Kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình được phê duyệt nhằm: (i) Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của các bộ, ngành, địa phương; (iii) Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DNNVV, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Các mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025: (i) Cung cấp thông tin pháp lý cho DNNVV, gồm xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng một cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DNNVV; cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của các bộ, ngành, địa phương; tiếp nhận 100% phản ánh từ DNNVV để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. (ii) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tối thiểu 30% DNNVV nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. (iii) Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: Tư vấn trực tiếp cho DNNVV; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm 100% đề nghị tư vấn của DNNVV thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chương trình được triển khai giai đoạn 2021 - 2025 theo 03 nhóm hoạt động, cụ thể như sau:
Nhóm hoạt động thứ nhất, cung cấp thông tin pháp lý, gồm: Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; xây dựng các chuyên mục pháp luật cho DNNVV trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại với DNNVV; xây dựng bản tin, tài liệu điện tử để cung cấp thông tin hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; cung cấp thông tin về công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Nhóm hoạt động thứ hai, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, gồm: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Nhóm hoạt động thứ ba, tư vấn pháp luật, gồm: Tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại; tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2010 - 2014 và giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 (Chương trình 585) (giai đoạn trước Quyết định số 81/QĐ-TTg) có Ban Chỉ đạo liên ngành[1] do Bộ Tư pháp thành lập để chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ pháp lý của Chương trình 585. Ngoài ra, Bộ Tư pháp thành lập Ban Quản lý[2] để tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình, làm việc kiêm nhiệm, theo chế độ thủ trưởng. Mô hình tổ chức, quản lý của Chương trình 585 bảo đảm tính liên ngành, có đầu mối triển khai hoạt động.
Trên thực tế, mô hình tổ chức, quản lý như vậy chưa thực sự phát huy được sự tham gia tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 585; hoạt động của Ban Quản lý Chương trình 585 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành Chương trình, nhân sự hầu hết kiêm nhiệm, cán bộ làm việc trực tiếp cho Chương trình là cán bộ hợp đồng khoán việc nên chưa thực sự gắn kết và phát huy được hiệu quả các công việc. Do đó, quy định của Quyết định số 81/QĐ-TTg về tổ chức điều hành chương trình đã giao cho một đơn vị thuộc Bộ làm cơ quan thường trực triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết Chương trình: Tổ chức khảo sát thường xuyên nhằm xác định nhu cầu của DNNVV để triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật và đánh giá các hoạt động này của Chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; tổ chức sơ kết hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Chương trình, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để làm căn cứ xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm tiếp theo; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tác động đối với đối tượng thụ hưởng, tổng hợp ý kiến phản hồi của DNNVV và các đối tượng khác có liên quan để làm cơ sở đánh giá, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động hàng năm, tổng kết hoạt động của Chương trình; Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết hoạt động của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng kết hoạt động của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trong quý III năm 2025.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm: Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; xây dựng các quy chế, quy định tổ chức và hoạt động của Chương trình; xây dựng, phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm để xác định cụ thể các hoạt động ưu tiên triển khai thực hiện Chương trình trong năm đó; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình, tổng hợp chung trong dự toán của Bộ Tư pháp gửi Bộ Tài chính để bố trí dự toán theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động của Chương trình và huy động các nguồn lực hợp pháp phục vụ triển khai Chương trình; lựa chọn cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về ngân sách nhà nước, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan; chủ trì, hướng dẫn tổ chức thực hiện, khảo sát, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chương trình.
Trên cơ sở Quyết định số 81/QĐ-TTg, có thể thấy rằng:
(i) Một trong những mục tiêu cơ bản của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là xác lập, tăng cường và nâng cao kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện và khả năng có thể tự giải quyết một số vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống và liên tục các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều luật mới liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cần sớm ban hành chương trình mới về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV.
(ii) Việc ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát huy vai trò định hướng cùng với các chương trình hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương huy động được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến hết năm 2020, hầu hết các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình. Các hoạt động này đã phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc nâng cao kiến thức pháp lý và thói quen sử dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Sẽ hiệu quả hơn nếu các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương được thực hiện trong một thể thống nhất, có sự phối hợp, điều phối nguồn lực hợp lý, đặc biệt là với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Do đó, việc ban hành chương trình liên ngành mới về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương này tiếp tục tiếp cận với các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, bảo đảm các doanh nghiệp, nhất là DNNVV trên phạm vi toàn quốc được thụ hưởng các hoạt động hỗ trợ pháp lý của chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.
