1. Pháp luật của Anh về mô hình cho vay ngang hàng
Với sự ra đời của Zopa năm 2005[1], nước Anh trở thành nước đầu tiên xuất hiện hoạt động cho vay ngang hàng (CVNH). Nếu so sánh về quy mô, thị trường CVNH thì thị trường Anh nhỏ hơn thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, nếu so sánh về hiệu quả hoạt động của thị trường thì Anh lại nhận được ý kiến phản hồi từ người sử dụng khả quan hơn và cũng là quốc gia có sự tồn tại của những tổ chức CVNH uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống quản lý hoạt động CVNH tại Anh khá phù hợp với đặc điểm của mô hình CVNH tại quốc gia này và luôn được hoàn thiện theo hướng thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
Năm 2014, nước Anh một lần nữa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống quy định pháp luật về hoạt động CVNH. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động CVNH ở Anh là Cơ quan kiểm soát Ngành Tài chính (Financial Conduct Authority - FCA). Các nền tảng CVNH phải đáp ứng những quy định trong Sổ tay FCA (The FCA Handbook) bao gồm các nhóm văn bản khác nhau quy định khung pháp lý cho từng đối tượng cụ thể trong hoạt động CVNH, cụ thể:
Về những tiêu chuẩn cơ bản của một công ty P2P (Peer to peer lending - Cho vay ngang hàng), các công ty CVNH được yêu cầu phải xin cấp phép từ FCA. Để nhận được giấy phép của FCA, công ty P2P phải đáp ứng đủ ba yếu tố sau: Một là, phải có trang web vận hành hoặc gần với web vận hành; hai là, phải có nguồn tài chính đầy đủ, công ty cần có mức vốn tối thiểu là 50.000 bảng Anh hoặc một tỷ lệ phần trăm tổng giá trị vốn vay, yêu cầu về vốn tối thiểu được quy định từ ngày 01/4/2017; ba là, phải có một kế hoạch dự phòng trong trường hợp có nợ xấu. Các kế hoạch giải quyết trong trường hợp có nợ xấu nhằm mục đích thu hồi được nợ và việc hoàn trả tiền gốc và lãi. Ngoài ba yếu tố trên, các công ty P2P cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn khác được quy định trong Sổ tay FCA, cụ thể:
- Các nguyên tắc cho doanh nghiệp (Principles for Businesses - PRIN)[2], bao gồm các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các công ty P2P phải đáp ứng như: Quản lý và kiểm soát hoạt động của các thành viên trong nhóm công ty; mối quan hệ với các cơ quan quản lý; thận trọng về tài chính; ứng xử thị trường...
- Điều kiện ngưỡng (Threshold Conditions - COND)[3] quy định về những điều kiện tối thiểu mà một công ty bắt buộc phải đáp ứng nếu họ muốn được ủy quyền, được cấp phép và được cho phép duy trì hoạt động.
- Quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COCON)[4] buộc tất cả mọi nhân viên của bất kỳ bộ phận nào thuộc công ty phải tuân thủ theo. Những quy tắc ấy bao gồm quy tắc ứng xử của cá nhân, của các nhà quản lý cấp cao và các yếu tố chung để đánh giá sự tuân thủ các quy tắc của cá nhân trong công ty.
- Các điều khoản chung (General Provisions - GEN)[5] quy định các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp về sự tương tác của họ với FCA, bao gồm các tuyên bố tiết lộ thông tin theo luật định; việc sử dụng tên hoặc logo FCA…
Về quy định đối với nhà quản lý và nhân sự trong công ty, khi công ty P2P đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn để được FCA cấp phép hoạt động, công ty cần xây dựng một bộ máy quản lý chất lượng và phù hợp với quy mô, lĩnh vực hoạt động của công ty. Những quy tắc đó được quy định cụ thể tại một số văn bản như: (i) Các hệ thống quản lý và kiểm soát quản lý cao cấp (Senior Management Arrangements, Systems and Controls - SYSC)[6]; (ii) Các nguyên tắc và quy tắc cho nhà quản lý (Statements of Principle and Code of Practice for Approved Persons - APER)[7]; (iii) Các nguyên tắc và yêu cầu về sự phù hợp của vị trí nhà quản lý ((The Fit and Proper Test for Approved Persons - FIT)[8]; (iv) Đào tạo và năng lực (Training and Competence - TC)[9].
