Đáng chú ý, trong quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật, sự thay đổi về nhận thức đối với vấn đề cai nghiện ma túy cũng diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là sự chuyển biến từ quan điểm hình sự hóa sang quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh. Sự chuyển biến này ghi nhận cả một quá trình nỗ lực, cố gắng và hội nhập của Việt Nam với xu thế chung của thế giới, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Có thể nói, ma túy là một vấn nạn, một hiểm họa mang tính toàn cầu ở mọi quốc gia. Ma túy không chỉ tàn phá sức khỏe, nguy hại đến tính mạng của con người, mà còn kéo theo sự gia tăng của tình trạng tội phạm, bạo lực trong toàn xã hội, làm suy giảm đạo đức, nhân cách, phẩm giá con người, cũng như gây xói mòn văn hóa của các quốc gia. Vì thế, song song với nhiệm vụ ngăn chặn tình hình sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy, các quốc gia trên thế giới cũng tập trung rất nhiều nguồn lực đối với công tác cai nghiện ma túy với hy vọng giảm nhu cầu sử dụng và giảm tác hại, ảnh hưởng của ma túy đối với người nghiện, gia đình người nghiện và đối với toàn xã hội.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, thể hiện qua số lượng văn bản pháp luật và đặc biệt là sự chuyển biến về quan điểm đối với vấn đề nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Nhờ đó, việc quản lý, xử lý và từng bước ngăn chặn, phòng chống ma túy cũng như chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên cả nước đã được cải thiện.
1. Sự phát triển của hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, vấn đề cai nghiện ma túy luôn gắn liền với các vấn đề về phòng, chống ma túy. Do đó, việc đấu tranh với tội phạm ma túy thường là những vấn đề nổi cộm trong hệ thống pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây pháp luật về cai nghiện ma túy cũng ngày càng được chú trọng nhiều hơn, các quan điểm về sử dụng ma túy có sự thay đổi căn bản từ hình sự hóa sang một loại bệnh. Quá trình chuyển đổi này chính là bước ngoặt lớn trong tư duy về trong xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy và có thể coi là căn cứ quan trọng để đánh giá về hệ thống phát luật về cai nghiện ma túy.
Tại Việt Nam, những quy định chính thức đầu tiên về các tội danh liên quan đến ma túy được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự năm 1985 (Điều 203 - Tội tổ chức dùng chất ma túy). Các quy định pháp luật về ma túy và cai nghiện ma túy dần dần được cụ thể hóa, làm rõ trong các văn bản pháp luật khác nhau và ở mỗi giai đoạn đều thể hiện rõ những quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề này. Từ đó tới nay có thể chia làm 04 giai đoạn của hệ thống pháp luật liên quan tới cai nghiện ma túy:
1.1. Giai đoạn trước năm 2000
Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy còn khá ít văn bản, nổi bật nhất là Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt chương trình hành động phòng chống ma túy giai đoạn 1998 - 2000. Theo Quyết định 139/1998/QĐ-TTg, cai nghiện ma túy bao gồm 02 hình thức cơ bản là cai nghiện tại cộng đồng gắn với xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư và cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện ma túy cấp huyện, tỉnh. Hai trung tâm cai nghiện ma túy khu vực do trung ương quản lý được thành lập. Quyết định 139/1998/QĐ-TTg là tiền đề quan trọng để bắt đầu phát triển hệ thống phát luật về cai nghiện ma túy với mục tiêu nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống ma túy đầu tiên của Việt Nam.
1.2. Giai đoạn từ năm 2000 tới trước năm 2008
Ở giai đoạn này, Việt Nam đã ban hành và thực thi hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Trong đó, hệ thống pháp luật vẫn ưu tiên tập trung cho đấu tranh tới tội phạm ma túy trong khi các quy định pháp luật về cai nghiện ma túy cũng được hình thành rõ ràng hơn khi có một chương riêng về cai nghiện ma túy với 10 điều (từ Điều 25 đến Điều 35).
