1. Thực trạng và kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án
Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-BTP ngày 10/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Đề án “Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020” (Đề án), Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân ban hành Kế hoạch số 333/KH-UBND ngày 25/3/2014 về thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đề án đã xác định lộ trình phát triển đội ngũ đấu giá viên đến năm 2015, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 và các nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. Đồng thời, để triển khai đồng bộ Đề án với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP), Luật Đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với công tác đấu giá tài sản, trong đó có công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ đấu giá viên và các giải pháp để phát triển đội ngũ đấu giá viên như: Công văn số 731/UBND-NC ngày 18/5/2018 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Công văn số 899/UBND-NC ngày 27/5/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và các tổ chức đấu giá tài sản trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên, tạo điều kiện cho tổ chức đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề.
Về phát triển đội ngũ đấu giá viên: Tính đến tháng 4/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 16 đấu giá viên đang hoạt động hành nghề, trong đó có 09 đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, chiếm tỷ lệ 56%; 07 đấu giá viên làm việc tại các doanh nghiệp đấu giá tài sản, chiếm tỷ lệ 44%. Có 11 đấu giá viên dưới 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 69%; 05 đấu giá viên từ 40 đến 55 tuổi, chiếm tỷ lệ 31%. Theo nội dung Đề án thì giai đoạn 2013 - 2015: “Phát triển hợp lý đội ngũ đấu giá viên, riêng Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản phấn đấu đến năm 2015 trên mỗi địa bàn cấp huyện có 01 đấu giá viên phụ trách”; giai đoạn 2016 - 2020: “Tiếp tục phát triển đội ngũ đấu giá viên, mỗi năm có từ 01 đến 02 đấu giá viên”. Như vậy, theo Đề án thì đến nay, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã bảo đảm chỉ tiêu về số lượng đấu giá viên để phụ trách tất cả các địa bàn cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, sau khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành thì chưa phát triển thêm được đấu giá viên nào, chỉ có 05 đấu giá viên từ tỉnh khác chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đội ngũ đấu giá viên đều có trình độ từ đại học trở lên: 05 đấu giá viên có trình độ cử nhân luật (chiếm tỷ lệ 31%), 06 đấu giá viên có trình độ cử nhân kinh tế (chiếm tỷ lệ 38%), 05 đấu giá viên vừa có trình độ cử nhân luật và vừa có trình độ cử nhân kinh tế (chiếm tỷ lệ 31%), trong đó có 05 đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản có trình độ thạc sỹ. Về cơ bản, các đấu giá viên đều bảo đảm trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong công tác đấu giá tài sản. Đến nay, chưa có đấu giá viên nào vi phạm pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề đấu giá.
Về phát triển tổ chức đấu giá tài sản: Trên địa bàn tỉnh có 05 tổ chức đấu giá tài sản (gồm 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, 03 công ty hợp danh và 01 doanh nghiệp tư nhân), trong đó có 01 doanh nghiệp đấu giá tài sản đang thực hiện thủ tục giải thể; có 05 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đấu giá tài sản có trụ sở tại các tỉnh, thành phố khác; có 04/05 tổ chức đấu giá tài sản và 05 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đấu giá tài sản có trụ sở tại thành phố Đồng Hới, 01 tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở tại thị xã Ba Đồn.
Về hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương: Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/6/2020, đấu giá viên của các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 7.200 cuộc đấu giá tài sản thành, tổng giá trị bán được là 5.314.726.047.288 đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 935.981.461.754 đồng.
