1. Quy định của pháp luật một số quốc gia nhằm bảo đảm tính độc lập của Hội đồng xét xử trong vụ án hành chính
1.1. Quy định của pháp luật Trung Quốc
Hệ thống xét xử hành chính Trung Quốc hiện nay cũng đang đối diện với nhiều khó khăn có nét tương đồng với tư pháp hành chính Việt Nam “thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án chưa cao, tính độc lập trong xét xử hành chính chưa mạnh, hệ thống xét xử hành chính chưa phù hợp”[1]. Đối diện với những cản trở ảnh hưởng đến tính độc lập khi xét xử các vụ án hành chính, pháp luật Trung Quốc đã có một số quy định góp phần củng cố và kiến tạo một nền tư pháp hành chính độc lập. Trong đó, có thể kể đến là một số quy định trong các đạo luật đặc biệt của Trung Quốc, đó là Luật Pháp quan và Luật Hội thẩm nhân dân Trung Quốc.
Một là, Điều 7 Luật Pháp quan Trung Quốc quy định thẩm phán thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, được pháp luật bảo vệ và không chịu sự can thiệp của các cơ quan hành chính, các nhóm xã hội và cá nhân. Quy định này nhấn mạnh, Tòa án khi xét xử vụ án hành chính mà đại diện là thẩm phán không được chịu sự tác động của cơ quan hành chính.
Hai là, Điều 54 Luật Pháp quan Trung Quốc quy định không có bất cứ một người hay đơn vị nào được phép yêu cầu thẩm phán tham gia vào các công việc vượt quá phạm vi nhiệm vụ luật định; thẩm phán có quyền từ chối mọi hành vi cản trở việc xử lý vụ án, lập biên bản, báo cáo một cách đầy đủ, trung thực, nếu có vi phạm kỷ luật, pháp luật thì các cơ quan liên quan truy cứu trách nhiệm của những người có trách nhiệm và thủ phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Ba là, Điều 55 và Điều 57 Luật Pháp quan Trung Quốc quy định không một đơn vị hay cá nhân nào được phép “trả đũa” thẩm phán và những người thân cận của họ, những ai có hành vi trả thù, gạ gẫm, xúc phạm, vu khống, bạo lực, đe dọa, sách nhiễu và các hành vi phạm pháp, tội phạm khác đối với thẩm phán và những người thân cận của họ sẽ bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có nguy cơ mất an toàn cá nhân của thẩm phán và người thân thích của họ do thi hành công vụ theo quy định của pháp luật thì Tòa án nhân dân, cơ quan công an thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết như bảo vệ cá nhân, cấm những đối tượng cụ thể tiếp xúc với các thẩm phán và những người thân cận của họ.
Bốn là, Điều 28 Luật Hội thẩm nhân dân Trung Quốc cũng có nội hàm tương tự quy định về bảo vệ an toàn cho thẩm phán. Cụ thể, không một đơn vị, cá nhân nào được trả thù hội thẩm nhân dân và những người thân thích của họ; người nào trả thù, trù dập, xúc phạm, vu khống, xâm phạm hội thẩm nhân dân và những người thân thích của họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Nếu trong pháp luật hình sự, các hành vi xâm hại phải đạt đến một mức định lượng, định tính cụ thể nào đó mới cấu thành tội phạm thì với quy định như vậy, chỉ cần đơn giản là sự vu khống cũng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Năm là, pháp luật tố tụng hành chính Trung Quốc quy định thẩm phán xét xử vụ án hành chính theo pháp luật và quy định hành chính, quy định mang tính địa phương. Do đó, nếu người bị kiện yêu cầu thẩm phán xét xử vụ án hành chính theo ý của mình, yêu cầu thẩm phán tiến hành một công việc vượt quá phạm vi luật định cho thẩm phán, đối diện với điều này thẩm phán có quyền từ chối, báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối tượng đã tác động lên việc độc lập xét xử của thẩm phán. Quy định này một mặt trao cho thẩm phán quyền năng độc lập, thế chủ động trước những yêu cầu không hợp pháp từ bên phía người bị kiện trong vụ án hành chính, một mặt có giá trị răn đe, cảnh cáo người bị kiện và đặc biệt là các cơ quan hành chính khi muốn can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán.
