Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Theo đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như kết quả của công cuộc phòng, chống dịch bệnh này ở các quốc gia trong thời gian qua đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của quyền tiếp cận thông tin đối với sự thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mà cụ thể là dịch Covid-19. Như vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống pháp luật và thực tiễn áp dụng quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để đề xuất những giải pháp hiệu quả nhằm góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới
Thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua của Việt Nam đã cho thấy sự thành công nhất định so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Để có được kết quả này, Đảng và Nhà nước đã công khai và minh bạch hóa mọi thông tin về dịch Covid-19 để người dân tiếp cận một cách nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành trên thực tế, việc tiếp cận thông tin về đại dịch Covid-19 cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong bài viết “Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam”, tác giả Trần Thị Mỹ Duyên và Trần Diệu Thúy đã tập trung phân tích quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của pháp luật Việt Nam, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.