Abstract: The article studies the right of enjoying and approaching cultural values - a new right which is firstly mentioned in the Constitution of 2013. Right of enjoying and approaching cultural values is concretized in several legal normative documentsand contributes to increasing position of human beings in the realization of cultural right. However, there are still some limitations in legal provisions. Effective measures should, therefore, need to complete legal provisions with respect to the right of enjoying and approaching cultural values in Vietnam.
Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa là một trong những quyền cơ bản của công dân, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách con người cũng như xác lập và sáng tạo giá trị văn hóa của cộng đồng của dân tộc, quốc gia.
Nói đến văn hóa, chúng ta thường đề cập đến các vấn đề như bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng văn hóa, chuẩn mực văn hóa, giá trị văn hóa... Trong đó, giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng, tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Giá trị văn hóa hướng đến thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất con người. Văn hóa là một khái niệm đa diện, theo Từ điển tiếng Việt, văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất hoặc tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đề cập: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[2].
Trong quá trình luật hóa quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, có giai đoạn, chúng ta đã sử dụng thuật ngữ quyền “thụ hưởng”. Cụ thể, trong dự thảo Hiến pháp năm 2013, các nhà lập hiến ban đầu sử dụng thuật ngữ quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa. Song khi nói đến quyền văn hóa, dùng thuật ngữ quyền hưởng thụ (mang nghĩa chủ động) hay quyền thụ hưởng (mang nghĩa bị động) chính xác hơn? Về mặt lý luận, trong khoa học về nhân quyền, người ta đề có thể phân loại quyền con người thành quyền thụ động (negative rights) và quyền chủ động (positive rights). Sự phân biệt giữa hai loại quyền này là dựa vào cách thức thực thi, đảm bảo quyền. Quyền thụ động đòi hỏi các chủ thể khác trong những hoàn cảnh nhất định, với những quyền nhất định phải kiềm chế không can thiệp vào thực thi, hưởng quyền của các chủ thể quyền (ví dụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về đời sống riêng tư, quyền thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật)[3]. Trong khi đó, trong những hoàn cảnh khác, để đảm bảo thực thi những quyền nhất định, đòi hỏi các chủ thể khác phải chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ thể quyền (ví dụ để đảm bảo quyền có mức sống thích đáng của công dân, các nhà nước có nghĩa vụ thực thi các biện pháp có thể để hỗ trợ người dân có thu nhập đảm bảo các điều kiện sống...). Quyền thụ động chủ yếu nói về các quyền dân sự, chính trị; trong khi quyền chủ động chủ yếu đề cập đến các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa[4]. Vì vậy, khi nói về quyền văn hóa, dùng thuật ngữ quyền hưởng thụ chính xác hơn là quyền thụ hưởng.
Cụ thể đối với quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, các chủ thể khác (chủ yếu là Nhà nước) phải chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ thể quyền như: Dành nguồn quỹ để thúc đẩy phát triển văn hóa và sự tham gia rộng rãi vào đời sống văn hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng như các trung tâm văn hóa, viện bảo tàng, thư viện, nhà hát và rạp chiếu phim; khuyến khích bản sắc văn hóa; tăng cường nhận thức và tận hưởng di sản văn hóa của các nhóm dân tộc và thiểu số quốc gia, cũng như của các dân tộc bản địa; phát huy vai trò của phương tiện truyền thông trong việc đẩy mạnh tham gia vào đời sống văn hóa; gìn giữ và trưng bày các di sản văn hóa của nhân loại[5]. Nói đến quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa là nói đến trách nhiệm của Nhà nước phải có những hành động để đảm bảo cho người dân được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần phát sinh từ các giá trị văn hóa, các giá trị chung của cộng đồng, nhân loại. Quyền hưởng thụ là quyền được hưởng của người dân nhưng phải do một chủ thể có năng lực bảo đảm đó chính là Nhà nước. Phạm vi đảm bảo ít hay nhiều phụ thuộc khá nhiều vào nhận thức, năng lực và trách nhiệm của Nhà nước.
