. Việc thay đổi này phải được ghi trong quyết định của Tòa án về nuôi con nuôi. Điều này là cơ sở để thay đổi các thông tin cá nhân trong giấy tờ hộ tịch.
Thay đổi ngày sinh và nơi sinh của người con nuôi có thể được thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ nuôi để đảm bảo bí mật của việc nuôi con nuôi với điều kiện không thay đổi quá ba tháng so với ngày sinh của đứa trẻ và chỉ được phép thay đổi ngày sinh khi đứa trẻ đó đang trong độ tuổi dưới một năm trừ khi có lý do chính đáng do Tòa án xác định thì có thể thay đổi ngày sinh đối với trẻ em từ một tuổi trở lên. Việc thay đổi ngày sinh, nơi sinh được ghi trong quyết định của Toà án về nuôi con nuôi[11]. Quy định này thể hiện xu hướng lập pháp đảm bảo quyền và lợi ích của người nhận nuôi con nuôi mong muốn nuôi con nuôi trong vòng bí mật. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với quyền cơ bản của trẻ em là quyền được biết nguồn gốc huyết thống, biết cha mẹ mình là ai và được cha mẹ mình chăm sóc. Bộ luật Gia đình Liên bang Nga còn quy định trách nhiệm giữ bí mật về việc nuôi con nuôi đối với các chủ thể có liên quan trong việc nuôi con nuôi. Nếu tiết lộ về nuôi con nuôi trái ý muốn của cha mẹ nuôi sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật[12].
- Việc ghi tên cha mẹ nuôi vào sổ nuôi con nuôi được thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, nếu người con nuôi từ 10 tuổi trở lên phải hỏi ý kiến trừ khi người con nuôi đã sống chung và coi người nhận nuôi con nuôi như cha mẹ mình[13].
(iii) Trẻ em khi làm con nuôi thì có quyền được hưởng lương hưu và trợ cấp khi cha mẹ nuôi chết. Quy định này thể hiện rõ tính nhân văn, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người con nuôi.
2.2. Quan hệ giữa người đã làm con nuôi người khác với gia đình gốc
Pháp luật Liên bang Nga đã quy định: “Trẻ em được cho làm con nuôi chấm dứt quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản đối với cha mẹ đẻ”. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng cho con đi làm con nuôi người khác thì có thể vẫn duy trì quyền và nghĩa vụ giữa người con đó với bên chồng hoặc vợ còn lại. Hoặc nếu một trong hai bên cha mẹ đẻ của đứa trẻ đi làm con nuôi chết thì theo đề nghị của cha mẹ người đã chết có thể vẫn duy trì quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản với họ hàng gia đình gốc khi điều đó là cần thiết cho lợi ích của đứa trẻ. Việc duy trì mối quan hệ giữa cha đẻ và con đẻ đã đi làm con nuôi, giữa con đẻ đã đi làm con nuôi được ghi trong quyết định Tòa án về nuôi con nuôi[14]. Đây có thể coi như là một cơ chế bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người con nuôi.
3. Chấm dứt việc nuôi con nuôi
3.1. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi
Pháp luật Liên bang Nga không dùng thuật ngữ “chấm dứt việc nuôi con nuôi” mà dùng thuật ngữ “huỷ bỏ việc nuôi con nuôi” và căn cứ huỷ bỏ việc nuôi con nuôi bao gồm: Người nuôi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ làm cha mẹ, lạm dụng quyền cha mẹ, đối xử tàn ác với con nuôi, là người mắc bệnh nghiện rượu hoặc ma tuý. Hoặc toà án có quyền huỷ việc nuôi con nuôi do những lý do khác vì lợi ích của trẻ và có cân nhắc ý kiến của trẻ em[15]. Bên cạnh đó, pháp luật Liên bang Nga quy định, nếu tại thời điểm nhận đơn yêu cầu huỷ việc nuôi con nuôi mà người con nuôi đã thành niên thì không huỷ việc nuôi con nuôi, trừ khi cha mẹ nuôi và con nuôi đều tự nguyện huỷ việc nuôi con nuôi đó[16]. Như vậy, pháp luật Liên bang Nga coi việc huỷ bỏ việc nuôi con nuôi chính là việc chấm dứt việc nuôi con nuôi khi trong quá trình nuôi con nuôi cha mẹ nuôi có những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người con nuôi. Mặt khác, pháp luật Liên bang Nga chỉ tập trung vào việc soi xét yếu tố lỗi của cha mẹ nuôi mà chưa đề cập đến yếu tố lỗi từ phía con nuôi khi đưa ra căn cứ huỷ việc nuôi con nuôi.
