1. Khái quát nhân thân người phạm tội mua bán người và giải pháp tác động vào chủ thể tiềm tàng của tội phạm mua bán người
1.1. Khái quát nhân thân người phạm tội mua bán người
Trên cơ sở số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và kết quả nghiên cứu 92 bản án xét xử tội phạm mua bán người, nhân thân người phạm tội mua bán người được khái quát với các đặc điểm sau đây[1,2]:
Thứ nhất, về giới tính của người phạm tội: Phân tích 4.061 bị cáo đã được xét xử giai đoạn 2004 - 2015, thì số người phạm tội là nam giới có 3.045 người (chiếm 74,98%); số người phạm tội là nữ giới có 1.016 người (chiếm 25,02%). Nghiên cứu 92 bản án, tác giả có những số liệu cụ thể về giới tính của các bị cáo phạm tội mua bán người như sau: Trong số 230 bị cáo thì số người phạm tội là nam giới có: 79 người (chiếm 34,35%); số người phạm tội là nữ giới có: 151 người (chiếm 65,65%).
Thứ hai, về độ tuổi của người phạm tội: Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, thì số người phạm tội là người chưa thành niên có: 154 người (chiếm 3,79%); số người phạm tội là người đã thành niên có: 3.907 người (chiếm 96,21%). Trong đó người từ đủ 18 đến 30: Có 1.127 người (chiếm 27,75%); người trên 30 tuổi: Có 2.780 người (chiếm 68,46%). Phân tích 92 bản án, với 230 bị cáo, thì số người phạm tội là người chưa thành niên có: 13 người (chiếm 5,65%); số người phạm tội là người đã thành niên có: 217 người (chiếm 94,34%). Trong đó người từ đủ 18 đến 30: Có 59 người (chiếm 25,65%); người trên 30 tuổi: Có 158 người (chiếm 68,69%).
Thứ ba, về trình độ học vấn của người phạm tội: Qua phân tích nhân thân của 230 bị cáo mà Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử thì có đến 34 bị cáo không biết chữ, chiếm tỷ lệ 14,78%; tiểu học 94 bị cáo, chiếm 40,86%; trung học cơ sở 68 bị cáo, chiếm 29,56%, trung học phổ thông 34 bị cáo, chiếm 14,78%, không có bị cáo nào có trình độ đại học hoặc sau đại học. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ học vấn của các bị cáo rất thấp. Điều này, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nhận thức của các bị cáo về hành vi phạm tội.
Thứ tư, về nghề nghiệp của người phạm tội: Qua phân tích nhân thân 230 bị cáo mà Tòa án đã xét xử cho thấy, đa số người phạm tội là không có việc làm hoặc nghề nghiệp của họ thường không ổn định. Cụ thể: Có đến 69/230 bị cáo không có việc làm (chiếm 30%); buôn bán 34/230 (chiếm 14,78%); làm thuê 34/230 (chiếm 14,78%); nội trợ 28/230 (chiếm 12,17%); làm ruộng 24/230 (chiếm 10,43%); chạy xe ôm 12/230 (chiếm 5,2%); số bị cáo còn lại làm các nghề khác như: Nhân viên, giám đốc, thương gia, thợ chụp hình, phụ hồ, nghề tự do, sinh viên, tài xế...
Thứ năm, về tiền án, tiền sự của người phạm tội: Qua nghiên cứu về nhân thân của 230 bị cáo cho thấy, đa số các bị cáo chưa có tiền án tiền sự (211/230, chiếm tỷ lệ 91,73%), chỉ có 19 bị cáo có tiền án, tiền sự (chiếm 8,26%), trong đó có 04 bị cáo có tiền án, tiền sự; 01 bị cáo có tiền sự và 14 bị cáo có tiền án và theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì trong 4.061 bị cáo, có 46 trường hợp là tái phạm và tái phạm nguy hiểm, chiếm tỷ lệ 1,13%. Điều này cho thấy, bên cạnh các bị cáo có tiền án, tiền sự thì có rất nhiều bị cáo chưa có tiền án, tiền sự cũng tham gia vào việc phạm tội.
