Abstract: The article identifies crimes and illegal acts in the field of digital content, and at the same time, proposes solutions to improve the law, improve the effectiveness of preventing and combating these types of crimes and behaviors in order to create a civilized and healthy network environment for agencies, organizations and individuals.
1. Thực trạng tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nội dung số
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đã kéo theo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hậu quả, thiệt hại gây ra có xu hướng nghiêm trọng hơn trước đây. Qua nghiên cứu về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam, có thể thấy rằng, một trong những phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam là phương thức, thủ đoạn của tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nội dung số. Bản chất các hành vi này là hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (gọi chung là thông tin trên mạng) được quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); những hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử diễn ra phổ biến, có chiều hướng gia tăng trên không gian mạng. Hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Có thể nhận định các hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng bao gồm:
Thứ nhất, đưa lên mạng những thông tin sai lệch, bóp méo về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm gây hoang mang dư luận, gây tâm lý bất ổn cho người dân hoặc với động cơ, mục đích khác, kéo theo những hệ lụy khó lường về tình hình an ninh, trật tự của đất nước cũng như ở địa phương, cơ sở. Điển hình như vụ việc đã được một số báo chí phản ánh là, trước khi kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 6/2018, đã có những đối tượng đưa thông tin trên mạng xã hội với nội dung phản bác, bóp méo, làm sai lệch thông tin của Luật An ninh mạng nhằm phản đối dự luật này được thông qua với nhiều động cơ, mục đích khác nhau như chống chính quyền nhân dân, “câu view”, “câu like”, cho rằng Nhà nước xâm phạm quyền tự do internet...
Thứ hai, đưa lên mạng những thông tin gây hoang mang dư luận, gây bất ổn trong đời sống nhân dân. Điều này được thể hiện ở việc đối tượng đưa lên mạng những thông tin gây sốc nhưng hoàn toàn bịa đặt, phóng đại với những nội dung “muôn hình vạn trạng” để kích thích sự hiếu kỳ của người dùng mạng như: Đưa thông tin là, trên địa bàn xuất hiện đối tượng bắt cóc trẻ em, rồi chú thích bằng hình ảnh giả mạo; những vụ việc gây rối, bạo loạn ở nước ngoài nhưng được biên tập, cắt ghép để giả mạo là ở trong nước; đưa nhiều tin bịa đặt về dịch bệnh Covid-19 trên các trang mạng xã hội đến mức độ làm nhiễu loạn thông tin… Do những thông tin này được “thổi phồng”, lan truyền trên mạng xã hội với hàng triệu người tham gia trong các nhóm, diễn đàn, tốc độ chia sẻ “chóng mặt” nên sự việc không còn là bình thường mà bị đẩy lên mức nghiêm trọng khiến người dân bất an khi chưa thể xác thực được sự đúng sai của thông tin.
Thứ ba, đưa lên mạng những nội dung thù địch, gây mất đoàn kết dân tộc, tôn giáo, vùng miền. Đối tượng sử dụng mạng máy tính, các phương tiện điện tử để cung cấp, phát tán các thông tin dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, các ứng dụng trực tuyến có nội dung tuyên truyền, cổ xúy dân tộc này, bài xích dân tộc khác; xúc phạm đức tin và giáo lý của các tôn giáo; kích động bạo lực; phân biệt vùng miền do khác biệt về đời sống văn hóa, tinh thần… Những nội dung này thường được chú thích bởi những hình ảnh, clip đã được biên tập, chỉnh sửa hoặc bóp méo nhằm định hướng dư luận theo chiều tiêu cực.