Đối với quyền tiếp cận các giá trị văn hóa, UNESCO đã từng tuyên bố rằng: “Tiếp cận văn hóa được hiểu là những cơ hội cụ thể cho tất cả mọi người, đặc biệt thông qua việc tạo ra những điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp để có thể tự do thu nhận thông tin, sự đào tạo, kiến thức và hiểu biết, và để hưởng thụ những giá trị văn hóa và tài sản văn hóa”[6]. Cơ hội cụ thể này đảm bảo cho tất cả chúng ta - những nhóm người hay cá nhân đơn lẻ có thể tự do bày tỏ ý kiến, giao tiếp, hành động và tham gia các hoạt động sáng tạo để phát triển đầy đủ nhân cách bản thân cho một xã hội phát triển hài hòa và sự tiến bộ của văn hóa trong xã hội. Quyền tiếp cận văn hóa bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tự do thu nhận các giá trị văn hóa. Nội hàm khái niệm tiếp cận chỉ dừng lại ở mức độ chủ thể đạt đến mục đích thu thập, thu nhận các thông tin, giá trị cần thiết mà không bao hàm việc hưởng thụ, sử dụng các giá trị văn hóa. Việc tiếp cận các giá trị văn hóa là một trong những tiền đề để hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, cũng có lúc, tiếp cận các giá trị văn hóa không phải vì mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà là để nghiên cứu, tìm hiểu về các giá trị văn hóa đó.
Quyền tiếp cận văn hóa là tiền đề của quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa. Đó chính là các cơ hội để mọi người tự do thu nhận thông tin, sự đào tạo, kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực văn hóa mà mình quan tâm. Cơ hội này đến từ sự tạo điều kiện và đảm bảo của Nhà nước. Trách nhiệm của Nhà nước là bằng những hình thức khác nhau để mọi người có thể tiếp cận với các loại hình văn hóa.
2. Thực trạng pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa
2.1. Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo quy định của pháp luật quốc tế
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của quyền con người nói chung và quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa nói riêng, Việt Nam luôn tích cực tham gia các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam luôn thừa nhận và tôn trọng các công ước, tuyên bố của tổ chức này.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người (UDHR) được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948. Liên quan đến vấn đề văn hóa, Điều 27 của Tuyên ngôn có quy định: “Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích từ đó. Mọi người đều có quyền được bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ tác phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả”. Nội dung Điều 27 khá rộng, ngoài việc đề cập đến quyền tham gia vào đời sống văn hóa, quyền thưởng thức văn hóa còn đề cập đến quyền tự do nghiên cứu khoa học, quyền hưởng thụ các kết quả của tiến bộ khoa học và cuối cùng là quyền tác giả. Quy định này được xem như là một tuyên bố về các quyền về văn hóa.
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR) tái khẳng định các giá trị cơ bản về quyền văn hóa tại Điều 15, theo đó: “Các quốc gia thành viên của Công ước này thừa nhận quyền của mỗi cá nhân: (i) Tham gia vào đời sống văn hóa; (ii) Hưởng thụ lợi ích từ tiến bộ khoa học và ứng dụng của nó; (iii) Hưởng lợi từ việc bảo vệ các lợi ích tinh thần và vật chất từ hoạt động nghiên cứu khoa học, văn học và sáng tạo nghệ thuật mà mình là tác giả”.
Nhìn chung, dựa vào Điều 27 UDHR và Điều 15 ICESCR, chúng ta có thể phân biệt bốn khía cạnh khác nhau của các quyền văn hóa: (i) Quyền của mọi người được tham gia vào đời sống văn hóa; (ii) Quyền của mọi người được tận hưởng lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó; (iii) Quyền được hưởng lợi từ việc bảo vệ những quyền lợi đạo đức và vật chất có nguồn gốc từ bất cứ sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà đối tượng hưởng lợi của nó là tác giả; (iv) Tự do nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo. So với Điều 27 UDHR, trong ICESCR, quyền tham gia vào đời sống văn hóa không còn đi kèm với thuật ngữ “của cộng đồng”, mà nhấn mạnh vào việc dịch chuyển văn hóa và khoa học qua biên giới.
