Tham gia trao đổi, thảo luận tại phiên họp có 11 ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó có 08 đại biểu trong ngành y tế. Đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao nội dung Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đưa ra một số góp ý hoàn thiện các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cụ thể như sau:
Cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số quy định tại Dự thảo Luật
Quan tâm tới khoản 4 Điều 1 Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7, đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chưa sửa đổi toàn diện được Luật Dược tại thời điểm hiện nay, nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Những nội dung cụ thể sửa đổi tại Điều này mang tính nguyên tắc, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, việc cung ứng thuốc, cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính...; song cũng bao gồm cả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm cụ thể. Để bảo đảm tính khả thi, Dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 14 Điều 7. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu nhận thấy, những nội dung chính sách mang tính nguyên tắc, định hướng hoặc các chính sách đã được thể hiện tại các điều luật khác không nhất thiết phải giao quy định chi tiết. Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp, còn nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn tới khó đảm bảo tính khả thi, hiệu lực của luật. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nữa các chính sách ngay trong Dự thảo Luật. Đối với những chính sách do Chính phủ quy định chi tiết, cần được thể hiện đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ để bảo đảm thực thi ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
Trao đổi thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhận thấy, một trong những vấn đề nổi lên là Dự thảo Luật đang luật hóa rất nhiều quy định, đặc biệt là quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát toàn bộ Dự thảo Luật; đồng thời, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8. Cụ thể, những vấn đề mà thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ quy định, không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và của các Bộ. Đại biểu cho rằng, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thẩm quyền của các bộ, ngành cần đưa ra khỏi Dự thảo Luật.
Cần có chính sách ưu đãi hợp lý để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghệ dược trong nước
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Điều 8 Dự thảo Luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược hiện nay đang xây dựng 02 phương án. Đối với phương án một quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 03 năm đầu là 1.000 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược, như phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm... là những lĩnh vực hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 03 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, Dự thảo Luật cần phải xem xét lại nội dung này. Đối với phương án hai, phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi, nên đại biểu cho rằng cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để đảm bảo phù hợp.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lựa chọn phương án một, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược, có quy mô đầu tư từ 1000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước trong Dự thảo Luật tương tự như Luật Dược năm 2016, nhưng chưa rõ ràng về việc áp dụng cho các doanh nghiệp cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem lại việc ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đặc biệt trong quá trình đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện.
Ngoài ra, các đại biểu còn đưa ra một số nội dung đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu như: cần cân nhắc và làm rõ tiêu chuẩn cụ thể để xác định dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc tại điểm a khoản 1 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 5 quy định về dược liệu; cần làm rõ định nghĩa về “sinh phẩm chẩn đoán in vitro” để tránh việc áp dụng sai ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán; xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, Điều 53a như sau: “a) Bán, giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nếu các hoạt động giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này; b) Nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải do chính cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất, nếu dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng”; đề xuất quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc; đề nghị xem xét bổ sung khái niệm “thuốc không kê đơn” trong Luật Dược theo hướng quy định là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng không cần đơn thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm về một số nội dung liên quan đến nguồn cung ứng thuốc; các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược; nội dung kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử; cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc... Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là đạo luật rất quan trọng, đã được Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã nhận được sự đồng thuận rất cao. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Kỳ họp này để bảo đảm tính tương thích./.
Thùy Dung
Ảnh: Internet