Abstract: This paper analyzes not only regulations of Vietnam Civil Procedure Code 2015 about implementing Judicial power but also points out several new provisions of this code. Based on that, the author also offers some challenges and difficulties which need to be solved to implementing Judicial power under these new regulations of Vietnam Civil Procedure Code 2015.
Trong nghiên cứu khoa học pháp lý đã có rất nhiều cách giải thích về tư pháp, quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp. Từ việc tham khảo những kết quả nghiên cứu[1] có thể xác định, để nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện nhất về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp theo pháp luật thì phải nghiên cứu về một số vấn đề cơ bản sau:
- Nghiên cứu về các quy định của pháp luật về quyền xét xử, quyền giải thích luật, quyền tạo ra án lệ của Tòa án.
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật về hoạt động áp dụng pháp luật của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật như Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án… và các cơ quan bổ trợ tư pháp để bảo đảm thực hiện quyền xét xử đạt được hiệu quả cao nhất.
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật về cơ chế kiểm soát nhằm tránh lạm dụng quyền tư pháp trong hoạt động xét xử, đảm bảo việc thực thi quyền xét xử đúng và hiệu quả.
2. Quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Trong hệ thống văn bản pháp luật tố tụng dân sự thì Bộ luật Tố tụng dân sự là văn bản điển hình, chủ yếu nhất. Bộ luật Tố tụng dân sự đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 và ngay từ Bộ luật đầu tiên này, quyền tư pháp hay cụ thể hơn là quyền xét xử đã được khẳng định là do Tòa án thực hiện. Đến nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được đánh giá có nhiều quy định cụ thể hơn, có nhiều điểm mới tạo ra bước tiến đáng ghi nhận trong thành tựu lập pháp của Việt Nam. Nghiên cứu dưới góc độ quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là một trong những văn bản pháp luật của Nhà nước thể thể hiện rõ nét và sâu sắc các vấn đề này qua các nội dung sau:
2.1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có những quy định dứt khoát, rõ ràng về quyền xét xử, quyền giải thích luật, quyền tạo ra án lệ của Tòa án
Quyền tư pháp mà trọng tâm là quyền xét xử của Tòa án không chỉ được khẳng định trước tiên trong đạo luật gốc là Hiến pháp và sau đó là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mà trong những văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn khẳng định lại quy định này. Ngay tại điều luật đầu tiên của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyền thay mặt Nhà nước xét xử hay quyền giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án đã được ghi nhận[2] và cũng ngay tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng khẳng định mục đích của việc thực hiện quyền tư pháp mà trọng tâm là quyền xét xử là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”. Sau Điều 1, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn rất nhiều điều luật khác quy định về quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử của Tòa án. Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử:
Thứ nhất, so với Bộ luật trước, quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử của Tòa án được công nhận với phạm vi rộng hơn, theo một tinh thần quyết liệt hơn.
Để minh chứng cho điều này, chúng ta có thể tham khảo một nội dung mới được quy định bổ sung trong Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Có thể nói đây là một thái độ rất quyết liệt của Nhà nước ta bởi từ trước đến nay chúng ta chưa lần nào dám vượt qua nguyên tắc việc xét xử của Tòa án phải được dựa vào luật đã có. Với quy định bổ sung này vừa tạo động lực cho Tòa án thực hiện hết thẩm quyền của mình vì quyền xét xử của Tòa án được mở rộng, nhưng đồng thời cũng lại tạo áp lực cho Tòa án: Không có luật để áp dụng thì có giải quyết được, giải quyết đúng những vụ việc đó hay không? Khi đó, Ngành Tòa án chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện quy định mới này nhưng với định hướng đã có trong luật gốc là luật dân sự[3]: Áp dụng tập quán, áp dụng tương tự, áp dụng các nguyên tắc cơ bản, áp dụng án lệ, áp dụng lẽ công bằng, bình đẳng, thì chúng ta hy vọng quyền tư pháp giao cho Tòa án sẽ được thực hiện triệt để và hiệu quả.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có bổ sung quy định một số nội dung mới về chứng minh - một trong những biện pháp quan trọng nhất, cơ bản nhất để thực hiện quyền tư pháp mà trọng tâm là quyền xét xử của Tòa án.