Về công tác quản lý nhà nước về đội ngũ đấu giá viên và hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương: Bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đội ngũ đấu giá viên nói riêng tại địa phương. Thông qua các hội nghị phổ biến, quán triệt, Sở Tư pháp đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quyết định số 1076/QĐ-BTP ngày 10/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và các sở, ban, ngành có liên quan; các chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp trong đó có đội ngũ đấu giá viên tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, Sở còn thông qua chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Đài Truyền hình Quảng Bình, Bản tin Tư pháp Quảng Bình, Website Sở Tư pháp Quảng Bình; biên soạn, in ấn đề cương, tài liệu pháp luật liên quan về đấu giá tài sản; xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật; thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật... Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để lựa chọn, áp dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp. Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Đề án và 01 năm triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn theo thẩm quyền một số nội dung liên quan đến việc triển khai Luật, tiến hành tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai hoạt động đấu giá theo Luật báo cáo Bộ Tư pháp. Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tỉnh (trong đó có tổ chức đấu giá tài sản). Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức đấu giá tài sản. Từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành 02 cuộc kiểm tra với 02 tổ chức đấu giá tài sản, 03 cuộc thanh tra với 03 tổ chức đấu giá tài sản. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Tư pháp đã nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật, những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ và kiến nghị đề xuất Bộ Tư pháp và các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thi hành Luật, Đề án và các văn bản có liên quan. Nhằm cập nhật kiến thức pháp luật và giúp các tổ chức đấu giá tài sản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động, hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các chức danh bổ trợ tư pháp trong đó có đội ngũ đấu giá viên làm việc tại các tổ chức đấu giá tài sản; đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo nghề đấu giá tài sản để phát triển đội ngũ đấu giá viên theo Đề án.
2. Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai và thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên: Điều 20 Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên, tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về nguyên tắc tham gia bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm… Theo báo cáo của các tổ chức đấu giá tài sản thì các tổ chức đấu giá tài sản đang vướng mắc và chưa thực hiện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ đấu giá viên trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ hai, về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản: Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, đối với các viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thì việc bố trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, phân hạng viên chức căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo đó, hiện nay, nhiều ngành, lĩnh vực đã ban hành thông tư quy định chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên, trong lĩnh vực đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp chưa ban hành thông tư quy định chức danh nghề nghiệp đối với đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
Thứ ba, về phạm vi hành nghề của đấu giá viên: Điểm a khoản 1 Điều 19 Luật Đấu giá tài sản quy định, đấu giá viên có quyền hành nghề trên phạm vi toàn quốc; mặt khác, Luật Đấu giá tài sản cũng quy định, Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đấu giá đăng ký hoạt động thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản nên khi doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá tài sản trong đó có tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh khác thì Sở Tư pháp trên địa bàn có tài sản đấu giá khó theo dõi để tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc bán tài sản của Nhà nước, trong đó có quyền sử dụng đất trên địa bàn, điều này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên này. Mặt khác, việc các tổ chức đấu giá không thành lập, đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng cũng có thể thực hiện đấu giá tài sản tại tỉnh Quảng Bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách phát triển đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, về việc thu hồi thẻ đấu giá viên: Điều 5 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản quy định, trong trường hợp Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, Sở Tư pháp nơi đã cấp thẻ đấu giá viên quyết định thu hồi thẻ đấu giá viên. Trong trường hợp đấu giá viên không còn hành nghề trong tổ chức đấu giá tài sản thì hiện nay, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định thuộc trường hợp Sở Tư pháp xóa đăng ký và thu hồi thẻ; đồng thời cũng không quy định tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm thông báo với Sở Tư pháp về việc không còn hành nghề tại tổ chức mình, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước không thể quản lý hoạt động hành nghề của đấu giá viên và số lượng đấu giá viên đang hoạt động hành nghề trên địa bàn; đấu giá viên khi không còn hoạt động hành nghề tại một tổ chức đấu giá có thể lợi dụng việc không thu hồi thẻ đấu giá viên để sử dụng thẻ vào các mục đích trái quy định.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc nêu trên:
- Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình còn hạn chế; các quan hệ dân sự, nhất là các giao dịch mua bán tài sản thông qua hình thức đấu giá chưa nhiều, số lượng bán đấu giá ở tỉnh Quảng Bình không nhiều, chủ yếu là tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá… Mặt khác, Luật Đấu giá tài sản không giới hạn phạm vi hành nghề của đấu giá viên của tổ chức đấu giá tài sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với một số tài sản như bất động sản; tổ chức hành nghề đấu giá được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện để hoạt động; đấu giá viên của tổ chức đấu giá tài sản được hành nghề đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, các tổ chức đấu giá không thành lập, đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng cũng có thể thực hiện đấu giá tài sản tại tỉnh Quảng Bình nên không thu hút được việc phát triển đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản tại tỉnh Quảng Bình nói chung và các huyện nói riêng. Đây cũng là một trong những quy định làm hạn chế việc triển khai thực hiện Đề án.
