Abstract: Murder is one of crimes which cause great danger for the society, direct violation to human life. The study of the situation of the murder crime in a particularly spatial, temporal scope may have significance in the determining direction of prevention of this crime.
1. Tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Từ năm 2007 – 2016, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai đã xét xử 118 vụ án hình sự sơ thẩm về tội giết người, cùng với đó là 165 bị cáo[1]. Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng tình hình tội giết người diễn ra trên địa bàn này, cần phân tích các thông số phản ánh tổng số vụ án, tổng số người phạm tội trong mối quan hệ với các thông số khác tương ứng.
So sánh với số vụ và số bị cáo phạm các tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng con người thì tội giết người xảy ra nhiều nhất với 118/145 vụ chiếm 81,37%. Những tội có sự phổ biến hơn là tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (9/145 vụ, tỉ lệ 6,2%) và “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (7 vụ, tỉ lệ 4,8%). Từ đó, có thể thấy, các tội giết người có tính chất nguy hiểm hơn hẳn các tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Lào Cai. So sánh với số vụ và số bị cáo phạm tội nói chung trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong khoảng thời gian 2007 – 2016, Toà án nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xét xử sơ thẩm 118 vụ với 165 bị cáo phạm tội giết người trên tổng số 5489 vụ án hình sự và 8509 bị cáo, chiếm tỉ lệ 2,14% trong tổng số vụ án hình sự và 1,93% trong tổng số bị cáo[2]. Có thể thấy, tỷ lệ số vụ giết người và số bị cáo phạm tội giết người chiếm tỷ lệ ít so với tình hình tội phạm nói chung.
Tuy nhiên, để đánh giá một cách khách quan mức độ của tình hình tội giết người, cũng cần sự so sánh giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, cụ thể là: Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Qua số liệu thống kê cho thấy, Quảng Ninh có số vụ xét xử sơ thẩm/ số bị cáo phạm tội giết người cao nhất với 244 vụ/512 bị cáo, tiếp đến thứ hai là Lạng Sơn với 184 vụ/256 bị cáo, thứ ba là Hà Giang với 154 vụ/218 bị cáo, thứ tư là Lào Cai với 118 vụ/165 bị cáo, thứ năm là Lai Châu với 100 vụ/142 bị cáo, thứ sáu là là Cao Bằng với 96 vụ/ 115 bị cáo và cuối cùng là Điện Biên với 71 vụ/ 80 bị cáo[3]. Có thể đánh giá sơ bộ tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có số vụ án giết người và số bị cáo lớn nhất, trong khi đó tỉnh Lào Cai là tỉnh có số vụ án giết người và số bị cáo ở mức độ trung bình so với các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc.
Từ những kết quả phân tích ở trên, có thể khái quát thực trạng tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2007 - 2016 như sau:
- Đây là loại tội phạm diễn ra phổ biến nhất trong tình hình các loại tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong hơn 10 năm qua. Tội giết người là tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm nhất trong nhóm loại tội phạm này, và việc nó diễn ra thường xuyên, phổ biến nhất trong các tội xâm phạm tính mạng con người cho thấy mức độ nghiêm trọng khi phân tích các thông số về tình hình loại tội này.
- So sánh với tình hình tội giết người xảy ra trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc (có đặc điểm chung về vị trí địa lý), có thể thấy tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra ở mức độ trung bình, không quá cao như ở Hà Giang và không thấp như ở Điện Biên.
