Trước thực tế đó, đa số các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của ngành, cấp mình trong tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý, vì vậy việc tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kịp thời phổ biến hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức phù hợp đến từng nhóm đối tượng trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thấy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là ở cấp cơ sở. Các hoạt động phối hợp trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được chủ động. Cơ quan thường trực của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp chưa thực sự phát huy được toàn diện vai trò của mình. Đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cán bộ người dân tộc có khả năng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này, nhất là ở địa phương, cơ sở, địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn.
Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về mục tiêu, nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đầy đủ. Trách nhiệm của một số ngành, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao, vẫn còn tư tưởng coi công tác này là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới chú trọng vào chiều rộng, quan tâm đến số lượng, chưa coi trọng chất lượng, chiều sâu. Công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đối với lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được chú trọng đúng mức. Công tác sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được chú trọng, tổ chức kịp thời. Kinh phí chi đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác này gắn với tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn có vấn đề nổi cộm trong chấp hành pháp luật, với nội dung và hình thức phù hợp, tạo được bước chuyển về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Gắn kết chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, thực hiện quản lý, sử dụng, điều phối hiệu quả đội ngũ này. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực Hội đồng.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Ưu tiên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin cơ sở, đối thoại chính sách pháp luật và trong hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tập huấn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và việc thực hiện nghĩa vụ học tập, tìm hiểu pháp luật bắt buộc trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức. Biên soạn, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu phổ biến pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến bám sát nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin về pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần thep quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
Có thể thấy rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục được tăng cường và đề cao. Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, ngoài các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, các cấp, các ngành cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này ở địa phương, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, theo đó cần “đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật”; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cũng như quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ những người thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm ổn định tình hình chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên