Abstract: The reality in Vietnam at present shows that the number of cases of child sexual abuse has been increased and raises the question whether the increase of criminal liability and corresponding punishment are effective measures for limitation of this kind of criminality or not? The article shares experiences of measures for preventing child sexual abuse and supporting victims in Australia. Such experiences have been brought into play significant effect of protection and child care in many recent years.
Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt và theo dõi sát sao của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức xã hội dân sự. Một số ý kiến cho rằng, số lượng các vụ xâm hại tình dục trẻ em hiện đang tăng cao và một trong các nguyên nhân là tính thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ của các quy định pháp luật, dẫn tới quá trình tố tụng kéo dài, một số vụ án không được giải quyết, những người thực hiện hành vi đồi bại với trẻ em không bị răn đe và trừng trị theo quy định pháp luật. Câu hỏi đặt ra là liệu tăng cường các quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự và khung hình phạt tương ứng có phải là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế loại tội phạm này với trẻ em hay cần quan tâm hơn đến các biện pháp phòng ngừa?
Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, các biện pháp phòng ngừa là “một phương tiện điều chỉnh sự phát triển các quan hệ xã hội nhằm mục đích hạn chế, loại trừ các nguyên nhân tội phạm, như là sự tác động lẫn nhau của các biện pháp kinh tế - xã hội, giáo dục - sư phạm, tổ chức và pháp luật”[1]. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể vẫn chưa bị răn đe và trừng trị nếu các biện pháp phòng, chống chỉ dừng lại ở việc hình sự hóa thêm một số hành vi, tăng và bổ sung hình phạt quy định trong luật hình sự, mà không có những biện pháp phòng ngừa đồng bộ để tác động tới nhận thức, hiểu biết, kỹ năng phòng vệ và môi trường sống của trẻ em là đối tượng có nguy cơ rủi ro bị xâm hại tình dục và cha mẹ, người giám hộ và gia đình của các em. Đây cũng chính là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng để phòng, chống hiệu quả hơn đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ nội dung về các biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và hỗ trợ nạn nhân mà hiện nay đang được thực hiện tại Ôxtrâylia và đã phát huy hiệu quả về bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong nhiều năm qua.
2. Hệ thống phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và hỗ trợ nạn nhân ba cấp tại Ôxtrâylia
Hiện nay, việc bảo vệ trẻ em tại Ôxtrâylia được thống nhất thực hiện theo Khung chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em năm 2009 – 2020[2]. Theo đó, phòng ngừa ban đầu và hỗ trợ tổng thể cho tất cả các gia đình là chiến lược trọng tâm, nhằm ngăn ngừa việc xâm hại, bỏ mặc và sao nhãng trẻ em trước khi xảy ra. Khung chương trình quốc gia đề ra sáu mục tiêu hành động, trong đó, có biện pháp phòng ngừa, tập trung can thiệp sớm và giải quyết các vụ việc bảo vệ trẻ em theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Những mục tiêu này nhằm tăng cường phòng, chống tất cả các hình thức xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi mọi hành vi bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, lạm dụng tình dục, bị đánh đập hoặc bỏ mặc, bị ngược đãi hoặc bóc lột.
Việc Chính phủ Ôxtrâylia đề cập vấn đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong một mục tiêu chiến lược quốc gia riêng biệt cho thấy, động lực và hành vi xâm hại tình dục trẻ em không giống như các hình thức ngược đãi trẻ em, nên việc ngăn ngừa và xử lý hành vi này đòi hỏi thực hiện tổng thể nhiều chiến lược khác nhau, đó là: (i) Nâng cao nhận thức về hành vi xâm hại tình dục trẻ em và lạm dụng tình dục trực tuyến đối với trẻ em; (ii) Tăng cường các biện pháp phòng ngừa hành vi xâm hại tình dục trẻ em; (iii) Củng cố thực thi pháp luật và tăng cường hiệu quả quá trình tư pháp xử lý và giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; (iv) Đảm bảo những nạn nhân trẻ em bị xâm hại có quyền tiếp cận với điều trị hiệu quả và nhận được các hỗ trợ thích hợp.