Khác với tố tụng hình sự là Nhà nước phải chứng minh người có hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm thì trong tố tụng dân sự, đương sự có yêu cầu Tòa án giải quyết phải chứng minh bằng chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tòa án được xem giống như trọng tài xem xét, đánh giá bên đương sự nào có chứng cứ chứng minh thuyết phục hơn thì Tòa án sẽ bảo vệ quyền, lợi ích cho bên đó. Như vậy, một trong những nguyên tắc khi Tòa án thực hiện quyền xét xử là nguyên tắc chứng minh. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có bổ sung một nội dung rất mới là trước phiên tòa, Tòa án phải mở các phiên họp để cung cấp, tiếp cận, thông tin, gửi cho nhau về chứng cứ của các bên đương sự[4]. Đây là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về chứng minh, bởi với cơ hội của đương sự được cung cấp, được biết trước chứng cứ của bên đối lập trước phiên tòa thì việc thực hiện quyền xét xử của Tòa án sẽ minh bạch, đúng đắn hơn.
Thứ ba, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) rất chú trọng khẳng định nguyên tắc thực hiện quyền xét xử của Tòa án nhưng phải tôn trọng quyền thỏa thuận, quyền được Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Khi có yêu cầu, Tòa án có quyền xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, nhưng trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải tôn trọng quyền thỏa thuận của đương sự bởi đương sự mới là chủ thể của quyền, lợi ích trong vụ án. Vì đương sự có quyền thỏa thuận với nhau nên Tòa án có trách nhiệm tạo cơ hội cho các bên đương sự thảo thuận và khi họ thỏa thuận được, Tòa án phải tôn trọng sự thỏa thuận đó bằng cách ghi nhận sự thỏa thuận trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự nếu đương sự yêu cầu. Các nội dung này được ghi nhận thành nguyên tắc hòa giải tại Điều 10 và được quy định cụ thể về thủ tục tại Chương XIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, một trong những biểu hiện của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thực hiện quyền tư pháp là những quy định về hoạt động hòa giải vụ án dân sự của Tòa án.
Thứ tư, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có những quy định rất mới về phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự - một trong những biểu hiện rõ nét nhất về thực hiện quyền xét xử, quyền tư pháp của Tòa án.
Quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án theo chế độ sơ thẩm, phúc thẩm được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thừa nhận chung tại Điều 17. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì phiên tòa sơ thẩm thể hiện rõ nhất quyền xét xử của Tòa án. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có những quy định mới thể hiện rõ nét hơn quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu như trước đây, quy định thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự bao gồm lần lượt các thủ tục bắt đầu, hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án tại phiên tòa, thì nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được xây dựng với tinh thần tiếp thu những ưu điểm của mô hình tố tụng tranh tụng trên thế giới đã giảm đi yếu tố thẩm xét mà quy định thủ tục phiên tòa sơ thẩm bao gồm các thủ tục bắt đầu, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, thủ tục nghị án và tuyên án. Thủ tục hỏi trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ được xem như một thủ tục được thực hiện trong thủ tục tranh tụng tại phiên tòa. Với gần 20 điều luật quy định về tranh tụng (từ Điều 247 đến Điều 263), có thể thấy tranh tụng tại phiên tòa sẽ là hoạt động trọng tâm, chủ yếu của phiên tòa chứ không chỉ là tranh luận tại phiên tòa như trước đây. Quyền xét xử công khai, minh bạch của Tòa án không chỉ được thể hiện và thực hiện tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mà trong các phiên tòa khác như phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cũng được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận và có cơ chế bảo đảm thực hiện.
Như vậy, từ những điểm nổi bật nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử của Tòa án có thể thấy, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã rất chú trọng quy định về quyền xét xử, thực hiện quyền xét xử - nội dung cơ bản nhất của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp.
Không chỉ dừng ở những quy định ghi nhận quyền xét xử và thực hiện quyền xét xử, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam còn thừa nhận cả các nội dung khác của quyền tư pháp như quyền giải thích luật hay quyền tạo ra án lệ của Tòa án. Sau quy định chung “Tòa án… thực hiện quyền tư pháp”[5] mà nội dung chính là quyền xét xử, thì điểm b khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao - cấp cao nhất trong hệ thống Tòa án là “ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Các nghị quyết hướng dẫn này chính là các văn bản giải thích pháp luật. Thực tế những năm qua cho thấy, sau khi Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự lần đầu tiên năm 2004, Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản giải thích pháp luật này góp vai trò rất lớn trong việc bảo đảm hiệu lực thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự. Ngoài vai trò của Tòa án nhân dân tối cao trong việc ban hành các nghị quyết giải thích, hướng dẫn việc áp dụng pháp luật thì với mỗi Tòa án khi ra bản án, quyết định giải quyết một vụ việc cụ thể cũng phải giải thích tại sao, dựa vào căn cứ nào để ra bản án, quyết định đó và như thế cũng là biểu hiện rõ nét của quyền giải thích pháp luật của Tòa án.
