Abstract: The article analyzes the advantages and limitations of devolution and decentralization in the state management of the Ministry and the Judiciary Branch in the field of notarization, thereby making some recommendations in the coming time.
1. Quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp đối với lĩnh vực công chứng
1.1. Khái quát hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng
Luật Công chứng năm 2014 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chứng.
1.1.1. Ở trung ương
Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở trung ương là Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công chứng[1].
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp về hoạt động công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công chứng.
1.1.2. Ở địa phương
Luật Công chứng năm 2014 quy định cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[2].
Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương.
1.1.3. Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước nêu trên, Luật Công chứng năm 2014 quy định các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên cũng tham gia vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng.
1.2. Quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp đối với lĩnh vực công chứng
Ở trung ương, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng; xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; phê duyệt điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ...
Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung sau: Tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng; quyết định thành lập, giải thể hoặc chuyển đổi Phòng Công chứng theo quy định của Luật Công chứng. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương.
2. Nhận xét, đánh giá về thực trạng việc phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp đối với lĩnh vực công chứng
2.1. Ưu điểm của phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp đối với lĩnh vực công chứng hiện nay
Trong những năm qua, pháp luật về công chứng ngày càng hoàn thiện (từ chỗ chưa có luật - mới có nghị định đến nay đã trải qua 02 luật[3] và đang tiếp tục sửa đổi luật), theo đó, việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công chứng giữa Chính phủ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của Ủy ban nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Những ưu điểm cụ thể là:
Thứ nhất, phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công chứng ngày càng được đẩy mạnh, rõ ràng và cụ thể hơn.
Luật Công chứng năm 2006 quy định chủ thể chính thực hiện quản lý nhà nước là Bộ Tư pháp (ở trung ương), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (ở địa phương)[4], không khẳng định rõ vai trò của Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng. Luật Công chứng năm 2014 đã quy định rõ hơn thẩm quyền của Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước về công chứng, đó là giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan[5]. Thực hiện chủ trương phân cấp, Luật Công chứng năm 2014, Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ công chứng viên[6] (thay cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp như quy định trước đây).
Về thẩm quyền thành lập, bổ nhiệm trưởng phòng, phó trưởng phòng công chứng: Trước đây, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực quy định: “Việc thành lập Phòng Công chứng được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp” (khoản 1 Điều 27); “trưởng phòng, phó trưởng phòng công chứng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp” (khoản 2 Điều 28). Luật Công chứng năm 2006 (Điều 24) và Luật Công chứng năm 2014 (khoản 1, 2 Điều 19) quy định Phòng Công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập; trưởng phòng công chứng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Như vậy, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được phân cấp hơn so với trước đây.
Thứ hai, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý lĩnh vực công chứng được xác định rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc chồng chéo, mâu thuẫn. Trong đó, Bộ Tư pháp xây dựng thể chế về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên… còn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Phòng Công chứng, cho phép thành lập Văn phòng Công chứng; Sở Tư pháp đăng ký hành nghề công chứng và cấp Thẻ công chứng viên…
Thứ ba, Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp ngày càng tích cực, chủ động hơn trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực công chứng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng.
Thứ tư, vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động công chứng đã được ghi nhận và quy định tương đối cụ thể.
Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 (khoản 1 Điều 39), Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (khoản 4 Điều 26) thì tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng.
2.2. Tồn tại, hạn chế của phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp đối với lĩnh vực công chứng
Thứ nhất, việc phân cấp trong lĩnh vực công chứng nhiều khi thực hiện theo “phong trào” mà chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn, năng lực tiếp nhận, thực thi của các cơ quan quản lý ở địa phương trước khi thực hiện phân cấp dẫn đến nhiều nội dung quản lý nhà nước đã giao cho địa phương nhưng thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể, địa phương thiếu nguồn lực[7] dẫn đến lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện và khó có thể thực hiện được nguyên tắc “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”[8] (ví dụ, việc chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng; ban hành cơ sở dữ liệu công chứng… đã được Luật Công chứng năm 2014 giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhưng có nhiều nội dung chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, hệ quả là nhiều địa phương đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực hiện được).
