1. Thực tiễn phòng ngừa tình hình tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng
Theo thống kê đến tháng 12/2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 3.335 nhà cao từ 10 - 29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên. Các công trình cao tầng, siêu cao tầng được sử dụng với nhiều mục đích, công năng đa dạng, thường được đầu tư xây dựng dưới dạng các tổ hợp với nhiều tiện ích, công năng khác nhau. Với tổng số 3.618 công trình cao tầng, siêu cao tầng thì có 1.106 nhà chung cư; 935 nhà nghỉ, khách sạn; 747 nhà văn phòng; 594 nhà công trình hỗn hợp; 56 công trình giáo dục; 64 bệnh viện; 116 nhà có công năng khác[1].
Nhận thức được sâu sắc vai trò và nhu cầu tất yếu của xã hội khi sử dụng công trình cao tầng cũng như nguy cơ cháy, nổ công trình cao tầng, do đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc phòng ngừa tình hình tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với công trình cao tầng. Cụ thể:
Thứ nhất, về phòng ngừa xã hội.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng, thực hiện công tác PCCC nói chung, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời tập hợp thông tin về những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC đối với công trình cao tầng; trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đối với công trình cao tầng..., từ đó tham mưu các cơ quan chức năng xây dựng văn bản PCCC. Từ năm 2002 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu ban hành nhiều văn bản PCCC, trong đó có những văn bản chuyên biệt liên quan đến công tác phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC đối với công trình cao tầng như: Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy,… Bên cạnh đó, tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng tham gia vào hoạt động phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC, trong đó tập trung vào tuyên truyền pháp luật về chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC gắn với các công trình cao tầng; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho chủ đầu tư, người kinh doanh, người sinh sống, làm việc tại các công trình cao tầng. Chỉ tính riêng năm 2022, đã tiến hành 9.089 buổi tuyên truyền miệng cho 35.026 người nghe; huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 3.169 cơ sở của công trình cao tầng với 63.246 lượt người; củng cố được 5.115 đội PCCC cơ sở, dân phòng, chuyên ngành với tổng số 25.357 đội viên[2].
Thứ hai, về phòng ngừa nghiệp vụ.
Lực lượng Công an nhân dân mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành công tác điều tra cơ bản, xây dựng và sử dụng cơ sở bí mật về PCCC đối với công trình cao tầng, đồng thời, tiến hành công tác kiểm tra an toàn về PCCC, trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động tổ chức kiểm tra định kỳ về PCCC đối với công trình cao tầng. Riêng năm 2022 đã tiến hành kiểm tra 04 chuyên đề với 74 lượt chuyên đề, trong đó có 58 lượt chuyên đề PCCC điện đối với công trình cao tầng[3]. Kết quả là, hầu hết các công trình cao tầng đã được kiểm tra và xây dựng phương án bảo vệ, có trang bị hệ thống điện, trang bị phương tiện PCCC, được củng cố lực lượng PCCC cơ sở nhằm chủ động ngăn ngừa cháy xảy ra, kịp thời chữa cháy, hạn chế cháy lớn. Ngoài ra, còn tiến hành tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đột xuất.
Bên cạnh đó, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC được xác định là công tác then chốt, mở đầu của hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ. Đặc biệt, công tác cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng có nguy hiểm về cháy nổ và công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại về PCCC cũng được chú trọng. Công tác điều tra xử lý vi phạm quy định về PCCC được xác định là công tác trực tiếp liên quan đến phòng ngừa nghiệp vụ đối với tội vi phạm quy định về PCCC. Kể từ khi có Luật Phòng cháy và chữa cháy ra đời năm 2001 đến năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 987 vụ cháy nhà cao tầng, làm chết 398 người, bị thương 1.324 người, thiệt hại về tài sản khoảng 80 tỷ đồng[4].
Số lượng vụ cháy có dấu hiệu tội phạm diễn biến qua các năm có chiều hướng gia tăng về số lượng cũng như tính chất hoạt động. Loại tội phạm này xuất hiện đa dạng, trong mọi lĩnh vực ngành, nghề của xã hội. Các vụ cháy có dấu hiệu phạm tội xảy ra đa dạng và được thống kê qua 17 tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân của tình hình tội vi phạm quy định về PCCC của các công trình cao tầng. Mặc dù vậy, việc điều tra, kết luận nguyên nhân cháy tại nhà cao tầng gặp khó khăn, số vụ cháy chưa rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa (chiếm 19,08%)[5]. Do số vụ cháy chưa rõ nguyên nhân đã xảy ra hàng năm chiếm tỷ lệ cao nên việc xác định chính xác số lượng vụ cháy có dấu hiệu tội vi phạm quy định về PCCC nhà cao tầng để tìm ra quy luật, các biện pháp phòng ngừa gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với các vụ án đã điều tra được nguyên nhân cho thấy, nguyên nhân cháy chủ yếu do điện (chiếm 74,6%).
Hoạt động này cũng góp phần để lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tiến hành áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính ở hình thức tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong công trình cao tầng. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tạm đình chỉ hoạt động của 12 công trình cao tầng[6].
