Abstract: Transparency of information of judgment debtor and the enumeration, provision of information about assets for judgment execution of judgment debtor has an important role in the process of judgment execution organization. The paper points out some insufficiencies in the legal provisions about providing information about judgment execution assets, at the same time, accommodates some related international experience with a view to complete law in this area.
Việc minh bạch tài sản và nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án (THA) là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật THA dân sự, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được THA, người phải THA và đến hiệu quả của quá trình THA. Theo nghiên cứu của TS. Wendy Kennett, nếu người phải THA có ý định chống lại việc THA thì người được THA sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm sáng tỏ thông tin về tài sản của họ và tài sản đất đai, động sản hoặc tiền ở ngân hàng của người phải THA có thể dễ dàng chuyển giao cho người thứ ba đứng tên. Từ thực trạng trên, tác giả khẳng định rằng, chắc chắn ở một số quốc gia sẽ có sự hiện diện của những “hố đen”, mà ở đó người bị kiện và tài sản của họ có thể sẽ biến mất[1].
Nhận thức được tầm quan trọng về nghĩa vụ cung cấp thông tin tài sản của người phải THA đối với hiệu quả của công tác THA dân sự, pháp luật THA dân sự Việt Nam trong suốt thời gian qua luôn chú trọng hoàn thiện các quy định này, kể cả về số lượng các điều khoản lẫn nội dung điều chỉnh. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã có ít nhất ba điều đề cập đến thông tin về tài sản của người phải THA, đó là tại các điều 31, 89 và 92. Điều 31 quy định trong đơn yêu cầu THA mà người được THA nộp cho cơ quan THA phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA. Khoản 1 Điều 89 quy định: “Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký”. Hoặc khoản 1 Điều 92 quy định: “Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải THA có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải THA để kê biên phần vốn góp đó…”. Nhìn lại các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản của người phải THA có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hoặc là Luật chỉ yêu cầu người được THA cung cấp thông tin tài sản của người phải THA hoặc là yêu cầu các cơ quan có liên quan đang nắm giữ tài sản cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA, trong khi thực tế thì người phải THA là người nắm rõ nhất về tất cả các thông tin về tài sản của mình, ví dụ các loại tài sản, nguồn gốc tài sản, địa chỉ nơi có tài sản, giá trị của từng loại tài sản… lại chưa được Luật quy định rõ ràng, đầy đủ về trách nhiệm cung cấp thông tin của họ. Hơn nữa, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng chưa quy định rõ về mức độ các thông tin (gồm toàn bộ các thông tin hay chỉ một phần thông tin về tài sản) được yêu cầu cung cấp. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA và đến hiệu quả công tác THA dân sự nói chung.
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung và khi đó có ít nhất sáu điều (Điều 7, Điều 7a, Điều 31, Điều 44, Điều 89 và Điều 92) quy định về thông tin tài sản của người phải THA như chủ thể được quyền tiếp cận thông tin, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin và các loại thông tin được cung cấp… Cụ thể, đối tượng được quyền xác minh, tiếp cận thông tin tài sản của người phải THA bao gồm người được THA hoặc người khác do người được THA ủy quyền (khoản 5 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014), chấp hành viên cơ quan THA dân sự (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014) và thủ trưởng cơ quan THA dân sự (Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải THA và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THA dân sự). Đối tượng Luật quy định cung cấp thông tin về tài sản THA bao gồm người được THA; người phải THA; các cơ quan, tổ chức có liên quan đang nắm giữ thông tin về tài sản của người phải THA. Ví dụ, về trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản THA của người được THA, Luật đã quy định đây là quyền của người được THA nên họ không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện, theo đó, họ có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA (điểm đ khoản 1 Điều 7, điểm đ khoản 1 Điều 31 và khoản 5 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014), đặc biệt, Luật đã quy định khuyến khích người được THA cung cấp thông tin tài sản của người phải THA, đó là người được THA sẽ được miễn, giảm phí THA trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện THA của người phải THA (điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014). Điểm mới khác biệt so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đó là tại Điều 7a, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định người phải THA có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện THA; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó (điểm b khoản 2 và khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014). Những quy định khác về yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản THA của người phải THA được quy định tại Điều 89 và Điều 92 được giữ nguyên như quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Mặc dù có những tiến bộ nhất định trong các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản của người phải THA, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện để các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản THA được cụ thể, rõ ràng và có hiệu quả thi hành trên thực tế:
Một là, về thời điểm cung cấp thông tin tài sản THA, thời điểm cung cấp thông tin về tài sản THA của người phải THA có liên hệ mật thiết với các bước THA, có ý nghĩa rất lớn đến hiệu quả THA. Theo quy định của pháp luật thì đối với các vụ án dân sự thông thường (trừ trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) trong thời hạn 10 ngày, chấp hành viên sẽ tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA khi hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014). Thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA (khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014). Như vậy, sau khoảng thời gian 20 ngày nêu trên cùng với thời gian để cơ quan THA dân sự ra quyết định THA, gửi thông báo về THA (chưa tính khoảng thời gian kể từ thời điểm người được THA nhận được bản án, quyết định cho đến khi họ quyết định làm đơn yêu cầu THA gửi cơ quan THA dân sự) thì người phải THA mới phải cung cấp thông tin về tài sản của mình cho cơ quan THA dân sự. Sau khoảng thời gian khá dài như vậy, người phải THA mới phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản THA của mình, quy định như vậy liệu đã hợp lý chưa nếu người phải THA cố tình tìm cách trốn tránh nghĩa vụ THA của mình không những sau khi có bản án mà họ còn tìm cách tẩu tán tài sản từ trước khi bản án, quyết định của Tòa án được ban hành? Ví dụ, theo Quyết định số 16/DSST ngày 16/3/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên vợ chồng anh A và chị B phải thanh toán trả nợ cho chị L số tiền 390.000.000 đồng và lãi suất chậm THA. Quá trình xác minh cho thấy, anh A và chị B có tài sản là một mảnh đất diện tích 342m2 tại huyện Y. Tuy nhiên, trước đó vào ngày 06/3/2015, anh A và chị B đã lập hợp đồng công chứng tặng cho con trai là C. Đến ngày 14/3/2015, mảnh đất trên đã hoàn tất việc sang tên tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trước thời điểm có bản án đúng 02 ngày[2]. Từ ví dụ này cho thấy, đến thời điểm người phải THA có nghĩa vụ cung cấp thông tin tài sản THA cho chấp hành viên và cho người được THA thì tài sản phải THA đã được chuyển cho người khác từ trước đó. Quy định về thời điểm cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA cần phải nghiên cứu lại để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để hoàn thiện pháp luật THA dân sự, bảo đảm quyền lợi công bằng giữa người được THA và người phải THA.
Hai là, về nội dung và mức độ các thông tin tài sản của người phải THA phải cung cấp, có thể nói, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có một quy định tiến bộ vượt bậc so với trước đây, đó là yêu cầu người phải THA dân sự cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA với cơ quan THA dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Ngoài ra, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự cũng đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể chấp hành viên yêu cầu người phải THA kê khai rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ THA. Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện THA về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện THA. Trường hợp người phải THA không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (Điều 9). Tuy nhiên, có hai vấn đề phát sinh ở đây: (i) Quy định người phải THA có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA có đồng nghĩa với việc họ phải cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các loại tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của mình hay chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về một phần hoặc một loại tài sản nào đó tương ứng với nghĩa vụ THA? (ii) Pháp luật về kê khai tài sản ở Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, chế tài xử lý liên quan đến kê khai tài sản cũng chưa đủ nghiêm khắc nếu người phải THA không kê khai đủ hoặc kê khai không trung thực, hơn nữa, quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật THA dân sự về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản nhìn chung còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc để răn đe người phải THA nếu họ không kê khai hoặc kê khai không trung thực.
Ba là, các quy định của pháp luật THA dân sự về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản của người phải THA cũng mới chủ yếu đề cập đến việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA trong phạm vi giới hạn lãnh thổ Việt Nam mà chưa có những quy định cần thiết, cụ thể về việc cung cấp thông tin và cách xử lý thông tin về tài sản THA nếu tài sản của người phải THA nằm ở nước ngoài. Trong khi đối với các vụ án kinh tế lớn, tài sản phải THA của người phải THA ở nước ngoài thường có giá trị lớn. Mặc dù Điều 181 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực THA dân sự, tuy nhiên, đây cũng chỉ là những quy định còn mang tính chung chung trong luật, thực tiễn việc xác minh những thông tin tài sản của người phải THA ở nước ngoài trong thời gian qua đã gặp không ít khó khăn.