Thứ hai, việc phân cấp triệt để cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong nhiều nhiệm vụ cụ thể mặc dù đã tạo sự chủ động cho địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí… tuy nhiên, còn thiếu những quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của mỗi địa phương có sự khác biệt và thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa phương, điển hình là việc cho phép thành lập/chuyển trụ sở Văn phòng Công chứng trong thời gian qua (nhất là sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 bị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch bãi bỏ[9]), có địa phương làm rất chặt chẽ, có lộ trình, có kiểm soát nhưng cũng có địa phương nhận thức và hành động rất đơn giản, thậm chí là tùy tiện, dẫn đến việc cho phép thành lập/chuyển trụ sở Văn phòng Công chứng một cách tràn lan, thiếu kiểm soát làm gia tăng tình trạng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật trong tổ chức và hoạt động công chứng.
Thứ ba, mặc dù đã được phân cấp, thẩm quyền đã được quy định rõ ràng trong Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng vẫn còn một số địa phương trông chờ hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan mà chưa chủ động trong việc nghiên cứu đề ra giải pháp, biện pháp hoặc chủ động đề nghị các cơ quan cấp trên hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Thêm vào đó, việc ủy quyền, phân quyền giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp cũng còn có một số hạn chế nhất định:
- Việc Bộ trưởng ủy quyền cho Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp giải quyết một số công việc trong lĩnh vực công chứng có xu hướng hạn chế hơn, cụ thể: Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp ký thừa lệnh Bộ trưởng quyết định miễn nhiệm công chứng viên (theo nguyện vọng) và văn bản từ chối bổ nhiệm công chứng viên, mà không còn ủy quyền cho Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nữa[10]. Điều này trên thực tế sẽ làm tăng thủ tục, thời gian giải quyết công việc và tạo áp lực công việc lớn hơn cho Lãnh đạo Bộ (nhất là những công việc sự vụ hoàn toàn có thể ủy quyền được).
- Việc phân quyền giữa Cục Bổ trợ tư pháp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Thanh tra Bộ còn chưa rõ ràng dẫn đến việc phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về công chứng chưa thực sự hiệu quả, cụ thể:
+ Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 (Điều 79), Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì công chứng viên có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân trong giấy tờ, văn bản. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp được giao giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng[11], Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được giao giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng thực[12], trong đó có hoạt động chứng thực của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, liên quan đến lĩnh vực công chứng có 02 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cùng được giao quản lý nhà nước, hiệu quả công tác này phụ thuộc vào phối hợp giữa 02 đơn vị.
+ Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoạt động thanh tra chuyên ngành lĩnh vực công chứng hiện nay do Thanh tra Bộ và Cục Bổ trợ tư pháp cùng thực hiện[13], mặc dù trên thực tế 02 đơn vị có sự phối hợp khá chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực hiện (về xác định chính xác thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; về thẩm quyền, phạm vi thực hiện thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng…).
3. Một số giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng của Bộ, Ngành Tư pháp
3.1. Nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, chủ trương về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng
Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phân cấp, phân quyền; tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới, các cơ quan, đơn vị cùng cấp và sự giám sát của các tổ chức đoàn thể, xã hội.
3.2. Sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 về phân cấp, phân quyền theo hướng xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 (từ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng cho đến quản lý nhà nước về công chứng). Liên quan đến sửa đổi nội dung quy định về quản lý nhà nước, cần thiết phải rà soát, đánh giá lại phạm vi thẩm quyền của từng cơ quan (Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp) để xác định phạm vi thẩm quyền của các cơ quan này cho phù hợp, rõ ràng và khả thi:
(i) Nâng cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng, thực hiện quản lý vĩ mô, có trách nhiệm đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về công chứng; xây dựng chiến lược phát triển nghề công chứng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện, hướng dẫn và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật.
(ii) Cần quy định thẩm quyền của đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp (ví dụ: Cục Bổ trợ tư pháp) trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ quản lý nhà nước nào về công chứng để bảo đảm công khai, minh bạch và rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm.
(iii) Ngoài rà soát, đánh giá các nhiệm vụ đang được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cần bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bảo đảm nguồn lực thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương (về nhân sự, kinh phí...).
(iv) Xác định rõ ràng, cụ thể hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương (việc gì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện; việc gì thuộc thẩm quyền trực tiếp của Sở Tư pháp), từ đó, xác định rõ hơn trách nhiệm của Sở Tư pháp trong từng nhiệm vụ cụ thể được giao.
(v) Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Công chứng, văn bản hướng dẫn thi hành để phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, nhất là những quy định về hoạt động giám sát, tự quản nội bộ, trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến cùng cơ quan quản lý nhà nước và vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động công chứng phù hợp với năng lực, trách nhiệm của tổ chức này.
