Tóm tắt: Bài viết này phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật hình sự Việt Nam về trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
Abstract: This article analyzes and evaluates the current situation of Vietnam's criminal law regulations on criminal liability of offenders in the state of alcohol and beer use and proposes to improve legal regulations on this issue.
1. Đặt vấn đề
Ngoài các tác hại về sức khỏe, lạm dụng rượu, bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như bạo lực cá nhân, mất trật tự, an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác[1].
Pháp luật hình sự ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi họ thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của tình trạng này đối với trách nhiệm hình sự, theo tác giả, không chỉ dừng lại ở việc pháp luật hình sự ghi nhận rằng, người phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Trên thực tế, rượu, bia là chất kích thích có tác động mạnh đến thần kinh trung ương và nếu lạm dụng quá mức sẽ làm cho người sử dụng không làm chủ được những hành vi, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng[2]. Sự tác động của việc sử dụng rượu, bia đối với tội phạm ở nhiều khía cạnh: (i) Là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm (ngay cả đối với trường hợp người phạm tội có ý định phạm tội từ trước khi sử dụng rượu, bia hoặc không); (ii) Do trạng thái tâm lý hưng phấn do sử dụng rượu, bia dẫn đến kích động, khiến cho hành vi phạm tội gây ra hậu quả nguy hiểm đáng kể hơn.
Theo đó, để bảo đảm giải quyết thỏa đáng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia và bảo đảm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, cần hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) về trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia.
2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia
Về trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định như sau:
Thứ nhất, Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Bộ luật Hình sự đã sửa tên của điều luật từ “phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác” (Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành “phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” (Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015) và sửa quy định “người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác…” (Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành quy định “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia…”.
Một trong những điều kiện cơ bản của chủ thể khi thực hiện hành vi phạm tội là phải có năng lực trách nhiệm hình sự[3], tuy nhiên, nếu họ thực hiện hành vi trong tình trạng mất năng lực nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do sử dụng rượu, bia thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quan điểm lập pháp, thì trường hợp này, người phạm tội mất năng lực nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do sử dụng bia, rượu là do họ tự đặt mình vào tình trạng trên nên không loại trừ trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trên thực tế, việc say rượu, bia là thói xấu trong xã hội, việc người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm khi rơi vào trạng thái họ có thể lường trước được còn là biểu thị sự nghiêm khắc của xã hội đối với hành vi này.
Ngoài trường hợp say do tự nguyện uống rượu, bia thì thực tế, tình trạng say có thể do bị ép buộc, bị lừa dối hoặc say rượu bệnh lý. Say rượu bệnh lý là chứng loạn tâm thần cấp tính lâm thời, hết sức hiếm, xuất hiện sau khi uống rượu và tiến triển theo kiểu trạng thái ý thức hoàng hôn; rối loạn ý thức phát triển đột ngột, không phụ thuộc vào lượng rượu đã uống; thường thấy sau khi người bệnh dùng một lượng rượu tương đối nhỏ và trước đó không có bệnh cảnh say rượu thông thường nặng. Người bệnh bị mù mờ về ý thức, tri giác về xung quanh và định hướng bị rối loạn, lệch lạc nghiêm trọng; hành vi của họ phần lớn là kích động, công kích; nổi bật lên cảm giác sợ hãi, giận dữ, độc ác; hoang tưởng bị đe dọa, bị theo dõi, các ảo giác và thính giác lẻ tẻ… Người bệnh hoàn toàn không tiếp xúc với xung quanh; có thể có biểu hiện kích động kiểu động kinh không kèm theo rối loạn ngôn ngữ… Trong trạng thái đó, người bệnh có thể có hành động tấn công nguy hiểm hoàn toàn vô cớ, thậm chí giết người hàng loạt. Say rượu bệnh lý khác với say rượu thông thường, thường không có rối loạn vận động và ngôn ngữ, phối hợp động tác vẫn còn; kéo dài không quá một vài giờ và kết thúc đột ngột bằng một giấc ngủ, người bệnh khi đã tỉnh dậy hoàn toàn không nhớ những gì đã xảy ra hoặc nhớ hết sức vụn vặt. Ở người đã có hành động nguy hiểm, việc xác định say rượu bệnh lý là cơ sở để coi họ là mất năng lực trách nhiệm hình sự[4].
Như vậy, đối với người say rượu bệnh lý thì thuộc những trường hợp “bệnh khác” theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự, làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình[5]. Còn đối với tình trạng say mà không phải do lỗi của mình gây ra (bị ép buộc, bị lừa dối) nếu đến mức không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì một số tài liệu cho rằng, trường hợp này được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự[6].