Thứ sáu, về dân tộc của người phạm tội: Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì từ năm 2004 - 2015, có 1.211 bị cáo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 29,82% (1.211/4.061) và 46 bị cáo là người nước ngoài, chiếm tỷ lệ 1,13% (46/4.061). Như vậy, đối với tội phạm mua bán người do tính chất xuyên vùng, xuyên quốc gia nên đối với tội phạm này có sự tham gia của cả người dân tộc thiểu số và người nước ngoài.
1.2. Giải pháp tác động vào chủ thể tiềm tàng của tội phạm mua bán người
Chủ thể tiềm tàng của tội phạm mua bán người tại Việt Nam trong thời gian tới được xác định là những người không có công ăn việc làm hoặc việc làm không ổn định, người phạm tội mua bán người đã bị xét xử, chấp hành xong hình phạt trở lại tái hòa nhập cộng đồng; những người đã từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người... Những người này dễ trở thành tội phạm vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đã biết các thủ đoạn của tội phạm, mặc cảm tội lỗi, sự kỳ thị của cộng đồng và đặc biệt là sự cám dỗ của lợi nhuận mà tội phạm mang đến. Vì vậy, để phòng ngừa tội phạm mua bán người, cần có các giải pháp sau:
Một là, tăng cường phát triển kinh tế trong cộng đồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động quản lý hành chính về an ninh trật tự như: Tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cộng đồng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, tạm trú, tạm vắng trên các địa bàn dân cư; quản lý các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện và các loại hình dịch vụ khác có liên quan đến tội phạm mua bán người như: Dịch vụ du lịch, xuất khẩu lao động...
Ba là, chú trọng triển khai chương trình đào tạo nghề, giáo dục pháp luật, tâm lý để họ nhận thức được hành vi phạm tội và cải tạo họ, đồng thời trang bị cho họ nghề để họ dễ dàng hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt. Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng để họ có điều kiện làm việc, tự nuôi sống bản thân, không quay về con đường phạm tội.
Bốn là, tăng cường quản lý hộ tịch, xuất nhập cảnh, cho nhận con nuôi... để sớm phát hiện những dấu hiệu của tội phạm từ đó nâng cao hiệu quả công tác khám phá án; tăng cường công tác tuần tra, rà soát các địa bàn trọng điểm là điểm nóng của tình hình tội phạm mua bán người. Phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm, chuyên án tấn công tội phạm mua bán người.
Năm là, các cơ quan hữu quan như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ủy ban nhân dân các cấp chú trọng công tác phối hợp xét xử lưu động các vụ án về mua bán người tại các địa bàn trọng điểm để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo hiệu quả phòng ngừa chung. Cần điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật một cách kịp thời, đúng pháp luật để người phạm tội thấy được tính nghiêm minh của pháp luật, phải chấp hành nghiêm pháp luật và không tái phạm. Mặt khác, cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung; không áp dụng án treo đối với các bị cáo phạm tội với vai trò chủ mưu, đứng đầu trong các vụ án mua bán người.