- Các chỉ tiêu phát triển đội ngũ đấu giá viên theo Đề án căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, theo Luật Đấu giá tài sản thì tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá được thắt chặt, do đó, sau khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành thì tỉnh Quảng Bình chưa phát triển thêm đấu giá viên nào. Trong khi việc phát triển các doanh nghiệp đấu giá tài sản thực sự mạnh mẽ sau khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, theo đó, Luật Đấu giá tài sản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản, tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của doanh nghiệp đấu giá tài sản, dẫn đến việc phát triển đội ngũ đấu giá viên theo Đề án và việc phát triển tổ chức đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản chưa thống nhất. Vì vậy, sau khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, tỉnh Quảng Bình phát triển thêm 04 doanh nghiệp đấu giá tài sản nhưng đấu giá viên của 04 doanh nghiệp được thành lập mới lại được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
- Một số quy định của Luật Đấu giá tài sản còn vướng mắc, bất cập nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên.
3. Giải pháp và kiến nghị, đề xuất
Để tiếp tục tạo điều kiện cho việc phát triển nghề đấu giá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất cụ thể như sau:
- Tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan với nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về hoạt động đấu giá tài sản, vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động đấu giá tài sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá; đồng thời, tạo điều kiện để đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
- Rà soát nguồn nhân lực có nhu cầu đào tạo nghề đấu giá để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn đấu giá viên, ưu tiên phát triển đội ngũ đấu giá viên chuyên sâu trong từng loại tài sản, có chất lượng bảo đảm nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện cho những người đã qua đào tạo nghề đấu giá trong việc tập sự hành nghề đấu giá. Tăng cường các hình thức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên hiện đang hành nghề.
- Tăng cường các hình thức đối thoại với tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính về đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cơ quan nhà nước, thủ tục đấu giá tài sản thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại của doanh nghiệp nói chung và tổ chức đấu giá tài sản nói riêng.
- Lồng ghép việc triển khai các giải pháp phát triển tổ chức đấu giá tài sản với việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản; hướng dẫn, định hướng các đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đấu giá tài sản và văn bản hướng dẫn thi hành để tạo môi trường cho các tổ chức đấu giá tài sản và đấu giá viên trên địa bàn tỉnh hoạt động lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp:
+ Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Đề án, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
+ Tiếp tục thể chế hóa chính sách xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản, hoàn thiện thể chế theo hướng cần có ít nhất 01 đơn vị sự nghiệp làm nòng cốt trong mỗi lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, nhất là lĩnh vực đấu giá tài sản. Đồng thời, nên quy định theo hướng, mỗi doanh nghiệp đấu giá phải có ít nhất hai đấu giá viên trở lên; giám đốc/tổng giám đốc doanh nghiệp đấu giá phải là đấu giá viên và phải hành nghề với tư cách đấu giá viên ít nhất hai năm trở lên.
+ Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về đấu giá tài sản. Cụ thể, bổ sung quy định các trường hợp thu hồi thẻ đấu giá viên, trong đó có trường hợp đấu giá viên không còn hành nghề trong tổ chức đấu giá tài sản; quy định về thẩm quyền địa hạt đối với đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu nhà nước; quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Sở Tư pháp Quảng Bình