Để thực hiện bốn chiến lược nêu trên, hệ thống phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở Ôxtrâylia được tổ chức theo ba cấp độ:
2.1. Phòng ngừa cấp độ 1 (phòng ngừa ban đầu)
Bao gồm các chương trình ngăn ngừa hành vi xâm hại tình dục trẻ em trước khi xảy ra bằng cách giải quyết những nguyên nhân cơ bản và tăng cường các yếu tố bảo vệ trẻ em. Các chương trình được thực hiện trên quy mô toàn quốc và nhằm tác động tới toàn bộ dân số Ôxtrâylia. Trước hết, đây là hệ thống kiểm tra và xác nhận tư cách nhân thân đủ điều kiện chăm sóc trẻ em và làm những công việc liên quan tới trẻ em. Theo hệ thống này, những người mong muốn chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc với trẻ em phải làm thủ tục xin cấp xác nhận về tư cách nhân thân và chỉ có thể thực hiện những việc liên quan tới trẻ em sau khi đã có xác nhận. Hình thức xác nhận được chính quyền các tiểu bang quy định khác nhau. Ví dụ tại Tasmania, xác nhận là giấy đăng ký làm việc với trẻ em do Sở Tư pháp Tasmania cấp; tại vùng lãnh thổ phía Bắc, xác nhận là thẻ ochre; tại tiểu bang Queensland, xác nhận là thẻ xanh (blue card) do Ủy ban về trẻ em, thanh niên và người giám hộ cấp.
Theo pháp luật bang, những người được miễn thủ tục xin và cấp thẻ xanh khi chăm sóc thường xuyên và làm những việc liên quan tới trẻ em chỉ bao gồm: Cha mẹ, anh chị em ruột trong gia đình, giáo viên và cảnh sát (đã đăng ký hành nghề). Như vậy, những người thân trong gia đình (kể cả ông bà nội, ngoại), họ hàng, bạn bè của gia đình cũng không được chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc với trẻ em nếu chưa được cấp thẻ xanh. Mục đích của hệ thống thẻ xanh là góp phần tạo ra môi trường an toàn và đảm bảo an toàn cho trẻ em khi nhận sự chăm sóc từ những người trưởng thành và khi tham gia các hoạt động cần thiết cho sự phát triển của trẻ em như dịch vụ trông trẻ, hoạt động giáo dục, thể thao...
An toàn của trẻ em được đảm bảo thông qua xác nhận ban đầu của thủ tục cấp thẻ xanh và sau đó là kiểm tra định kỳ trên hệ thống về tư cách nhân thân của người chăm sóc trẻ em nhằm giám sát rủi ro trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc kiểm tra để tiến hành cấp thẻ giúp các cơ quan chức năng rà soát hành vi trong quá khứ của người xin cấp thẻ, trước khi xác nhận người đó có tư cách nhân thân và khả năng chăm sóc trẻ em bằng việc cấp thẻ. Các cơ quan có thẩm quyền theo dõi thông tin theo hệ thống về tất cả chủ thể của thẻ xanh và những người đề nghị cấp thẻ mới hoặc gia hạn thẻ, do đó, giám sát được tư cách nhân thân hiện tại của những người mong muốn chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc với trẻ em. Đồng thời, hệ thống thẻ xanh cũng hỗ trợ giảm nhẹ các rủi ro trong tương lai đối với an toàn trẻ em vì thẻ xanh là yêu cầu bắt buộc tối thiểu đối với cán bộ, nhân viên và những người làm việc trong các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trẻ em. Bên cạnh hệ thống nghiệp vụ của cảnh sát, qua theo dõi hệ thống các chủ thể thẻ xanh, những người có hành vi xâm hại sự an toàn của trẻ em sẽ ngay lập tức bị thu hồi thẻ, ghi chú trên hệ thống quản lý tư pháp hoặc có thể bị cấm vĩnh viễn không được tiếp xúc và thực hiện những hoạt động liên quan tới trẻ em.
