Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Tú cùng Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, sáng ngày 18/5/2025, tại Hội nghị toàn quốc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt 02 Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết số 66-NQ/TW) và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời trao đổi một số nội dung của các nghị quyết do Quốc hội ban hành ngày 17/5/2025. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với Bộ, ngành Tư pháp.
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Bộ trưởng cho biết, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW. Trên cơ sở đó, ngày 17/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Như vậy, đã có 03 nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây là niềm vui lớn đối với Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và những người làm công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã gửi lời cảm ơn tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đặc biệt để Bộ, ngành Tư pháp có thể xây dựng, ban hành được những nội dung Nghị quyết mang tính chất đột phá, có những cơ chế chính sách mang tính chất đặc biệt. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đồng thời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ Tư pháp, những cán bộ đã trực tiếp tham gia vào xây dựng những văn bản này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, còn không ít lo lắng, bởi khối lượng công việc rất khổng lồ, trong đó có cả những việc Bộ, ngành Tư pháp chưa bao giờ làm và những công việc mới hoàn toàn khác so với trước đây. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, Bộ, ngành Tư pháp cần phải lưu ý 02 nội dung sau: (i) phải tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; (ii) phải đổi mới tư duy hơn nữa.
Đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều nhất trí đối với nội dung của dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW. Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo, cụ thể: (i) đối với điểm e mục 1.1 Phần II về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, đại biểu cho rằng, cần thể hiện nội dung về “thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của bộ, ngành Tư pháp đi địa phương và làm việc ở bộ, ngành trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn” cụ thể hơn tại phần Phụ lục; (ii) tại điểm c mục 1.3 Phần II quy định nội dung về “chú trọng công tác giải thích pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của văn bản quy phạm pháp luật”, trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa thực hiện công tác “giải thích pháp luật”. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này; (iii) về kỹ thuật, đại biểu cho rằng, cần bỏ từ “nguồn” trong cụm từ “bố trí nguồn kinh phí”. Bởi, việc bố trí “nguồn” thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và đối với Bộ Tư pháp chỉ là bố trí phần ngân sách được giao; (iv) đối với nhiệm vụ số 7 Phần II Phụ lục về “đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”, xác định thời gian hoàn thành nội dung “chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp… để xác định “điểm nghẽn” thể chế, pháp luật…” là năm 2025, theo đại biểu, nội dung này cần thống nhất với Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW là vào tháng 7/2025; (v) về nội dung “xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật” tại mục V Phụ lục về xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chia làm 02 mốc gồm: mốc thứ nhất là để xây dựng, hoàn thành xong chương trình, mốc thứ hai là đưa chương trình vào thực hiện; (vi) đối với các nhiệm vụ tại mục 9 về xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính, mục 10 về nghiên cứu chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư, mục 11 về nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại... Bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nên chuyển xuống sau mục 6 Phần III về “tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật”…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh gửi lời cảm ơn sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp về thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW. Về chương trình hành động, Bộ trưởng cho rằng, nên sửa thành chương trình hành động hoặc kế hoạch của Đảng ủy Bộ Tư pháp. Bởi, Nghị quyết số 66-NQ/TW là Nghị quyết của Trung ương và chức năng tham mưu tổ chức triển khai thực hiện lại thuộc nhiệm vụ của Đảng ủy Bộ Tư pháp. Mặt khác, có thể sửa tên chương trình hành động thành “chương trình hành động về triển khai Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng đề nghị rà soát lại các nhiệm vụ, không cần chia nhỏ các đầu việc và cần bảo đảm đúng tinh thần đột phá, đổi mới…
Thùy Dung