Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả bàn luận những vấn đề về phòng, chống tra tấn trong tố tụng hình sự cần được hoàn hiện nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trên cơ sở đề cao quyền con người, quyền tự do của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Abstract: In this article, the author discusses the issues of preventing and combating torture in criminal proceedings that need to be completed in order to ensure coherence and consistency on the basis of upholding human rights, the freedom of people enshrined in the Constitution.
1. Dẫn nhập
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014). Kế thừa và tiếp tục phát huy những tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người một cách mạnh mẽ, rõ ràng và hiện đại nhất với nhiều quy định tiến bộ. “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong bản Hiến pháp năm 2013 (Chương II). Đó là kế thừa Hiến pháp năm 1946 do chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Soạn thảo; vừa thể hiện nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”[1]. Theo đó, “Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[2]; “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”[3]; “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật[4]”; “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”[5].
Ngày 28/11/2014, Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, 1984[6] (Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn năm 1984). Đây là một trong những Điều ước Quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người, thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình, mong muốn sớm loại bỏ các hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo vệ nhân quyền, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Qua đó, góp phần triển khai, thi hành có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, đây là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Xuất phát từ mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người có hành vi phạm tội trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Vấn đề phòng ngừa tra tấn trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một nội dung quan trọng góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, không làm oan người vô tội. Đồng thời củng cố niềm tinh của nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
2. Quy định về tra tấn theo pháp luật quốc tế
Sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn năm 1984 thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo vệ nhân quyền; thực hiện nhất quán chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam góp phần triển khai, thi hành có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Theo quy định tại Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn thì: “Tra tấn có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp”[7]. Như vậy, có 03 yếu tố quan trọng cấu thành hành vi “tra tấn” và giúp phân biệt so với hành vi khác không phải tra tấn đó là: “Gây đau đớn về thể chất hoặc tinh thần nghiêm trọng; có sự đồng ý hay chấp thuận của một quan chức Nhà nước hay một người khác có quyền lực như một quan chức; vì một mục đích cụ thể, thu thập thông tin, hình phạt hoặc đe dọa”[8]. Tra tấn thường được nói đến các hình thức ngược đãi, được sử dụng như một sự trừng phạt, đe dọa nhằm kiểm soát người khác để có thể có được thông tin hay chỉ để thỏa mãn các xung đột tàn bạo[9] có những hành vi nhất định được hiển nhiên xác định là tra tấn thể chất như: Sốc điện vào bộ phận sinh dục hoặc kéo móng tay ra khỏi bàn tay, dùng các hung khí hoặc tay không tác động vào cơ thể của nạn nhân[10], nhấn nước hoặc gây nghẹt thở, treo người trong một thời gian dài,...[11]. Tuy nhiên, tra tấn không chỉ bằng các hình thức gây tổn thương về thể chất nêu trên mà có thể được thực hiện bằng hình thức tinh thần. Tra tấn tinh thần, Công ước không quy định cụ thể mà để mở cho các quốc gia thành viên. Có thể kể đến một số hình thức như: Biệt giam nạn nhân trong phòng kín, không có ánh sáng; không tiếp xúc trong một thời gian dài; cho nạn nhân chứng kiến cảnh người thân bị hành hạ; cho nạn nhân chịu đựng những âm thanh khó chịu khiến nạn nhân bị ám ảnh hay ức chế,…[12] các hành vi gây ra trạng thái quá mức chịu đựng của một con người, uy hiếp tinh thần dẫn đến nạn nhân sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng thông qua các mối đe dọa đối với gia đình hoặc những người thân yêu[13].