2.2. Phòng ngừa cấp độ 2 (can thiệp sớm)
Bao gồm các chương trình nhằm phát hiện nguy cơ hoặc biểu hiện sớm của đối tượng thực hiện hành vi hoặc các trẻ em có rủi ro trở thành nạn nhân bị xâm hại, như môi trường sống nghèo đói, ở các vùng sâu, vùng xa, gia đình sống biệt lập, cha mẹ lạm dụng chất gây nghiện, cha mẹ vị thành niên, cha mẹ có vấn đề về sức khỏe thần kinh, hoặc cha mẹ hoặc trẻ em là người khuyết tật. Các chương trình ưu tiên cung cấp dịch vụ đặc biệt cho những cộng đồng, địa bàn dân cư có tỷ lệ yếu tố rủi ro cao và tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể ở đây là hoạt động của chính quyền và nhà trường nhằm can thiệp sớm vào các rủi ro liên quan tới hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ở cấp liên bang, Ủy ban quốc gia về các phản hồi thể chế đối với xâm hại tình dục trẻ em của Ôxtrâylia được thành lập năm 2013. Một trong các chức năng của Ủy ban này là đánh giá thực trạng xâm hại tình dục trẻ em và ban hành các khuyến nghị đối với hệ thống giáo dục nhà trường và cộng đồng nhằm cung cấp hiểu biết, nhận thức sớm cho trẻ em về giới tính, an toàn tình dục, nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Tại bang Queensland, để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban, Sở Giáo dục đã tiến hành thử nghiệm giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục cho trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo (từ 04 - 05 tuổi)[3]. Đồng thời, Sở cũng ban hành hướng dẫn công nhận tiêu chuẩn trường học năm 2015 trên cơ sở sửa đổi văn bản cũ và bổ sung quy trình báo tin về xâm hại tình dục, nghi ngờ xâm hại tình dục và nguy cơ rủi ro xâm hại tình dục. Theo bản hướng dẫn này, Ban giám hiệu nhà trường phải đảm bảo rằng tất cả giáo viên, học sinh và phụ huynh được thông báo và hướng dẫn về quy trình báo tin, giáo viên được đào tạo để thực hiện báo tin và xử lý các tình huống tin báo. Các trường học phải có thủ tục khiếu nại bằng văn bản để giải quyết các cáo buộc về không tuân thủ quy trình báo tin và xử lý thông tin liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em[4]. Ngoài ra, bản hướng dẫn cũng yêu cầu trường học có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cộng đồng tại địa phương thực hiện phổ biến kiến thức cho cha mẹ của trẻ em, hỗ trợ nâng cao kỹ năng ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em và cách thức giải quyết nếu xảy ra trường hợp xâm hại. Các thông tin được phổ biến rộng rãi tới cha mẹ và người giám hộ trẻ em bao gồm: Hành vi xâm hại tình dục trẻ em, các hậu quả của hành vi, những biểu hiện thường gặp ở đối tượng chuẩn bị thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em, các dấu hiệu cho thấy trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục, những việc phụ huynh cần thực hiện để bảo vệ trẻ em, địa chỉ liên hệ và các số điện thoại trong trường hợp gọi khẩn cấp hoặc có nghi ngờ về việc trẻ em bị nguy hiểm, bị tổn thương hoặc bị xâm hại[5].
