Gần 2 nhiệm kỳ trên cương vị Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long để lại nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp.
Trong đó trước tiên phải kể đến là công tác xây dựng pháp luật – một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn phát triển mới, yêu cầu tạo chuyển biến, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, do đó, hàng loạt vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng hoàn thiện thể chế đã được người đứng đầu ngành Tư pháp chỉ đạo quyết liệt.
Xác định rõ thứ tự ưu tiên, những khâu đột phá để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn nhất quán với phương châm hành động thực chất, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thể chế. Đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện; kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; chất lượng hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng cao; quy trình xây dựng VBQPPL tiếp tục được đổi mới;
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội về rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV, được Quốc hội và cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Kết quả trong công tác xây dựng thể chế đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Công tác xây dựng thể chế nói chung của Bộ, ngành Tư pháp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao.
Một lĩnh vực khác của ngành Tư pháp rất khó khăn, phức tạp cũng được Bộ trưởng Lê Thành Long ưu tiên nguồn lực thực hiện nhằm “góp phần khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đó là công tác Thi hành án dân sự. Nhiều năm qua công tác này luôn được quan tâm từ xây dựng thể chế, chính sách, kiện toàn bộ máy đến chú trọng cơ chế phối hợp liên ngành. ..
Đặc biệt thời gian gần đây, có rất nhiều các vụ án lớn được đưa ra xét xử đã làm gia tăng khối lượng lớn công việc cho công tác THADS. Chú trọng các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục và toàn hệ thống cơ quan THADS, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan từ đầu nhiệm kỳ, thi hành án đã thi hành 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, phần việc được coi là khó khăn nhất cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều lĩnh vực khác của Bộ, ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính tiếp tục đạt được nhiều kết quả; công tác PBGDPL tiếp tục được đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến, nhất là phát huy vai trò của các Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, PBGDPL thông qua các nền tảng mạng xã hội góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh, hiệu quả, tiết kiệm...;
Việc triển khai các nhiệm vụ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc xây dựng, triển khai Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử;
Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản tiếp tục được đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác phối hợp TGPL đạt được nhiều kết quả nổi bật, lần đầu tiên thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự và tại Toà án trên toàn quốc, TGPL thực hiện trong cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, có trợ giúp viên pháp lý hạng 1;
Tổ chức bộ máy, biên chế được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống tư pháp đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần đào tạo các chức danh tư pháp và nguồn nhân lực có kiến thức pháp luật cho xã hội; đồng thời, cung cấp nguồn lực đảm bảo chất lượng cho công tác cải cách tư pháp, pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành Tư pháp;
Công tác pháp luật quốc tế ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng đảm bảo yêu cầu pháp lý trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật ngày càng được mở rộng với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật và cải cách tư pháp và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Gần hai nhiệm kỳ, nhìn vào vị thế, vai trò và uy tín của Bộ, ngành Tư pháp hôm nay, khó có thể kể hết những dấu ấn, sự định hướng, chỉ đạo và cả truyền năng lượng tích cực của người “thuyền trưởng” ngành Tư pháp. Các cán bộ, công chức viên chức, người lao động ngành Tư pháp ghi nhận, vinh dự và tự hào về người Bộ trưởng của mình khi ông vừa được bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, để qua đó làm động lực tiếp tục cống hiến, xây dựng ngành Tư pháp ngày càng phát triển.