1. Phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật hiện hành
Phân cấp quản lý nhà nước là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới và lãnh đạo chính quyền cấp dưới thực hiện việc phân cấp trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Phương thức phân cấp được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Căn cứ vào yêu cầu và tính chất công việc, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, bảo đảm tính độc lập tương đối của cấp dưới. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
Ủy quyền trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước được hiểu là việc cơ quan quản lý nhà nước cấp trên giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp dưới, cơ quan, tổ chức khác hoặc cá nhân thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Trong lĩnh vực tư pháp, Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã xác định: “Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ” (Điều 1). Các lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể của Bộ Tư pháp được quy định tại Điều 2 Nghị định này.
Ngày 21/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện (Thông tư số 07/2020/TT-BTP). Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp. Thông tư số 07/2020/TT-BTP đã xác định cụ thể các nhiệm vụ của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp, trong đó, Sở Tư pháp có 35 nhóm nhiệm vụ và Phòng Tư pháp có 22 nhóm nhiệm vụ (Điều 2, Điều 4). Đây là căn cứ để UBND cùng cấp phân cấp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn. Quy định này đồng bộ với các quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ cụ thể của từng cấp chính quyền địa phương được quy định trong các luật chuyên ngành.
Ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ (Quyết định số 1015/QĐ-TTg), trong đó, phương án phân cấp giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp từ UBND cấp huyện về Phòng Tư pháp gồm 08 nội dung thuộc lĩnh vực hộ tịch và 05 nội dung thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi. Cụ thể:
Thứ nhất, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC từ UBND tỉnh về Sở Tư pháp trong lĩnh vực nuôi con nuôi: (i) Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; (ii) Đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; (iii) Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; (iv) Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng.
Thứ hai, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC từ Sở Tư pháp về UBND cấp huyện về xác nhận công dân Việt Nam thường trú khu vực biên giới đủ điều kiện nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới làm con nuôi (lĩnh vực nuôi con nuôi).
Thứ ba, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC từ UBND cấp huyện về Phòng Tư pháp trong lĩnh vực hộ tịch: (i) Đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài; (ii) Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài; (iii) Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; (iv) Ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; (v) Ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; (vi) Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch khác của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; khai tử; thay đổi hộ tịch); (vii) Thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; (viii) Cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã triển khai phân quyền khai thác, tra cứu thông tin tại Cơ sở dữ liệu LLTP tại Công văn số 560/TTLLTPQG-HCTP ngày 06/9/2023 cho các Sở Tư pháp ở các tỉnh trong việc tra cứu thông tin án tích, phục vụ cho hoạt động cấp Phiếu LLTP.
2. Thực tiễn thực hiện một số quy định pháp luật về phân cấp trong lĩnh vực tư pháp tại tỉnh Bình Dương
Hiện nay, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương mới chỉ thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 03 lĩnh vực: LLTP, hộ tịch, nuôi con nuôi.
2.1. Về lý lịch tư pháp
Tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cấp Phiếu LLTP; tuyên truyền, phổ biến về các phương thức cấp Phiếu LLTP trên các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Về tình hình cấp phiếu LLTP trong 02 năm (2022 và 2023), Sở Tư pháp đã cấp 30.393 Phiếu LLTP, trong đó, cấp trễ hạn là 623 Phiếu. Nguyên nhân trễ là do các cơ quan phối hợp xác minh thông tin án tích trả kết quả trễ[1].
Về công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin LLTP: Tổng số thông tin LLTP nhận được là 31.401 thông tin, đã cung cấp 17.916 thông tin. Lập 2.193 bản LLTP, cập nhật bổ sung hồ sơ LLTP: 9.809 thông tin LLTP; trao đổi điện tử với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia 7.752 thông tin[2].
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác LLTP gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
- Về kỹ thuật: Phần mềm quản lý LLTP của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia còn chậm, đôi khi không đăng nhập, tra cứu được. Hồ sơ khi được gửi xác minh từ Phần mềm quản lý LLTP dùng chung chuyển sang Phần mềm quản lý LLTP của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia không được lọc mà phải tìm kiếm thủ công (hồ sơ hiển thị đồng thời với các hồ sơ của những Sở Tư pháp khác). Khi tiếp nhận hay chuyển hồ sơ, hồ sơ sẽ không được tiếp nhận ngay mà phải đợi khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút mới có thể tra cứu được.
- Về Cơ sở dữ liệu LLTP:
+ Hiện nay, việc khai thác và tra cứu thông tin Cơ sở dữ liệu LLTP về án tích tại Sở Tư pháp được thực hiện trên Hệ thống quản lý LLTP của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm phần mềm hoạt động không ổn định, dẫn đến việc tra cứu, trích xuất thông tin về án tích gặp khó khăn. Nếu chỉ thực hiện việc tra cứu thông tin LLTP tại cơ sở dữ liệu tư pháp của phần mềm sẽ không bảo đảm về thời gian.
