Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tô Văn Hòa, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, ngày 30/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo Nghị quyết, trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, công tác xây dựng và thi hành pháp luật cần được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phải có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước. Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, cho đến nay, hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam đã tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, cũng như tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và thi hành pháp luật kinh tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận đối với 02 vấn đề: (i) thông qua giai đoạn lịch sử hình thành, phát triển, đặc điểm của pháp luật kinh tế Việt Nam trong 80 năm để nhận diện trình độ phát triển của pháp luật kinh tế Việt Nam hiện nay; (ii) yêu cầu đối với pháp luật kinh tế trong bối cảnh chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Đồng chí Tô Văn Hòa, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan đến phát triển pháp luật kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Về định hướng hoàn thiện pháp luật thương mại Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đại biểu cho biết, trong kỷ nguyên mới - thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ của kinh tế số, toàn cầu hóa sâu rộng và yêu cầu phát triển bền vững, hệ thống pháp luật thương mại Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn. Việc hoàn thiện pháp luật thương mại là yêu cầu tất yếu nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu trước mắt, mà còn là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại, bền vững và thịnh vượng. Trên cơ sở đó, đại biểu đã đưa ra 06 giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thương mại, cụ thể: (i) rà soát, cập nhật và chỉnh sửa pháp luật thương mại bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) hoàn thiện các quy định về thương nhân, trong đó chú trọng hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, thương mại điện tử…; (iii) hoàn thiện quy định về hoạt động thương mại, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới, kinh tế nền tảng; (iv) hoàn thiện các quy định về thành lập và rút lui khỏi thị trường của thương nhân, đơn giản hoá thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh; (v) hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại, trong đó, chú trọng đa dạng hoá hình thức giải quyết tranh chấp thương mại và tranh chấp thương mại đặc thù; (vi) rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế Việt Nam đã kí kết, tham gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số định hướng hoàn thiện pháp luật đất đai trong kỷ nguyên mới, cụ thể:
Một là, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định về đánh thuế tài sản với mức thuế cao đối với người sử dụng nhiều diện tích nhà, đất, đầu cơ đất đai hoặc bỏ hoang đất đai nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xem xét, soạn thảo các quy định chi tiết về hỗ trợ đối với cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gây ra.
Ba là, cần định danh một cách chính thức về bất động sản đáp ứng nhu cầu dưỡng lão; bất động sản du lịch, bất động sản du lịch nông nghiệp, bất động sản xanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất này; đồng thời, bổ sung một số quy định mang tính đặc thù về quy hoạch sử dụng đất.
Bốn là, bổ sung các quy định bảo đảm về tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2024 với các đạo luật khác có liên quan như nghiên cứu bổ sung quy định về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 bảo đảm sự tương thích với Điều 83 Luật Nhà ở năm 2023 quy định về đất để phát triển nhà ở xã hội…
Năm là, nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định về quyền sử dụng bề mặt đất và giới hạn chiều cao (tính bằng mét) khoảng không gian trên bề mặt đất và trong lòng đất mà tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được phép khai thác, sử dụng. Đồng thời, Nhà nước cũng bổ sung quy định cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất đi kèm với chuyển nhượng quyền sử dụng khoảng không gian trên bề mặt đất và trong lòng đất theo quy định của pháp luật.
Sáu là, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai tại Điều 19 Luật Đất đai năm 2024.
Bảy là, nghiên cứu, xem xét để đưa ra cách giải thích nội hàm khái niệm đất công; đồng thời, bổ sung quy định chi tiết, đầy đủ, đồng bộ về chế độ quản lý và sử dụng loại đất này để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm, tránh việc bỏ hoang, sử dụng lãnh phí, bừa bãi. Mặt khác, pháp luật đất đai cần bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất bên cạnh vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý đất đai.
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Tám là, để đáp ứng với cơ cấu, tổ chức của chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh và cấp xã; Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Đất đai năm 2024… Tuy nhiên, thực hiện vấn đề này cần phải có thời gian; vì vậy, để “chạy đua” với thời gian đến ngày 01/07/2025 chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện; Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết chuyển giao nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện; chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về đất đai cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra nhà nước cấp tỉnh thực hiện bảo đảm công việc không bị gián đoạn, ngừng trệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu của người dân nói chung và người sử dụng đất nói riêng trong lĩnh vực đất đai...
Đối với định hướng hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội trong kỷ nguyên mới, đại biểu cho biết, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên “vươn mình của dân tộc”, với lý luận mới, tư duy mới, chiến lược mới, cách thức triển khai và nhiệm vụ đặt ra mới, để đạt được mục tiêu đặt ra, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật an sinh xã hội là yêu cầu có tính cấp thiết, khách quan và là nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở đó, có thể định hướng hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội Việt Nam thời gian tới như sau: (i) cần hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội; (ii) cần hoàn thiện hệ thống lý luận pháp luật về an sinh xã hội; (iii) cần tiếp tục xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, thích ứng, linh hoạt; (iv) cần cho phép tư nhân tham gia thành lập, quản lý hoạt động an sinh xã hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận một số lĩnh vực khác liên quan đến pháp luật kinh tế Việt Nam như: pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam; pháp luật kinh doanh bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam; Pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; pháp luật môi trường Việt Nam…
Đại biểu tặng hoa chúc mừng Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề lý luận, thành tựu, hạn chế của pháp luật kinh tế trong 80 năm xây dựng và phát triển, cũng như các giải pháp thiết thực để đóng góp hiệu quả vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Thùy Dung