Về những quy định cụ thể trong hoạt động CVNH, FCA đã đưa ra khung pháp lý cho các công ty cung ứng giải pháp tài chính này phải thực hiện, cụ thể:
(i) Quy tắc kinh doanh (Conduct of Business Sourcebook - COBS)[10] bao gồm những quy định và hướng dẫn của FCA liên quan đến việc vận hành một nền tảng CVNH cụ thể là liên quan đến người cho vay.
(ii) “Tài liệu tín dụng tiêu dùng” (The Consumer Credit Sourcebook - CONC)[11], yêu cầu các công ty P2P phải cung cấp đầy đủ cho người đi vay thông tin về sự phù hợp của khoản vay, cách thức thanh toán khoản vay và những hậu quả có thể xảy ra khi không hoàn trả lãi và gốc khoản vay.
(iii) Cẩm nang về phí (Fees Annual - FEES)[12].
(iv) Tài liệu về tài sản của khách hàng (Client Assets Sourcebook - CASS) đưa ra những quy định cụ thể cho những cá nhân, doanh nghiệp sử dụng công cụ điện tử làm phương tiện giao tiếp với khách hàng.
(v) Các yêu cầu thận trọng (Prudential requirements)[13] bao gồm: INSPRU (những nghĩa vụ quản lý của công ty tài chính để bảo đảm đối xử công bằng với khách hàng); MIFIDPRU (nghĩa vụ của các tổ chức mẹ ở Anh khi trở thành một phần của cùng một nhóm công ty đầu tư)[14]; MIPRU (quy định về các quyền hành động được phát sinh khi thiệt hại xảy ra, yêu cầu về thù lao và quy định về định giá tài sản đối với các chủ nợ)[15].
(vi) Tài liệu hướng dẫn giải quyết tranh chấp (The Disputes Resolution Sourcebook - DISP)[16].
(vii) Hướng dẫn phòng chống tội phạm tài chính (Financial Crime: a guide for firms - FCG)[17].
Về quy định liên quan đến quy trình quản lý hoạt động CVNH, FCA cũng đưa ra những quy định về quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động CVNH như: (i) Giám sát (Supervision - SUP)[18]; (ii) Sổ tay hướng dẫn thủ tục quyết định và hình phạt (The Decision Procedure and Penalties manual - DEPP)[19].
2. Pháp luật của Hoa Kỳ về mô hình cho vay ngang hàng
Các nền tảng CVNH ở Hoa Kỳ không có quyền khởi tạo khoản vay mà phải hợp tác với ngân hàng để thực hiện[20]. Chính vì vậy, các nền tảng CVNH tại Hoa Kỳ không đóng vai trò như một nền tảng kết nối người cho vay và người đi vay thực sự. Các nền tảng này sẽ phát hành một khoản bảo đảm nợ cho người cho vay - người trở thành chủ nợ của nền tảng[21]. Mô hình CVNH tại Hoa Kỳ chịu sự điều tiết của 02 cấp quản lý: Cấp liên bang và cấp tiểu bang.
Ở cấp liên bang, các tổ chức cung cấp dịch vụ CVNH được coi là các công ty đại chúng nên phải thực hiện chế độ báo cáo và công khai thông tin chi tiết liên quan đến các khoản đầu tư và vay mượn theo định kỳ hàng tháng. Những tổ chức đó và cả ngân hàng đối tác phải tuân thủ quy định chung của pháp luật liên bang như:
Thứ nhất, các tổ chức CVNH và ngân hàng đối tác phải tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán, bao gồm:
(i) Đạo luật Chứng khoán năm 1933 (Securities Act of 1933): Đạo luật Chứng khoán liên bang yêu cầu bất cứ công ty nào tham gia vào đợt chào bán chứng khoán với công chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC - Securities and Exchange Commission).