Sáu là, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể đặc biệt là các trại tạm giam, tạm giữ, các cán bộ quản giáo chú trọng công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, quan tâm, giúp đỡ người phạm tội nhận thức được hành vi của mình và cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Bảy là, cần có cơ chế, chính sánh hỗ trợ cần thiết giúp những người phạm tội nói chung và phạm tội mua bán người nói riêng, sau khi chấp hành xong hình phạt trở về tái hòa nhập cộng đồng, không bị kỳ thị và có điều kiện công ăn, việc làm để kiếm sống nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. Có như vậy sẽ hạn chế được việc người phạm tội quay lại con đường cũ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Tám là, gia đình cần quan tâm giúp đỡ người thân, con em mình, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để người phạm tội có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Phân tích cho họ thấy những sai trái trước đây họ đã phạm phải, đồng thời động viên, giúp đỡ người phạm tội. Gia đình phải thật sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
2. Khái quát nhân thân nạn nhân của tội phạm mua bán người và giải pháp tác động vào nạn nhân tiềm tàng của tội phạm mua bán người
2.1. Khái quát nhân thân nạn nhân của tội phạm mua bán người
Trên cơ sở số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và kết quả nghiên cứu 92 bản án xét xử tội phạm mua bán người, nhân thân nạn nhân của tội phạm mua bán người được khái quát với các đặc điểm sau đây[3,4]:
Thứ nhất, về giới tính của nạn nhân: Theo nghiên cứu 92 bản án với 386 người bị hại cho thấy, có đến 385 người bị hại là nữ chiếm tỷ lệ 99,7%, chỉ có 01 người bị hại là nam chiếm tỷ lệ 0,3%. Hoặc theo số liệu thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam từ năm 2005 - 2010, có đến 4.620/4.728 nạn nhân là nữ, chiếm tỷ lệ 97,71%. Như vậy, tuyệt đại đa số nạn nhân của tội phạm mua bán người giai đoạn 2004 - 2015 là nữ.
Thứ hai, về độ tuổi của nạn nhân: Nghiên cứu 386 người bị hại bị mua bán từ 92 bản án, có 218 người bị hại ở độ tuổi từ 16 đến 20 (56,48%), 102 người bị hại ở độ tuổi từ 21 đến 25 (26,42%) và 66 người bị hại từ 26 tuổi trở lên (17,09%). Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Phạm Văn Sỹ phân tích trên 2.936 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về thì có đến 95% số nạn nhân có độ tuổi trên 16 tuổi5 hay kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Hương phân tích 60 trường hợp phụ nữ ở tỉnh An Giang bị mua bán (1998 - 2005), cho thấy, cả 60 phụ nữ được nghiên cứu đều ở độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi, trong đó có 31,67% ở độ tuổi 16; 28,3% ở độ tuổi 17; 13,3% ở độ tuổi 18; 8,3% ở độ tuổi 19; 6,67% ở độ tuổi 20; từ 21 đến 25 tuổi có 8 phụ nữ (13,3%)6.
Thứ ba, về trình độ học vấn của nạn nhân: Theo Báo cáo số 298/BCA (C11) ngày 13/10/2005 của Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ có nhận định: “Phần lớn phụ nữ bị mua bán... có trình độ văn hóa thấp...”7. Báo cáo số 380, Báo cáo số 43/BCA và Báo cáo số 1331/C14 (VP 130/CP) của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 130/CP còn nêu rõ: “Về trình độ văn hóa: Không biết chữ chiếm 26%, học cấp 1- cấp 2 chiếm 71%, cấp 3 chiếm 3%...”8.
Thứ tư, về hoàn cảnh gia đình của nạn nhân: Trong Báo cáo của Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ có khẳng định:“Phần lớn phụ nữ... bị buôn bán là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, hoàn cảnh gia đình éo le...”9. Báo cáo số 380 và Báo cáo số 43/BCA của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 130/CP còn nêu rõ các phụ nữ bị mua bán: “Về hoàn cảnh gia đình: 88% kinh tế khó khăn, 11,7% kinh tế trung bình, 0,3% kinh tế khá...”10. Báo cáo số 1331/C14 nêu rõ: “Đa số nạn nhân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc trắc trở trong đường tình duyên, song cũng không ít phụ nữ là gái mại dâm, ăn chơi đua đòi trác táng hoặc một số người do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, muốn kiếm việc làm có thu nhập cao để thay đổi cuộc sống và không ít trong số đó đã bị lừa đưa ra nước ngoài bán”11.