Như vậy, Luật Pháp quan và Luật Hội thẩm nhân dân Trung Quốc có điểm chung là đều xây dựng những quy định để bảo vệ cho sự an toàn của cá nhân thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như thân nhân của họ trước sự “trả đũa” của những đương sự không hài lòng với kết quả phán quyết của Tòa án. Điều này góp phần rất lớn trong việc bảo đảm sự độc lập xét xử của Hội đồng xét xử.
1.2. Quy định của pháp luật Australia
Vào những năm 70, Australia đã thực hiện cải cách hệ thống pháp luật hành chính trên phạm vi toàn liên bang nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động giải quyết các tranh chấp hành chính. Một trong những thành tựu của cuộc cách tân này chính là việc thành lập cơ quan tài phán hành chính thông qua Luật về tài phán hành chính phúc thẩm năm 1975. Sự ra đời của cơ quan này đã phần nào “cởi nút thắt” cho một thách thức mang tính lịch sử của nền tài phán hành chính, đó chính là việc bảo đảm tính độc lập trong xét xử các vụ án hành chính.
Một là, tính độc lập của các cơ quan công quyền này bao gồm các khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như độc lập thể chế và độc lập xét xử. Độc lập về thể chế đề cập đến mối quan hệ về cơ cấu và thể chế đối với Chính phủ… Tính độc lập trong xét xử đề cập đến khả năng quyết định các vấn đề mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài, kể cả Chính phủ[2]. Thông qua việc tiến hành xem xét các quyết định của Chính phủ, cơ quan tài phán hành chính này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận công lý. Việc được một cơ quan độc lập chuyên trách xem xét vụ việc làm tăng thêm niềm tin của người dân vào các quyết định của Chính phủ vì nó thể hiện cam kết của Chính phủ về tính minh bạch, cũng như khiến Chính phủ thận trọng hơn nữa trong việc ban hành quyết định đúng pháp luật và bảo vệ lợi ích của người dân.
Hai là, cơ quan tài phán hành chính ở Australia hoạt động theo ba mô hình, bao gồm mô hình hai cấp, mô hình một cấp do cơ quan tài phán hành chính chuyên ngành thực hiện và mô hình một cấp do cơ quan tài phán hành chính chung thực hiện. Trừ tranh chấp thuộc các lĩnh vực phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền lợi của cựu chiến binh, nhập cư và vấn đề người tị nạn thì các tranh chấp còn lại trong lĩnh vực hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan tài phán hành chính chung (cơ quan tài phán hành chính phúc thẩm). Về bản chất, cơ quan hành chính tư pháp là một cơ quan “lưỡng tính”, tức “nửa tư pháp, nửa hành chính”. “Nếu đương sự không đồng ý với quyết định hành chính hoặc cách giải quyết khiếu kiện hành chính theo thủ tục nội bộ, họ đều có quyền khiếu kiện ra cơ quan tài phán hành chính phúc thẩm. Đây là cơ quan tài phán hành chính chung vì nó giải quyết các khiếu kiện hành chính trên hầu hết lĩnh vực quản lý và quyết định của cơ quan tài phán hành chính cuối cùng”[3]. Cơ quan tài phán hành chính hoạt động độc lập với cơ quan hành chính và không trực thuộc hệ thống Tòa án tư pháp. Justice Kerr, nguyên Chủ tịch của cơ quan hành chính tư pháp chung đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tìm kiếm sự xét xử độc lập trong lòng xã hội Australia[4].