(ii) Yêu cầu về duy trì rủi ro (Risk Retention Requirements): Đạo luật Dodd-Frank yêu cầu SEC, Văn phòng Tổng Kiểm toán Tiền tệ (OCC) và các tổ chức khác cùng ban hành quy định liên quan đến yêu cầu về duy trì rủi ro.
Thứ hai, các tổ chức phải tuân thủ quy định của Đạo luật Bảo mật ngân hàng (Bank Secrecy Act Regulations)[22]. Các công ty vận hành nền tảng CVNH không được tổ chức như ngân hàng sẽ không chịu sự giám sát trực tiếp của các cơ quan quản lý ngân hàng hoặc tổ chức tài chính liên bang như: FDIC, OCC. Tuy nhiên, ngân hàng đối tác vẫn có nghĩa vụ tuân thủ các luật hiện hành liên quan đến việc cấp vốn cho khoản vay của bên vay. Để bảo đảm sự tuân thủ, một số ngân hàng cấp vốn có thể yêu cầu công ty vận hành nền tảng CVNH đồng ý bằng hợp đồng những nội dung liên quan đến việc tuân thủ các quy định tuy không áp dụng trực tiếp với nền tảng CVNH nhưng ràng buộc ngân hàng.
Thứ ba, tổ chức CVNH và ngân hàng đối tác phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ người tiêu dùng. Điển hình như các đạo luật sau:
(i) Đạo luật Trung thực trong cho vay (Truth in Lending Act - TILA): Đạo luật liên bang này là một phần của Đạo luật Bảo vệ tín dụng người tiêu dùng[23].
(ii) Đạo luật Cơ hội tín dụng bình đẳng (Equal Credit Opportunity Act - ECOA): Đạo luật nghiêm cấm người cho vay phân biệt đối xử với người đi vay dựa trên chủng tộc, tôn giáo, màu da, giới tính, tình trạng hôn nhân, độ tuổi (trừ những trường hợp bị hạn chế theo quy định của pháp luật), nhận trợ cấp từ chính phủ[24].
(iii) Luật Cá nhân (Privacy Laws): Đạo luật liên bang Gramm-Leach-Bliley (GLBA) giới hạn việc tổ chức tài chính tiết lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng cho bên thứ ba, đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính công khai chính sách về quyền riêng tư; thiết lập chương trình bảo mật thông tin để bảo đảm an toàn cho thông tin cá nhân của khách hàng khỏi việc truy cập hoặc sử dụng trái phép.
Ở cấp tiểu bang, mỗi tiểu bang có những quy định khác nhau về hoạt động CVNH. Nếu doanh nghiệp CVNH hoạt động ở nhiều bang khác nhau thì phải tuân thủ pháp luật liên bang và các điều kiện cụ thể của từng bang, cụ thể như sau:
(i) Yêu cầu cấp phép của tiểu bang (State Licensing Requirements).
(ii) Luật Thiên thanh (Blue Sky Laws): Luật Thiên thanh là quy định của các tiểu bang nhằm bảo vệ nhà đầu tư chống lại gian lận chứng khoán.
(iii) Luật Cho vay nặng lãi (Usury Laws): Hầu hết các tiểu bang đều giới hạn theo luật định mức lãi suất tối đa đối với các khoản vay tiêu dùng, mức lãi suất tối đa này có thể dao động đáng kể giữa các tiểu bang.
Nhìn chung, có thể nói khung pháp lý cho hoạt động CVNH của Hoa Kỳ khá phức tạp. Bên cạnh đó, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động CVNH chủ yếu dựa trên những quy định sẵn có của khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng và hoạt động tài trợ vốn cộng đồng.