Theo Luật Phòng, chống ma túy, việc chống lại hay cản trở việc cai nghiện ma túy đều là các hành vi bị nghiêm cấm, Nhà nước khuyến khích cai nghiện tự nguyện bên cạnh cai nghiện bắt buộc và các hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được áp dụng đối với tất cả người nghiện ma túy.
Trong giai đoạn này, vấn đề cai nghiện ma túy còn được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Quy trình, thủ tục đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện ma túy phải tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Để nâng cao hiệu quả về cai nghiện ma túy, Luật Phòng, chống ma túy cũng chú trọng tới các giải pháp để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau cai cho người nghiện bằng các hỗ trợ như vay vốn, tìm việc làm, tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội cho người nghiện sau cai.
1.3. Giai đoạn từ năm 2008 tới trước năm 2013
Đây là giai đoạn pháp luật về cai nghiện ma túy thực hiện theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Trong đó, các sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 liên quan tới cai nghiện ma túy có thể kể tới như Điều 26a về các biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm: (i) Cai nghiện ma túy tự nguyện và (ii) Cai nghiện ma túy bắt buộc. Các hình thức cai nghiện ma tuý bao gồm: (i) Cai nghiện ma túy tại gia đình; (ii) Cai nghiện ma túy tại cộng đồng và (iii) Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng từ 06 - 12 tháng; thời hạn cai nghiện ma túy tại các trung tâm vẫn giữ nguyên từ 12 - 24 tháng.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa các mô hình cai nghiện và tăng cường các giải pháp can thiệp, giảm tác hại liên quan tới nghiện ma túy tiếp tục được bổ sung, làm rõ trong Quyết định số 1001/QĐ - TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong chiến lược này, Việt Nam thể hiện rõ quan điểm pháp luật đối với vấn đề phòng chống ma túy nói chung và vấn đề cai nghiện ma túy nói riêng, đó là sự kết hợp giữa phòng mà chống, kết hợp giữa chiến lược giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trong đó, chiến lược giảm cầu chính là chiến lược về cai nghiện ma túy. Để phòng và chống ma túy, cũng như để nâng cao được hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy, Quyết định số 1001/QĐ – TTg đã chú trọng ngày càng nhiều tới vai trò của khu vực ngoài nhà nước: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và của tất cả công dân”[1].
1.4. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay
Giai đoạn này ngoài việc tiếp tục thực thi các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy còn được cụ thể hóa theo các quy định tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tới năm 2020. Điểm nhấn quan trọng nhất của Quyết định này là việc khẳng định nghiện ma túy là bệnh mãn tính và coi điều trị ma túy là một quá trình lâu dài, không chỉ là điều trị về y tế mà còn là điều trị về tinh thần: “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy (gọi tắt là điều trị nghiện) là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép”[2] .
Cũng theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để xã hội hóa công tác cai nghiện, đặc biệt là các mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng, cai nghiện có sự tham gia của khu vực tư nhân... Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn, Nhà nước cũng ban hành lộ trình chuyển đổi các cơ sở điều trị thay thế thành cơ sở điều trị tự nguyện để cung cấp dịch vụ toàn diện và đa dạng sự lựa chọn cho người nghiện cai nghiện ma túy.
Để đảm bảo hiệu quả về công tác cai nghiện ma túy, Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 cũng đề xuất giải pháp về sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy, trong đó có tính tới việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về điều trị nghiện ma túy và chỉnh sửa hàng loạt các chính sách pháp luật có liên quan: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến công tác cai nghiện của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Dự phòng và điều trị nghiện; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”[3]. Đến thời điểm này, quan điểm về xây dựng một luật riêng về điều trị cai nghiện ma túy đã được thay thế bằng quan điểm sẽ điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chương về cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy để đảm bảo tính đồng nhất của hệ thống pháp luật về ma túy của Việt Nam.
