Abstract: The article analyzes the limitations of the current anti-corruption law in the private sector in Vietnam, on that basis, the author makes recommendations and proposals to improve the law.
1. Thực trạng pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư
Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước (hay còn gọi là khu vực tư), gồm cả các quy định mang tính chất khuyến nghị cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức tư và các quy định mang tính chất bắt buộc cho một số loại hình doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước. Có thể nói, đây là sự điều chỉnh kịp thời trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư có những diễn biến phức tạp, đáp ứng yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng phải tiến hành đồng bộ trong khu vực công và khu vực tư. Trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân”, vừa là “tác nhân” của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, là “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng và thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay đã bộc lộ những điểm hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc phòng chống tham nhũng (UNCAC), trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc tế hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung phạm vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước vào chương tham nhũng chức vụ. Tuy nhiên, quy định hiện tại còn mâu thuẫn giữa Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn đến khó áp dụng. Cụ thể: Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định hành vi tham nhũng khu vực tư bao gồm tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi, cho thấy chủ thể bao gồm cả pháp nhân và cá nhân. Điều này chưa thống nhất với quy định trong Bộ luật Hình sự (Bộ luật Hình sự không có chủ thể pháp nhân tham nhũng, cũng như tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ không được xếp vào mục các tội phạm về tham nhũng).
Thứ hai, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định cho phép các đơn vị, pháp nhân, cá nhân tham gia vào việc thực hiện các dịch vụ công như: Công chứng, giám định, phiên dịch, cung ứng cho việc mua sắm tài sản công... việc xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó, tạo điều kiện để khu vực tư nhân có cơ hội đầu tư và cạnh tranh phát triển. Nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nên dịch vụ cung cấp được rẻ hơn, tốt hơn; mặt khác, bộ máy nhà nước cũng trở nên gọn nhẹ và tiết kiệm hơn. Do đó, việc sớm sửa đổi, bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong khu vực tư theo Điều 21 UNCAC vào Bộ luật Hình sự là rất cần thiết. Việc hình sự hóa hành vi này góp phần tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong thời gian tới, tạo ra sự tương đồng, phù hợp giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, qua đó, hỗ trợ hoặc tiếp nhận hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả ở Việt Nam.
Thứ ba, qua rà soát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện hành, có rất nhiều hành vi “tiêu cực” của khu vực công đã được thể chế hóa thành các hành vi vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật và phần lớn đã có các chế tài xử lý, nhưng khi hợp nhất lại thì thấy cách gọi tên và thuật ngữ sử dụng trong các quy định không có sự thống nhất, đồng bộ với nhau, không ít hành vi chưa có chế tài xử lý. Đặc biệt, trong các văn bản pháp luật chưa có sự điều chỉnh thuật ngữ “tiêu cực” mà chủ yếu sử dụng thuật ngữ “tham nhũng”, cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chế tài xử lý những biểu hiện “tham nhũng, tiêu cực”, dẫn đến rất khó thực hiện trong thực tiễn.
Từ kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia UNDP[1] cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức tương đối tốt việc xây dựng các quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp. Cụ thể: Có 42% tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát; 26% đang xây dựng và có 32% không xây dựng. Số đã xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát đa phần là công ty cổ phần (45% số công ty cổ phần, 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát), công ty hợp danh (50% số công ty hợp danh, 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát), tổ chức khác ngoài nhà nước 45% số tổ chức ngoài nhà nước và 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát) và chỉ có 9% số công ty trách nhiệm hữu hạn (2% so với số các cơ quan, tổ chức được khảo sát) 22% cơ quan nhà nước (4% so với số các cơ quan, tổ chức được khảo sát) đã xây dựng cơ chế kiểm soát. Qua đó, cho thấy các tổ chức ngoài nhà nước, công ty cổ phần và các công ty hợp danh có ý thức hơn trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát do đặc điểm ngành nghề hoạt động của họ. Các công ty cổ phần có quy mô lớn thường có cán bộ pháp luật, hành chính chuyên trách nên thường xây dựng các hệ quy tắc này để thuận lợi cho việc quản lý nhân sự và quản trị hoạt động. Các công ty hợp danh ngành nghề chủ yếu là các dịch vụ tư vấn gắn liền với năng lực, phẩm chất đạo đức cá nhân của thành viên công ty hợp danh, các thành viên công ty hợp danh thường hoạt động độc lập, nên quy tắc ứng xử hay vấn đề kiểm soát nội bộ sớm được đặt ra. Các tổ chức xã hội ngoài nhà nước thường là các tổ chức tự nguyện, hoạt động dựa trên đóng góp, số lượng thành viên tham gia đóng góp lớn nên cũng sớm ý thức về việc kiểm soát tài chính nội bộ. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất Việt Nam (tại thời điểm 31/12/2018 có 382.444 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 62,6% số doanh nghiệp cả nước)[2] và nếu tính thêm số doanh nghiệp vừa nữa thì con số này chiếm 93% số lượng doanh nghiệp trong toàn quốc, trong đó, nhóm doanh nghiệp này chưa thật sự có ý thức cao về vấn đề xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư, vì đối tượng này thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư
Một là, sớm sửa đổi, bổ sung thuật ngữ “tiêu cực” vào Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm tạo sự đồng bộ trong việc xử lý hành vi “tham nhũng, tiêu cực” góp phần hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm trong pháp luật chuyên ngành bảo đảm thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã không có quy định cấm người chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ.