3.3. Kiện toàn tổ chức, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về công chứng đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; rà soát, bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp
Tập trung vào kiện toàn các đơn vị chức năng trực tiếp tham mưu, giúp thực hiện quản lý nhà nước về công chứng ở trung ương (Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và địa phương (Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Bổ trợ tư pháp giúp Giám đốc Sở Tư pháp) về biên chế (số lượng và chất lượng biên chế), về kinh phí được giao thực hiện để thực hiện được nhiệm vụ được giao ngày càng nặng nề, phức tạp.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế đối với cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện việc tham mưu lĩnh vực công chứng để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; hạn chế việc luân chuyển đối với đội ngũ cán bộ, công chức này để tránh “khoảng trống” của việc kế cận, tiếp nối bởi nhiệm vụ này đòi hỏi ngoài năng lực chuyên môn thì cần cả kinh nghiệm, sự am hiểu, mối quan hệ với đối tượng quản lý và bản lĩnh chuyên môn, tính chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu.
3.4. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng
Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công chứng tức là sẽ có nhiều chủ thể hơn cùng tham gia vào công tác quản lý này. Điều này đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của chủ thể được phân quyền, phân cấp (trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể), đi liền với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát của chủ thể phân quyền, phân cấp để tránh việc “tản quyền”, “lạm quyền”, “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”… Do đó, trong thời gian tới cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là cấp dưới thông qua cơ chế khen thưởng, kỷ luật, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, nhân rộng cách làm hay; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hoạt động quản lý gắn với cơ sở, địa phương của các cơ quan cấp trên để kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh, điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước (ở địa phương, cấp dưới) cho phù hợp.
3.5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về công chứng
Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi toàn quốc theo hướng tăng tính tương tác, tính “động” của cơ sở dữ liệu này; tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính về công chứng ở trung ương và địa phương trên môi trường mạng (ưu tiên nâng cấp lên cấp độ 3, cấp độ 4); nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng trên phạm vi toàn quốc để tích hợp cơ sở dữ liệu công chứng do các địa phương xây dựng, quản lý, vận hành bảo đảm thống nhất, sử dụng chung, từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đánh giá, quy định những vấn đề về công chứng điện tử, phạm vi địa hạt, phạm vi hành nghề công chứng…
Các địa phương bố trí nguồn lực về cơ sở vật chất và con người, sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng, quản lý, vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu công chứng ở địa phương mình một cách hiệu quả, tích cực, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin trên cơ sở dữ liệu có liên quan do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện trục liên thông văn bản quốc gia, tăng cường ứng dụng phần mềm này ở các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng từ trung ương tới địa phương, tiến tới thay thế hoàn toàn việc trao đổi, cung cấp thông tin bằng văn bản giấy giữa các cơ quan với nhau, bảo đảm sự thông suốt, nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. Điều 69 Luật Công chứng năm 2014.
[2]. Điều 70 Luật Công chứng năm 2014.
[3]. Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng năm 2014.
[4]. Điều 11 Luật Công chứng năm 2006.
[5]. Điều 70 Luật Công chứng năm 2014.
[6]. Khoản 2 Điều 35 Luật Công chứng năm 2014; các điều 4, 5, 6 Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[7]. Cả về kinh phí lẫn con người (về biên chế, Phòng Bổ trợ tư pháp của các Sở Tư pháp thường chỉ có từ 02 - 03 người nhưng phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trong đó chí có khoảng 01 người theo dõi, thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực công chứng và kiêm nhiệm cả các nhiệm vụ khác).
[8]. Điều này cũng có nguyên nhân là do cơ chế quản lý “song trùng trực thuộc”, việc quyết định biên chế, nhân lực, ngân sách, tài chính cho Sở Tư pháp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp chỉ chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến không xác định được năng lực, điều kiện thực thi nhiệm vụ của Sở Tư pháp để phân cấp nội dung quản lý nhà nước một cách chính xác, khả thi.
[9]. Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
[10]. Xem: Quyết định số 2865/QĐ-BTP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục ủy quyền giải quyết công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
[11]. Quyết định số 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp.
[12]. Quyết định số 283/QĐ-BTP ngày 13/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
[13]. Cục Bổ trợ tư pháp thực hiện thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng theo Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngành Tư pháp.