2. Phương hướng phòng ngừa tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới
Sự tác động của nhiều yếu tố như phát triển kinh tế vĩ mô, sự phát triển của các dự án kinh tế, sự thay đổi về cơ cấu việc làm, vấn đề di cư, vấn đề dân tộc, quản lý nhà nước đối với giáo dục, sinh hoạt hàng ngày (sinh hoạt gia đình, lễ hội…) hoàn toàn có thể làm cho tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai có những diễn biến khó lường. Chính vì vậy, các phương hướng phòng ngừa tình hình tội giết người trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới cần tập trung ở một số vấn đề trọng tâm trong quản lý các vấn đề đời sống xã hội như sau:
Thứ nhất, cần chú trọng tới quản lý nhà nước về giáo dục và việc làm cho cộng đồng dân cư. Qua phân tích cho thấy, có đến 114/165 đối tượng phạm tội giết người khi chưa đủ 30 tuổi, trong đó, có tới 74 đối tượng nằm trong độ tuổi từ 14 - 22. Như vậy có thể thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm giết người ở tỉnh Lào Cai là rất rõ nét. Những đối tượng này thường có những đặc điểm chung là có trình độ học vấn thấp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Cụ thể, có đến 129/165 bị cáo phạm tội giết người là không biết chữ, không được đi học, hoặc mới chỉ ở trình độ tiểu học hoặc trung học cơ sở. Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến tiếp cận việc làm, các ngành nghề mà bị cáo đang làm vào thời điểm phạm tội. Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, lối sống, cư xử của các bị cáo. Điều này, đòi hỏi chính quyền cần có những giải pháp căn cơ để phổ cập giáo dục ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao dân trí. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hơn trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là khi Lào Cai đang nhận được sự thu hút của nhiều nguồn vốn để đầu tư vào các ngành du lịch, dịch vụ, khai thác tài nguyên, khoáng sản…
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý trật tự xã hội trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Với đặc thù là tỉnh biên giới, địa thế hiểm trở, công tác quản lý dân cư nói riêng và quản lý xã hội nói chung ở Lào Cai có nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến là quản lý trật tự, trị an. Bên cạnh đó, việc thường xuyên sử dụng rượu trong sinh hoạt hàng ngày, sinh hoạt lễ hội diễn ra khá phổ biến, rất nhiều vụ án giết người xảy ra có yếu tố sử dụng rượu. Việc sử dụng các chất kích thích làm cho các đối tượng trở nên phấn khích, có xu hướng bạo lực và khó kiểm soát được hành vi, thậm chí đến từ nạn nhân của tội phạm. Theo thống kê, có đến 85/165 bị cáo thực hiện hành vi giết người vì lý do mâu thuẫn trong đời sống, 14/165 bị cáo vì ghen tuông tình ái, 35/165 vì những động cơ khác nhau. Thực chất, những mâu thuẫn trong đời sống thường rất nhỏ, động cơ phạm tội thường rất giản đơn, điều đó cho thấy tính manh động của tình hình tội giết người ở tỉnh Lào Cai.
Thứ ba, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về các vấn đề dân tộc. Tỉnh Lào Cai có tỉ lệ dân tộc thiểu số rất lớn, họ thường sống ở những vị trí địa lý hiểm trở, có suy nghĩ đơn giản và thường giải quyết đời sống hàng ngày bằng những cư xử của chính mình hơn là dựa vào pháp luật hay chính quyền. Tỉ lệ dân tộc thiểu số lớn trong cộng đồng dân cư cùng với đó chính là đời sống sinh hoạt văn hóa của các dân tộc này là rất phong phú, và thực tế cho thấy việc mâu thuẫn trong văn hóa, lối sống, mâu thuẫn từ vấn đề dân tộc là không thể tránh khỏi. Một con số minh chứng cho nhận định này đó là có tới 114/165 bị cáo phạm tội giết người là người dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, Tày, Nùng… cũng như các nạn nhân là người dân tộc thiểu số cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ. Bên cạnh đó, sự đa dạng về dân tộc kéo theo sự đa dạng về sinh hoạt văn hoá, lễ hội, điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các sinh hoạt lễ hội là những dịp để người dân tộc gặp gỡ, giao lưu, uống rượu và không ít trường hợp từ đó mà gây ra những ẩu đả, xô xát…
Tỉnh đoàn Lào Cai
[1]. Theo các Báo cáo tổng kết công tác của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai từ năm 2007- 2016.
[2]. Theo các Báo cáo tổng kết công tác của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai từ năm 2007- 2016.
[3]. Theo Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2016.