3. Pháp luật của Trung Quốc về mô hình cho vay ngang hàng
Mặc dù Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á phát triển mô hình P2P vào khoảng năm 2007 nhưng phải đến ngày 24/8/2016, Chính phủ Trung Quốc công bố quy định “Các biện pháp tạm thời về quản lý thông tin P2P giữa các bên trung gian”, nêu rõ 12 “ranh giới đỏ” mà các công ty P2P không được làm. Đây là công cụ đầu tiên được ban hành cho thị trường P2P, thiết lập chế độ điều tiết toàn diện, có hệ thống, điều chỉnh tất cả các vấn đề của ngành CVNH. Theo đó, các công ty CVNH phải tuân thủ những quy định cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định về việc vận hành công ty CVNH:
- Về đăng ký hoạt động CVNH: Công ty vận hành nền tảng CVNH phải trải qua thủ tục ba bước bao gồm: (i) Phải có giấy đăng phép kinh doanh; (ii) Xác nhận và đăng ký với cơ quan quản lý tài chính địa phương tại nơi mà công ty vận hành nền tảng đặt trụ sở; (iii) Xin giấy phép kinh doanh viễn thông từ cơ quan truyền thông có thẩm quyền.
- Về việc cung cấp thông tin: Các công ty CVNH phải công bố trên trang web của mình các thông tin cơ bản về các dự án cần tài trợ, đánh giá rủi ro có thể xảy ra; phải cung cấp đầy đủ thông tin về các giao dịch mà họ đã môi giới trong tháng trước (trong vòng 05 ngày làm việc đầu tiên của mỗi tháng).
- Về phạm vi kinh doanh và các quy tắc nghiệp vụ: Các dịch vụ mà công ty CVNH cung cấp bao gồm: Thu thập dữ liệu, đánh giá/chấm điểm tín dụng, giải ngân/thu nợ, tư vấn tài chính và giải quyết tranh chấp trên thực của thông tin người vay tiền và người cho vay, tính xác thực và tính hợp pháp của các khoản vay (thực hiện thủ tục KYC[25] về khách hàng); báo cáo dữ liệu hoạt động lên các cơ quan thống kê số liệu.
- Về hạn mức giao dịch và yêu cầu giám sát: Hạn mức tại một công ty cung ứng dịch vụ CVNH đối với cá nhân tối đa là 200.000 Nhân dân tệ (NDT), pháp nhân tối đa 1.000.000 NDT; hạn mức tại tất cả các công ty cung ứng dịch vụ CVNH đối với các nhân tối đa là 1.000.000 NDT, pháp nhân tối đa là 5.000.000 NDT.
- Về quản lý rủi ro: Các công ty CVNH phải thiết lập hệ thống lưu ký của bên thứ ba là một tổ chức, ngân hàng đủ điều kiện để lưu trữ các khoản tiền giao dịch của người đi vay và người cho vay.
- Về những hành vị bị cấm: Các công ty CVNH tuyệt đối không được thực hiện các hành vi sau: (i) Trực tiếp hoặc gián tiếp thu và hợp nhất quỹ của người vay; (ii) Cam kết thu đủ gốc và lãi cho người cho vay; (iii) Chia nhỏ thời hạn khoản vay; (iv) Tự ý bán các sản phẩm tài chính để tập hợp vốn; (v) Phóng đại lợi nhuận; (vi) Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động mang tính rủi ro cao như đầu tư cổ phiếu, cấp vốn ra bên ngoài.
Thứ hai, quy định đối với nhà đầu tư và người đi vay:
(i) Đối với nhà đầu tư/người cho vay: Nhà đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ chính xác; cam kết nguồn tiền để cho vay phải hợp pháp và là nguồn vốn tự có (không được đi vay để cho vay lại), có kinh nghiệm về đầu tư sản phẩm tài chính không bảo đảm tiền gốc đồng thời thành thạo trong việc sử dụng internet và tự chịu trách nhiệm đối với các tổn thất do không thu hồi được gốc/lãi. Nhà đầu tư có quyền được biết về các rủi ro phát sinh khi đầu tư, có năng lực nhận biết rủi ro.