Thứ tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác qua mạng, thể hiện ở việc đối tượng đưa lên, làm lan truyền rộng rãi trên mạng những thông tin có thể đúng hoặc sai về cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích hủy hoại danh tiếng của họ. Vì những hiềm khích cá nhân, cạnh tranh trong kinh doanh, “câu view”, “câu like”… mà đưa những thông tin thuộc bí mật đời tư của người khác lên mạng nhằm làm mất uy tín của họ; hoặc đưa thông tin sai lệch về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm phá hoại hoạt động kinh doanh, cưỡng đoạt tài sản, tống tiền như: Phao tin doanh nghiệp bị cơ quan điều tra khám xét, chủ doanh nghiệp bị tai nạn, bị chết; các sản phẩm của doanh nghiệp bị lỗi hoặc trong sản phẩm có chất độc hại, côn trùng…
Thứ năm, đe dọa, quấy rối người khác qua mạng: Là hành vi hăm dọa, quấy rối, kiểm soát, gây sợ hãi cho nạn nhân bằng các công cụ giao tiếp qua mạng, như gửi liên tiếp các tin nhắn SMS, tin nhắn trên mạng xã hội, thư điện tử hoặc liên tục gọi điện… với những mức độ khác nhau, nhẹ là gây phiền toái cho nạn nhân, nghiêm trọng hơn là những nội dung đe dọa có thể dẫn đến nạn nhân phải tự tử.
Thứ sáu, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Trong đó, thông tin riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn: Các thông tin về bộ máy tổ chức, nhân sự, tình hình hoạt động,... của các cơ quan, tổ chức; hình ảnh độc quyền của nghệ sỹ, cầu thủ, người nổi tiếng; thông tin riêng của công dân…
Thứ bảy, lạm dụng tình dục qua mạng: Là hành vi sử dụng công cụ giao tiếp qua mạng để dụ dỗ, kích thích nạn nhân bộc lộ những hình ảnh có tính chất gợi dục sau đó sử dụng chính những hình ảnh đó khống chế nạn nhân hoặc phát tán, khai thác vào những mục đích xấu, vi phạm pháp luật.
Thứ tám, cung cấp trái phép trò chơi trực tuyến: Là hành vi cung cấp các trò chơi trực tuyến có nhiều người chơi tham gia, các trò chơi nhập vai trên internet có nội dung kích động bạo lực, phân biệt, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, vùng miền, đồi trụy, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm… của người khác.
Thứ chín, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên mạng: Là hành vi đưa lên các trang mạng các tác phẩm nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc, phim… đã được bảo hộ mà không được phép; tự ý sửa chữa, cắt ghép các tác phẩm khi đưa lên mạng; cung cấp trên các trang mạng các phần mềm bẻ khóa, hướng dẫn cách bẻ khóa các phần mềm, các trò chơi đã đăng ký bản quyền…
Mặc dù phương thức, thủ đoạn của tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nội dung số không quá phức tạp như các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn bảo mật thông tin, tuy nhiên, có thể chia phương thức, thủ đoạn của hành vi vi phạm theo các mức độ sau đây:
- Phương thức thực hiện đơn giản: Trường hợp này, các đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng những chương trình, phần mềm được cài đặt sẵn trên phương tiện điện tử, các dịch vụ trực tuyến sẵn có, các kỹ năng sử dụng mạng máy tính ở dạng đơn giản để thực hiện việc đưa, cung cấp, phát tán các nội dung vi phạm. Cụ thể là: Gọi điện thoại, gửi tin nhắn SMS, gửi tin nhắn qua các phần mềm nhắn tin tức thời (OTT), các trang mạng xã hội, thư điện tử…; lợi dụng việc tạo ra các chủ đề hoặc đưa ra các bình luận trên các trang mạng xã hội (Fanpage, Group)1.
- Phương thức thực hiện phức tạp: Là thủ đoạn các đối tượng sử dụng công nghệ cao để đưa các nội dung vi phạm lên mạng nhưng cần các kỹ năng ở một mức độ cao hơn. Cụ thể, có thể gồm: Sử dụng các trang mạng cho phép tải lên (upload) hoặc tải xuống (download) các tệp dữ liệu một cách rộng rãi2; tự thiết kế các trang mạng, mua tên miền, thuê máy chủ ở nước ngoài, các trang blog với máy chủ ở nước ngoài để đưa lên nội dung vi phạm3.