Điều 27 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cũng quy định rõ rằng “các tộc người thiểu số có quyền hưởng nền văn hóa của riêng họ” (mà không bao giờ bị phủ nhận). Ở những quốc gia tồn tại những nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, thì những người thuộc về những nhóm này sẽ không bị tước bỏ quyền, trong cộng đồng với những thành viên khác của nhóm, hưởng thụ văn hóa của họ theo và thực hành tôn giáo của họ, hay sử dụng ngôn ngữ của họ. Quyền có một nền văn hóa riêng biệt và quyền phải được tôn trọng đối với nó được coi là nền tảng, cơ sở để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bất kỳ dạng nào khác của phân biệt. Mặc dù Điều 27 được xây dựng theo hình thức phủ định như quyền tự do khỏi bị can thiệp, thì Nhà nước vẫn cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ bản sắc của nhóm người thiểu số và quyền của họ[7].
Ngoài ra, Liên Hợp Quốc còn có nhiều công ước, khuyến nghị, tuyên ngôn, nguyên tắc quốc tế khác về quyền văn hóa. Các văn bản pháp luật quốc tế chủ yếu bao gồm các điều ước và thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia đã ký, vì vậy, pháp luật của các quốc gia không được đi ngược lại các nguyên tắc này. Một số văn kiện về nhân quyền quốc tế như các tuyên bố hay hướng dẫn... không nằm trong luật và không có tính ràng buộc pháp lý nhưng góp phần tạo điều kiện diễn giải, thực thi và phát triển Luật nhân quyền quốc tế; do đó, việc tuân theo được xem là một phần “nghĩa vụ” chính trị của nước đã ký.
2.2. Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định về quyền văn hóa của con người, trong đó có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa tại Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Đây là một nội dung sâu sắc, khẳng định những quyền cơ bản về văn hóa của con người bao gồm các khâu sáng tạo, hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các sản phẩm, công trình, cơ sở văn hóa. Thiếu các quyền này, chúng ta không thể hoàn thiện những yêu cầu về bảo đảm quyền con người trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó Hiến pháp còn có nhiều quy định liên quan đến quyền văn hóa như tại Điều 40: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”. Hay tại Điều 60: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước nhằm đảm bảo hiệu quả các quyền con người nói chung và quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá nói riêng, tạo ra một hành lang pháp lý đảm bảo quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá cho người dân Việt Nam. Cụ thể:
Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã xác định học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình[8]. Đảm bảo quyền được học tập là một cơ hội cụ thể cho mọi người được tiếp cận với các giá trị văn hóa.
Theo Luật Xuất bản năm 2012, hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[9]. Luật Báo chí năm 2016 được ban hành đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân. Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc[10]... Đây là một kênh rất quan trọng để tạo cơ hội cho người dân thực hiện các quyền về hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.
Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng đã thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao chất lượng phim... đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước. Việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại được Nhà nước tài trợ. Trong quy hoạch khu đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim[11]. Luật Điện ảnh đã đưa ra nhiều đảm bảo cho quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, đặc biệt là đối với các nhóm người khó có cơ hội tiếp cận văn hóa như dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Cùng với đó, Luật Di sản văn hoá năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đã quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa. Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa[12]. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng đã công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...”[13]. Việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của mọi người.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các hình thức văn bản pháp quy khác có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin đã được ban hành như Luật Quảng cáo, Luật Tiếp cận thông tin… Hệ thống văn bản pháp luật này đã đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người, hòa hợp với sự phát triển của pháp luật thế giới về nội dung này, góp phần nâng cao vị thế của con người trong việc thực hiện quyền văn hóa, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân Việt Nam thực hiện quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, quyền văn hóa là một khái niệm rộng, vì vậy vấn đề hưởng thụ và tiếp cận văn hóa được thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Vì vậy, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành vẫn bộc lộ một số hạn chế như chưa gắn chặt quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa trong mối quan hệ với tổng thể quyền con người, vì vậy, chưa có các biện pháp đảm bảo một cách hệ thống và đa chiều. Vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa hiện còn nhiều bất cập do các văn bản pháp luật chưa có sự rõ ràng, thống nhất với nhau. Nhiều văn bản pháp luật cũng chưa có tính dự báo nên có nhiều hiện tượng văn hóa xã hội mới xuất hiện chưa có các quy phạm để điều chỉnh. Một số quy định đặt ra nhưng không gắn liền với các biện pháp đảm bảo thực hiện, tình trạng vi phạm pháp luật về văn hóa vẫn còn nhiều do các chế tài áp dụng chưa phù hợp... Những tồn tại trên đòi hỏi cần phải tìm ra các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam
Để hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu sắc về văn hóa, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:
Một là, trong quá trình hội nhập quốc tế phải cân bằng giữa những ràng buộc của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa của nước ta.