(ii) Đối với người đi vay: Bên cạnh trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, người đi vay phải cam kết dụng vốn vay đúng mục đích, bảo đảm khả năng hoàn trả, không được đồng thời vay tại nhiều nơi cho một khoản vay.
Thứ ba, quy định đối với cơ quan quản lý hoạt động CVNH:
Ủy ban Quản lý bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động CVNH tại Trung Quốc. Theo đó, vai trò cụ thể của cơ quan này bao gồm: (i) Xây dựng các quy định giám sát cụ thể và quy định quản lý các tổ chức ngân hàng; (ii) Cấp phép thành lập, thay đổi, dừng hoạt động và phạm vi kinh doanh của các tổ chức ngân hàng; (iii)Thực hiện kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa đối với các tổ chức ngân hàng và tiến hành các hoạt động buộc thi hành đối với các hành vi vi phạm quy định; (iv)Thực hiện kiểm tra sự phù hợp và chính xác đối với nhân sự quản lý cấp cao của các tổ chức ngân hàng; (v)Thực hiện và công bố thống kê và báo cáo về tuân thủ các quy định liên quan đến ngành ngân hàng nói chung; (vi) Đưa ra các đề xuất về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở tham vấn với các cơ quan quản lý liên quan; (vii) Quản lý Ban Giám sát của các tổ chức ngân hàng lớn do Nhà nước sở hữu và các chức năng khác do Hội đồng Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, hoạt động P2P ở Trung Quốc phải tuân thủ các quy định khác đối với ngành Tài chính trực tuyến và tài chính thay thế như các quy định về nguyên tắc chung của Luật Dân sự và Luật Hợp đồng về ngành dịch vụ tài chính; các quy định liên quan đến các giao dịch tài chính thay thế do các nhà quản lý ngành hoặc các chính quyền địa phương ban hành; các quy định có liên quan đế việc vay vốn trong Luật Hình sự.
4. Một số gợi mở cho pháp luật về cho vay ngang hàng ở Việt Nam
Thứ nhất, Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm trước khi xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho mô hình CVNH.
Khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) là cơ chế quản lý thử nghiệm đặc thù nhằm tạo môi trường pháp lý thử nghiệm cho các công ty cung ứng giải pháp tài chính mới. Việc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm có thể giúp Việt Nam hạn chế các biến tướng, cũng như loại bỏ những nền tảng P2P không hiệu quả. Trong quá trình thực hiện khung pháp lý thử nghiệm, có thể bổ sung một số quy định như sau: Quy định cụ thể về trách nhiệm hoặc cam kết của các bên tham gia P2P, yêu cầu bắt buộc về nội dung và hình thức của các hợp đồng liên quan đến P2P, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia CVNH; quy định về thiết lập mức giới hạn khoản tiền vay của bên cho vay đầu tư qua nền tảng CVNH, cũng như mức giới hạn khoản tiền vay mà bên vay có thể vay thông qua hệ thống P2P; các yêu cầu đối với công ty P2P trong quá trình hoạt động như: Nghĩa vụ công bố thông tin của công ty P2P; cơ chế bảo mật thông tin khách hàng; hoạt động quảng cáo và xúc tiến thương mại của công ty P2P; phòng chống rửa tiền.
Thứ hai, ban hành quy định cụ thể về điều kiện để cấp phép hoạt động và các quy định điều chỉnh hoạt động của công ty CVNH sau khi được cấp phép.
