Toàn cảnh Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là một trong những văn kiện rất quan trọng. Với tinh thần chỉ đạo mới của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra, Nghị quyết được ban hành phải được đưa ngay vào cuộc sống. Cho biết thêm về nội dung của Nghị quyết, Viện trưởng cho rằng, Nghị quyết đòi hỏi đổi mới đối với 02 nội dung, cụ thể: (i) đổi mới cách suy nghĩ; (ii) tốc độ làm việc phải nhanh nhất, cần tháo gỡ những rào cản làm chậm việc đưa tinh thần của Nghị quyết vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, ngày 17/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật với tỷ lệ đồng thuận cao nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Cùng ngày 17/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW. Có thể nói, Nghị quyết số 66-NQ/TW là một trong những nghị quyết đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của đất nước được Thủ tướng Chính phủ gọi là “bộ tứ chiến lược” và Tổng Bí thư xác định là “bộ tứ trụ cột của phát triển”.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đặt ra đối với giới khoa học pháp lý khi triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW, cụ thể:
(i) Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ để cùng giải quyết nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu và thiết kế các chính sách về triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW, cần nhìn nhận một cách toàn diện đối với các thành phần kinh tế và xác định quan điểm xuyên suốt về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
(ii) Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo, các cơ chế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. Với chủ trương người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu phát biểu tại Tọa đàm
(iii) Đối với lĩnh vực phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý: trên cơ sở các nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ, đại biểu cho biết, cần xác định một số vấn đề lớn cần nghiên cứu và sớm triển khai, cụ thể:
Thứ nhất, cần nghiên chức năng và mô hình trợ giúp pháp lý bảo đảm chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trên cơ sở Nghị quyết số 66-NQ/TW trong bối cảnh xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thứ hai, cần xác định cụ thể các cơ quan thực hiện công tác truyền thông chính sách.
Thứ ba, cần nghiên cứu, quan tâm đến hoạt động xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật.
Thứ tư, nghiên cứu phát triển dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận pháp luật.
(iv) Nghiên cứu ban hành nghị quyết về chế độ đặc thù liên quan đến quyền và lợi ích của những người làm công tác nghiên cứu chính sách, pháp luật.
(v) Để tất cả các chuyên gia làm luật có thể nhận diện thấu đáo về “điểm nghẽn”, đại biểu cho rằng, cần đào tạo đội ngũ chuyên gia trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, bảo đảm đội ngũ này phải có kiến thức chuyên sâu đối với từng ngành, lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phát biểu kết luận Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý gửi lời cảm ơn sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, Viện trưởng mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Thùy Dung