Hai là, pháp luật cần phải thể chế hoá kịp thời và đầy đủ những quan điểm và chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động xây dựng pháp luật về văn hóa phải lấy các giá trị văn hóa truyền thống làm mục tiêu và thước đo chất lượng, mặt khác, phải kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa với tính hiện đại trong việc xây dựng các khung pháp luật.
Ba là, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác xây dựng, hệ thống hóa các quy định liên quan đến công tác quản lý văn hóa và bảo đảm quyền về văn hóa cho người dân; trong quá trình hệ thống hóa, cần phải rà soát, xem xét, so sánh các văn bản luật phát hiện các điều khoản có sự chồng chéo, mâu thuẫn để điều chỉnh lại, và pháp khắc phục các khoảng trống của những văn bản pháp luật hiện hành.
Bốn là, hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa trong tổng thể chung của việc bản đảm các quyền con người. Quyền văn hóa là một bộ phận không thể tách rời của quyền con người. Đảm bảo tốt các quyền con người thì mới đảm bảo được các quyền về hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa. Khi xây dựng chính sách và pháp luật nói chung và pháp luật về văn hóa nói riêng, chúng ta phải tiếp cận dựa trên quyền con người.
Năm là, nội dung của các quy định pháp luật về hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa cần hướng đến mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, pháp luật cần có những quy định ưu tiên cho người dân ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn hay các đối tượng đặc biệt, khó tiếp cận với các giá trị văn hóa như người tàn tật, người già...
Sáu là, để đảm bảo tính phù hợp và thực thi, trước khi ban hành phải lấy ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, nhằm vừa giữ được kỷ cương phép nước vừa giữ được những thói quen tốt đẹp của nhân dân hàng bao đời nay.
Bảy là, Nhà nước quản lý văn hóa, định hướng chính sách văn hóa nhưng không được xâm phạm quyền văn hóa của công dân và tổ chức. Nhà nước cần đưa ra các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quyền văn hóa; các phương thức quản lý về văn hóa phải là công cụ để phát triển quyền văn hóa chứ không phải là để kìm hãm, ràng buộc sự phát triển của quyền.
Tóm lại, hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa không phải là một nội dung mới trong pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, đến nay chưa có các văn bản mang tính chất trực tiếp và hệ thống điều chỉnh về vấn đề này. Với sự xuất hiện của quy định về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa trong Hiến pháp năm 2013, trong thời gian tới, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa nói riêng và quyền con người nói chung.
Đại học Vinh
[1]. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học - xã hội, 1988, tr. 1135.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 3, tr. 431.
[3]. Điều 20, Điều 21, Điều 40, Hiến pháp năm 2013.
[4]. Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr. 68.
[5]. Xem bản hướng dẫn chung đã sửa đổi về hình thức và nội dung báo cáo của các quốc gia thành viên theo điều 16 và 17 của CESCR, E/C.12/1991/1, tr. 19-20.
[6]. Những kiến nghị cho sự tham gia rộng rãi của mọi người vào đời sống văn hóa, UNESCO 1976.
[7]. Nhận xét chung số 23 về Điều 27 của Công ước.
[8]. Điều 10, Luật Giáo dục năm 2005.
[9]. Điều 3, Luật xuất bản năm 2012.
[10]. Khoản 2, Điều 4 luật Báo chí năm 2016.
[11]. Điều 6, Luật Điện ảnh năm 2006.
[12]. Điều 9, Luật Di sản văn hóa 2001.
[13]. Điều 8, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.