Pháp luật Liên bang Nga quy định quyền yêu cầu huỷ việc nuôi con nuôi bao gồm cha mẹ đẻ của trẻ, cha mẹ nuôi, trẻ em được cho làm con nuôi từ 14 tuổi trở lên, cơ quan giám hộ và trợ tá, công tố viên[17].
3.2. Hệ quả pháp lý khi chấm dứt việc nuôi con nuôi
Pháp luật Liên bang Nga quy định khá rõ ràng về các mối quan hệ gia đình sau khi quan hệ nuôi con nuôi bị huỷ, cụ thể như sau[18]: Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi, họ hàng của cha mẹ nuôi với người con nuôi chấm dứt; quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi với cha mẹ đẻ, họ hàng ruột thịt của cha mẹ đẻ được khôi phục nếu lợi ích của trẻ đòi hỏi. Như vậy, việc khôi phục quan hệ với gia đình gốc trong pháp luật Liên bang Nga không đương nhiên mà phải vì lợi ích của trẻ em là con nuôi. Đây là điểm khác biệt so với pháp luật Việt Nam. Để “bọc lót” cho quy định này, pháp luật Liên bang Nga quy định sau khi huỷ việc nuôi con nuôi, trẻ em được giao lại cho cha mẹ đẻ. Nếu không có cha mẹ đẻ hoặc việc giao trẻ em cho cha mẹ đẻ đi ngược lại với lợi ích của đứa trẻ thì đứa trẻ được giao cho cơ quan giám hộ và trợ tá chăm sóc. Đây là một quy định thể hiện rất rõ quan điểm lập pháp rằng, tất cả vì lợi ích của trẻ em.
Ngoài ra, Toà án khi giải quyết huỷ việc nuôi con nuôi con nuôi sẽ giải quyết luôn vấn đề có cho trẻ em tiếp tục giữ họ tên đang dùng từ khi được nhận làm con nuôi không, nếu đứa trẻ 10 tuổi trở lên sẽ hỏi ý kiến của trẻ em đó. Một vấn đề khá đặc biệt của pháp luật Liên bang Nga là người đã từng là cha mẹ nuôi sẽ phải trả tiền chăm sóc trẻ em theo mức mà pháp luật quy định vì lợi ích của trẻ em đó. Rõ ràng việc nuôi con nuôi đã chấm dứt nhưng giữa họ vẫn có thể tồn tại một mối quan hệ về tài sản vì lợi ích của trẻ em đã từng làm con nuôi.
4. Một số giải pháp cho pháp luật nuôi con nuôi của Việt Nam
Thứ nhất, pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam có thể tham khảo pháp luật Liên bang Nga để bổ sung các trường hợp không được nhận nuôi con nuôi như: Người nhận nuôi con nuôi đã từng là người giám hộ cho trẻ em đó và đã bị chấm dứt việc giám hộ do vi phạm quyền và nghĩa vụ của người giám hộ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người giám hộ; người nhận nuôi con nuôi đã từng là cha mẹ nuôi của trẻ em đó và đã bị huỷ việc nuôi do vi phạm mục đích của việc nuôi hoặc bị chấm dứt việc nuôi con nuôi do vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người con nuôi.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam có thể tham khảo pháp luật Liên bang Nga để ưu tiên cho người đã nhận con nuôi được nhận tiếp con nuôi là anh chị em ruột của người con nuôi trước. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ coi đây là trường hợp nuôi con nuôi đích danh trong trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo quan điểm của chúng tôi, cần có sự ưu tiên hơn về thứ tự chủ thể được nhận con nuôi, về điều kiện nhận nuôi con nuôi nhằm đảm bảo cho trẻ em là anh chị em ruột của nhau được làm con nuôi trong cùng một gia đình. Điều này sẽ làm khăng khít, không tách rời về quan hệ huyết thống.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam có thể tham khảo pháp luật Liên bang Nga, tước quyền thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ trong việc nuôi con nuôi khi cha mẹ “không sống cùng con sáu tháng trở lên và từ chối giáo dục, nuôi dưỡng đứa trẻ mà không có lý do và được Tòa án cho là xác đáng” nhưng cần chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá truyền thống của Việt Nam là khi cha mẹ bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con ngay cả khi đã có yêu cầu Toà án mà không có lý do chính đáng thì khi đứa trẻ có người nhận nuôi, cha mẹ đẻ không được thể hiện ý chí nữa.
