Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích phương thức làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, từ đó, đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ đó.
Abstract: In this article, the author analyzes the People's mode of mastery in the relationship between the Party's leadership, the State's management and the People's mastery, thereby, proposing solutions to promote the role of People's mastery in that relationship.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ là một trong những mối quan hệ được khẳng định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đây là một trong những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt, có hiệu quả về các mối quan hệ đó.
Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ là cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội[1] đã được Đảng ta sớm đề cập tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Quan điểm về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ một mặt khẳng định vai trò của ba thành tố hợp thành, mặt khác, chỉ ra tính biện chứng khách quan (ràng buộc, đòi hỏi có nhau và tác động, quy định qua lại với nhau) giữa các mối quan hệ.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhận thức về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ ngày càng rõ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn. Về mặt thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản để điều chỉnh mối quan hệ này đáp ứng những vấn đề mới đặt ra và có sự nỗ lực cao trong việc hiện thực hóa cơ chế đó trong đời sống xã hội. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục ghi nhận mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một trong những quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng, nắm vững và giải quyết tốt. Trong mối quan hệ này, Nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm, bởi vì, mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ Nhân dân và vì Nhân dân, do đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản tạo cơ sở chính trị, pháp lý để khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, có thể kể đến như: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Thông báo Kết luận số 160-TB/TW ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập… Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 cũng đã có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân. Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trên thực tiễn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa thống nhất, đồng bộ, toàn diện; trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân chưa rõ ràng; sáng kiến của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được đề cao...
Các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cần đổi mới và tăng cường phát huy quyền làm chủ của Nhân dân về mọi mặt trên mọi phương diện, theo tác giả cần thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao về nhận thức và thực tiễn đối với mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ trong cơ chế tổng thể.
Ba thành tố tồn tại trong mối quan hệ biện chứng đòi hỏi có nhau, tác động qua lại với nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Trong đó, Nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm, chủ công, nòng cốt, là một thành tố không tách rời trong cơ chế tổng thể, vừa là mục tiêu cao nhất khi triển khai thực hiện cơ chế đó. Nhân dân là người thực hành dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của mình.
V.I Lênin đã dạy: Không chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ là đủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho “những người đại diện” nhân dân, trong những cơ quan đại biểu là đủ. Cần phải xây dựng ngay chế độ dân chủ bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của Nhà nước, không có sự “giám sát” từ trên, không có quan lại[2].
Để xây dựng được một chế độ dân chủ cao, Nhân dân phải có ý thức, năng lực và đòi hỏi dân chủ ngày càng cao. Nhân dân “phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”[3]. Người dân muốn làm chủ, không những phải biết hưởng quyền làm chủ, mà còn phải biết dùng quyền làm chủ, đồng thời dám nghĩ, dám nói, dám làm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, dân chủ là dân làm chủ, Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nên muốn phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thì “Nhà nước ta phải phát huy dân chủ đến cao độ” và “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc”. Kinh nghiệm xây dựng chế độ dân chủ trong lịch sử nhân loại đã cho thấy rằng, dân chủ chỉ đầy đủ và thực chất nếu đó là đòi hỏi từ cuộc sống, đòi hỏi của người dân là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của quần chúng nhân dân.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý - xét về mặt lý thuyết là những hình thức chủ yếu của Nhân dân làm chủ, Đảng và Nhà nước thay mặt Nhân dân làm chủ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những hình thức đó thì không những chưa đầy đủ, mà còn dễ làm biến dạng chế độ dân chủ, làm tha hóa bản chất của dân chủ.
Thứ hai, nâng cao ý thức, năng lực làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ bằng những biện pháp thiết thực.
(i) Trong lĩnh vực kinh tế: Xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cơ sở, nền tảng cho chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: Như bộ Tư bản đã vạch rõ, miếng đất làm mọc lên những tư tưởng về tự do và bình đẳng chính là nền sản xuất hàng hóa[4]. Rằng nền kinh tế đó “đẻ ra những nguyện vọng dân chủ trong quần chúng,... làm cho quần chúng khát khao dân chủ”[5]. Như vậy, nền kinh tế thị trường là cơ sở, nền tảng của chế độ dân chủ tư sản.