3. Quy định về phòng, chống tra tấn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thực trạng thi hành
Khi tham gia Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm, 1984, đã đặt ra một yêu cầu đối với các nước thành viên là “phải thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm phòng ngừa mọi hành vi tra tấn”[14]. Đồng thời, phải ghi nhận nội dung Điều 1 của Công ước về khái niệm tra tấn vào hệ thống pháp luật quốc gia. Với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền và là nước đã phê chuẩn Công ước cũng như gia nhập nhiều điều ước quốc tế về quyền con người[15]. Đồng thời, để tổ chức triển khai thực hiện Công ước trên phạm vi quốc gia ngày 17/03/2015, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn năm 1984 trong đó nêu rõ: “Nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng Hình sự để bảo đảm tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam”[16]. Căn cứ vào kế hoạch này các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện như: Tổ chức tập huấn nội dung công ước chống tra tấn cho cán bộ, công chức; tuyên truyền công ước chống tra tấn rộng rãi ra ngoài quần chúng nhân dân, có các kế hoạch nghiên cứu lĩnh vực pháp lý để phòng ngừa tra tấn trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tố tụng hình sự.
Thực tế, Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ mà cụ thể là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện nay đã được các nhà lập pháp nghiên cứu nội luật hóa những quan điểm tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người được thể hiện trong các văn kiện quốc tế cũng như quy định của Công ước chống tra tấn năm 1984 vào trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để phòng ngừa tra tấn như: Nguyên tắt bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể; nguyên tắc bảo hộ, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản cá nhân, pháp nhân[17]; quy định “ghi âm, ghi hình có âm thanh”[18]; những việc cần phải làm ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị bắt; thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp; các quyền của người bị buộc tội và một số chế định khác nhằm hỗ trợ cho người bị buộc tội có khả năng phòng ngừa hành vi dùng nhục hình từ những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng... Do đó, khi chính thức phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 đã có những quy định thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên.
Thời gian qua, mặc dù tình hình tội phạm vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng số vụ, số người phạm tội[19]. Nhưng cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, từng bước chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Đồng thời, đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp tích cực để quán triệt và thực hiện nhiệm vụ chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước để phòng ngừa tra tấn trong tố tụng hình sự nhất là đối với lấy lời khai, hỏi cung bị can. Bởi vì, đây là hoạt động có khả năng xảy ra tra tấn (dùng nhục hình cao nhất). Theo Báo cáo Quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn năm 1984 gửi Ủy ban Chống tra tấn từ năm 2010 đến năm 2015, Tòa án nhân dân chưa thụ lý vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội dùng nhục hình (theo điều 373 Bộ luật Hình sự). Đồng thời, theo Báo cáo của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2016 đến năm 2020, Tòa án đã thụ lý, xét xử 10 vụ/25 bị cáo[20]. Có thể thấy rằng, với số lượng vụ án hình sự mỗi năm xảy ra là rất lớn và trước yêu cầu phải điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì đâu đó vẫn còn tồn tại những vụ án dùng nhục hình nhưng chiếm tỉ lệ rất ít[21]. Đồng thời, tác giả đã tiến hành điều tra xã hội học tại một số trại giam của Bộ Công an cho thấy, hiện nay, lực lượng điều tra viên nói chung đã tuân thủ các quy định tố tụng hình sự để bảo đảm quyền con người, phòng ngừa tra tấn trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can như: được phổ biến về quyền và nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng, hỏi thăm tình trạng sức khỏe khi tiến hành làm việc; lấy lời khai, hỏi cung bị can thường được tiến hành phần lớn vào các khung giờ 07 - 11 giờ; 13 - 17 giờ; thời gian tổ chức lấy lời khai, hỏi cung bị can thường trung bình từ 2 - 3 giờ/1 lần; có sự hiện diện của người bào chữa khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tổ chức hỏi cung bị can và được đặt câu hỏi khi điều tra viên đồng ý (khi người bị buộc tội có nhờ người bào chữa); cho phép người bị buộc tội được thực hiện quyền im lặng; có sự tham gia của Viện kiểm sát khi tiến hành hỏi cung bị can,… Có thể đánh giá rằng, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ này và đạt được những kết quả nhất định về phòng ngừa các hành vi tra tấn trong tố tụng hình sự khi cơ quan điều tra các cấp tiến hành lấy lời khai, hỏi cung bị can. Vấn đề này đã giúp cho Việt Nam hòa nhập với cộng đồng quốc tế phòng ngừa các hành vi tra tấn trong tố tụng hình sự và góp phần khám phá nhanh các vụ án và giảm tỉ lệ án vụ án oan sai có thể xảy ra.
