1. Đặt vấn đề
Trong tiến trình hướng đến sự phát triển bền vững của loài người, thực thi nhân quyền thì một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Nhà nước phải hướng đến. Đặc biệt là nhìn nhận và bảo vệ quyền của nhóm yếu thế nhất trong xã hội là người khuyết tật cần phải được đề cao, vấn đề này cũng là một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, “năm 2021, ước tính có khoảng 1,3 tỷ người, chiếm 16% dân số thế giới bị khuyết tật nghiêm trọng. Dự báo con số này sẽ tăng lên do sự gia tăng những căn bệnh không lây nhiễm và sự già hóa dân số”[1]. Riêng tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam năm 2016 thì “kết quả điều tra hộ gia đình cho thấy 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật”[2]. Từ đó ta thấy, người khuyết tật chiếm tỷ lệ rất lớn trong xã hội, họ là nhóm yếu thế rất dễ bị tổn thương nên cần được quan tâm, hỗ trợ từ mọi nguồn lực để xóa bỏ sự mặc cảm, kỳ thị.
Xét từ góc độ quyền con người thì giống như tất cả mọi người, người khuyết tật cần phải được bảo đảm tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá và được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân. Tuy nhiên, do sự hạn chế trong các hoạt động nên việc tiếp cận việc làm của người khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn do nhà tuyển dụng “e ngại” tuyển dụng người khuyết tật và năng suất lao động thấp, thêm vào đó phải tốn thêm chi phí để xây dụng môi trường làm việc phù hợp với họ theo quy định của pháp luật.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc sử dụng người lao động khuyết tật cũng gây rất nhiều khó khăn cho phía người sử dụng lao động. Bên cạnh khó khăn trong việc quản lý - điều hành người lao động khuyết tật, đầu tư nhiều chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật nhưng có thể năng suất lao động thấp. Đa số trường hợp sử dụng lao động khuyết tật thông thường mang tính chất nhân đạo nhiều hơn dựa trên nhu cầu lao động của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc Nhà nước có biện pháp hỗ trợ phù hợp để kích thích, tạo động lực cho người sử dụng lao động thuê, mướn người lao động khuyết tật tham gia lao động là rất cấp thiết, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần giảm thiểu sự mặc cảm, áp lực tâm lý của người lao động khuyết tật, cao hơn nữa là góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam bền vững.
Tuy nhiên, những ưu đãi của Nhà nước đối với người sử dụng lao động khuyết tật hiện nay có những vấn đề chưa phù hợp, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế còn có sự chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu sót nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam về ưu đãi thuế và khó khăn trong việc triển khai các quy định này trong thực tiễn, đồng thời đưa ra giải pháp hoàn thiện.
2. Quy định pháp luật, bất cập và hướng hoàn thiện về ưu đãi thuế khi sử dụng người lao động khuyết tật
2.1. Điều kiện về số lượng và tỷ lệ sử dụng người khuyết tật để được hưởng ưu đãi thuế
Để được miễn thuế thì chủ thể sử dụng lao động phải thỏa mãn hai điều kiện sau:
Thứ nhất, về tỷ lệ sử dụng người lao động khuyết tật.
Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (Nghị định số 28/2012/NĐ-CP) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở đây, quy định thuần túy là tỷ lệ lao động người khuyết tật phải đạt từ 30% mới được miễn thuế. Tuy nhiên, theo tinh thần của khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thông tư số 78/2014/TT-BTC) thì mức 30% để miễn thuế tính cộng dồn bao gồm tất cả các nhóm đối tượng “người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp”. Cách tính thuế của Thông tư số 78/2014/TT-BTC sẽ có lợi và phù hợp hơn cho người sử dụng lao động, thúc đẩy người sử dụng lao động sử dụng đa dạng nhóm lao động được khuyến khích sử dụng mà vẫn được cộng dồn lại để tính ưu đãi thuế. Vì vậy, quy định hai văn bản chưa đồng nhất nhau nhưng theo hiệu lực văn bản thì Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư số 78/2014/TT-BTC, nhưng Thông tư số 78/2014/TT-BTC lại ra đời sau, là văn bản chuyên ngành và hợp lý hơn. Vì vậy, nên chăng Nghị định số 28/2012/NĐ-CP chỉ cần ghi nhận về việc miễn thuế, còn tỷ lệ nào để được miễn nên áp dụng những quy định pháp luật chuyên ngành về thuế.
Thứ hai, về quy định tại đoạn 3 khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC “doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản này là doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên và không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản”.
Theo đó, điều kiện để doanh nghiệp được hưởng chính sách này phải có quy mô lao động từ 20 người trở lên là chưa phù hợp đối với tình hình kinh tế Việt Nam khi đa số các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ sẽ không thể được hưởng chính sách ưu đãi này, trên thực tế, “các doanh nghiệp loại này chiếm đến 98% tỷ lệ doanh nghiệp ở cả ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tại Việt Nam hiện nay”[3]. Vậy, nếu những doanh nghiệp sử dụng 100% lao động là người khuyết tật làm việc nhưng quy mô dưới 20 người sẽ không được hưởng ưu đãi thuế này là điều bất hợp lý.
Vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại đoạn 3 khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau: “Doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản này là doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên, nếu số lao động dưới 20 người thì phải có ít nhất 06 người lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV và không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản”. Theo tác giả, việc sửa đổi, bổ sung này phù hợp vì tính theo tỷ lệ vẫn bảo đảm được tỷ lệ thấp nhất của quy định cũ (30% của doanh nghiệp từ 20 người trở lên) và vẫn bảo đảm được những doanh nghiệp nhỏ có quy mô dưới 20 người vẫn có thể được hưởng chính sách miễn thuế.
2.2. Chủ thể được hưởng ưu đãi thuế
Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP thì cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định “cơ sở sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Theo Điều 2 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về người nộp thuế thì hộ gia đình không thuộc diện nộp loại thuế này. Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC[4], hộ gia đình thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Từ đó suy ra hộ gia đình sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi thuế khi sử dụng thuê, mướn người khuyết tật.
Để làm sáng tỏ hơn điều này thì căn cứ Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định hộ gia đình được miễn thuế nếu thuộc trường hợp “sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật”. Như vậy, có thể kết luận rằng, đối với trường hợp hộ gia đình sử dụng “từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật” sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Đặt vào bối cảnh lịch sử khi quy định này ra đời để giải thích nguyên nhân, vì tại thời điểm này pháp luật quy định hộ gia đình không được sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên (Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp) cho nên nhà làm luật mặc định là hộ gia đình sẽ không thuộc diện miễn thuế vì sử dụng dưới 20 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không còn hạn chế việc sử dụng lao động của hộ gia đình và trên thực tế, rất nhiều hộ gia đình sử dụng rất nhiều lao động và có nhiều hộ gia đình sử dụng 100% người lao động là người khuyết tật, do đó, quy định về đối tượng được miễn thuế này đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Từ phân tích trên cho thấy, quy định pháp luật còn chưa rõ ràng giữa các văn bản, nguyên nhân do sử dụng thuật ngữ pháp lý chưa thống nhất dẫn đến nhiều vấn đề còn thiếu sót. Theo tác giả, tinh thần của điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP là người làm luật mong muốn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho tất cả “cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật”.
Vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP như sau: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân”.
Thứ hai, bổ sung Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định về thu nhập miễn thuế: “Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình sử dụng từ 20 lao động trở lên, trong đó có từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); nếu trường hợp hộ gia đình sử dụng dưới 20 lao động thì phải có ít nhất 06 người lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, hộ kinh doanh là mô hình rất phổ biến và lâu đời “cả nước đã có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh”[5] phân bố ở tất cả các vùng, miền. Điều này tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, ghi nhận quyền lợi chính đáng của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
2.3. Về mức ưu đãi thuế
Pháp luật quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho chủ thể sử dụng người lao động là người khuyết tật làm việc đủ điều kiện luật định “từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật”, không có chính sách giảm thuế.
Xét từ góc độ thực tiễn, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động với quy mô rất lớn đến vài trăm nghìn lao động, nên có thể sử dụng số lượng lớn người lao động là người khuyết tật làm việc nhưng không thể nào đạt được tỷ lệ 30% trên tổng số lao động. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động là người khuyết tật nhưng chưa đạt mức 30% trên tổng số lao động để khuyến khích họ sử dụng người khuyết tật.
Trong pháp luật thuế, chủ thể sử dụng lao động thuộc nhóm lao động như lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động bị nhiễm HIV sẽ được hưởng ưu đãi thuế (bao gồm miễn hay giảm thuế hay không tính thuế). Trong đó, chi phí hợp lý chi thêm cho nhóm lao động này sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, đối với khoản chi thêm người lao động là người dân tộc thiểu số sẽ “được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số theo hướng dẫn” theo Điều 21 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, nhưng số tiền chi thêm cho lao động là người khuyết tật lại không được giảm thuế.
Tác giả kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về giảm thuế cho đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân theo hai hướng:
Phương án thứ nhất có thể áp dụng tương tự quy định tại Điều 21 Thông tư số 78/2014/TT-BTC về giảm thuế khi sử dụng người lao động là người dân tộc thiểu số: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp mức giảm tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Tiếp đó, hoàn thiện quy định giảm thuế thu nhập cá nhân tương tự đối với hộ gia đình. Số tiền thực chi này có thể bao gồm tiền khám sức khỏe, đào tạo nghề, học phí đi học (nếu có) cộng chênh lệch tiền lương ngạch bậc (bảo đảm 100% lương cho người đi học); tiền hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Phương án thứ hai, có thể xây dựng quy định theo hướng về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ sử dụng người khuyết tật trên tổng số lao động. Ví dụ như giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân khi sử dụng “từ 20% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Tuy nhiên, mức tỷ lệ giảm thuế cần được nghiên cứu sâu hơn và cần cân đối phù hợp, quy định này kích thích người sử dụng lao động sử dụng lao động khuyết tật để được hưởng ưu đãi theo nhu cầu mà không ảnh hưởng đển hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình./.
NCS.ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân
Đại học Đồng Tháp
[1] WHO, 2022, Global report on health equity for persons with disabilities, https://www.who.int/publications/i/item/9789240063600.
[2] Tổng cục Thống kê Việt Nam (2016), Điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, tr. 15.
[3] Nguyễn Thị Kim Lý (2020), “Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển”, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2020, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-thuc-day-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-325683.html.
[4] Thông tư ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế.
[5] Nguyễn Thị Luyến (2022), Một số vấn đề trong “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM248590, truy cập ngày 28/03/2023.