1. Khái niệm và ý nghĩa của bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục
1.1. Khái niệm bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục
Bình đẳng giới (BĐG) là mỗi cá nhân, không phân biệt giới tính, được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục là việc cá nhân được bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo bồi dưỡng; được lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; được tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội như nhau trong việc tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục; được tiếp cận chương trình giáo dục mang nội dung BĐG; được học tập trong môi trường giáo dục an toàn và bình đẳng.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất đến tiến trình BĐG. Bởi vì, giáo dục là quá trình hình thành và phát triển nhân cách dưới ảnh hưởng của tất cả các hoạt động từ bên ngoài, được thực hiện một cách có ý thức của con người trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội. Trong đó, hoạt động của nhà trường đóng vai trò quan trọng. Ảnh hưởng của các chương trình nội khóa, ngoại khóa, của hành vi ứng xử giữa người với người trong nhà trường tới nhận thức và thực hiện BĐG là rất lớn. Qua những môn học trên lớp, qua những hoạt động ngoại khóa được tổ chức ngoài giờ lên lớp, sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức về BĐG, từ đó chi phối hành vi ứng xử bình đẳng của người được giáo dục, dưới tác động của giáo viên, của nhà giáo dục. Như vậy, BĐG trong lĩnh vực giáo dục là việc cá nhân có cơ hội và được tạo điều kiện như nhau trong việc tiếp cận các cấp học và chương trình giáo dục. Nội dung chương trình giáo dục phải bảo đảm BĐG; người làm công tác giáo dục phải có nhạy cảm giới và trách nhiệm giới; môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, bình đẳng nhằm đạt được mục tiêu về BĐG.
1.2. Ý nghĩa của bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục
Một là, BĐG trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực
Các quốc gia muốn phát triển thịnh vượng, bền vững đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực phát triển có chất lượng cao. Để đạt được điều này, bảo đảm BĐG trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, trẻ em trai và trẻ em gái khi sinh ra có khả năng thiên bẩm như nhau (chưa có công trình khoa học nào tuyên bố điều ngược lại) mà do định kiến giới, trẻ em trai lại thường được thiên vị hơn nên được học tập và đào tạo nhiều hơn, thì sẽ dẫn đến tình trạng có những trẻ em trai có tiềm năng thấp hơn trẻ em gái lại được học tập nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến hệ quả là chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức có thể đạt được và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Do vậy, khi mức độ bất BĐG trong giáo dục giảm đi, khi trình độ và nhận thức của trẻ em gái và phụ nữ trong gia đình được cải thiện thì việc đầu tư cho giáo dục đối với các con sẽ được cải thiện. Điều này được thể hiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ, khả năng thuyết phục hoặc quyền quyết định của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục của các con, bất kể là con trai hay con gái. Hơn nữa, khi trình độ và nhận thức của người mẹ cao hơn thì việc chăm sóc và quyết định dinh dưỡng đối với con tốt hơn. Tất cả những điều đó sẽ góp phần làm cho chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên và năng suất lao động của toàn xã hội sẽ được nâng cao.
Hai là, xóa bỏ định kiến giới, góp phần quan trọng cho sự thành công của tiến trình BĐG
Trẻ em trai, trẻ em gái được tạo điều kiện và cơ hội học tập và đào tạo như nhau sẽ xóa bỏ định kiến giới. Định kiến giới là nhận thức thiên lệnh của xã hội về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng và các loại hoạt động mà họ có thể làm, địa vị xã hội mà họ đang có với tư cách họ là nam hay nữ (phụ thuộc vào giới tính). Chẳng hạn, nam giới thì mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán, sáng tạo, có khả năng lãnh đạo, thiếu sự tỉ mỉ; nữ thì phụ thuộc, bị động, mềm dẻo, chi tiết... Vì những định kiến giới đó, mà hiện nay, vẫn có quan niệm cho rằng, có những ngành nghề phù hợp với nam và có những ngành nghề phù hợp với nữ. Theo số liệu của UNESCO, chỉ có khoảng 30% tổng số nữ sinh viên đại học chọn theo học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Tình trạng phân biệt đối xử một cách có hệ thống dẫn đến thực tế là phụ nữ chiếm chưa tới 30% số công việc nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng tạo trên toàn cầu, mặc dù phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới[1]. Định kiến giới có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân của phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tiễn đã chứng minh, nữ và nam chỉ khác nhau về mặt sinh học chứ không khác nhau về mặt xã hội. Quan niệm lãnh đạo hoặc các công việc thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật không thích hợp đối với phụ nữ đã dẫn đến việc đánh giá khắt khe hoặc không công nhận khả năng quản lý, nghiên cứu, sáng tạo của phụ nữ. Hoặc quan niệm nam giới không phù hợp với các công việc cần sự khéo léo, mềm dẻo, tỉ mỉ đã gạt nam giới ra khỏi các công việc thuộc lĩnh vực sư phạm, nghệ thuật, dịch vụ... Vì vậy, khi người làm công tác giáo dục, người học và chương trình giáo dục và đào tạo bảo đảm BĐG thì học sinh nữ, học sinh nam sẽ có cơ hội học tập trong tất cả các bậc học, các ngành nghề, trong đó bao gồm cả những ngành mà trước đây nhiều người cho rằng chỉ phù hợp đối với một giới. Học sinh nữ và học sinh nam học tập và chọn nghề theo năng lực và sở thích cá nhân mà không bị chi phối bởi vấn đề giới tính. Điều này sẽ làm thay đổi nhận thức về vai trò giới, về phân công lao động theo giới và xóa bỏ định kiến giới.