Bên cạnh việc ghi nhận quyền xét xử, quyền giải thích luật của Tòa án, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam sau một thời gian dài quan sát và cân nhắc đã mạnh dạn thừa nhận quyền tạo ra án lệ của Tòa án. Điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 khẳng định, Tòa án nhân dân tối cao “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Có thể khẳng định tại Việt Nam, quyền tạo ra án lệ là một quyền rất đặc biệt của Tòa án, là một biểu hiện mới về quyền tư pháp trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, nhưng trong thời gian tới, việc thực hiện quyền này sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đòi hỏi Tòa án phải có sự nỗ lực rất lớn thì việc thực hiện quyền tư pháp này mới đạt hiệu quả.
2.2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cơ chế kiểm sát thực hiện quyền tư pháp trong tố tụng dân sự và các hoạt động áp dụng pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan bổ trợ tư pháp để bảo đảm thực hiện quyền xét xử, quyền tư pháp đạt được hiệu quả cao nhất
Về cơ chế kiểm sát thực hiện quyền tư pháp trong tố tụng dân sự
Nghiên cứu pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về thực hiện quyền tư pháp không thể không đề cập đến cơ chế kiểm sát thực hiện quyền tư pháp, bởi có cơ chế phù hợp để kiểm sát thực hiện quyền tư pháp thì việc thực hiện quyền tư pháp mới đảm bảo đảm đúng luật và đạt hiệu quả cao. Mặt khác, như nhiều nhà nghiên cứu về quyền tư pháp đã chỉ ra, quyền tư pháp không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là quyền xét xử của Tòa án mà còn là các hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự và các hoạt động của cơ quan bổ trợ tư pháp.
Kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát và ngay trong Bộ luật Tố tụng dân sự đầu tiên của Việt Nam thì kiểm sát các hoạt động xét xử các vụ việc dân sự đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Không chỉ dừng lại ở quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát mà Bộ luật Tố tụng dân sự còn khẳng định: Cùng với Tòa án, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự. Hiện nay, trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, kiểm sát các hoạt động xét xử của Tòa án cũng được quy định thành một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự và cơ chế kiểm sát các hoạt động tố tụng của Tòa án được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:
- Viện kiểm sát giám sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật ở tất cả các khâu của quá trình giải quyết vụ việc dân sự do Tòa án tiến hành. Không có thẩm quyền xét xử như Tòa án nên mặc dù là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự[6], Viện kiện kiểm sát không trực tiếp tham gia vào các hoạt động giải quyết vụ việc dân sự mà chỉ kiểm tra, giám sát các hoạt động giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân thông qua hồ sơ mà Tòa án chuyển sang. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện ngay từ những thủ tục đầu tiên là thủ tục Tòa án thụ lý và trả lại đơn đến các thủ tục chuẩn bị và tổ chức phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự…
- Ngoài phương thức kiểm sát hoạt động giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án thông qua hồ sơ, quyết định, văn bản mà Tòa án chuyển sang (kiểm sát một cách gián tiếp), Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát của mình thông qua các hoạt động trực tiếp tham gia phiên tòa, phiên họp trong những trường hợp do pháp luật quy định, thực hiện kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu (kiểm sát trực tiếp). Cụ thể như theo quy định tại Điều 21 và Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, với những vụ việc dân sự thông thường thì Viện kiểm sát không cần phải trực tiếp tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, nhưng đối với một số vụ việc có đặc thù như Tòa án thu thập chứng cứ, đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở, có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi… thì Viện kiểm sát sẽ trực tiếp tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm để kiểm sát sự tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng dân sự và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngoài ra, với các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cũng phải tham gia đầy đủ để thực hiện chức năng kiểm sát của mình. Theo tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, một quy định có nhiều quan điểm tranh luận trái chiều là tại phiên tòa, Viện kiểm sát không chỉ có quyền phát biểu về việc tuân thủ pháp luật tố tụng mà cao hơn là có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Có quan điểm cho rằng, dù có phát biểu ý kiến về giải quyết vụ án thì cũng chỉ là phát biểu về việc giải quyết vụ án của Tòa có đúng thủ tục không, có hợp lý không. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án tức là có quyền phát biểu về giải quyết nội dung vụ án. Nhưng dù theo quan điểm nào thì cũng không thể phủ nhận sự cần thiết của hoạt động kiểm sát do Viện kiểm sát thực hiện và thực hiện kiểm sát cũng chính là một biểu hiện của thực hiện quyền tư pháp.