2. Quá trình thay đổi nhận thức hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy
Thực tiễn cho thấy, thay đổi nhận thức pháp luật về cai nghiện ma túy là một quá trình rất dài, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới. Điểm chung của hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều rất nghiêm khắc đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán chất ma túy nhưng lại có những quan điểm không giống nhau trong việc xử lý hành vi sử dụng ma túy của cá nhân người nghiện. Nhiều quốc gia hiện tại vẫn áp dụng hình phạt tù rất nặng đối với các cá nhân có hành vi sử dụng ma túy cho bản thân. Trong khi đó, cũng có nhiều quốc gia khác đã lựa chọn một hướng tiếp cận khác, tương tự như Việt Nam sau một quá trình vận động và thay đổi, không coi hành vi sử dụng ma túy là hành vi phạm tội hình sự.
2.1. Quan điểm hình sự hóa việc sử dụng trái phép chất ma túy
Các quan điểm hình sự hóa về việc sử dụng chất ma túy đã có từ trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, ở giai đoạn trước, công tác đấu tranh, phòng chống ma túy diễn biến rất phức tạp và có nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật. Vì thế, trước các yêu cầu của thực tiễn đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp, ngày 21/12/1999, Bộ luật Hình sự mới đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, Chương XVIII quy định các hành vi phạm tội liên quan tới ma túy gồm 10 điều. Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy như sau: “1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.
Quy định hình sự hóa về việc sử sụng trái phép chất ma túy cũng được thể hiện ở Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự. Mục II, điểm 2 của Nghị quyết quy định về trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm về ma tuý.
Các quan điểm về hình sự hóa đối với các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự được thực thi trong một giai đoạn khá dài cho tới khi Luật số16/2008/QH12 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 được ban hành vào năm 2008. Theo đó, quan điểm đối với người sử dụng ma túy không chỉ là người vi phạm pháp luật mà còn là nạn nhân của tệ nạn xã hội, là một người bệnh. Sự thay đổi về quan điểm này của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi chính là cơ sở để năm 2009 khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bãi bỏ Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy, tạo ra một sự thay đổi lớn trong tư duy pháp luật đối với vấn đề cai nghiện ma túy.
Sau khi bãi bỏ Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1999, việc xử lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy được chuyển từ xử lý hình sự sang xử lý xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút, tiêm chích, hít hoặc bằng các hình thức khác để sử dụng trái phép chất ma tuý.
2.2. Quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh
Trên thực tế không dễ để thay đổi quan điểm đối với người sử dụng ma túy từ hình sự hóa sang quan điểm phi hình sự hóa khi coi người nghiện ma túy là người bệnh. Tuy nhiên, việc bãi bỏ Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 được coi là một bước đi phù hợp với lộ trình về hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan tới cai nghiện ma túy và phòng chống ma túy như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn về quan điểm pháp luật này cũng thể hiện rõ tính nhân đạo trong việc xử lý đối với các hành vi về sử dụng ma túy cho mục đích cá nhân của người nghiện. Tiếp cận mới này cũng cho thấy, Việt Nam đã chuyển trọng tâm trong cách tiếp cận về phòng, chống ma túy. Theo đó, việc đấu tranh với tội phạm ma túy tập trung vào các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển ma túy, những hành vi được coi là gây nguy hiểm cho xã hội. Trong khi đối với các hành vi sử dụng ma túy của cá nhân được xác định là các hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội và cần phải được nhìn nhận đúng với bản chất của vấn đề. Mặt khác, kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, nếu vẫn tiếp tục coi người nghiện ma túy là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì chi phí xã hội để giải quyết vấn đề này rất tốn kém trong khi hiệu quả thực tiễn lại không cao.
Trước khi cụ thể hóa quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh, pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam cũng đã có quan điểm chú trọng tới yếu tố phi hình sự của các hành vi sử dụng ma túy cá nhân. Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, các hình thức cai nghiện tự nguyện luôn là một giải pháp không thể thiếu bên cạnh hình thức cai nghiện bắt buộc. Trong số các hình thức cai nghiện tự nguyện, các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đều được khuyến khích phát triển để có thể dần trở thành dịch vụ phù hợp cho người nghiện và gia đình người nghiện.