- Phương thức thực hiện rất phức tạp: Là trường hợp đối tượng sử dụng kỹ năng công nghệ thông tin ở trình độ cao để phát tán, cung cấp, chia sẻ những thông tin có nội dung vi phạm. Các thủ đoạn cụ thể gồm: Xâm nhập trái phép vào hệ thống cơ sở dữ liệu của các trang mạng để đăng tin bài, hình ảnh, phim,… có nội dung vi phạm; sử dụng mạng máy tính “ma” (botnet) gửi hàng loạt (spam) thư điện tử, tin nhắn qua các tài khoản mạng xã hội, phần mềm nhắn tin OTT; tự thiết kế, chỉnh sửa phần mềm, thiết kế website để đưa tin, cung cấp hình ảnh, phim, trò chơi… có nội dung vi phạm trên Darknet; xây dựng các mạng ngang hàng p2p (peer to peer) không thông qua máy chủ trung tâm để chia sẻ, cung cấp, mua bán, trao đổi các nội dung vi phạm.
2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về nội dung số
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến nội dung số nhằm hạn chế những tác hại của những thông tin xấu, độc trên không gian mạng tiến tới tạo dựng một môi trường, không gian mạng trong sạch, lành mạnh, lực lượng Công an nhân dân cần thực hiện tốt các mặt công tác sau đây:
Một là, xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật kiểm soát nội dung các thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin riêng và quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Việc xây dựng các chính sách này cần phải lấy Luật An ninh mạng làm cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng. Các chính sách tập trung vào những yêu cầu sau:
- Về mặt kỹ thuật, cần thiết kế các bộ lọc dữ liệu quy chuẩn quốc gia cho phép chặn các nội dung vi phạm: Lọc những nội dung thù địch, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, nội dung khiêu dâm,…
- Về mặt con người, cần có bộ phận chuyên trách được đào tạo bài bản để quản lý, khai thác, vận hành các hệ thống lọc nội dung.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thông tin số để người dân biết và đề phòng và tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nội dung số. Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là có thể sử dụng ngay mạng xã hội làm công cụ tuyên truyền. Các trang mạng xã hội có uy tín, số lượng người tham gia đông cần yêu cầu bộ phận quản trị thiết kế các mục riêng về các văn bản quy phạm pháp luật, các đường dẫn đến các trang tin về văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động đưa hoặc sử dụng thông tin trên mạng để mỗi người sử dụng có thể tìm đọc, hiểu, phòng tránh những hành vi vi phạm và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến nội dung số.
Ba là, nâng cao hiệu quả các biện pháp công tác công an trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về nội dung số như: Chủ động, tích cực xây dựng các diễn đàn, các trang mạng xã hội để tạo lập các chủ đề mang tính định hướng tích cực, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc; tích cực tham gia vào các diễn đàn trên mạng xã hội để chủ động nắm bắt thông tin, xu hướng của tội phạm liên quan đến nội dung số để có biện pháp phòng, chống một cách phù hợp; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, các tổ chức về an ninh, an toàn thông tin (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, BKAV, VNCERT, Viettel, VNPT, FPT,…) trong trao đổi thông tin, nắm tình hình về tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nội dung số; phối hợp trong xây dựng các giải pháp để tham mưu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về nội dung số; phối hợp trong điều tra, khám phá các vụ án đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ngăn chặn các nội dung vi phạm trên không gian mạng. Tăng cường hợp tác quốc tế là một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ thông tin riêng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Trong đó, các nội dung phối hợp cần được xây dựng trên cơ sở Luật An ninh mạng, đặc biệt chú ý đến các dữ liệu cá nhân, thông tin người dùng tại Việt Nam. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ; các doanh nghiệp này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Học viện Cảnh sát nhân dân
1. Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 02/9/2021, chủ trang Facebook “Giang Kim Cúc và các cộng sự” phát trực tiếp với nội dung “bà ngoại rút ống thở của cháu nhiễm Covid-19”, thực tế, đây là tin giả, sai sự thật bởi cháu bé đã mất trước khi đến bệnh viện, sự việc đã tạo ra nhiều luồng thông tin trái chiều, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận (vụ việc đã được nhiều báo chí đưa tin).
2. Một số trang cho phép tải lên và lưu trữ dữ liệu như: Facebook, Youtube, TikTok, Google Drive, OneDrive, Drop Box…
3. Thông thường, các trang mạng này được đối tượng lập ra để mua bán, trao đổi, công khai hóa các thông tin riêng hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (thông tin về bộ máy tổ chức, hoạt động kinh doanh, thẻ tín dụng…). Khi các trang mạng bị cơ quan quản lý nhà nước chặn thì đối tượng nhanh chóng thay đổi tên miền.