Thứ ba, quan hệ phối hợp trong công tác phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC công trình cao tầng.
PCCC là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Do đó, để tổ chức có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với công trình cao tầng nói chung, công tác phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC công trình cao tầng nói riêng, Công an nhân dân đã phối hợp với các bộ, ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ PCCC, qua đó, nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC đối với công trình cao tầng. Quan hệ phối hợp được thể hiện trong các hoạt động như: Tham mưu, xây dựng văn bản về PCCC cho công trình cao tầng; tuyên truyền PCCC các công trình cao tầng; kiểm tra an toàn PCCC đối với công trình cao tầng; công tác tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình cao tầng; thực tập phương án và điều tra vụ cháy. Về cơ bản, việc phối hợp là yêu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về PCCC của cả lực lượng Công an và của các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực an ninh, trật tự. Vì vậy, Công an nhân dân và một số bộ, ngành, địa phương đã ký quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với công trình cao tầng (ví dụ: Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BXD ngày 13/02/2018 phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Xây dựng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và PCCC đối với dự án, công trình; Quy chế phối hợp số 04/QC-BCA-BXD ngày 10/9/2020 phối hợp công tác giữa Bộ Công an và Bộ Xây dựng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và lĩnh vực xây dựng…).
Với các hoạt động đó, công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với công trình cao tầng đã dần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là đối với những địa phương hàng năm xảy ra nhiều vụ cháy công trình cao tầng đã quan tâm đến hoạt động phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC chưa đạt hiệu quả cao do còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Một là, sự thiếu đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đối với công trình cao tầng.
Ở Việt Nam, nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.
Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không bảo đảm các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì, bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không bảo đảm về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.
Khó khăn nổi bật về thoát nạn trong nhà cao tầng gồm: Quãng đường di chuyển dài; số lượng người cần di chuyển, thoát nạn lớn; hệ thống hướng dẫn thoát nạn đòi hỏi quy mô lớn, phức tạp; nguy cơ dồn ứ người ở lối ra thoát nạn đi vào các buồng thang bộ... Vật liệu kết cấu, vật liệu hoàn thiện, đồ dùng hoặc trang thiết bị… là nguồn nhiên liệu tham gia và làm tăng quy mô đám cháy.
Hai là, việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc.
Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của một bộ phận người lao động, người dân còn chưa cao. Còn tồn tại tình trạng Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý nhà nước về PCCC.
Ba là, phối hợp giữa các ban, ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa được tốt.
Nhà cao tầng thường được phân chia thành nhiều vùng bảo vệ khác nhau. Hệ thống báo cháy phải hạn chế gây ra báo động giả hoặc tín hiệu lỗi. Việc sử dụng hệ thống sprinkler có thể gặp khó khăn trong thiết kế và cấu tạo, do ảnh hưởng của chiều cao nhà đến áp suất làm việc của hệ thống. Khi hệ kết cấu nhà có chuyển vị lớn dưới tác động của tải trọng ngang cũng có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các hệ thống kỹ thuật...
Chiều cao hoặc do cả hình thức bố trí mặt bằng có thể vượt quá khả năng và năng lực của phương tiện kỹ thuật hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dẫn đến kéo dài thời gian tiếp cận vào bên trong và di chuyển đến vị trí của đám cháy.
Hiện nhu cầu xây dựng nhà cao tầng có chiều cao PCCC trên 150m là rất thực tế. Khi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa theo kịp tốc độ phát triển thì việc thiết kế an toàn cháy dựa theo tính năng là cần thiết, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học để xây dựng bộ tiêu chí là cần thiết.
Quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hành của Việt Nam chủ yếu được biên soạn, xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài và các tài liệu của Việt Nam, tuy đã điều chỉnh theo điều kiện quốc gia song cũng chưa thể cân nhắc được hết tất cả các yếu tố liên quan. Phạm vi áp dụng của quy chuẩn giới hạn đối với nhà có chiều cao PCCC không quá 150m. Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa hiện nay của chúng ta chưa đầy đủ. Điều kiện tiếp cận kiến thức chuyên môn của các đơn vị, cá nhân tham gia công tác thiết kế, thi công cũng như đánh giá xét duyệt thiết kế hoặc giám sát nghiệm thu chất lượng thi công các hạng mục có yêu cầu về an toàn cháy cho nhà còn chưa đều.
Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có cải thiện nhưng ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn bằng máy bay trực thăng hiện nay ở Việt Nam nhìn chung còn vướng mắc về trang thiết bị cũng như các quy trình, thủ tục liên quan.
2. Kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả phòng ngừa tình hình tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật, nhất là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn PCCC cho công trình cao tầng. Trong đó tập trung vào vấn đề kỹ thuật và thiết kế bảo đảm an toàn cháy cho công trình cao tầng, cụ thể:
- Về kỹ thuật, cần bảo đảm: An toàn thoát nạn cho người; hạn chế quy mô của đám cháy; báo cháy và chữa cháy kịp thời; thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy. Trong đó, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng (khói, khí độc, nhiệt độ cao), việc duy trì các điều kiện an toàn cho hoạt động thoát nạn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại.
