Đây là một trong những kinh nghiệm lập pháp để Việt Nam tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng pháp luật về chế độ công vụ theo vị trí việc làm phù hợp với sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Pháp luật về chế độ công vụ theo vị trí việc làm (VTVL) là hệ thống các quy định pháp luật cần phải tuân theo trong việc điều chỉnh các quan hệ về công vụ theo VTVL, bao gồm: Thiết lập các chức vụ công chức; việc tuyển dụng công chức theo VTVL, sử dụng công chức theo VTVL, quản lý công chức theo VTVL; khen thưởng, kỷ luật công chức theo VTVL; quyền lợi và nghĩa vụ của công chức và các vấn đề khác trong chính sách đối với đội ngũ công chức nhà nước của các chủ thể được Nhà nước trao quyền, nhân danh Nhà nước thực hiện các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích nhân dân.
Pháp luật về chế độ công vụ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Pháp luật về chế độ công vụ theo VTVL ở Hoa Kỳ có nền móng từ Luật Chế độ công chức năm 1883, Luật Nghỉ hưu công chức năm 1920, Luật Phân loại chức vị năm 1923 và 1948; Luật Xét công trạng năm 1950... Đến năm 1978, Luật Cải cách chế độ công chức đã ra đời thay thế cho Luật Chế độ công chức năm 1883, Luật về lương đối với công chức liên bang năm 1993. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy để quản lý về các vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến công chức... Nội dung của pháp luật về chế độ công vụ theo VTVL bao gồm các quy định về tổ chức, tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, điều kiện phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ về quyền và nghĩa vụ của công chức, địa vị pháp lý của người công chức, chế độ đãi ngộ, những bảo đảm về chức vụ, khen thưởng, kỷ luật công chức theo VTVL...
Một là, tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm
Tuyển dụng là quá trình bổ sung những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ công chức. Khi tuyển dụng được công chức phù hợp, đáp ứng được yêu cầu VTVL sẽ làm cho chất lượng công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước. Tuyển người phù hợp ngay ở khâu đầu tiên sẽ giúp hạn chế phải giải quyết các vấn đề liên quan đến các chu trình của chế độ công vụ như hiện tượng bỏ việc, không có động cơ làm việc. Chính vì vậy, pháp luật về chế độ công vụ theo VTVL cần phải điều chỉnh đối với việc tuyển dụng công chức từ quy định về căn cứ, nguyên tắc, hình thức, điều kiện, thủ tục tuyển dụng công chức nhằm đảm bảo tuyển được công chức vừa có tài và có đức đáp ứng yêu cầu của VTVL.
Các điều kiện tuyển dụng công chức theo VTVL của Hoa Kỳ như độ tuổi, sức khỏe, trình độ đào tạo, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm công tác… được quy định theo pháp luật. Các yêu cầu khác như đơn dự tuyển, bản khai lý lịch công tác là yêu cầu cầu bắt buộc đối với công chức. Cơ quan quản lý nhân sự liên bang thực hiện thẩm quyền tuyển dụng công chức theo VTVL. Về phương thức, việc tuyển dụng công chức phải qua thi tuyển (chú trọng phỏng vấn trực tiếp và kiểm tra thao tác thực tế) và xét tuyển, đồng thời, việc tuyển dụng phải tuân thủ theo các nguyên tắc chủ yếu sau đây:
- Khách quan: Các cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển phải căn cứ vào yêu cầu khách quan để lựa chọn thí sinh trúng tuyển;
- Công khai: Các nội dung cần công khai trong quá trình tuyển dụng công chức như: Tiêu chuẩn dự tuyển, số lượng VTVL cần tuyển, kết quả thi tuyển, các chế độ ưu tiên...; việc tuyển chọn phải được thực hiện dựa trên năng lực và kết quả thực tế, các tiêu chí để chọn và các kỹ thuật chọn người phải đáng tin cậy, đảm bảo tìm được người phù hợp với vị trí cần tuyển;
- Bảo đảm tính cạnh tranh: Đảm bảo tinh thần cạnh tranh trong các khâu của thi tuyển và có các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo cho cạnh tranh thực hiện có hiệu quả như phải xây dựng được tiêu chuẩn thi tuyển rõ ràng, phải thông báo công khai, tổ chức thi chặt chẽ, khách quan…;
- Áp dụng chế độ thực tài trong tuyển dụng công chức theo VTVL;
- Nguyên tắc mở trong thi tuyển công chức tức là bất cứ ai đáp ứng nhu cầu VTVL đều được tham gia ứng tuyển công chức. Trong quá trình tuyển dụng công chức không có hạn chế nào đối với các thí sinh trừ khi họ không đáp ứng yêu cầu VTVL.
Về quy trình tuyển dụng công chức, bao gồm chiêu sinh, thi, tuyển dụng, thực tập, cụ thể: Việc chiêu sinh trong quá trình tuyển dụng công chức ở Hoa Kỳ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các VTVL, điều kiện, thời gian, địa điểm. Bất kỳ ai đáp ứng nhu cầu VTVL trong nền công vụ của Hoa Kỳ đều có thể tham gia ứng tuyển vào các vị trí còn trống. Nội dung thi tuyển nhấn mạnh đến các môn kiến thức chuyên ngành và năng lực thực thi công vụ chứ không yêu cầu tất cả các vấn đề chung. Hình thức thi là thi viết, thi vấn đáp, thi thao tác thực tế... Những người đủ tư cách được đưa vào bảng thành tích để tuyển dụng được xếp từ cao xuống thấp. Cơ quan quản lý nhân sự đưa 7 nhân viên có thành tích cao nhất cho cơ quan tuyển dụng công chức. Cơ quan tuyển dụng sẽ tiến hành điều tra và nói chuyện với những người đủ tư cách thi và lựa chọn một trong số 7 người đó. Sau khi công chức được lựa chọn phải trải qua một thời gian thử việc để kiểm tra trình độ và năng lực của công chức.