Hai là, cần nghiên cứu, ban hành thông tư về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư để có biện pháp, chế tài mạnh mẽ đối với doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện đúng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Từ lý thuyết và thực tiễn cho thấy, việc ban hành thông tư điều chỉnh về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, bởi vì từ chủ thể, nội dung, hình thức, trình tự thủ tục… cho đến thực hiện quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực công có sự khác biệt với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, do vậy, không thể áp dụng quy định của thông tư hiện hành của Thanh tra Chính phủ điều chỉnh về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng áp dụng trong khu vực công cho khu vực tư.
Ba là, để bảo đảm tính răn đe trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, sớm ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư. Bởi vì, theo báo cáo của nhóm chuyên gia UNDP[3] cho thấy, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư vi phạm quy định về việc không ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quy tắc ứng xử; không lựa chọn các hình thức công khai, minh bạch; không thực hiện công khai, kiểm toán các khoản đóng góp của nhân dân; không xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích… nhưng lại không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính cho các hành vi này. Việc ban hành quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực tư.
Bốn là, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, chống tham nhũng theo hướng hình sự hóa thêm hành vi đưa hối lộ ở lĩnh vực tư. UNCAC có đề cập đến việc hình sự hóa tham nhũng trong lĩnh vực tư, tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng lại chưa quy định. Điều này làm cho hiệu quả trong việc xử lý các hành vi tham nhũng bị hạn chế. Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện Bộ luật Hình sự theo hướng: Hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng như hành vi hối lộ các tổ chức quốc tế hoặc của các công chức trong các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, làm cơ sở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những hành vi này. Mặt khác, việc hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”, đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, trong đó, có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của Nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân.
Năm là, cần tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức do lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà có. Việt Nam hiện đã gia nhập UNCAC, điều này đòi hỏi phải nội luật hóa các nội dung của UNCAC vào pháp luật trong nước trong đó phải kể đến Bộ luật Hình sự. Theo Điều 20 của Công ước có khuyến nghị quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể. Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành chưa quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp, chỉ khuyến nghị vì UNCAC cũng chỉ khuyến nghị mà không bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện quy định này. Tuy nhiên, nếu tiền tham nhũng ở khu vực công được sử dụng, “làm sạch” ở khu vực tư sẽ hình thành hành vi làm giàu bất hợp pháp. Do đó, dù UNCAC không bắt buộc nhưng nhưng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là cần thiết để góp phần phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Sáu là, nghiên cứu, sửa đổi, chuyển tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ từ phần “Các tội phạm khác về chức vụ” lên phần “Các tội phạm tham nhũng” tại Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 để bảo đảm tính khả thi trong thi hành Bộ luật Hình sự và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư và để phù hợp với điểm (b) Điều 21 UNCAC. Bên cạnh đó, cần sớm luật hóa hành vi biển thủ tài sản trong lĩnh vực tư vào Bộ luật Hình sự để phù hợp với Điều 22 “yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc lĩnh vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại” của UNCAC. Việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
Bảy là, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư phải tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp độ, đó là, trong nội bộ doanh nghiệp, các đối tác kinh doanh và tham gia các hành động tập thể, cụ thể như sau:
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong khu vực tư phải xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại nơi làm việc, lĩnh vực hoạt động của mình để chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được chuẩn hóa như: Bộ tiêu chuẩn ISO 37001 (Hệ thống quản lý chống hối lộ) do Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) ban hành hoặc các nguyên tắc chống hối lộ trong kinh doanh do doanh nghiệp tự xây dựng; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hồ sơ liêm chính của người lao động trong quá trình tuyển dụng, kiểm tra, tham chiếu với nơi làm việc trước đó của người lao động.
- Cần áp dụng và thực thi hiệu quả chính sách kê khai nguy cơ xung đột lợi ích và phòng, chống xung đột lợi ích. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, các chính sách trao nhận quà tặng, kiểm soát “chi phí hoa hồng”, chiêu đãi và chi phí công tác cần được công khai, minh bạch, nhất quán cho toàn bộ nhân viên, công nhân của doanh nghiệp để sớm phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Doanh nghiệp nên thiết lập và bảo đảm việc vận hành hiệu quả “kênh” tố cáo hành vi sai phạm, tham nhũng với quy định, quy trình rõ ràng, dễ hiểu và có độ tin cậy cao làm cơ sở cho việc tăng cường giám sát thực thi các chính sách liêm chính của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để tự vận hành hoặc thuê công ty dịch vụ độc lập thì có thể liên hệ đến các hội, hiệp hội doanh nghiệp để được giúp đỡ, tất nhiên bên giúp đỡ phải bảo đảm tính khách quan và bảo mật thông tin.
- Doanh nghiệp nên đánh giá thẩm định đối tác kinh doanh trước khi quyết định hợp tác kinh doanh. Đưa vào phạm vi rà soát những tiêu chí liên quan tới hành vi tham nhũng, hối lộ trong quá khứ và năng lực phòng, chống rủi ro tham nhũng của đối tác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hợp tác và nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong khu vực tư nên ủng hộ và tham gia các hành động tập thể của hiệp hội, câu lạc bộ, nhóm doanh nghiệp… như: Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề…, để cùng thúc đẩy và chia sẻ các chuẩn mực và thông lệ tốt về liêm chính trong kinh doanh, bảo vệ những doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, tố cáo những doanh nghiệp sử dụng tham nhũng để trục lợi và gây tổn hại tới doanh nghiệp khác.
Tám là, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần chuẩn bị, đầu tư nguồn lực tốt cho lực lượng thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Muốn vậy, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ để có thể làm việc được trong môi trường quốc tế.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai
[1]. Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ và các chuyên gia thực hiện.
[2]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tr. 40.
[3]. Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ và các chuyên gia thực hiện.