+ Dữ liệu LLTP về án tích trên Hệ thống quản lý LLTP dùng chung đang thực hiện tính năng phân quyền truy cập trong phạm vi địa phương, không truy cập và tra cứu được thông tin cơ sở dữ liệu của địa phương khác, dẫn đến việc tra cứu thông tin về án tích của công dân có thể không đầy đủ để phục vụ cho việc lập Phiếu LLTP theo quy định.
+ Việc xây dựng và tạo lập Cơ sở dữ liệu LLTP về án tích tại Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đang được xây dựng, chưa hoàn thiện do các cơ quan tiến hành tố tụng gửi thông tin LLTP cho Sở Tư pháp chưa đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định. Vì vậy, Sở Tư pháp không có đủ thông tin LLTP để phục vụ công tác cấp Phiếu LLTP.
- Về thủ tục hành chính:
Theo Công văn số 453/TTLLTPQG-HCTP ngày 16/8/2021 của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1050/QĐ-BTP, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tại địa phương tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, bảo đảm kể từ ngày 01/7/2021, cá nhân không phải nộp/xuất trình bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận thường trú, tạm trú khi làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Tuy nhiên, hiện nay, Cơ sở dữ liệu về dân cư chưa có đầy đủ thông tin về quá trình cư trú, xuất cảnh của công dân, trong khi căn cước công dân có gắn chip chỉ có thể tra cứu thông tin cư trú hiện tại (không có thông tin từ khi đủ 14 tuổi đến thời điểm nộp hồ sơ); đồng thời, chưa có kết nối với Cơ sở dữ liệu quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Nhiều trường hợp công dân cung cấp thông tin về quá trình cư trú không chính xác hoặc không đầy đủ dẫn đến khó khăn khi xác định thời hạn giải quyết hồ sơ, thời hạn trả kết quả cấp Phiếu LLTP cũng như việc tra cứu thông tin để cấp Phiếu LLTP.
- Về xác minh hành vi không phạm tội mới:
+ Đối với trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có án tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan quản lý dữ liệu LLTP phải xác minh hành vi không phạm tội mới để được xem xét điều kiện đương nhiên được xóa án tích và cấp Phiếu LLTP cho người đã bị kết án có yêu cầu. Trên thực tế, nhiều trường hợp công dân không khai thông tin về án tích trong Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP và Cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp không có đủ thông tin để tra cứu nên dễ bị sót thông tin về án tích, dẫn đến việc xác định thông tin về tình trạng án tích không chính xác, việc cập nhật thông tin án tích của người bị kết án cũng gặp khó khăn.
Để khắc phục những bất cập trên, thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã hỗ trợ các Sở Tư pháp trong việc tra cứu, xác minh thông tin LLTP, trong đó có Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương. Theo đó, Sở Tư pháp thực hiện chuyển hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua Phần mềm “Kiềng ba chân” để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh tra cứu xác minh và trả kết quả cho Sở Tư pháp, trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới. Giải pháp này giúp kết quả xác minh từ Trung tâm cơ bản đầy đủ thông tin, chính xác, kịp thời, hạn chế tình trạng trễ hạn về cấp Phiếu LLTP của Sở Tư pháp[3].
2.2. Về nuôi con nuôi
Theo số liệu năm 2022, UBND tỉnh giải quyết 10 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài (tăng 233% so với năm 2021); UBND cấp xã đã giải quyết 30 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 87,5% so với năm 2021)[4]. Năm 2023, UBND tỉnh giải quyết 01 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm so với năm 2022). UBND cấp xã đã giải quyết 17 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (giảm 06 trường hợp so với năm 2022)[5]. Các hồ sơ được giải quyết bảo đảm đúng quy định; không có trường hợp nào bị thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Từ thực tiễn việc giải quyết nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cho thấy, việc đánh giá điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi và theo dõi tình hình phát triển của con nuôi phát sinh một số bất cập, đó là:
- Đánh giá điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi: Qua công tác kiểm tra việc giải quyết nuôi con nuôi tại tỉnh Bình Dương cho thấy, việc đánh giá điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi gặp phải những lúng túng do chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá. Nhiều hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước chỉ có bản tự khai về hoàn cảnh gia đình mà không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc có trường hợp người nhận con nuôi không chứng minh được có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế không bằng người cho con nuôi nhưng vẫn được nhận con nuôi[6].
- Theo dõi tình hình phát triển của con nuôi: Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định, 06 tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha, mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha, mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. UBND cấp xã nơi cha, mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi. Thực tế cho thấy, đa số cha, mẹ nuôi sau khi nhận con nuôi chưa thực hiện nghĩa vụ này theo quy định của pháp luật. UBND cấp xã không nhận được thông báo của cha, mẹ nuôi về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha, mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng nhưng không thể xử lý do chưa có chế tài.