Thứ năm, về nghề nghiệp và việc làm của nạn nhân: Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài do Bộ Công an hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện thì trong số trên 1.750 nạn nhân của những vụ mua bán người, nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp. Theo kết quả phân tích 60 trường hợp phụ nữ ở tỉnh An Giang bị mua bán (1998 - 2005) của tác giả Nguyễn Văn Hương cho thấy: 42 phụ nữ trước khi bị bán không có nghề nghiệp (70%), 5 phụ nữ làm nghề nội trợ (8,33%), 13 phụ nữ trước khi bị bán sống bằng nghề làm thuê (21,67%)12.
2.2. Giải pháp tác động vào nạn nhân tiềm tàng của tội phạm mua bán người
Một là, tăng cường giáo dục và tuyên truyền vì thực hiện tốt giải pháp này là tác động đến nhận thức của từng cá thể trong xã hội, từ đó xây dựng được ý thức phòng, chống tội phạm mạnh mẽ và bền vững trong quần chúng nhân dân. Trên thực tế có rất nhiều người không biết về nạn mua bán người. Một số khác có thể có một chút hiểu biết song không đầy đủ hoặc hiểu không chính xác. Chính sự nhận thức yếu kém của người dân và cộng đồng là điểm yếu để tội phạm mua bán người lợi dụng và thực hiện tội phạm.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người không những tại những địa bàn trọng điểm mà phải đẩy mạnh công tác này trên phạm vi cả nước và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền chiều sâu ở địa bàn dân cư nhằm nâng cao cảnh giác cho chị em phụ nữ và cộng đồng trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Tuyên truyền tại các điểm nóng của nạn mua bán người hoặc những địa bàn có phụ nữ bỏ đi khỏi nơi cư trú, thường đi kèm với các hành vi đặc trưng (ví dụ đưa nữ giới đi bán làm vợ và trẻ em đi làm con nuôi, du lịch tình dục hay lừa bán nữ sinh qua Internet ở các đô thị, môi giới lấy chồng nước ngoài thu lợi bất chính...). Do đó, cần xác định đối tượng cụ thể cho các biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, vừa tăng hiệu quả lại vừa tới được đối tượng có nguy cơ cao.
Ba là, cần xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là vấn đề mang tính xã hội, lấy phòng ngừa là chính. Các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền tác hại của tội phạm mua bán người đối với gia đình và xã hội, tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật có liên quan trong việc phòng, chống tội phạm mua bán người đến mọi người dân, tổ chức để mọi công dân chấp hành pháp luật, cảnh giác với tội phạm này, từ đó tạo dư luận lên án hành vi mua bán người, với nhiều hình thức truyền thông gián tiếp, trực tiếp như: Báo nói, báo viết, báo hình, tư vấn, thảo luận, kết hợp với những giờ học ngoại khóa, dàn dựng các tiểu phẩm liên quan đến tội phạm mua bán người làm cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ; thường xuyên xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phòng ngừa tội phạm mua bán người... Nội dung tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng, từng vùng miền. Trong đó, xác định nội dung trọng tâm và xuyên suốt là tập trung nâng cao trình độ pháp luật, tầm quan trọng, kiến thức về phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa từ gia đình. Nâng cao nhận thức cho mọi thành viên trong gia đình về thủ đoạn, phương thức thực hiện của tội phạm mua bán người. Thắt chặt quan hệ trong gia đình bằng các hoạt động cụ thể như: Quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục con cái (nhất là trẻ em gái), tìm hiểu tâm tư tình cảm của các thành viên trong gia đình để kịp thời chỉ dạy, định hướng, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Tích cực học hỏi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình văn hóa. Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, những nạn nhân bị mua bán trở về. Trường hợp nghi vấn có hành vi mua bán người phải kịp thời báo chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất.
Năm là, nâng cao tính cảnh giác của mỗi cá nhân thông qua các hoạt động như: Cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt, những lời hứa đường mật của tội phạm mua bán người; tham khảo ý kiến người thân, bạn bè trước khi quyết định đi làm ăn xa. Nếu đi khỏi địa phương phải báo cáo chính quyền địa phương, thông báo địa chỉ và thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình. Tuyên truyền cho những người xung quanh biết về thủ đọan lừa gạt của tội phạm mua bán người để mọi người cùng cảnh giác.