Ba là, về mặt nhân sự, thành viên của cơ quan tài phán hành chính chung độc lập với các cơ quan khác và độc lập với nhau. Thành viên của cơ quan tài phán hành chính phúc thẩm bao gồm chủ tịch và những thành viên khác như phó chủ tịch, nhân viên cao cấp và nhân viên thường. Hầu hết các nhân viên cao cấp đều là những luật gia, một vài người là chuyên gia trong một số lĩnh vực khác. Các nhân viên thường là những chuyên gia trong lĩnh vực như kế toán, quản lý, môi trường, quân đội, thuế, y tế và phúc lợi xã hội[5]. Với một lực lượng nhân sự chuyên môn, chuyên nghiệp, cơ quan tài phán hành chính chung có đủ tự tin để giải quyết các tranh chấp hành chính. Hơn thế nữa, việc nắm vững kiến thức chuyên môn sẽ góp phần tạo nên sự độc lập bên trong tư duy của mỗi thành viên Hội đồng xét xử.
1.3. Quy định của pháp luật Pháp
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước Pháp, áp dụng chế độ nhiệm kỳ suốt đời đối với thẩm phán. Ở Pháp, cơ sở của chế định này bắt nguồn từ nguyên tắc thẩm phán không thể bị sa thải “nguyên tắc này từ lâu đã được xem là một thiết chế luật định nhằm bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trước sự tùy tiện sa thải đến từ quyền lực chính trị”[6].
Một là, nhiệm kỳ của thẩm phán sẽ kéo dài liên tục và chỉ dừng lại khi họ chạm đến mốc của tuổi về hưu hoặc bị tước đi tư cách thẩm phán như một chế tài kỷ luật vì những sai phạm của họ. Cơ chế này chính là hiện thực hóa của nguyên tắc thẩm phán không thể bị sa thải. Trong một thời gian rất dài, nguyên tắc này có vai trò như “bức tường thành” bảo vệ tính độc lập của thẩm phán khi đối diện với sự tùy tiện sa thải từ quyền lực chính trị và đến bây giờ thì giá trị của nó vẫn còn nguyên trong việc bảo đảm sự độc lập của thẩm phán. Trừ khi thẩm phán hành chính đến độ tuổi nghỉ hưu hoặc bị loại bỏ ra khỏi hàng ngũ phán quan với lý do chính đáng, thì lúc này mới “đặt dấu chấm hết” cho nhiệm kỳ của mình. Muốn “tước chức vụ của thẩm phán là phải thông qua một thủ tục kỷ luật do một hội đồng xét xử với thành phần gồm những người thẩm phán chiếm ưu thế quyết định hoặc phải qua những thủ tục chính thức xác định thẩm phán không còn thích hợp với công việc do lý do thần kinh hay thể chất”[7].
Hai là, pháp luật nước Pháp quy định nhiệm kỳ của thẩm phán là suốt đời, tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa là trao cho họ “tấm kim bài” miễn tội. Vì nếu như thẩm phán vi phạm các quy định pháp luật hay không tuân thủ nghĩa vụ đạo đức thì phải chịu những chế tài xử lý kỷ luật tương đương. Tùy theo mức độ vi phạm, thẩm phán thậm chí có thể bị buộc về hưu sớm hay bị đuổi việc và không được hưởng lương hưu.