2.3. Về hộ tịch
Trong năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và giải quyết 26 trường hợp cấp bản sao trích lục hộ tịch (giảm 05 trường hợp so với năm 2022). Các Phòng Tư pháp giải quyết đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn có yếu tố nước ngoài 456 trường hợp (giảm 8,8% so với năm 2022); thay đổi, cải chính hộ tịch trong nước 1.108 trường hợp; ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài 363 trường hợp. UBND cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn 33.054 trường hợp (giảm 10,6% so với năm 2023); trích lục bản sao hộ tịch 76.915 trường hợp. Triển khai liên thông 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và việc cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử đến các UBND cấp huyện, thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, rà soát thông tin trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch[7].
Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, công tác hộ tịch tại tỉnh Bình Dương gặp khó khăn trong nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch. Tính đến tháng 11/2023, vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Tư pháp đối với nội dung trên nên Sở Tư pháp chưa có cơ sở tiếp nhận các dữ liệu hộ tịch (từ 04 loại sổ hộ tịch) do Ngành Công an đã thực hiện nhập trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sở Tư pháp đã thực hiện và hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành số hóa dữ liệu hộ tịch cập nhật dữ liệu Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Tuy nhiên, thông tin đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc chưa tiến hành nhập liệu được vì phải nhập thông tin đăng ký khai sinh trước (dữ liệu đăng ký khai sinh đã được Ngành Công an nhập độc lập trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng chưa đồng bộ với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung), nên chưa thể tiến hành nhập dữ liệu từ các loại sổ này vào Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, về lý lịch tư pháp:
- Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành có liên quan có giải pháp hiệu quả để kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu thông tin về án tích, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (chia sẻ thông tin về quá trình cơ trú của công dân), Cơ sở dữ liệu quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam để Sở Tư pháp có thể tra cứu thông tin về nơi cư trú của công dân được chính xác, kịp thời.
- Tiếp tục thực hiện phân cấp cho Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu LLTP trong các trường hợp sau đây: (i) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; (ii) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; (iii) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
- Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt.
Thứ hai, về nuôi con nuôi: Từ tình hình thực tế tại Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cho thấy, tuy số lượng vụ việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, nhưng hồ sơ được giải quyết bảo đảm theo quy định, công chức trực tiếp tham mưu trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm đáp ứng công việc được giao. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc phân cấp thực hiện giải quyết TTHC đối với 04 thủ tục đã được phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg dưới hình thức ủy quyền bằng văn bản cho Sở Tư pháp 63 tỉnh, thành, thời gian ủy quyền có thể là 01 năm.
Thứ ba, về hộ tịch: Qua đánh giá thực tế việc giải quyết các TTHC liên quan đến nội dung phân cấp, ủy quyền đối với lĩnh vực hộ tịch, hiện nay, Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện phần lớn các bước trong quy trình giải quyết của các TTHC (từ việc thẩm định, kiểm tra hồ sơ, xác minh hộ tịch, ghi vào Sổ hộ tịch…), trong khi UBND cấp huyện thực hiện bước ký các trích lục hộ tịch. Do vậy, căn cứ hình hình, điều kiện của địa phương (số lượng TTHC, biên chế công chức Phòng Tư pháp…) quy định tại Điều 11 và khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), UBND cấp huyện nên xem xét, quyết định giao Phòng Tư pháp thực hiện giải quyết TTHC đối với nhóm TTHC đã được phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg, hình thức ủy quyền bằng văn bản. Việc ủy quyền được xác định trong khoảng thời gian cụ thể cũng như tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)[8]./.
TS. Bùi Thị Nguyệt Thu
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực II
[1]. Báo cáo số 199/BC-STP ngày 29/11/2022 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương gửi Bộ Tư pháp về Tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023 (Báo cáo số 199/BC-STP), tr. 18; Báo cáo số 208/BC-STP ngày 29/11/2023 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương về Tổng kết công tác tư pháp năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2024 (Báo cáo số 208/BC-STP), tr. 17.
[2]. Mục 4 Báo cáo số 208/BC-STP.
[3]. Công văn số 2628/STP-HCTP&QLXLVPHC ngày 26/12/2023 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương gửi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp về việc báo cáo kết quả thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu LLTP, tr. 1 - 3.
[4]. Báo cáo số 199/BC-STP, tr. 16 - 17.
[5]. Báo cáo số 208/BC-STP, tr. 15.
[6]. Báo cáo số 208/BC-STP, tr. 18.
[7]. Báo cáo số 208/BC-STP, tr. 12.
[8]. Công văn số 658/STP-HCTP&QLXLVPHC ngày 28/3/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc lấy ý kiến triển khai thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg, tr. 2.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)