Công chức được tuyển dụng theo VTVL được chia làm ba loại: (i) Công chức hợp đồng (thời hạn hợp đồng của công chức hợp đồng thường không quá một năm, sau đó có thể ký tiếp hợp đồng, nhưng không được hưởng trợ cấp và lương hưu); (ii) Công chức có điều kiện (trong thời gian làm việc 3 năm, công chức có điều kiện được chuyển thành công chức chính thức chuyên nghiệp); (iii) Công chức chuyên nghiệp.
Hai là, quản lý, đào tạo và đánh giá công chức theo vị trí việc làm
Quản lý công chức theo VTVL là việc thu hút, duy trì và phát triển được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, phẩm chất đáp ứng được các nhu cầu của cơ quan hành chính nhà nước về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy pháp luật về công chức của Hoa Kỳ quy định về nguyên tắc quản lý, nội dung và thẩm quyền quản lý công chức theo VTVL.
Đào tạo, bồi dưỡng công chức theo VTVL cần được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, hình thức, chế độ, thời gian, phương pháp nhằm xây dựng phát triển đội ngũ công chức chuyên nghiệp, mẫn cán với công việc. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng công chức bao gồm: Các cơ quan thực hiện đào tạo, đào tạo chính quy, đào tạo tại chức, bồi dưỡng tại chức. Cơ quan thực hiện đào tạo công chức đó là Học viện công chức hành chính liên bang.
Việc đánh giá công chức theo VTVL dựa vào thành tích và kết quả công tác của công chức theo chính VTVL. Thời điểm đánh giá công chức được đánh giá theo năm và kết hợp với đánh giá đột xuất trong trường hợp công chức được đề bạt lên vị trí cao hơn. Phương pháp đánh giá bằng cách cho điểm vào phiếu đánh giá, người quản lý trực tiếp công chức theo VTVL đánh giá. Mức độ đánh giá là: Tốt, khá, kém. Mức độ tốt tức là công chức vượt tiêu chuẩn quy định và đây là căn cứ để công chức được tăng bậc lương. Mức độ khá tức là công chức đạt tiêu chuẩn quy định. Mức độ kém tức là công chức không đạt tiêu chuẩn quy định, đây là căn cứ để xét giảm bậc lương, hạ bậc, miễn chức đối với công chức. Thêm vào đó, công chức ở Hoa Kỳ mỗi ngày còn phải viết báo cáo về các công việc đã làm hay còn gọi là nhật ký công việc với những nội dung cụ thể và số lượng công việc, kết quả công việc đã làm trong một ngày. Đó là căn cứ quan trọng để đánh giá công chức theo VTVL.
Ba là, việc đề bạt công chức và tiền lương theo vị trí việc làm
Căn cứ để đề bạt công chức theo VTVL có liên quan trực tiếp đến thành tích công việc, dựa vào kết quả đánh giá công chức theo VTVL. Việc đề bạt công chức có đề bạt trong nội bộ ngành và đề bạt bên ngoài (tức là cho phép người ngoài tham gia thi, ai giỏi nhất sẽ được thăng chức).
Về tiền lương, công chức được trả lương theo VTVL. Nguyên tắc trả tiền lương là cấp lương đồng đều, cấp lương định kỳ, tăng lương theo trượt giá, công khai. Lương được trả theo các bậc khác nhau theo quy định pháp luật. Ngoài lương còn có tiền làm thêm giờ, tiền làm ca đêm, tiền trả cho ngày nghỉ, tiền trả theo khu vực, tiền thưởng...
Đánh giá chung: Pháp luật của Hoa Kỳ quy định tương đối đầy đủ, thống nhất về chế độ công vụ theo VTVL. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu để Việt Nam vận dụng trong quá trình xây dựng chế độ công vụ theo VTVL ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, thể hiện ở mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, quan tâm kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ về tuyển dụng công chức, áp dụng chủ yếu là hình thức thi tuyển mang tính chất khách quan, công bằng, không thực hiện thi tất cả các môn chung mang tính dàn trải, mà tập trung vào các môn chuyên ngành, đặc biệt chú trọng đến trình độ chuyên môn của công chức, áp dụng phương pháp phỏng vấn và kiểm tra thao tác thực tế để kiểm tra năng lực thực thi công vụ của các ứng viên.
Thứ hai, việc đánh giá, đề bạt công chức được áp dụng theo VTVL và kết quả công việc. Tiền lương của công chức Mỹ được trả theo VTVL, có chính sách tăng lương đối với những người được đánh giá là hoàn thành công việc.
Chế độ công vụ theo VTVL là chế độ công vụ còn mới đối với nước ta, vì vậy, những gợi mở của pháp luật về chế độ công vụ theo VTVL của Hoa Kỳ sẽ là những kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo trong quá trình xây dựng nền hành chính hiện đại phù hợp với pháp luật công vụ của các nước phát triển trên thế giới.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.