Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật; xuất bản, phát hành các ấn phẩm nghiên cứu chuyên đề. Có thể thấy rằng, các nhiệm vụ cũng như các ấn phẩm của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, phát triển lý luận, thực tiễn về các vấn đề tư pháp và pháp luật, phục vụ hiệu quả cho công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
Năm 2023 là năm có nhiều biến động về công tác tổ chức cán bộ đối với Tạp chí, đội ngũ lãnh đạo có sự thay đổi. Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Tạp chí đã nhanh chóng ổn định, duy trì hoạt động bình thường, đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt 100% kế hoạch đề ra.
Về công tác biên tập, xuất bản tạp chí in năm 2023, Tạp chí đã hoàn thành biên tập, xuất bản và phát hành 12 số định kỳ 90 trang - kỳ I và 12 số định kỳ 64 trang - kỳ II. Các ấn phẩm của Tạp chí đều tăng 50% dung lượng, tạo nên bước chuyển lớn và diện mạo mới về cả nội dung và hình thức của Tạp chí, phản ánh khá sinh động, toàn diện các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của đất nước, góp phần tích cực cho công tác truyền thông chính sách, pháp luật và lý luận khoa học pháp lý đến các độc giả trong cả nước. Nhiều ấn phẩm chuyên đề nhận được sự đánh giá cao của độc giả như: “Dấu ấn 10 năm Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”; “Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự và 30 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang Chính phủ”; “Hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản”; “Cơ sở lý luận và thực tiễn tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”…
Tạp chí đã xuất bản 10 số chuyên đề 200 trang liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp và những vấn đề pháp lý được nhiều độc giả quan tâm. Cụ thể: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử”, “Hoàn thiện môi trường pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới”, “Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật”, “Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự”, “Quyền và thực hiện quyền của chủ thể trong quan hệ pháp luật ở kỷ nguyên số”, “Sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017”, “Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, “Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số làm việc trong lĩnh vực pháp luật khu vực trung du và miền núi phía Bắc”, “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản” và “Hoàn thiện pháp luật thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam”. Các số chuyên đề này đã phản ánh cơ bản toàn diện và chuyên sâu nhiều lĩnh vực trọng tâm công tác tư pháp, pháp lý của Ngành và của đất nước. Đặc biệt, nội dung các ấn phẩm đã phản ánh kịp thời việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao của Bộ, Ngành Tư pháp, của các cơ quan, tổ chức trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, có giá trị tham khảo hữu ích đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà làm luật, các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như những độc giả quan tâm.
Bên cạnh đó, Tạp chí cũng đã đăng tải nhiều bài viết góp ý dự thảo luật được lấy ý kiến nhân dân với các chủ đề thời sự, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), góp phần thúc đẩy công tác truyền thông chính sách, thực hiện hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Quyết định số 407/QĐ-TTg) và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử được vận hành thành công và bước đầu đã có những kết quả tích cực với gần 900 tin/bài/video, nội dung, hình thức thể hiện các tin, bài viết ngày một phong phú, đa dạng, phản ánh kịp thời các hoạt động khoa học pháp lý của các cơ quan Trung ương và địa phương, phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của bạn đọc, đặc biệt là các thông tin về khoa học pháp lý, góp phần cùng với Tạp chí in tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện truyền thông chính sách và các sự kiện chính trị, pháp lý, chuyên môn của Bộ, ngành.
Nhìn chung, những ấn phẩm của Tạp chí trong năm 2023 có nhiều điểm nhấn, bám sát thực tiễn pháp luật của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thông tin khoa học pháp lý, truyền thông chính sách, pháp luật đến các độc giả trong cả nước. Tạp chí đã thực hiện nghiêm túc định hướng, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và yêu cầu của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ. Nội dung các ấn phẩm bám sát tôn chỉ, mục đích và quy định của Luật Báo chí. Nhiều ấn phẩn có hàm lượng khoa học, thực tiễn cao như: “Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, “Hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảm đảo bằng động sản”, “Dấu ấn 10 năm Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”…, trong đó, nhiều đề xuất giải pháp về hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ấn phẩm tạp chí đã được nghiên cứu, đổi mới trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hoặc định hướng cho việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác trong ngành Tư pháp.
Năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ là giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần tiếp tục phát huy vai trò, vị trí là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, bám sát thực tiễn, gắn kết lý luận và thực tiễn để truyền thông chính sách, pháp luật.
Hoạt động của Tạp chí cần gắn kết chặt chẽ với các nội dung chỉ đạo, định hướng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP (ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTP ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành. Trong đó, Tạp chí cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tại Quyết định số 1234/QĐ-BTP ngày 29/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay[1] để tập trung xây dựng các số chuyên đề, bài viết có hàm lượng khoa học pháp lý chuyên sâu, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thi hành pháp luật và công tác tư pháp; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, chủ động theo dõi và phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng Kế hoạch thực hiện các số chuyên đề, bài viết để thực hiện truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Phấn đấu đưa Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp cho độc giả thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, toàn diện, đầy đủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, Tạp chí cần chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp, đề xuất với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế, các tổ chức bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động thực tiễn để tăng cường truyền thông về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt cần lưu ý xây dựng kế hoạch phát hành các số chuyên đề về Chuyển đổi số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030[2]; tổ chức các tọa đàm, hội thảo làm sâu sắc những vấn đề về lý luận, khoa học và thực tiễn về lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp và xã hội quan tâm để biên soạn thành các số Tạp chí mang tính thời sự, chứa đựng hàm lượng khoa học cao, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Thứ tư, chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, đề xuất kiện toàn công tác cán bộ của Tạp chí theo quy định; tiếp tục bổ sung viên chức, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng biên tập viên, viên chức trẻ, hình thành nguồn nhân lực tinh thông nghề báo, giỏi về nghiệp vụ pháp luật, tâm huyết đáp ứng yêu cầu phát triển của Tạp chí trong thời gian tới.
Thứ năm, Kế hoạch công tác năm 2024 của Tạp chí cần bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi và chủ động triển khai Kế hoạch công tác theo tiến độ phù hợp. Cần xác định trách nhiệm của Tạp chí trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách và vai trò là cầu nối giữa các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ với người dân, doanh nghiệp và xã hội; là kênh quan trọng, địa chỉ tin cậy để cập nhật đầy đủ thông tin về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và trong lĩnh vực của Bộ Tư pháp quản lý nói riêng.
Hy vọng rằng, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, tập thể Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao năm 2024, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Bộ, ngành Tư pháp và của đất nước trong tình hình mới.
TS. Nguyễn Thanh Tịnh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp
[1]. Ban hành kèm theo Quyết định số 1781/QĐ-BTP ngày 30/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[2]. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)