2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật để bảo đảm thực hiện tính độc lập của Hội đồng xét xử trong vụ án hành chính ở nước ta
2.1. Hoàn thiện quy định về việc nghiêm cấm các chủ thể khác can thiệp vào hoạt động xét xử của thẩm phán và hội thẩm
Đối với quy định này, cần bao quát hết mọi trường hợp, dù ở bất cứ thời điểm nào, giai đoạn nào của việc giải quyết vụ án, thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều không được phép can thiệp vào tiến trình làm việc cũng như việc thực hiện các hoạt động mang tính nghề nghiệp của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Theo tác giả, nên sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, cụ thể là: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc thực hiện nhiệm vụ và công việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân dưới bất kỳ hình thức nào”. So với pháp luật hiện hành thì sửa đổi này vẫn giữ nguyên nội dung nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, tuy nhiên có bổ sung thêm việc cấm đoán sự can thiệp từ bên ngoài đến cả quá trình thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng xét xử. Nhiệm vụ của thẩm phán và hội thẩm nhân dân được quy định lần lượt tại Điều 38 và Điều 39 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Mục đích của những nhiệm vụ này cũng hướng đến việc bổ trợ, là tiền đề để tìm ra sự thật vụ án như nhiệm vụ xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của thẩm phán hay nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án của hội thẩm. Đây là những hoạt động không thuộc phạm vi của hoạt động xét xử vụ án, tuy nhiên đây là quá trình hình thành nên những hiểu biết “đầu vào” để dẫn đến việc xét xử tại Tòa và trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ này thì Hội đồng xét xử vẫn có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng, chịu sự can thiệp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2.2. Bổ sung cơ chế mới trong việc giải quyết vụ án hành chính là “tham vấn pháp lý”
Trong việc giải quyết vụ án hành chính, chúng ta có thể hình thành một cơ chế mới, tên gọi là tham vấn pháp lý. Cơ chế này giúp thẩm phán có thể tranh thủ trí tuệ số đông, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, đặc biệt là ý kiến từ các thẩm phán lâu năm. Cụ thể, pháp luật có thể quy định theo hướng, xuyên suốt trong một nhiệm kỳ, thẩm phán được phép tham vấn pháp lý bao nhiêu lần. Tuy nhiên, chủ thể tham gia sẽ là các thẩm phán và Chánh án đến từ các Tòa án khác nhau, có thể khác địa phương hoặc khác cấp Tòa, tuy nhiên những chủ thể tham gia phải bảo đảm không có mối liên hệ về “thủ trưởng - nhân viên” trong một Tòa án và Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới. Bởi lẽ, nếu giữa các thẩm phán tham vấn có tồn tại mối liên hệ “thủ trưởng - nhân viên”, sẽ không bảo đảm được ý nghĩa ban đầu hướng đến là để thẩm phán tham khảo.
Với cơ chế này sẽ giúp thẩm phán đang có vướng mắc trong xét xử tham khảo được ý kiến từ những thẩm phán kỳ cựu mà không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của lãnh đạo nơi thẩm phán này làm việc cũng như sự chi phối của Tòa án cấp trên, vì ý kiến đến từ các đồng nghiệp không phải là lãnh đạo Tòa hay Tòa án cấp trên của mình nên thẩm phán có thể chọn cách nghe theo hoặc chỉ tham khảo, câu chuyện về sức ép của lãnh đạo sẽ không đè nặng lên việc xét xử của họ. Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định kèm theo tham vấn pháp lý không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của thẩm phán, cụ thể trong một nhiệm kỳ của mình, thẩm phán phải bảo đảm được tham gia bao nhiêu buổi tham vấn pháp lý cho vụ án của thẩm phán khác. Các buổi tham vấn này có thể tổ chức trên nền tảng internet, do đó, các thẩm phán từ mọi vùng miền đều có thể dễ dàng tham gia mà không bị ảnh hưởng về khoảng cách địa lý. Cơ chế tham vấn pháp lý bảo đảm được việc thẩm phán tranh thủ được ý kiến tập thể về vụ án mà mình đang giải quyết. Bằng việc áp dụng cơ chế tham vấn pháp lý này, những vướng mắc của thẩm phán đối với vụ án mình đang xử lý có thể được giải quyết và thẩm phán cũng tìm được một phương hướng xét xử tốt nhất đối với vụ án đó.
