Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với công tác hòa giải tại khoản 1 Điều 30, cụ thể: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, các nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế, việc phát huy vai trò của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế đất nước, song bên cạnh đó vẫn còn những mặt trái tác động tiêu cực đến phát triển văn hóa, xã hội, đạo đức. Do đó, rất dễ xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp từ những bức xúc trong cuộc sống đòi hỏi phải được giải quyết bằng các phương thức thích hợp. Thực tế chứng minh rằng, để góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp đó, hòa giải ở cơ sở đã trở thành một phương thức được ưu tiên và mang tính nhân văn sâu sắc. Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam mang truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng. Hòa giải ở cơ sở đã phát huy mạnh mẽ tính xã hội tự nguyện, tự quản nhằm điều chỉnh quan hệ, hành vi khiến cho công tác hòa giải trong dân cư có tác dụng ngày càng thiết thực, góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.
Bài viết “Phát huy vài trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế” của tác giả Phạm Thị Ái Nhi đã đi sâu vào những nội dung chính như sau: (i) Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với công tác hòa giải ở cơ sở; (ii) Đánh giá một số kết quả đạt được; (iii) Một số tồn tại, hạn chế.
Bài viết được đăng trên ấn phẩm 200 trang “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.