- Về thiết kế bảo đảm an toàn cháy cho công trình cao tầng cần quan tâm đến quy mô chiều cao, tính chất công năng, kiến trúc, giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn PCCC, hệ thống PCCC (báo cháy, chữa cháy, chiếu sáng thoát nạn…)... dẫn đến phải điều chỉnh các quy định về bảo đảm an toàn cháy so với quy định áp dụng với nhà thấp tầng, trong đó có quy định kỹ thuật với vật liệu, kết cấu chịu lực chính (dầm, cột, sàn...) và các bộ phận khác của nhà (cửa, tường, vách ngăn...). Vật liệu xây dựng được sử dụng ở các lớp bề mặt của kết cấu nhà, bao gồm: Lớp lợp mái, các lớp hoàn thiện của tường ngoài, của các gian phòng và của các đường thoát nạn cần hạn chế tính nguy hiểm cháy.
- Sử dụng một số vật liệu xây dựng phổ biến sử dụng chống cháy cho nhà và công trình cao tầng như bê tông, bê tông nhẹ, vữa xi măng và vữa chống cháy; gạch đất sét nung; gỗ chống cháy; tấm sợi chịu lửa; sơn chống cháy; vật liệu chống cháy dạng tấm…
Thứ hai, chú trọng hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho chủ cơ sở và người dân để bảo đảm an toàn PCCC tại các công trình cao tầng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC.
Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, trong đó, việc sử dụng biện pháp tuyên truyền, vận động là nội dung chính của phòng ngừa. Kiên quyết xử lý các hành vi phạm quy định về an toàn PCCC để xóa bỏ các điều kiện cần thiết hình thành nên tội phạm vi phạm quy định về PCCC. Việc giáo dục, tuyên truyền kiến thức pháp luật PCCC không chỉ là mở các hội nghị, tổ chức hội thi, hay tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở mà còn thông qua những câu chuyện hàng ngày, thông qua cách xử lý trong các tình huống cháy, nổ cụ thể; qua cách trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhau tại các buổi sinh hoạt dân phố. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự có hiệu quả, cán bộ tuyên truyền cần có sự khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật, kiến thức PCCC của chủ cơ sở và người dân, từ đó chọn lọc nội dung quy định về PCCC cụ thể, sát thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, chú trọng việc hướng dẫn họ cách thức thực hiện những nội dung đã được tiếp cận trên thực tế; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức PCCC…
Thứ ba, nâng cao quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với các bộ, ban, ngành trong phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC đối với công trình cao tầng.
PCCC gắn liền với hoạt động của con người, liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân của họ (tính mạng, sức khỏe, tài sản, trách nhiệm pháp lý). Bởi vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động phòng ngừa tội vi phạm quy định về PCCC đối với công trình cao tầng, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó, ngay trong chính cơ quan Công an, phải có sự phối hợp với các đơn vị Công an địa phương xây dựng và ký kết các quy chế phối hợp đối với xây dựng lực lượng, xử lý các tình huống cháy, nổ trong đó có nội dung phòng, chống tội vi phạm quy định về PCCC. Nội dung phối hợp phòng ngừa cần làm rõ về các loại vi phạm quy định về PCCC công trình cao tầng; trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong tổ chức phòng ngừa. Cần xây dựng rõ mối quan hệ giữa Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ với Công an cấp huyện trong quản lý, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ văn hóa thông tin sản xuất các loại phim, phát hành tài liệu, tạp chí tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC; phối hợp với công ty điện lực cấp huyện để kiểm tra lưới điện nguồn cấp cho các công trình cao tầng trên địa bàn quản lý, xây dựng chuyên đề kiểm tra an toàn PCCC trong các công trình cao tầng để phát hiện, xử lý các vi phạm hoặc cắt điện khi phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn trực tiếp phát sinh cháy, nổ khi sử dụng điện…
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cần xây dựng mới mô hình tiếp nhận đơn thư phục vụ phòng ngừa tình hình tội vi phạm quy định về PCCC theo hướng đa dạng các kênh tiếp nhận đơn thư phản ánh của quần chúng nhân dân về công tác PCCC; giảm thời gian giải quyết đơn thư.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy
Khoa Nghiệp vụ cơ bản, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an
[1]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (2021), “Công trình cao tầng, siêu cao tầng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC”, Hội thảo PCCC cho công trình cao tầng - thực trạng và giải pháp, Hà Nội.
[2]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (2022), Báo cáo công tác năm 2022, Hà Nội, tr. 6.
[3]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (2022), Báo cáo công tác chuyên đề năm 2022, Hà Nội, tr. 4.
[4]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Báo cáo công tác các năm từ 2001 đến 2022, Hà Nội.
[5]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (2021), Báo cáo công tác điều tra, xử lý tội phạm vi phạm quy định về PCCC, Hà Nội.
[6]. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (2022), Báo cáo công tác điều tra, xử lý tội phạm vi phạm quy định về PCCC, Hà Nội, tr. 5.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)