2.3. Xây dựng mô hình cơ quan tài phán hành chính chú trọng đến yêu cầu về tính chuyên môn, nghiệp vụ của thành viên Hội đồng xét xử
Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn về việc người giải quyết các vụ án hành chính phải có kiến thức chuyên môn cũng như hiểu biết về quản lý hành chính nhà nước có thể tham khảo xây dựng mô hình cơ quan tài phán hành chính theo kinh nghiệm của Australia. Các thành viên cơ quan tài phán hành chính một phần được lựa chọn dựa trên trình độ am hiểu về lĩnh vực chuyên môn theo đề xuất của Ủy ban Kerr. Yếu tố am hiểu về chuyên môn sâu của các thành viên cơ quan tài phán được thừa nhận rộng rãi là một trong những ưu thế của hệ thống cơ quan tài phán hành chính của Australia[8]. Nhân sự trong cơ quan này đều có nguồn gốc từ những luật gia, chuyên gia trong một số lĩnh vực nhất định như kế toán, quản lý, môi trường, thuế, y tế… Do đó, chất lượng của việc giải quyết các tranh chấp hành chính được đánh giá cao. Hơn nữa, cơ quan tài phán hành chính vốn “thuộc nhánh hành pháp, độc lập về mặt tổ chức và hoạt động với cơ quan hành chính nhà nước”[9], với những quyền hạn được trao tương đồng với cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan này có đủ khả năng và quyền năng để xem xét đánh giá tính hợp lý của vụ việc. Các cơ quan tài phán hành chính theo mô hình của Australia được quyền đánh giá cả tính hợp pháp và tính hợp lý của các quyết định này. Ngoài ra, với đặc điểm độc lập về mặt tổ chức và cả hoạt động với các cơ quan hành chính nhà nước nên bài toán về sự can thiệp từ phía người bị kiện vào hoạt động xét xử của cơ quan này cũng đã được giải quyết.
2.4. Kiện toàn thiết chế về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm và thân nhân của thẩm phán, hội thẩm nhân dân
Để thẩm phán cũng như hội thẩm nhân dân có thể an tâm công tác, cần có một khung pháp lý “kiên cố” để bảo vệ cho sự an nguy của thành viên Hội đồng xét xử và thân nhân của họ trước mọi hình thức công kích của “kẻ” thua án. Thay vì định hình quy định về bảo vệ sự an toàn của thẩm phán và người thân của họ chỉ gói gọn trong những vấn đề về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì cần phải mở rộng hơn nữa phạm vi bảo vệ. Về vấn đề này, có thể tham khảo các thức quy định về việc bảo đảm sự an toàn của cá nhân thẩm phán và thân nhân của họ như quy định tại Điều 55 Luật Pháp quan Trung Quốc. Theo tác giả nên quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi mang tính chất trả đũa, xúc phạm, vu khống, bạo lực, đe dọa, sách nhiễu và các hành vi phạm pháp khác lên thẩm phán và người thân của thẩm phán”. Bằng cách quy định như vậy, pháp luật sẽ không bỏ sót bất cứ hành vi nào xâm hại đến thẩm phán và thân nhân của họ với mục đích trả thù, đơn cử như hành vi gây tác động lên những chủ thể có thẩm quyền trong việc tái bổ nhiệm thẩm phán. Đồng thời, cần phải xây dựng chế định pháp luật để bảo vệ cho sự an toàn của hội thẩm nhân dân và người thân của họ.
2.5. Quy định thời hạn hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án
Để nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án của hội thẩm nhân dân không mang tính hình thức thì pháp luật cần cho hội thẩm nhân dânmột khoảng thời gian hợp lý để nghiên cứu. Nếu khoảng thời gian này quá ngắn thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng làm việc cũng như hiệu quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án của hội thẩm nhân dân, ngược lại, nếu khoảng thời gian này quá dài thì sẽ ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết tìm ra sự thật vụ án. Tuy nhiên, việc quy định được một khoảng thời gian vừa đủ để nghiên cứu hồ sơ vụ án mà không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án là điều không dễ, thêm nữa tính chất của mỗi vụ án là khác nhau. Tuy nhiên, vẫn cần phải có quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với hội thẩm nhân dân để bảo đảm hội thẩm nhân dân có đủ thời gian để nghiên cứu, tránh việc giao nhận “tùy tiện”.
2.6. Đổi mới quy định về nhiệm kỳ thẩm phán
Theo tác giả, chúng ta có thể nghiên cứu quy định kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán đến suốt đời trừ trường hợp đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị tước đi tư cách thẩm phán của pháp luật Pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tố tụng hành chính ở nước ta.