2.3. Phòng ngừa cấp độ 3
Các biện pháp phòng ngừa ở cấp độ này được thực hiện thông qua chức năng của các cơ quan công quyền, hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, dịch vụ cộng đồng, hệ thống giáo dục thuộc ngân sách nhà nước cũng như do các tổ chức dân sự xã hội thực hiện nhằm xử lý các hậu quả sau khi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra. Để đạt được hiệu quả, trước hết, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan tới tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Tại bang Victoria, năm 2014, sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu có tựa đề “Phản bội lòng tin” (Betrayal of trust) của Ủy ban về gia đình và phát triển cộng đồng, Quốc hội bang này đã phê chuẩn chương trình hành động nhằm mục đích phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và các hậu quả xảy ra với trẻ em, trong đó bao gồm chương trình cải cách pháp luật hình sự. Kết quả cải cách bước đầu là chính quyền bang Victoria phê duyệt bổ sung 03 tội danh mới trong Bộ luật Hình sự, bao gồm: Tội dụ dỗ trẻ em thực hiện hành vi xâm hại (có hiệu lực thi hành từ ngày 09/4/2014), tội không báo tin về xâm hại tình dục trẻ em (có hiệu lực từ ngày 24/10/2014) và tội không bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015)[6].
Tại bang Queensland, theo quy định trước đây của Luật Hạn chế về các hành động năm 1974 (Limitation of Actions Act 1974), nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục có thời hạn ba năm tính từ ngày họ đủ 18 tuổi để có thể tiến hành vụ kiện dân sự về hành vi lạm dụng tình dục đã xảy ra với họ trong quá khứ. Việc giới hạn thời gian này đã hạn chế khả năng yêu cầu của nạn nhân về bồi thường thỏa đáng trong quá trình tố tụng tại Tòa án, đặc biệt khi hành vi xâm hại xảy ra trong các tổ chức như trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em và nhà thờ. Quy định này về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thường được các luật sự và công ty bảo hiểm của các tổ chức sử dụng để có lợi thế đàm phán bồi thường với nạn nhân, nhằm giải quyết vụ việc mà không qua thủ tục tố tụng hoặc né tránh xét xử tại Tòa án.
Ngày 09/11/2016, Quốc hội bang Queensland đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi Luật Hạn chế về các hành động (về xâm hại tình dục trẻ em trong các tổ chức) và các quy định liên quan năm 2016 (Limitation of Actions (Institutional Child Sexual Abuse) and Other Legislation Amendment 2016), chính thức hủy bỏ thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự cho các nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em.
3. Một số kiến nghị về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em của Ôxtrâylia, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị đối với công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần khẩn trương tiến hành rà soát và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em để từ đó có cơ sở xác định những nguyên nhân và diễn biến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2012, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành giám sát về chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trong giai đoạn 2008 - 2010. Từ đó tới nay, các cơ quan chức năng chưa tiến hành đánh giá tổng thể tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em. Vì vậy, những nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội và diễn biến tội phạm chưa được nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo, đặc biệt trong giai đoạn 05 năm trở lại đây. Việc tìm ra những nguyên nhân hành vi xâm hại tình dục trẻ em, các đặc điểm tội phạm trong giai đoạn hiện nay và thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ việc sẽ giúp xác định những biện pháp phòng ngừa từ gốc rễ của hành vi phạm tội và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật.
Thứ hai, cần ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn đạo đức và điều kiện lý lịch tư pháp đối với người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc với trẻ em; trên cơ sở đó, cần thiết lập hệ thống thường xuyên giám sát công tác bảo vệ trẻ em và cấp thẻ hoặc giấy chứng nhận cho người đủ điều kiện mới được làm những công việc liên quan tới chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thứ ba, cần bổ sung nội dung giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy tại các trường học và cung cấp kỹ năng phòng vệ trước các hành vi xâm hại cho trẻ em từ 04 - 05 tuổi trở lên. Việc đào tạo và bổ túc nghiệp vụ cho giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm cũng nên chú trọng vào nội dung trang bị kiến thức, phương pháp sư phạm và thái độ nghiêm túc của giáo viên về giáo dục giới tính và an toàn tình dục cho học sinh, kỹ năng trao đổi, phối hợp với phụ huynh cũng như có biện pháp xử lý khi nhận tin báo hoặc có nghi ngờ về xâm hại trẻ em.