Để vượt qua những hạn chế của chế độ dân chủ tư sản trong điều kiện nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế cơ chế hóa tập trung ở Việt Nam trước những năm 1986, Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong nền kinh tế đó, Nhà nước thừa nhận nhiều thành phần kinh tế và người dân được tự do kinh doanh, tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, làm chủ trực tiếp và chủ động sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình, tuy nhiên, phân phối có nhiều chế độ “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” với nguyên tắc công bằng, hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Không nên có chủ nghĩa bình quân. Những người già yếu, tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom. Các quan hệ lợi ích phải được giải quyết hài hòa, cá nhân và tập thể, Nhà nước và Nhân dân… phải đều có lợi. Trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm dân chủ trong lĩnh vực kinh tế cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tạo ra môi trường kinh doanh an toàn, cạnh tranh lành mạnh, giúp người dân, doanh nghiệp phát huy được nguồn lực của mình tham gia vào môi trường kinh doanh, đồng thời thực hiện nghĩa vụ trong kinh doanh (đóng thuế) góp phần phục vụ hoạt động chi ngân sách của Nhà nước.
(ii) Đổi mới, đa dạng hóa tổ chức và hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội để thực sự là những hình thức để Nhân dân làm chủ.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ không chỉ bằng Nhà nước, mà còn thông qua các tổ chức của mình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò to lớn trong việc củng cố, bảo vệ Đảng, chính quyền nhà nước, hơn nữa, đó là những thiết chế có vai trò quan trọng thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là môi trường, là trường học để nâng cao ý thức, năng lực và nhu cầu dân chủ cho các tầng lớp nhân dân.
Để Mặt trận Tổ quốc và những tổ chức xã hội thực sự là những thiết chế dân chủ, thiết chế để các tầng lớp nhân dân tham gia công việc nhà nước, quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, phải đổi mới trên nhiều mặt theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” trong tổ chức và hoạt động. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp với tính chất quần chúng và những biến động đa dạng về cơ cấu giai cấp - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt hiện nay, với sự tham gia của nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam với mục đích nhân đạo, từ thiện, phục vụ an sinh xã hội thì việc người dân tham gia vào các tổ chức này trên cơ sở có sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước, đó là một trong những phương thức quan trọng cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân thông qua các tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ sau quá trình đổi mới đất nước đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội đã có những đổi mới quan trọng trong tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới. Một số tổ chức chính trị - xã hội có nơi, có lúc hoạt động còn mang tính “hình thức”, chưa hiệu quả. Nhiều cuộc phản ứng tập thể, đình công của công nhân xuất hiện tự phát mà các tổ chức chính trị - xã hội không biết trước. Điều đó chứng tỏ các tổ chức chính trị - xã hội chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng, chưa phải tất cả quần chúng đã thực sự đặt niềm tin và coi các tổ chức đó là tổ chức của mình. Các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa thực sự thu hút được sự tham gia một cách chủ động, tích cực, tự giác của đoàn viên, hội viên.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam việc xuất hiện những tổ chức xã hội, những hiệp hội, nghề nghiệp đại diện cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác nhau là một tất yếu khách quan. Vì vậy, cần sớm ban hành văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức đó. Đảng và Nhà nước cần chủ động hướng dẫn, lãnh đạo việc hình thành những tổ chức mới, phát huy tính tích cực xã hội của các tầng lớp dân cư, đồng thời, hạn chế việc hình thành các tổ chức một cách tự phát, chống việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền để gây ra những hành vi cực đoan, quá khích.
(iii) Tăng cường công tác phản biện xã hội.
Phản biện xã hội mang lại kết quả tích cực, phát huy và mở rộng dân chủ, là phương thức quan trọng để đạt đồng thuận xã hội; tạo dựng thói quen thảo luận và bảo đảm quyền tự do ngôn luận để khích lệ cá nhân, các tổ chức tham gia thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân bao hàm hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định về quyền giám sát của Nhân dân, cơ chế pháp lý bảo đảm cho Nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế, chính sách tạo điều kiện và lôi cuốn các tổ chức quần chúng, các đoàn thể nhân dân và người dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia công việc nhà nước, giám sát hoạt động của Nhà nước.
Về điều này, Đảng ta đã chỉ ra rằng: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể”[6]. “Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”[7]. Những quy chế, cơ chế lôi cuốn nhân dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia công việc Nhà nước, giám sát hoạt động của Nhà nước phải cụ thể, dễ thực hiện và đặc biệt phải cho nhân dân thấy được lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện. Nhân dân cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát đối với Đảng, Nhà nước, có như vậy mới tránh được sự tham gia một cách hình thức, chiếu lệ.
TS. Tăng Thị Thu Trang
Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 109.
[2]. V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 336 - 337.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr. 36.
[4]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.1, tr. 594.
[5]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.30, tr. 92.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 87.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 87.