(iii) Việc ban hành chương trình mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để tạo điều kiện kế thừa, phát triển các hoạt động của Chương trình 585 (giai đoạn 2010 - 2014 và giai đoạn 2015 - 2020). Qua quá trình thực hiện, bên cạnh những thành công đạt được trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Chương trình 585 vẫn còn những hạn chế như: Một số hoạt động thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện xong; một số công việc đã hoàn thành nhưng chưa tạo được sự kế thừa bền vững. Vì vậy, việc ban hành chương trình mới về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để các bộ, ngành có điều kiện thực hiện đầy đủ, hiệu quả mục đích, nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” (Mục 2 Công văn số 5225/VPCP-ĐMDN ngày 29/6/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Để sớm triển khai hiệu quả các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình 81) , Bộ Tư pháp cần sớm quan tâm quyết liệt trong việc giao cho một đơn vị đầu mối thuộc Bộ làm cơ quan thường trực triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Hiện nay, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã xây dựng và trình kế hoạch, dự toán kinh phí bổ sung năm 2021 của Chương trình theo Quyết định số 81/QĐ-TTg. Tuy nhiên, để triển khai sớm và hiệu quả các hoạt động, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cần nghiên cứu sớm đề xuất Bộ quan tâm thành lập “Ban Quản lý Chương trình 81” do 01 Lãnh đạo đơn vị làm Giám đốc Ban Quản lý, hình thành bộ máy kiêm nhiệm, chuyên trách để triển khai hiệu quả Chương trình 81 trong thời gian tới; xây dựng dự toán, phối hợp Bộ Tài chính để cấp bổ sung kinh phí hoạt động cho Chương trình. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025, cần triển khai đồng bộ một số hoạt động sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV đối với cán bộ, công chức và doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các cấp, các ngành và doanh nghiệp về tầm quan trọng của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV. Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho các DNNVV cần được nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ và toàn diện về vị trí, vai trò và ý nghĩa của nó trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Hai là, đối tượng được tuyên truyền không chỉ là các cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà còn cho cả người quản lý, người sử dụng lao động và lao động trong doanh nghiệp. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành hiện nay đã có, cần phát huy hiệu quả như: (i) Vận hành Trang thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; (ii) Xây dựng và phát hành các bản tin, tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thường xuyên, định kỳ (theo tháng hoặc quý) để thông tin về các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương và với doanh nghiệp quan tâm, thực hiện.
Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV cần tập trung, nâng cao các hình thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả như: Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, hiệu quả về hoạt động hỗ trợ pháp lý cụ thể cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng, hoàn thiện các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, là địa chỉ để giải đáp các thắc mắc pháp lý cho doanh nghiệp và tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ đổi mới, sáng tạo thông qua việc các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các hoạt động cụ thể nhằm giúp DNNVV chuẩn đoán “bệnh” vướng mắc pháp lý để chữa “bệnh” cho doanh nghiệp.
Bốn là, nhân rộng và phát triển các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tạo ra các “điểm sáng” trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hình thành các mô hình hiệu quả cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các loại hình doanh nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước.
Năm là, quan tâm triển khai thường xuyên có hiệu quả, chất lượng các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV nhằm thông tin kịp thời pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tới các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thông qua các tọa đàm, hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; các hội nghị, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp.
Sáu là, quan tâm, đầu tư nhân lực và kinh phí cho Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (đặt ở Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp) để trở thành 01 trang thông tin điện tử chính thống về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thu hút sự truy cập của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ chính của Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp này là việc thông tin đầy đủ các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV; các chủ trương, đề án, chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, của các bộ, cơ quan ngang bộ và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời tham khảo mô hình hoạt động của Cổng thông tin điện tử Chính phủ để nâng cấp một bước Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp để hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cần được nâng cao hơn nữa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp nhận, phản hồi các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp (như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...) cần được tin học hóa và áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phát huy hơn nữa nhiệm vụ này cũng như vai trò của Bộ Tư pháp nói chung và hoạt động quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng trong thời gian tới.
Bảy là, xây dựng và phát hành thường xuyên các bản tin, tài liệu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đổi mới các hình thức, nội dung trong việc xây dựng và phát sóng định kỳ hàng tuần các chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng các clip bài giảng điện tử về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, các tài liệu hướng dẫn pháp luật đơn giản, cụ thể dễ hiểu để phát rộng rã trên các môi trường mạng, điện tử hay các trang xã hội nhằm tăng cường lan tỏa các quy định pháp luật tới từng doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; giữa cơ quan nhà nước trung ương và địa phương trong hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp theo 03 mối quan hệ phối hợp chủ yếu như sau: (i) Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa Chương trình liên ngành do Bộ Tư pháp quản lý với các chương trình hỗ trợ pháp lý tại địa phương; (ii) Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp theo chương trình giữa các cơ quan nhà nước trung ương với nhau, giữa các cơ quan nhà nước địa phương với nhau; (iii) Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của chương trình giữa Bộ Tư pháp với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các hiệp hội ở trung ương; giữa các cơ quan nhà nước địa phương với các tổ chức đại diện, hiệp hội ở địa phương.
Tám là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hình thức, phương tiện, công nghệ thông tin hiện đại nhằm truyền tải, thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu như hiện nay. Với việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, nhất là việc thông tin, tuyên truyền về pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ nâng cao năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cán bộ, công chức cơ quan nhà nước nói chung và thực hiện sử dụng, thụ hưởng các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các doanh nghiệp, người lao động nói riêng sẽ được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý đa dạng của doanh nghiệp hiện nay, đồng thời tiếp tục tạo “dấu ấn” của Ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. Quyết định số 1869/QĐ-BTP ngày 05/7/2010 của Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014.
[2]. Quyết định số 2449/QĐ-BTP ngày 23/9/2010 của Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014.