4. Một số vấn đề đặt ra và kiến nghị hoàn thiện pháp luật phòng, chống tra tấn
4.1. Một số vấn đề đặt ra
Một là, xét về tổng thể, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiến hành hỏi cung bị can nhưng lại không có quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiến hành lấy lời khai đối với người bị tạm giữ, người bị bắt trong các trường hợp dẫn đến mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu: Có nơi tiến hành phổ biến quyền và nghĩa vụ khi lấy lời khai, nhưng cũng có nơi không hoặc không xác định trạng thái tinh thần của người được lấy lời khai (trong khi đó, đây là một nội dung quan trọng để những người tham gia tố tụng có thể tự phòng ngừa tra tấn khi đã nắm rõ các quy định của pháp luật). Đồng thời, hoạt động lấy lời khai cũng không bắt buộc phải ghi âm, ghi hình có âm thanh. Trong khi đó, thực tiễn khảo sát các vụ án dùng nhục hình cho thấy: Tỷ lệ dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai chiếm đa số so với hỏi cung bị can. Bởi vì, khi bị can đã bị khởi tố đã có một số cơ chế giám sát.
Hai là, tra tấn có thể được thực hiện bằng hình thức thể chất hoặc tinh thần. Do đó, việc kéo dài thời gian lấy lời khai, hỏi cung bị can liên tục trong nhiều giờ hoặc tiến hành xuyên đêm thì đây là một trong những biểu hiện hành vi tra tấn về tinh thần để có được lời nhận tội. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, mặc dù đã có quy định không tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm[22]. Tuy nhiên, lại có quy định mở là trừ những trường hợp không thể trì hoãn được nhưng lại không nêu rõ như thế nào là trường hợp không thể trì hoãn phải tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm. Thực tiễn cho thấy, tiến hành lấy lời khai, hỏi cung bị can vào ban đêm rất dễ dẫn đến dùng nhục hình. Bởi vì, cả điều tra viên và đối tượng đều trong trạng thái tinh thần mệt mỏi. Điều tra viên mong muốn có được lời nhận tội, đối tượng quanh co không nhận tội thì tra tấn là một cách làm nhanh nhất để có được lời khai, điển hình như: Vụ 07 thanh niên bị điều tra viên dùng nhục hình xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng[23]; Vụ Lê Thanh Kiều ở Phú Yên[24]…
4.2. Một số kiến nghị, đề xuất
Một là, cần nghiên cứu để xây dựng quy định lấy lời khai. Trong quy định này cần thể hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời gian cụ thể tiến hành lấy lời khai theo một số hướng cơ bản như: Không được tiến hành lấy lời khai vào ban đêm trừ trường hợp vụ việc xảy ra vào ban đêm cần phải truy bắt ngay đồng bọn, kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc các hành vi chuẩn bị phạm tội; thời gian lấy lời khai không quá 08 giờ/ngày. Cách 02 tiếng lấy lời khai sẽ được nghỉ ngơi; không tiến hành lấy lời khai vào các khung giờ nghỉ trưa hoặc tiến hành lấy lời khai liên tục 08 giờ/1 lần lấy lời khai; được ghi âm, ghi hình có âm thanh; người bị bắt, bị tạm giữ được quyền từ chối trả lời các câu hỏi nếu câu hỏi đó không liên quan đến nội dung vụ án; có sự tham gia của người bào chữa, kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai, lời khai có được do hành vi tra tấn sẽ không có giá trị làm chứng cứ chứng minh.