Thứ hai, người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia còn bị coi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự hơn so với người bình thường trong một số tội phạm đó là: Điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ); điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự (Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt); điểm b khoản 2 Điều 272 Bộ luật Hình sự (Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt). Đây là một số công việc có tính chất đặc biệt, cấm người thực hiện công việc đó sử dụng rượu, bia.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự, trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng sử dụng rượu, bia được quy định ở hai khía cạnh, đó là không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu việc sử dụng rượu, bia dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và việc sử dụng rượu, bia trong một số trường hợp (Điều 260, Điều 267 và Điều 272) là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Thực tế không thể phủ nhận trách nhiệm hình sự của người phạm tội mà khi thực hiện hành vi phạm tội, họ bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển của mình do sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hình sự hiện hành về vấn đề này vẫn còn những bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, pháp luật hình sự Việt Nam cần nhìn nhận sự ảnh hưởng của tình trạng sử dụng rượu, bia khi thực hiện hành vi phạm tội ở một phạm vi rộng hơn, bởi sự ảnh hưởng của tình trạng này ở người phạm tội trong mỗi trường hợp là khác nhau. Có thể lý giải rõ hơn từ yếu tố lỗi, rõ ràng, một người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý và vô ý thì sự tác động của yếu tố sử dụng rượu, bia là khác nhau. Ví dụ: A có ý định giết B nhưng A chưa dám thực hiện vì còn lo sợ. A quyết định uống rượu cho say để lấy tinh thần đi giết B. Dưới tác dụng của rượu, A sẽ tự tin hơn với ý định đã có từ trước, sự quyết tâm cũng được nâng cao hơn. Trên thực tế, có rất nhiều vụ án xảy ra trong tình trạng say rượu, bia dẫn đến hậu quả khôn lường như các vụ thảm án chết nhiều người, giết người thân khi có mâu thuẫn với nhau trong thời gian dài…
Như vậy, với những trường hợp người phạm tội rõ ràng đã có ý định phạm tội từ trước mà sử dụng rượu, bia trong khi thực hiện hành vi phạm tội thì nên tăng nặng trách nhiệm hình sự. Thực tế, pháp luật một số nước cũng ghi nhận việc tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp này như: Điều 18 (Phạm tội hình sự khi say rượu) của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Albania năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ghi nhận: “Khi say rượu được gây ra với ý định phạm tội, tình tiết này sẽ được xem xét để tăng nặng bản án”; khoản 14 Điều 63 (Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm và hình phạt) của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Armenia cũng ghi nhận “phạm tội dưới ảnh hưởng của rượu, ma tuý hoặc các chất say khác” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị nên ghi nhận việc “phạm tội dưới ảnh hưởng của rượu, bia đối với những người có ý định phạm tội” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Thứ hai, sự ảnh hưởng của rượu, bia đối với người uống trong một số trường hợp ngẫu nhiên, hoàn toàn không có ý định phạm tội từ trước hoặc trong trường hợp người phạm tội bị lừa dối, ép buộc thì hành vi phạm tội nên được lý giải theo hướng biện minh cho hành vi phạm tội. Tức là, nếu như người phạm tội không dùng rượu, bia trong hoàn cảnh đó thì họ không thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và nên được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, đối với người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý mà chứng minh được nguyên nhân phạm tội xuất phát từ sự hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do tác dụng của rượu, bia thì nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, nên được hướng dẫn thuộc tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” hoặc xem xét quy định thành một tình tiết giảm nhẹ riêng.
Thứ ba, theo khoản 7 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các địa điểm công cộng là nơi không được uống rượu, bia nhằm giảm bớt tác hại của rượu, bia. Hành vi gây rối trật tự công cộng trong tình trạng có sử dụng rượu, bia làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và có nguy cơ tăng mức độ nguy hiểm của hành vi hơn trường hợp bình thường do rượu, bia ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế hành vi của người phạm tội. Vì vậy, theo tác giả, ngoài các tội phạm quy định tại Điều 260, Điều 267 và Điều 270 về người phạm tội có sử dụng rượu, bia là tình tiết định khung tăng nặng vì liên quan đến tính chất công việc có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người, nên bổ sung tình tiết người phạm tội trong tình trạng sử dụng rượu, bia vào khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự nhằm tăng mức hình phạt, bảo đảm hiệu quả răn đe người thực hiện hành vi phạm tội này.
Khoa Luật, Đại học Thủ Dầu Một
[1]. Bộ Y tế, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Hà Nội, tháng 11/2016.
[2]. Bia rượu, dưới góc nhìn về an ninh trật tự, http://congan.travinh.gov.vn/ch26/306-Bia-ruou-duoi-goc-nhin-ve-an-ninh-trat-tu.html, truy cập ngày 22/12/2021.
[3]. Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”.
[4]. Tâm thần học, Nxb. “MIR” - Matcova và Nxb. Y học Hà Nội, 1980.
[5]. Đinh Văn Quế, Say rượu bệnh lý có thoát tội?, https://plo.vn/plo/say-ruou-benh-ly-co-thoat-toi-19748.html.
[6]. Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung (Tái bản lần thứ nhất có sửa đổi, bổ sung), Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, năm 2019, tr. 145.