Ba là, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái
Nâng cao trình độ học vấn, hiểu biết, trình độ lao động nữ, dẫn đến phụ nữ tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, thu nhập tăng lên, từ đó nâng cao vị thế của họ trong việc tiếp cận và kiểm soát nguồn lực về kinh tế. Khi phụ nữ làm chủ và độc lập về kinh tế họ sẽ có khả năng đưa ra các quyết định, có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, khi trẻ em gái và phụ nữ được trang bị những kiến thức và kỹ năng một cách toàn diện thì họ mới có thể đủ tiêu chuẩn và điều kiện để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, có cơ hội tham gia hệ thống chính trị. Một nền giáo dục có chất lượng, bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG thì không chỉ cung cấp kiến thức cho người học, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn trang bị những phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống nhân văn, trong đó có quan điểm về BĐG. Giáo dục BĐG trong nhà trường, đặc biệt là cấp học phổ thông sẽ có tác động rất lớn đến phát triển nhân cách của học sinh, hình thành các quan điểm tiến bộ về giới ngay từ khi học tiểu học, tạo nền tảng cho hành động có trách nhiệm giới và nhạy cảm giới khi các em trưởng thành. Nam giới tôn trọng và công nhận năng lực cá nhân của phụ nữ, gạt bỏ mọi định kiến, kỳ thị đối với phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Có thể nhận định rằng, BĐG trong lĩnh vực giáo dục có ý nghĩa quyết định để đạt được BĐG trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
2. Nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục theo Luật Bình đẳng giới năm 2006 và việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật về giáo dục
Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Điều 14 Luật Bình đẳng giới năm 2006. Bên cạnh đó, hiện nay, BĐG đã được lồng ghép trong các đạo luật về giáo dục gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Bên cạnh đó, BĐG còn được lồng ghép trong các văn bản pháp luật có liên quan.
2.1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo bồi dưỡng
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định: Mọi trẻ em sinh ra và lớn lên, dù là trai hay gái đều có những quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được học tập, quyền được tham gia và quyền được phát triển tối đa mọi năng lực, sở trường cho sự phát triển toàn diện của bản thân... Nghiên cứu y học cho thấy sự phát triển não bộ của trẻ em trai và trẻ em gái không có sự khác biệt. Vì vậy, pháp luật quy định độ tuổi đi học của trẻ em trai và trẻ em gái là như nhau. Bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo bồi dưỡng là một trong các yếu tố cơ bản để giúp học sinh nam và học sinh nữ đạt được các quyền cơ bản của con người. Luật Giáo dục năm 2019 quy định:
- Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;
- Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
- Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm (khoản 1 Điều 28).
Như vậy, Luật Giáo dục năm 2019 không phân biệt nam, nữ trong độ tuổi tham gia giáo dục phổ thông. Trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên thì không quy định về độ tuổi.
2.2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16), “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội BĐG. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Bộ luật Lao động năm 2019 quy định mọi người lao động đều có quyền: “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”[2]. Để đạt được điều này thì mọi người, không phân biệt nam, nữ, trong các giai đoạn phát triển của cuộc đời đều được bình đẳng về quyền và cơ hội học tập. Học sinh nam và học sinh nữ đều được đảm bảo bình đẳng về quyền, vị thế, cơ hội và lợi ích. Điều này thể hiện trong việc nam và nữ được thừa nhận có năng lực học tập như nhau, được tin tưởng và tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, hoạt động và hỗ trợ hướng nghiệp phù hợp với sở trường và năng lực của mình. Trong suốt quá trình học tập và lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân, học sinh nam và học sinh nữ không bị tác động bởi bất kỳ một khuôn mẫu giới hay định kiến giới nào. Trong giáo dục, cần tôn trọng sự khác biệt từ cá tính, suy nghĩ hay xu hướng tính dục. Sự tôn trọng đó sẽ bảo đảm phát huy năng lực của từng cá nhân trong học tập và hoạt động nghề nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã lồng ghép vấn đề BĐG trong việc quy định nhiệm vụ và quyền của người học. Theo đó, người học “được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân; được định hướng nghề nghiệp và cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện[3].
Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”[4].
Trên cơ sở bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo, các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phải đảm bảo BĐG và tỷ lệ tham gia hợp lí giữa nữ và nam ở tất cả các khâu từ thành phần ban tổ chức, người thực hiện, khách mời và học sinh tham gia.
2.3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Quyền tham gia học tập và đạt được bằng cấp ở các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình khác nhau được quy định không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Sự bình đẳng này được bảo đảm trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và đại học. Các hình thức đào tạo cũng không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Vấn đề xã hội hóa giáo dục cũng tạo sự công bằng trong giáo dục cho mọi đối tượng, mọi giới, mọi thành phần lao động trong xã hội.
Luật Giáo dục năm 2019 quy định, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình (Điều 13).
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định cơ chế bảo đảm BĐG trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Luật quy định rõ việc bảo đảm quyền lợi ngang nhau, không phân biệt giới trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến việc xây dựng chính sách đối với việc phát triển dạy nghề, chính sách đối với người học và giáo viên dạy nghề, “thực hiện BĐG trong giáo dục nghề nghiệp”[5]. Trên cơ sở đó, Luật quy định chung các điều kiện đối với nam và nữ được tham gia đào tạo nghề nghiệp các trình độ khác nhau. Nam và nữ đều được hưởng các quyền ngang nhau trong quá trình học tập, thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp. Giáo viên nam và giáo viên nữ có tiêu chuẩn như nhau, được hưởng các quy định về tuyển dụng, đánh giá, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chính sách ngang nhau.
2.4. Nữ cán bộ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ
Hiện nay, do ảnh hưởng của định kiến giới nên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn khoảng cách giới. Tỷ lệ nữ được học tập, bồi dưỡng còn thấp hơn so với nam, dẫn đến tỷ lệ lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng thấp. Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016, tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là 81,6%, cao hơn nam giới (76,7%), trong khi lao động nữ tham gia thị trường lao động ở Việt Nam chiếm tỷ lệ đến 49%[6]. Vì vậy, pháp luật quy định nữ cán bộ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ nhằm thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Cụ thể hóa quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 quy định rõ: “Có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ, người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc”. Đồng thời, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định riêng đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số”[7]. Bên cạnh đó, Nhà nước xây dựng chính sách nhằm thu hút người học tham gia học nghề, đặc biệt ưu tiên đối với người học nữ. “Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”[8]. Quy định này bảo đảm tạo cân bằng về giới đối với học viên học nghề, nhà giáo dạy nghề, cũng như tạo cân bằng về giới trong các nghề đào tạo.
Ngoài các quy định trên, pháp luật còn đưa ra các biện pháp để thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực lao động và giáo dục, đào tạo như: Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ trong việc làm, trong một số ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo; lao động nữ trong khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
3. Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục
Điều 14 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về BĐG trong lĩnh vực giáo dục chỉ quy định đối với người học tập, đào tạo mà chưa có quy định về chương trình giáo dục, môi trường giáo dục và người làm công tác giáo dục (giáo viên, giảng viên, người quản lý). Vì vậy, Luật Bình đẳng giới cần bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất, chương trình giáo dục phải thể hiện BĐG
Pháp luật hiện hành quy định về BĐG trong lĩnh vực giáo dục chỉ quy định bình đẳng về tuổi đi học, bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo, bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Vấn đề nội dung chương trình đào tạo chưa được quy định. Đây có thể là khiếm khuyết lớn. Hiện nay, chương trình giáo dục ít đề cập đến vấn đề BĐG, người biên soạn sách giáo khoa còn thiếu nhạy cảm giới. Vì vậy, sách giáo khoa xuất hiện một số dấu hiệu của định kiến giới và bất BĐG, ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ sống, tình cảm và hành vi của học sinh đối với vấn đề giới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, gần 8.300 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh), còn nam giới chiếm đến 69%. Tương tự, trong gần 8.000 hình ảnh, nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn (58%). Đặc biệt, hiện có 95% nhân vật quan trọng, nổi tiếng được nhắc đến trong sách giáo khoa là nam giới. Nữ giới xuất hiện trong sách thường làm nhân viên, nội trợ, có tính cách hướng nội, phụ thuộc. Trong khi đó, nghề nghiệp của nam giới đa dạng hơn, gồm bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sĩ, bộ đội, công an... Nam giới cũng được xem là trụ cột gia đình, hướng ngoại và có tiếng nói quyết định[9].
Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định chương trình giáo dục phải đáp ứng mục tiêu BĐG, yêu cầu hội nhập quốc tế[10]. Vì vậy, Luật Bình đẳng giới là luật chuyên ngành, cần phải quy định rõ: Chương trình giáo dục, đào tạo phải bảo đảm BĐG. Có như vậy mới tạo cơ sở vững chắc để lồng ghép vấn đề BĐG vào chương trình đào tạo và sách giáo khoa. Sách giáo khoa là phương tiện cơ bản để đưa vấn đề BĐG vào quá trình xã hội hóa cá nhân thông qua việc truyền tải tri thức và hướng hành vi ứng xử của cá nhân. Lồng ghép vấn đề BĐG vào chương trình, sách giáo khoa sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh trên cơ sở tiềm năng và ý chí của mỗi em mà không phụ thuộc vào giới tính. Lồng ghép vấn đề BĐG vào chương trình, sách giáo khoa sẽ xóa bỏ các khuôn mẫu giới và định kiến giới, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, chúng ta không chỉ xóa bỏ sự kỳ thị, sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới mà còn phải công nhận sự đa dạng về giới trong đời sống xã hội. Do đó, quy định chương trình đào tạo bảo đảm BĐG cũng là hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu về BĐG trong giáo dục và đào tạo đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về BĐG, giai đoạn 2011 - 2020.
Thứ hai, môi trường giáo dục phải bảo đảm BĐG
Để đạt được BĐG trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề không kém phần quan trọng đó là xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng, an toàn và thân thiện; không có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới và bạo lực trên cơ sở giới. Lớp học, trường học thân thiện, an toàn, bình đẳng là một trong các yếu tố cơ bản đáp ứng các quyền con người của học sinh, để học sinh mỗi ngày đến trường đều được tôn trọng, cảm thấy hạnh phúc, an toàn. Do đó, tạo dựng môi trường giáo dục có chất lượng, an toàn và tôn trọng giới là đảm bảo việc thực thi và bảo vệ các quyền con người, góp phần đạt được các mục tiêu BĐG.
Thứ ba, người làm công tác giáo dục phải có nhạy cảm giới và trách nhiệm giới
Người làm công tác giáo dục phải có nhạy cảm giới và trách nhiệm giới, đồng thời phải luôn xem xét các mối tương quan về giới trong công việc, hoạt động giáo dục, gồm giao tiếp với đồng nghiệp và học sinh, giảng dạy chuyên môn, thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục học sinh; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao… cho học sinh. Người làm công tác giáo dục phải nhận diện được các vấn đề giới; phân tích và đánh giá được các nguyên nhân và tác động tiêu cực của bất BĐG; đưa ra được các biện pháp can thiệp (biện pháp, hoạt động, dịch vụ cụ thể) để giải quyết vấn đề giới, bất BĐG đó là một cách hiệu quả nhất; trên cơ sở thừa nhận và tôn trọng những điểm tương đồng và khác biệt giữa nam và nữ, cũng như nhóm học sinh có bản dạng giới khác. Do vậy, pháp luật cần quy định người làm công tác giáo dục phải có kiến thức cơ bản về giới, có nhạy cảm giới và trách nhiệm giới. “Giáo viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ hành vi, đảm bảo cho người học làm chủ tri thức, biết vận dụng tri thức vào cuộc sống”[11].
Bên cạnh việc hoàn thiện Luật Bình đẳng giới, Luật Giáo dục cũng cần hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã quy định rõ việc bảo đảm BĐG trong hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, Luật Giáo dục năm 2019 quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục nhưng chưa quy định bảm đảm BĐG trong hoạt động này. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 9 Luật Giáo dục năm 2019 về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục: “Hoạt động hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phải đảm bảo BĐG” nhằm đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, giúp học sinh chọn ngành học ở bậc đại học, dạy nghề.
Đại học Luật Hà Nội
[2]. Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
[3]. Khoản 4 Điều 60 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.
[4]. Xem khoản 3 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2019.
[5]. Khoản 7 Điều 6 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
[6]. Hà Thanh, “81,6% lao động nữ Việt Nam chưa qua đào tạo”, Tuổi trẻ Online, ngày 31/11/2018.
[7]. Xem khoản 3 Điều 36 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
[8]. Khoản 3 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
[9]. Thùy Linh, “Chuyên gia hiến kế đẩy lùi bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa”, VnExpress, ngày 01/9/2018.
[10]. Khoản 2 Điều 8 Luật Giáo dục năm 2019.
[11]. Minh Phong, “Giáo viên trước hết là nhà giáo dục”, Báo điện tử Giáo dục và Thời đại, ngày 16/8/2019.