Bốn là, việc quy định tùy nghi về việc cung cấp thông tin tài sản THA đối với người được THA liệu đã bao quát và bảo đảm được quyền lợi của chính họ nói riêng và bảo vệ quyền và lợi ích công (quyền lợi của Nhà nước) nói chung trong tất cả các trường hợp chưa? Đây là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện pháp luật THA dân sự Việt Nam trong thời gian tới. Thực tế, bản án, quyết định của Tòa án là sản phẩm của tất cả các loại tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại… xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với các chủ thể rất đa dạng từ cá nhân, tổ chức cho đến Nhà nước. Người được THA, người phải THA và người thứ ba có quyền và lợi ích liên quan có thể chỉ là những cá nhân có tranh chấp với nhau, có thể giữa cá nhân với doanh nghiệp, có thể giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau, có thể giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, có thể giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau (giữa các công ty con với nhau và với công ty mẹ) hoặc có thể giữa các cá nhân là người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước (công ty mẹ) với các công ty con… Thực tế THA đối với các vụ án kinh tế lớn thời gian qua cho thấy, nếu người phải THA là người đứng đầu các công ty mẹ và người được THA là các công ty con và Nhà nước, trong trường hợp này nếu vì một lý do nào đó, họ không yêu cầu THA hoặc chậm yêu cầu THA thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức THA nói riêng và đến hiệu quả của công tác THA nói chung. Kết quả THA đối với một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thời gian qua đạt tỉ lệ thấp do nhiều nguyên nhân và đây có thể là một trong những lý do quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Do vậy, việc nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người được THA trong việc cung cấp thông tin tài sản THA là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay[3].
Từ những bất cập trong các quy định của pháp luật về THA dân sự về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản của người phải THA như đã phân tích ở trên cho thấy, yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các quy định này là hết sức cấp bách và cần thiết. Trong đó, việc nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở phù hợp với thực tiễn Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một vài tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các nước về lĩnh vực này.
Từ hơn 10 năm trước, nhận thức được ý nghĩa và vai trò của công tác THA dân sự nói chung, tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc minh bạch tài sản của người phải THA trong quá trình THA nói riêng, Ủy ban châu Âu đã nghiên cứu và có Báo cáo khoa học về sự minh bạch tài sản của người phải THA[4], trong đó nhấn mạnh người phải THA có nghĩa vụ cung cấp tất cả thông tin về tài sản của mình. Trong lĩnh vực tư pháp ở châu Âu, các thông tin về tài sản của người phải THA không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ nơi thực hiện các thủ tục THA dân sự ở các quốc gia thành viên, việc tự do chuyển giao các bản án được bảo đảm, tất cả tài sản của người phải THA theo nguyên tắc là đối tượng để THA[5] Tuy nhiên, bên cạnh quyền được thông tin về tài sản THA của người được THA thì cũng phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân của người phải THA[6] như đã được quy định tại Chỉ thị về bảo vệ dữ liệu cá nhân số 95/46/EC[7]. Cũng theo Báo cáo này thì vấn đề chính đối với tuyên bố của người phải THA đó là tuyên bố đó được đưa ra với tư cách cá nhân. Nếu người phải THA từ chối cung cấp thông tin về tài sản của họ, thì cơ quan THA (với sự giúp đỡ của cơ quan công an) cũng có thể thực hiện việc cưỡng chế về thân thể và thực hiện việc bắt giữ. Ví dụ, ở Ireland và ở Anh, việc không tuân thủ lệnh của Tòa án được coi như là hành vi không tôn trọng Tòa án. Ở Bồ Đào Nha, sự miễn cưỡng chấp hành của người phải THA cũng có thể chịu hình phạt hoặc ở nhiều quốc gia thành viên khác có thể áp dụng chế tài hình sự bằng hình thức phạt tù (tối đa một hoặc thậm chí hai năm) đối với người phải THA (Ví dụ: Đan Mạch, Đức, Ireland, Anh, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Điển). Việc không cung cấp thông tin về tài sản của mình hoặc thông tin sai về tài sản THA cũng được xem như là một hành vi phạm tội hình sự. Vì vậy, ở một số quốc gia thành viên châu Âu, bản tuyên bố thông tin về tài sản THA của người phải THA được tuyên thệ bằng một lời thề và được xem như là một lời khai bằng văn bản của người phải THA8.
Quy định số 655/2014 ngày 15/5/2014 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu[9] đã thiết lập những biện pháp bảo đảm an toàn về thông tin tài sản THA cho người được THA. Điều 14 của Quy định này cho phép người được THA ở một quốc gia thành viên châu Âu có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án (ở một quốc gia thành viên khác, nơi người phải THA có tài khoản bị yêu cầu thu giữ) yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nắm giữ thông tin về tài sản của người phải THA, bao gồm các thông tin về tên ngân hàng, số tài khoản ngân hàng của người phải THA. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác THA dân sự, Bản kiến nghị số 17 của Hội đồng Bộ trưởng các quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu về THA[10] cũng đã quy định trách nhiệm của người phải THA trong việc cung cấp các thông tin mới nhất về các khoản thu nhập, các loại tài sản và những tài sản khác (nếu có)[11].