Trước hết, xây dựng quy định cụ thể về điều kiện để các công ty CVNH được cấp phép hoạt động. Cơ quan cấp phép phải đưa ra các tiêu chuẩn cơ bản mà một công ty phải đáp ứng để được cấp phép hoạt động như: Điều kiện về trang web hoặc app; điều kiện về nguồn tài chính trong đó có số vốn tối thiểu để thành lập công ty; kế hoạch dự phòng nếu có nợ xấu. Ngoài ra, pháp luật cũng cần chỉ rõ công ty P2P phải đáp ứng các nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018); Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Bên cạnh đó, cần có những quy định về thẩm quyền cấp phép hoạt động đối với các công ty P2P, thẩm quyền quản lý, giám sát công ty P2P.
Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định để điều chỉnh hoạt động CVNH của công ty khi đi vào hoạt động bao gồm: Các quy định giới hạn phạm vi cung cấp dịch vụ đối với các công ty cung cấp dịch P2P; quy định về việc xây dựng bộ máy quản lý và nhân sự của công ty P2P sau khi được cấp phép hoạt động.
Thứ ba, ban hành các quy định về nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động CVNH.
Đối với nghĩa vụ của bên cho vay, pháp luật cần đưa ra quy định về giới hạn đầu tư dành cho nhà đầu tư dựa trên tình hình thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư có nghĩa vụ giao tài sản đúng thỏa thuận trong hợp đồng; bảo đảm đầy đủ giá trị của khoản vay, số tiền được chuyển đến tài khoản của bên vay chính xác như số tiền đã được ghi trong hợp đồng vay. Trường hợp nhà đầu tư chuyển đến tài khoản của người đi vay số tiền ít hơn số tiền đã thỏa thuận thì nhà đầu tư có nghĩa vụ phải chuyển phần tiền còn thiếu hoặc phải bồi thường thiệt hại cho người đi vay vì đã gây thiệt hại đến lợi ích của họ. nhà đầu tư còn có nghĩa vụ phải tuân thủ những quy định khác mà công ty P2P đưa ra.
Đối với nghĩa vụ của bên vay, pháp luật cần đưa ra những quy định như bên vay có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân khi tham gia giao dịch, bên vay phải tuân thủ quy định về giới hạn khoản vay. Sau khi ký kết hợp đồng vay, bên vay có nghĩa vụ phải trả nợ cho nhà đầu tư đúng thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Theo đó, bên vay phải thanh toán toàn bộ khoản vay và lãi thông qua tài khoản của nhà đầu tư đã liên kết với app (hay với trang web) của công ty P2P. Nếu trả nợ chậm hơn so với thời hạn vay hoặc trả không đủ số tiền đã vay như thỏa thuận, thì bên vay phải trả số tiền lãi với mức lãi suất (phù hợp với quy định pháp luật) theo yêu cầu bên cho vay hoặc thực hiện các điều khoản kèm theo về việc chậm trả nợ hoặc trả không đủ số tiền đã vay.
Đối với nghĩa vụ của bên trung gian hay chính là các công ty cung cấp nền tảng P2P, cần ban hành các quy định cụ thể như các công ty P2P có nghĩa vụ bảo mật đối với thông tin cá nhân của người dùng thông qua việc xây dựng các chương trình bảo mật thông tin để bảo vệ hồ sơ cá nhân của khách hàng; giới hạn việc công ty P2P tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ ba, đồng thời yêu cầu các công ty công khai chính sách về quyền riêng tư. Các công ty P2P phải công bố những thông tin cần thiết cho nhà đầu tư và người đi vay nhằm bảo đảm tính minh bạch trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty.
Thứ tư, đưa ra cơ chế để giải quyết các tranh chấp xảy ra trong hoạt động CVNH.
Pháp luật cần ban hành quy chế chung để giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra cũng như xử lý các yêu cầu khiếu nại của người dùng trong hoạt động CVNH. Cần đưa ra quy định cụ thể trong cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết các tranh chấp đối với hoạt động CVNH; nghĩa vụ của các công ty cung ứng nền tảng P2P trong việc giải quyết các tranh chấp. Các công ty P2P cần có quy chế để giải quyết khiếu nại của người dùng, cụ thể như trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; thời hạn giải quyết tối thiểu và tối đa; thông báo về kết quả giải quyết./.