Hai là, đối với hỏi cung bị can, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tương đối đầy đủ, nhưng cần bổ sung một số nội dung về những trường hợp đặc biệt được tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này. Đồng thời, tương tự như lấy lời khai cần ghi nhận một số nội dung như: Thời gian, tần xuất được tiến hành hỏi cung bị can, ghi nhận quyền từ chối khai nhận nếu câu hỏi không liên quan nội dung vụ án, thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi hỏi cung bị can nếu kéo dài. Đồng thời, vấn đề quan trọng là kiểm sát viên trong mỗi vụ án phải có một bản phúc cung cuối cùng để ghi nhận lại nội dung vụ việc, qua đó, xem xét bị can có bị tra tấn dẫn đến khai sai sự thật hay không.
Ba là, nguyên nhân xảy ra các hành vi tra tấn trong thời gian qua là do còn một số điều tra viên quá nóng vội trong quá trình điều tra dưới áp lực của thời hạn tố tụng. Đồng thời, một điều tra viên hiện nay phải thụ lý rất nhiều vụ án. Đây chính là một trong những lý do có thể dẫn đến các vụ tra tấn, dùng nhục hình trong thời gian qua. Do đó, thời gian tới, cần tăng cường biên chế, nâng cao chất lượng đào tạo cho lực lượng này là một đòi hỏi cần thiết. Đồng thời, hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đều có hệ thống các trường chuyên ngành. Lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đều được đào tạo chính quy tại đây. Do đó, trong các chương trình học cần có các môn về nhân quyền, luật quốc tế, công pháp quốc tế để họ có thể nắm rõ về tầm quan trọng của quyền con người trong tư pháp hình sự. Từ đó, giáo dục và tự hình thành ý thức tôn trọng các quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân trong thực tiễn công tác sau này.
Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân
[1]. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nền tảng Chính trị Pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2014, tr.19.
[2]. Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[3]. Khoản 1, khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Điều 30 Hiến pháp năm 2013.
[5]. Điều 31 Hiến pháp năm 2013.
[6]. Vào ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn năm 1984 và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ngày 05/02/2015, Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên Hiệp quốc và chính thức trở là thành viên của Công ước này.
[7]. Xem Điều 1 Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn.
[8]. Camille Giffard, The torture reporting handbook, Human Rights Centre, University of Essex [https://www.ohchr.org/ EN/PublicationsResources/Pages/AnnualReportAppeal.aspx], p.13.
[9]. Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), The United Nation Convention Against Torture - A Commentary, Oxford University Press, pp.29-49.
[10]. Tlđd số 4, p.15.
[11]. Giải thích của Uỷ ban Chống tra tấn, Bình luận chung số 20, đoạn 6. Xem: Manfred Nowak, Elizabeth McArthur (2008), The United Nation Convention Against Torture - A Commentary, Oxford University Press, pp.29-49
[12]. Tlđd số 4, p.79.
[13]. Tlđd số 4, p.29 - 49.
[14]. Khoản 1 Điều 2 Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn.
[15]. Thủ tướng chính phủ (2015), Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/03/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tr.3.
[16]. Thủ tướng chính phủ, Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/03/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
[17]. Xem Điều 10, Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[18]. Xem Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[19]. Bộ Công an: Báo cáo Tổng kết năm (từ 2012 đến năm 2019).
[20]. Cục thống kê, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[21]. Ban nghiên cứu gia nhập Công ước Chống tra tấn: Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền con người giai đoạn (2000 - 2012), Hà Nội.
[22]. Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[23]. Trần Vũ, Vụ bảy bị can bị oan: Nhận tội vì khiếp sợ nhục hình, https://plo.vn/vu-an-bay-bi-can-bi-oan-nhan-toi-vi-khiep-so-nhuc-hinh-post293377.html, ngày truy cập 11/08/2014 | 02:55.
[24]. Hồng Ánh, Vụ nhục hình ở Phú Yên: “Em bị đánh bầm dập rồi, đừng đánh nữa!”, https://nld.com.vn/phap-luat/vu-nhuc-hinh-o-phu-yen-em-bi-danh-bam-dap-roi-dung-danh-nua-20150406213608792.htm, ngày truy cập 07/04/2015 - 09:40|Pháp luật