Sáu là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán cho thấy, để giúp nạn nhân tái hòa nhập được một cách bền vững thì cần phải xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có dành cho các nạn nhân như: Hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý... Cần có những chính sách động viên, xóa bỏ mặc cảm và hỗ trợ ổn định cuộc sống ban đầu cho những nạn nhân bị mua bán trở về, những người hồi hương, phụ nữ mại dâm hoàn lương...
Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nạn nhân tội phạm mua bán người mạnh dạn tố giác tội phạm. Bên cạnh việc xây dựng các cơ chế bảo vệ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, cần phải giữ bí mật đời tư, danh tính của nạn nhân; cần có cái nhìn thiện cảm và chân thành để tạo niềm tin, chỗ dựa cho họ. Bên cạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ như việc làm, học nghề, trợ cấp khó khăn... thì quan tâm chú ý đến các hỗ trợ tâm lý xã hội để nạn nhân của tội phạm mua bán người có sức khỏe tinh thần, bước quyết định của tái hòa nhập cộng đồng.
Tám là, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam với các nước mà Việt Nam có chung đường biên giới, đặc biệt là Trung Quốc, để kịp thời triệt phá, giải cứu nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người. Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp với các nước là điểm đến của tội phạm mua bán người như: Malaysia, Mỹ, Úc...
Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội khóa XIV
ThS. Nguyễn Mai Trâm
[1]. Tòa án nhân dân, 92 bản án các loại về tội phạm mua bán người.
[2]. Tòa án nhân dân tối cao (2015), Thống kê số vụ mua bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2015.
[3]. Tòa án nhân dân, 92 bản án các loại về tội phạm mua bán người.
[4]. Tòa án nhân dân tối cao (2015), Thống kê số vụ mua bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2015.
[5]. Phạm Văn Sỹ (2012), Hợp tác quốc tế trong giải cứu nạn nhân các vụ mua bán người, Tạp chí Công an nhân dân, kỳ 1 - 4/2012, tr.65.
[6]. Nguyễn Văn Hương (2008), Vấn đề nạn nhân của tội mua bán phụ nữ ở Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 5/2008, tr.12-18.
[7]. Bộ Công an (2005), Báo cáo số 298/BCA (C11) ngày 13/10/2005 gửi Thủ tướng Chính phủ, tr.3-5.
[8]. Ban Chỉ đạo 130/CP (2005), Báo cáo số 380/BCA (VPTT130/CP) ngày 21/12/2015 sơ kết một năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tr.2. Ban Chỉ đạo 130/CP, Báo cáo số 43/BCA (VPTT130/CP) ngày 28/02/2006 kiểm điểm thực hiện Chương trình 130/CP năm 2005 và phương hướng công tác năm 2006.
[9]. Bộ Công an (2005), Báo cáo số 298/BCA (C11) ngày 13/10/2005 gửi Thủ tướng Chính phủ, tr.3-5.
[10]. Ban Chỉ đạo 130/CP (2005), Báo cáo số 380/BCA (VPTT130/CP) ngày 21/12/2015 sơ kết một năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tr.2. Ban Chỉ đạo 130/CP, số 43/BCA (VPTT130/CP) ngày 28/02/2006, Báo cáo kiểm điểm thực hiện Chương trình 130/CP năm 2005 và phương hướng công tác năm 2006, tr.4-6.
[11]. Ban Chỉ đạo 130/CP (2006), Báo cáo tổng quan số 1331/BCA (VPTT130/CP) ngày 25/5/2006 thực trạng tình hình và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. tr.3.
[12]. Nguyễn Văn Hương (2008), Vấn đề nạn nhân của tội mua bán phụ nữ ở Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 5/2008, tr.12-18.