Thứ tư, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan tới phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục cho trẻ vị thành niên ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Người chưa thành niên có thể bị dụ dỗ, lôi kéo và là nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành chủ thể phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp và nhanh chóng của các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến hiện nay[7]. Do đó, khi người chưa thành niên được cung cấp thông tin về các quy định pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ tổn hại có thể gây ra cho nạn nhân trẻ em và hậu quả pháp lý của hành vi thì sẽ hạn chế thực hiện hành vi xâm hại.
Thứ năm, cần triển khai rộng rãi các chương trình cung cấp kiến thức và thông tin pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em và cách thức phòng ngừa tội phạm cho cha mẹ, thành viên gia đình và người giám hộ của trẻ em. Cha mẹ cũng cần được trang bị kỹ năng thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ em về các vấn đề giới tính, các biện pháp giúp trẻ em tự bảo vệ trước những hành vi xâm hại, quan sát những biểu hiện khác lạ ở trẻ và có hiểu biết về cách thức trình báo cơ quan chức năng khi nghi ngờ có hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra.
Thứ sáu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống các tội xâm hại trẻ em qua nhiều kênh thông tin đại chúng nhằm góp phần giáo dục cộng đồng, đảm bảo phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.
Thứ bảy, cần nghiên cứu để ban hành quy định về sự tham gia của bác sĩ tâm lý, chuyên gia trị liệu và nhân viên công tác xã hội trong quá trình giải quyết vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và quan trọng hơn cả là cung cấp điều trị, khắc phục kịp thời và hạn chế hậu quả lâu dài tới sức khỏe của nạn nhân trẻ em. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần sớm nghiên cứu và cho phép thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án nhân dân để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người chưa thành niên, đặc biệt khi người chưa thành niên là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.
* Cử nhân Luật, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; Thạc sĩ Công tác xã hội, Trường Đại học Công nghệ Queensland, Ôxtrâylia.
[1]. Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm”, NXB Công an nhân dân, 2001.
[2]. Hội đồng các Chính phủ Ôxtrâylia, “Khung Chương trình Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em năm 2009-2020”,xemtại:https://www.dss.gov.au/sites/default/files/documents/child_protection_framework.pdf.
[3]. Ủy ban Hoàng gia về các Phản hồi Thể chế đối với Xâm hại tình dục Trẻ em, “Các chương trình phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ em dành cho trẻ lứa tuổi học mẫu giáo: Tổng quan tài liệu”(Child sexual abuse prevention programs for pre-schoolers: A synthesis of current evidence), xem tại: https://www. childabuseroyalcommission.gov.au/getattachment/6a078b97-0fd3-4c79-99cd-4dbcf9c868c1/Child-sexual-abuse-prevention-programs-for-pre-sch.
[4]. Sở Giáo dục bang Queensland, “Queensland thực hiện các khuyền nghị của Ủy ban Hoàng gia” (Queensland responds to Royal Commission recommendations), xem tại:http://www.schoolgovernance.net.au/2016/08/25/ queensland-responds-to-royal-commission-recommendations/.
[5]. Hãng thông tấn SBS, “Luật Lệ Quanh Ta (65) - Xâm phạm tình dục trẻ em”, xem tại: http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/content/lu%E1%BA%ADt-l%E1%BB%87-quanh-ta-65-x%C3%A2m-ph%E1%BA%A1m-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-tr%E1%BA%BB-em?language=vi.
[6]. Sở Tư pháp bang Victoria, “Thực hiện các khuyến nghị từ báo cáo “Phản bội lòng tin”” (BetrayalofTrustimplementation),xemtại:http://www.justice.vic.gov.au/home/safer+communities/protecting+children+and+families/betrayal+of+trust+implementation.
[7]. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), “Bảo vệ trẻ em trong thời đại kỹ thuật số - Phản hồi quốc gia về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến ở các nước thành viên ASEAN” (Child protection in the digital age - National responses to online child sexual abuse and exploitation in ASEANMemberStates),xemtại:https://www.unicef.org/eapro/Child_Protection_in_the_Digital_Age.pdf.