Về cơ bản ở giai đoạn trước, quan điểm pháp luật về ma túy của Việt Nam bao gồm 03 cách tiếp cận là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Các cách tiếp cận này đã rất phù hợp ở trong một giai đoạn nhất định, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ma túy và kìm chế tỷ lệ người nghiện ma túy.
Quan điểm pháp luật về việc coi người nghiện ma túy là người bệnh không chỉ đơn thuần thể hiện ở các khía cạnh về quan điểm chung mà đã được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật có liên quan. Đã là người bệnh, người nghiện ma túy cần được điều trị ở những điều kiện y tế. Đồng thời, không giống như bệnh lý thông thường, bệnh của người nghiện ma túy có liên quan tới các yếu tố về môi trường, xã hội xung quanh. Do đó, việc điều trị cai nghiện ma túy đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, đặc biệt là phải cải thiện và nâng cao chất lượng của các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có liên quan tới cai nghiện ma túy.
Cai nghiện ma túy không đòi hỏi trình độ quá cao của đội ngũ y bác sĩ, nhất là khi Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị. Tuy nhiên, quá trình cai nghiện này lại đòi hỏi năng lực xã hội, tâm lý thấu hiểu và khả năng chia sẻ của đội ngũ y, bác sĩ đối với người nghiện. Do đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đã nhiều lần được quy định trong pháp luật về cai nghiện ma túy. Theo Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về ban hành khung chương trình đào tạo và tư vấn điều trị nghiện ma túy các yêu cầu về thấu hiểu tâm lý người nghiện là nội dung đào tạo bắt buộc mà cán bộ làm công tác cai nghiện phải nắm được: “Hình thành thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp trong quá trình hỗ trợ người sử dụng ma túy và gia đình: Tôn trọng, chấp nhận, thấu cảm với người nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy; tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp trong chăm sóc, hỗ trợ người nghiện ma túy”[4].
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã ban hành rõ các quy định cụ thể đối với việc xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy của Tòa án nhân dân cấp huyện. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan như Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động, Tòa án nhân dân trong việc xử lý các vấn đề về vi phạm hành chính để tăng tính minh bạch trong quá trình này cũng như đảm bảo quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Các quy định pháp luật hiện hành cũng thể hiện quan điểm hỗ trợ đối với người nghiện ma túy như một nhóm đối tượng cần các hỗ trợ về tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau cai quan trọng không kém so với hoạt động cai nghiện bởi cai nghiện ma túy thì khó nhưng tái nghiện lại rất dễ. Vì thế vấn đề quản lý sau cai nghiện cũng được chú trọng trong hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam: “Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý sau cai; tăng cường quan hệ phối hợp giữa trung tâm quản lý sau cai nghiện với chính quyền xã, phường, thị trấn, nơi người nghiện cư trú”[5].
Trải qua hơn 20 năm, hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy của Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển đa dạng, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn trong công tác cai nghiện ma túy gắn với đấu tranh phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế số lượng người nghiện ma túy vẫn đang ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa và phức tạp hơn về loại ma túy sử dụng, đặc biệt là đối với ma túy tổng hợp. Trong số các nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi công tác cai nghiện ma túy, không thể không nhắc đến sự bất cập của hệ thống chính sách. Vì thế, các bất cập này đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm xây dựng pháp luật về cai nghiện ma túy phù hợp với tình hình mới ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật mới về công tác cai nghiện, tăng cường các chính sách về xã hội hóa công tác cai nghiện, phát huy vai trò của khu vực tư nhân, cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ cai nghiện chất lượng tốt, giá rẻ, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi đối tượng trong xã hội… Việc khắc phục các bất cập trong hệ thống pháp luật về ma túy phải bắt nguồn từ sự thay đổi ngay trong Luật Phòng, chống ma túy./.
ThS. Nguyễn Thị Đức Hạnh