Thứ tư, pháp luật Việt Nam có thể tham khảo pháp luật Liên bang Nga đối với trường hợp đặc biệt là không cần sự đồng ý của người giám hộ, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng vì lợi ích của đứa trẻ. Nhằm tránh tình trạng vì lý do không chính đáng, lý do cá nhân mà người giám hộ hoặc cơ sở nuôi dưỡng nhất định không đồng ý cho trẻ em đi làm con nuôi.
Thứ năm, pháp luật Việt Nam có thể tham khảo pháp luật Liên bang Nga về giữ bí mật việc nuôi con nuôi khi người nhận nuôi con nuôi không muốn tiết lộ việc nuôi con nuôi đó, trừ trường hợp vì lý do chính đáng như phải chữa bệnh qua sự trợ giúp của người cùng huyết thống. Việc giữ bí mật việc nuôi con nuôi cũng giúp cho cả hai bên toàn tâm toàn ý trong quan hệ giữa cha mẹ và con.
Thứ sáu, pháp luật Việt Nam có thể sửa theo hướng ghi nhận cụ thể các mối quan hệ trong việc nuôi con nuôi như quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi, con nuôi với họ hàng thân thích của cha mẹ nuôi, con cháu của người con nuôi với cha mẹ nuôi và họ hàng của họ và giữa họ phát sinh các quyền và nghĩa vụ như những người ruột thịt. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam có thể quy định rõ ràng hai hình thức nuôi con nuôi đơn giản và nuôi con nuôi trọn vẹn để họ cân nhắc về hệ quả pháp lý của việc nhận con nuôi trước khi quyết định. Đặc biệt đối với trường hợp một bên vợ, chồng nhận con riêng của chồng hoặc vợ mình làm con nuôi thì hệ quả pháp lý đối với bố mẹ đẻ sẽ khác nhau. Cần quy định theo hướng tương tự như pháp luật Liên bang Nga là chỉ chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con với một bên cha, mẹ đẻ, còn đối với bên cha, mẹ đang là vợ, chồng của người nhận nuôi con nuôi vẫn tồn tại quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, khi chấm dứt hôn nhân giữa cha đẻ với mẹ nuôi hoặc mẹ đẻ với cha nuôi, pháp luật cần quy định rõ việc đứa trẻ sẽ được ai nuôi dưỡng? Dựa trên lợi ích của đứa trẻ hay dựa trên sự kiện đã cho con đi làm con nuôi? Theo quan điểm của chúng tôi, cần dựa trên lợi ích của đứa trẻ và coi đứa trẻ đó như là một dạng “con chung đặc biệt”.
Thứ bảy, pháp luật Việt Nam cần phân biệt giữa chấm dứt việc nuôi con nuôi và huỷ việc nuôi con nuôi để xác định hậu quả pháp lý của hai trường hợp này là khác nhau nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi.
Thứ tám, pháp luật Việt Nam cần thảm khảo pháp luật Liên bang Nga khi quy định hậu quả chấm dứt việc nuôi con nuôi. Cụ thể, sau khi việc nuôi con nuôi chấm dứt không đương nhiên đứa trẻ được trao trả về cho cha mẹ đẻ vì lợi ích của trẻ em đó. Tuy nhiên, nếu việc giao trẻ em cho cha mẹ đẻ làm cho đứa trẻ bất lợi thì có thể xem xét việc giao trẻ em cho những người thân thích của trẻ em theo thứ tự ưu tiên nhất định. Chỉ khi không có người thân thích thì mới giao trẻ em đó cho các cơ sở nuôi dưỡng.
Trường Đại học Luật Hà Nội