Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã báo cáo kết quả công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 và công bố công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện định kỳ 05 năm một lần. Năm 2013, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hệ thống hóa kỳ đầu tiên, năm 2018 thực hiện kỳ thứ hai và năm 2023 là kỳ thứ ba. Qua quá trình tổ chức hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã xác định và tập hợp được tương đối chính xác, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đối tượng, phạm vi văn bản thuộc trách nhiệm phải hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đăng tải kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, một số cơ quan, địa phương đã thực hiện việc in ấn, phát hành tập hệ thống hóa quy phạm pháp luật để các cơ quan, đơn vị có liên quan có thể tra cứu, thực hiện pháp luật được thuận lợi; các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành, nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế…
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy báo cáo kết quả công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 và công bố công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam
Về công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam, Cục trưởng cho biết, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển. Bộ pháp điển của điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) được xây dựng, hình thành từ 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (271 đề mục thuộc 45 chủ đề) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao đổi tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Lê Tấn Cận, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội ghi nhận và khai thác, sử dụng. Việc xây dựng Bộ pháp điển đã góp phần làm tăng tính thống nhất của văn bản; phát hiện được các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chưa phù hợp của hệ thống pháp luật nói chung, góp phần làm cho hệ thống pháp luật về tài chính trở nên đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Nhờ vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài chính được củng cố, minh bạch, dễ tiếp cận hơn, thông qua các hình thức hậu kiểm, trong đó có hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tài chính.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng trao đổi tại Hội nghị
Về vai trò, hiệu quả thực hiện công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cho biết, việc thực hiện hệ thống hóa văn bản cũng là thời điểm triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các lĩnh vực khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các lĩnh vực khác có liên quan đến quốc phòng, biên giới quốc gia… Bên cạnh đó, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng là hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.
Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ tại Hội nghị
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với 2.635 văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn Thành phố thuộc đối tượng hệ thống hóa trong kỳ 2019 - 2023 đã làm cho việc rà soát, hệ thống hóa gặp không ít khó khăn về thời gian hoàn thành và chất lượng thực hiện công tác hệ thống hóa vì số lượng văn bản nhiều. Mặt khác, một số đơn vị chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa tích cực trong việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, thực hiện chưa đầy đủ, toàn diện các nội dung, yêu cầu trong việc rà soát, hệ thống hóa, dẫn đến việc xác định hiệu lực của văn bản còn chưa chính xác, kết quả rà soát còn sơ sài, chưa bao quát, thời hạn báo cáo chưa bảo đảm nên ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo hệ thống hóa.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền trao đổi tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nhận thấy sự cần thiết cũng như những giá trị đem lại từ Bộ pháp điển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển đến các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, ví dụ như: Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi kèm bộ tài liệu hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển do Bộ Tư pháp xây dựng đến Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trên cả nước và đề nghị tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển đến các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển đến các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động tại Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Luật sư Đào Ngọc Chuyền khẳng định, trong thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển đến các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc và coi đây là việc làm thường xuyên hàng năm.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Bộ pháp điển Việt Nam
Trong khuôn khổ của Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức công bố Bộ pháp điển Việt Nam - công cụ tra cứu pháp luật chính thống, toàn diện, khoa học.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị
Trong thời gian tới, để công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và Bộ pháp điển Việt Nam ngày càng lan tỏa, phát huy được giá trị hữu ích, với trách nhiệm là cơ quan được giao giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm phối hợp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh số hóa, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; thường xuyên cập nhật, quản lý, duy trì kết hợp với truyền thông, giới thiệu và hướng dẫn để từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ pháp điển; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để tăng cường hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của nhiệm vụ này trong thời gian tới; thực hiện trách nhiệm đăng tải đầy đủ, kịp thời, cập nhật chính xác tình trạng hiệu lực của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023./.
Thùy Dung
Ảnh: Hoàng Trung