Viện kiểm sát thực hiện kháng nghị, kiến nghị cũng là một trong những hình thức kiểm sát đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Thực chất, kháng nghị là việc Viện kiểm sát không đồng tình với kết quả giải quyết sơ thẩm của Tòa sơ thẩm, nên Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị, yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết lại những nội dung trong vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát cho rằng Tòa án chưa giải quyết đúng. Như vậy, quyền kháng nghị cùng với các quyền khác của Viện kiểm sát đã xây dựng nên một cơ chế kiểm sát rất chặt chẽ, bảo đảm cho các hoạt động giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được đúng đắn, hiệu quả.
Về các hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan bổ trợ tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự
Tiếp cận quyền tư pháp một cách toàn diện nhất thì quyền tư pháp có trọng tâm là quyền xét xử do Tòa án thực hiện, ngoài ra còn là những hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Như vậy, quyền tư pháp được thực hiện không chỉ bởi Tòa án mà cả Viện kiểm sát, các cơ quan, tổ chức trợ giúp tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, tư vấn pháp luật… Lý do giải thích cho việc xác định này là Tòa án thực hiện quyền xét xử, nhưng để thực hiện được hiệu quả quyền xét xử thì không thể chỉ có Tòa án mà còn có sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp. Tinh thần này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trong pháp luật tố tụng dân sự, vai trò của luật sư đã bước đầu được ghi nhận. Ngay từ phần đầu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc của luật tố tụng dân sự thì Điều 9 đã khẳng định, đương sự có quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước Tòa án. Sau đó, một loạt các điều luật đã quy định về quyền, nghĩa vụ của luật sư trong tố tụng dân sự. Với kiến thức pháp lý, kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm nghề nghiệp, luật sư là người chuyên nghiệp trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, vì vậy, luật sư có vai trò rất quan trọng đối với đương sự. Với đặc thù dùng luật sư để bảo vệ luật, có thể nói ở một phương diện nhất định thì hoạt động luật sư trong tố tụng dân sự cũng góp phần thực hiện quyền tư pháp.
Với một số vụ việc dân sự, để giải quyết được đúng thì cần thiết phải tiến hành giám định hoặc phải dựa vào các văn bản đã được công chứng. Trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các hoạt động này cũng đã được ghi nhận tại các điều như Điều 79, Điều 80… Các hoạt động này liên quan trực tiếp và hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động giải quyết vụ việc dân sự nên ở một mức độ nhất định cũng là những hoạt động thực hiện quyền tư pháp.
Thực hiện quyền tư pháp trong pháp luật tố tụng dân sự còn ghi nhận một cơ quan có vai trò rất quan trọng nữa đó là cơ quan thi hành án dân sự. Cho đến giờ vẫn diễn ra sự tranh luận sôi nổi thi hành án có phải là hoạt động trong tố tụng dân sự hay không? Nếu hoạt động tố tụng dân sự được xác định là các hoạt động giải quyết vụ việc dân sự do Tòa án tiến hành thì hoạt động thi hành án không phải là hoạt động tố tụng dân sự, nhưng nếu xác định từ chức năng, nhiệm vụ thì thi hành án dân sự rõ ràng là hoạt động do cơ quan thi hành án dân sự đảm nhận với mục đích là thi hành được trên thực tế bản án, quyết định của Tòa án, tức củng cố kết quả xét xử của Tòa án trên thực tế. Như vậy, thi hành án phải gắn liền với hoạt động giải quyết vụ việc dân sự, tức là gắn liền với thực hiện quyền tư pháp. Có lẽ xác định được điều này nên ngay từ Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã nhắc đến hoạt động thi hành án dân sự. Sau đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã dành hẳn một phần (Phần thứ 9) để quy định về hoạt động thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng và hoạt động thi hành án dân sự cũng là một biểu hiện của thực hiện quyền tư pháp nhằm bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. “Quyền tư pháp và cơ quan tư pháp ở Việt Nam”, TS. Lê Thu Hà - Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; “Cần phải hiểu sâu, hiểu đúng về “quyền tư pháp” của Tòa án”, TS. Lưu Bình Nhưỡng; “Quyền tư pháp và kiểm soát quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay”, TS. Cao Anh Đô - Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[2]. Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Điều 208 - Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
[6]. Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.