Cụ thể, một cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể trở thành thẩm phán với nhiệm kỳ suốt đời sẽ phải trải qua 03 giai đoạn: Giai đoạn đầu là được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán với nhiệm kỳ 05 năm, giai đoạn hai là sau khi kết thúc nhiệm kỳ 05 năm kia sẽ được tái bổ nhiệm với nhiệm kỳ 10 năm, giai đoạn cuối là sau khi kết thúc nhiệm kỳ 10 năm ở trên sẽ tiến hành việc tái bổ nhiệm với nhiệm kỳ là suốt đời. Thẩm phán sau khi trải qua 15 năm công tác và được tái bổ nhiệm một lần nữa thì nhiệm kỳ của họ sẽ là không thời hạn, nhiệm kỳ này chỉ kết thúc khi họ đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật với hình thức miễn nhiệm, cách chức. Nếu thẩm phán chỉ cần đáp ứng các điều kiện của pháp luật thì sẽ được trực tiếp bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời mà không trải qua bất cứ một lần tái bổ nhiệm nào thì sẽ không xúc tiến được tinh thần học hỏi và sự trau dồi, rèn giũa bản lĩnh nghề nghiệp của họ. Khi thẩm phán đối diện với một vài lần tái bổ nhiệm, họ phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để có thể giải quyết đúng đắn các tranh chấp, giảm thiểu tỷ lệ bị hủy án để bảo đảm tiêu chuẩn tái bổ nhiệm, lúc này năng lực của họ sẽ ngày càng phát triển đi lên, đến lúc được tái bổ nhiệm suốt đời, chất lượng xét xử của các thẩm phán sẽ được bảo đảm.
ThS. Nguyễn Thanh Quyên
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. http://www.byswzfw.gov.cn/study/5382.html, truy cập ngày 20/8/2023.
[2]. Narelle Bedford (2019), “AAT: Importance, Indepedence and Appointments”, https://www.auspublaw.org/ blog/2019/04/aat-importance-independence-and-appointments, truy cập ngày 20/8/2023.
[3]. Nguyễn Văn Quang (2001), “Giải quyết tranh chấp hành chính ở Ôxtraylia”, https://thuvienso.quochoi.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=16/33/34/&doc=163334213226559732522690171287609876451&bitsid=7a097a6f-22fe-4d1c-9d9a-4ebadec31a1e&uid=, truy cập ngày 20/8/2023.
[4]. Justice Duncan Kerr, “Challenges Facing Administrative Tribunals: The Complexity of Legislative Schemes and the Shrinking Space for Preferable Decision Making” (Speech delivered at the Council of Australasian Tribunals Victoria Twilight Seminar, Melbourne, 18 November 2013), truy cập ngày 20/8/2023.
[5]. Nguyễn Văn Quang (2001), “Giải quyết tranh chấp hành chính ở Ôxtraylia”, https://thuvienso.quochoi.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=16/33/34/&doc=163334213226559732522690171287609876451&bitsid=7a097a6f-22fe-4d1c-9d9a-4ebadec31a1e&uid=, truy cập ngày 20/8/2023.
[6]. A Alice-Elie (2011), L’iamovibite des magistrats: Un modele?, https://docassas.u-paris2.fr/nuxeo/site/esupversions/0c5bec53-71c8-4569-91b3-3f5e0f4e0143?inline, truy cập ngày 20/8/2023.
[7]. Tô Văn Hòa (2007), Tính độc lập của Tòa án - Nghiên cứu pháp lý về các khía cạnh lý luận, thực tiễn ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 382.
[8]. Nguyễn Văn Quang (2007), Nghiên cứu so sánh về hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính bằng Tòa án và cơ quan tài phán hành chính ở Australia và Việt Nam: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, tr. 42.
[9]. Nguyễn Văn Quang (2008), Thiết lập mô hình cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Một số gợi ý từ mô hình cơ quan tài phán hành chính của Australia, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (6), tr. 25.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)