Ngoài khu vực châu Âu thì các nước khu vực châu Phi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác THA dân sự nói chung, trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản THA dân sự nói riêng. Ví dụ, đề cập đến trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản của người phải THA, Điều 50 Đạo luật thống nhất Ohada[12] ngày 10/4/1998[13] quy định rằng, việc tịch thu tài sản của người phải THA có thể được thực hiện đối với tất cả tài sản thuộc về người phải THA, thậm chí tài sản đó đang được nắm giữ bởi bên thứ ba, trừ trường hợp luật pháp quốc gia của mỗi bên ký kết tuyên bố là tài sản đó không được xâm phạm. Cũng liên quan đến vấn đề tịch thu tài sản của người phải THA, Điều 56 Đạo luật thống nhất Ohada quy định việc tịch thu có thể được thực hiện đối với tất cả tài sản hữu hình hoặc vô hình thuộc sở hữu cá nhân của người phải THA.
Đối với trách nhiệm của người được THA trong việc cung cấp thông tin tài sản THA, kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, khi người được THA có đơn yêu cầu THA thì việc THA mới được tiến hành. Trong đơn yêu cầu phải chỉ rõ tài sản (tiền, bất động sản...) của người phải THA có ở đâu, tình trạng như thế nào? Người được THA phải tự tìm hiểu về tình trạng tài sản của người phải THA để cung cấp thông tin cho cơ quan THA. Đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu được của việc THA[14].
Những phân tích trên đã minh chứng rằng, pháp luật quốc tế và các nước rất quan tâm đến thông tin về tài sản THA vì nó có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với hiệu quả công tác THA dân sự. Suy rộng ra, những vấn đề pháp lý khác về “thông tin” và “tài sản” còn là vấn đề của nhân quyền và thuộc phạm trù các quyền cơ bản của công dân do pháp luật quốc tế điều chỉnh. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thông tin tài sản THA không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu rộng, giúp công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam thành công, góp phần đưa đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
[1]. Tác giả Dr. Wendy Kennett, Thi hành án dân sự ở châu Âu, Oxford Univerisy Press (2000), tr. 99.
[2]. Hoàng Thị Thanh Hoa, Khó khăn khi đương sự tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, http://thads.moj.gov.vn/hanoi/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=30. 23/11/2016, truy cập ngày 09/6/2017.
[3]. TS. Nguyễn Thanh Thủy, Luận án Tiến sỹ Luật học, “Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay” (2008), tr. 63.
[4]. Báo cáo số 128 ngày 06/3/2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng châu Âu.
[5]. Báo cáo số 128 ngày 06/3/2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng châu Âu, tr. 12.
[6]. Báo cáo số 128 ngày 06/3/2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng châu Âu, tr. 4.
[7]. Chỉ thị số 95/46/EC của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu ngày 24/10/1995 về việc bảo vệ cá nhân về vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân và việc tự do truyền tải những dữ liệu đó.
[8]. Báo cáo số 128 ngày 06/3/2008 về minh bạch tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở cộng đồng châu Âu, tr. 11.
[9]. Về thủ tục thiết lập chỉ thị duy trì hiện trạng tài khoản để thực hiện thuận lợi việc thi hành án ở phạm vi ngoài biên giới quốc gia trong lĩnh vực dân sự và các vấn đề thương mại.
[10]. Bản kiến nghị số 17 năm 2003 của Ủy ban Bộ trưởng các quốc gia thành viên về thi hành án, đã được thông qua bởi Ủy ban các Bộ trưởng ngày 09/9/2003 tại phiên họp thứ 851.
[11]. Nguyên tắc số III.1.d.
[12]. OHADA, viết tắt của từ tiếng Pháp là “Organisation pour l’Harmonisation en Afrique du Droit des Affaires”, tiếng Anh là “Organization for the Harmonization of Business Law in Africa”, nghĩa là Tổ chức Hài hòa hóa Pháp luật Kinh doanh châu Phi.
[13]. Đạo luật thống nhất của châu Phi về tổ chức các thủ tục thu hồi nợ đơn giản và các biện pháp thi hành án.
[14]. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy, Luận án Tiến sỹ Luật học, “Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay” (2008), tr. 63, Chú thích số 16: “Bộ Tư pháp (2000), Báo cáo của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế về kết quả tọa đàm pháp luật thi hành án dân sự Nhật Bản từ ngày 2-3 và 6-7 tháng 10/2000 tại Bộ Tư pháp, Hà Nội”.