Dương Lan Chi
Cử nhân ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Zopa được thành lập vào năm 2005 và là công ty đầu tiên phát triển khái niệm cho vay, kết nối các nhà đầu tư với những người đi vay thông qua một nền tảng trực tuyến duy nhất. Khi mọi người đăng ký vay tiền, nguồn tiền không phải từ các khoản tiền gửi của Zopa như có trong một ngân hàng truyền thống, mà từ một mạng lưới các nhà đầu tư bán lẻ cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức, những người đang giao dịch ngân hàng trên Zopa bằng cách sử dụng các thuật toán tốt hơn và công nghệ khác để đảm bảo rằng họ đang cho những người có nhiều khả năng trả lại những gì họ đã vay.
[2]. FCA, Principles for Businesses - PRIN, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/PRIN.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[3]. FCA,Threshold Conditions - COND, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/COND.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[4]. FCA, Code of Conduct - COCON, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/COCON.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[5]. FCA, General Provisions - GEN, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/GEN.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[6]. FCA, Senior Management Arrangements, Systems and Controls - SYSC, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/SYSC.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[7]. FCA, Statements of Principle and Code of Practice for Approved Persons - APER, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/APER/3/1.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[8]. FCA, The Fit and Proper Test for Approved Persons - FIT, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/FIT.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[9]. FCA, Training and Competence - TC, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/TC.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[10]. FCA, Conduct of Business Sourcebook - COBS, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/COBS.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[11] . FCA, The Consumer Credit Sourcebook - CONC, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/CONC.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[12]. FCA, Fees Annual - FEES, xem trực tiếp tại https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/FEES.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[13]. FCA, Prudential Sourcebookfor Insurers, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/INSPRU.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[14]. FCA, MIFIDPRU Prudential sourcebook for MiFID Investment Firms, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/MIFIDPRU/1/?view=chapter, truy cập ngày 01/7/2024.
[15]. FCA, Prudential sourcebook for Mortgage and Home Finance Firms,and InsuranceIntermediaries, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/MIPRU.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[16]. FCA, Dispute resolution: Complaints, xem tại https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/DISP.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[17]. FCA, Financial Crime Guide: A firm’s guide tocountering financialcrime risks (FCG), https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/FCG.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[18]. FCA, Supervision, xem tại https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/SUP.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[19]. FCA, The Decision Procedure and Penalties manual, https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/DEPP.pdf truy cập ngày 01/7/2024.
[20]. The expansion of the peer-to-peer lending and barriers to entry - Olena Havrylchyk, Carlotta Mariotto, Talal Rahim, Marianne Verdier (8/2018), https://www.nhh.no/globalassets/konferanser/taxation-and-regulation-in-the-digital-economy/Verdier-P2P_crowd_lending.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[21]. Naoko Nemoto, David Storey and Bihong Huang, Asian Development Bank Institute (ADBI), Optimal regulation of P2P Lending for small and medium-sized enterprise, https://www.adb.org/sites/default/files/publication/478611/adbi-wp912.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[22]. FDIC, Bank Secrecy Act, Anti-money Laundering, and Office of Foreign Assets Control, https://www.fdic.gov/regulations/safety/manual/section8-1.pdf, truy cập ngày 01/7/2024.
[23]. Federal Trade Commission (FTC), Truth in Lending Act, https://www.ftc.gov/enforcement/statutes/truth-lendingAct, truy cập ngày 01/7/2024.
[24]. Federal Trade Commission (FTC), Equal Credit Opportunity Act, https://www.ftc.gov/enforcement/statutes/equal-credit-opportunity-act, truy cập ngày 01/7/2024.
[25]. KYC là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: “Know Your Customer” dịch sang tiếng Việt nghĩa là “hiểu khách hàng của bạn”.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)