1. Dẫn nhập
Lẽ công bằng là một cấu thành quan trọng trong hệ thống pháp luật tại các quốc gia theo truyền thống thông luật. Đây được coi là nguồn luật tạo ra sự linh hoạt, cân bằng và bảo đảm được tính công lý, sự nghiêm minh của pháp luật. Nguồn luật lẽ công bằng xuất phát từ Anh và các nước theo truyền thống thông luật. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của kinh tế - xã hội, pháp luật cũng có những bước phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ pháp luật được xác lập, hình thành, bảo đảm cho quyền lợi của các chủ thể tham gia. Chính vì vậy, lẽ công bằng cũng được một số quốc gia theo truyền thống pháp luật dân luật và truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ghi nhận, coi là một nguồn luật bổ trợ. Việt Nam hiện nay cũng ghi nhận loại nguồn luật này trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách giải thích chính thức đối với loại nguồn luật này tại Việt Nam. Bài viết này sẽ đưa ra những cơ sở lý luận tổng quát về định nghĩa lẽ công bằng, quá trình hình thành lẽ công bằng, thực trạng quy định lẽ công bằng tại Việt Nam.
2. Khái niệm lẽ công bằng
Trong ngôn ngữ đời thường, lẽ công bằng được giải thích là sự bình đẳng, sự hợp lý, không bất công, hoặc là sự ngang bằng. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý, thuật ngữ lẽ công bằng còn được hiểu như một loại nguồn luật thường được sử dụng trong truyền thống pháp luật án lệ (Common Law) để bổ trợ trước hết cho nguồn luật là các án lệ trong hệ thống pháp luật này, khi mà nguồn luật này có những quy tắc, quy phạm quá cứng nhắc, không bảo đảm được quyền lợi của các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, về khái niệm của thuật ngữ lẽ công bằng thì còn chưa thực sự rõ ràng.
Lẽ công bằng hay luật công bình trong truyền thống dân luật là nguồn luật bổ trợ, là tập hợp các quy định về biện pháp khắc phục và thủ tục tố tụng áp dụng lẽ công bằng[1]. Học thuyết khởi nguồn của lẽ công bằng đã phân định một cách rõ ràng giữa hai thuật ngữ lẽ công bằng (Equity) và pháp luật (Law). Cụ thể, trong quan hệ pháp luật dân sự, đối với hành vi vi phạm hợp đồng, quy định pháp luật sẽ được áp dụng xác định những vấn đề liên quan đến hình phạt tiền. Tuy nhiên, theo truyền thống pháp luật thông luật, lẽ công bằng có thể được áp dụng để xác định biện pháp khắc phục thay cho biện pháp bồi thường bằng tiền. Theo đó, các biện pháp khắc phục đối với hành vi vi phạm hợp đồng có thể sử dụng như là lệnh yêu cầu (Injuction)[2], buộc thực hiện nghĩa vụ (Specific performance)[3],… Tòa án thường áp dụng lẽ công bằng trong các vụ việc bồi thường thiệt hại hợp đồng đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản.
3. Quá trình hình thành và phát triển lẽ công bằng tại các nước theo truyền thống pháp luật thông luật - Common Law
Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, hệ thống pháp luật thông luật phát triển và tương đối hoàn thiện tại Vương quốc Anh, nhưng hệ thống pháp luật này lại không được xây dựng một cách có hệ thống. Hay nói cách khác, trong hệ thống thông luật, không phải tất cả các phán quyết, các đạo luật hay các nguyên tắc pháp lý đều có thể trở thành nguồn luật[4]. Hệ thống pháp luật thông luật ở thời điểm lúc bấy giờ được xây dựng chỉ bằng một số luật, là các phán quyết, quyết định của cơ quan tư pháp. Các nguồn luật này dựa trên các tiền lệ của các Tòa án và được áp dụng trong trường hợp các vụ án có thể so sánh được nhau, nghĩa là các tình tiết của hai vụ án phải có điểm tương đồng. Nhìn chung, các quyết định của Tòa án có vai trò to lớn trong định hình hệ thống pháp luật thông luật.
Như vậy, trong quá khứ, hệ thống pháp luật thông luật dựa chủ yếu vào các tiền lệ pháp lý này. Tuy nhiên, các tiền lệ này khá cứng nhắc, đặc biệt trong các tình huống liên quan tới hợp đồng và bồi thường thiệt hại. Chính sự thiếu linh hoạt trong hệ thống pháp luật thông luật đã khiến cho người dân bất bình khi họ không nhận được kết quả thỏa đáng từ Tối cao Pháp viện Vương Quốc Anh (Kings Bench) là cơ quan quản lý hệ thống tư pháp của nước này. Rất nhiều người dân tỏ ra thất vọng bởi hệ thống pháp luật thông luật như vậy ở Anh khi mà các vụ việc của bị Tòa án từ chối thụ lý do không có bất kỳ tiền lệ xét xử những vụ việc tương tự nào trước đây hoặc các vụ việc không có tình tiết tương tự với nhau. Người dân sau đó đã khẩn cầu đến nhà vua - người có vị trí tối thượng trong hệ thống tư pháp lúc bấy giờ, được coi là “nguồn của công lý” (Fountain of Justice). Những lời khẩn cầu chuyển đến nhà vua để thỉnh cầu nhà vua thực thi công lý ở những vụ việc cụ thể, vốn chưa được giải quyết hoặc giải quyết không được thỏa đáng bởi Tối cao Pháp viện Vương Quốc Anh. Những lời thỉnh cầu này ngày càng nhiều, số lượng lớn, nhà vua sau đó đã giao cho các pháp quan là những người đứng đầu ở Tòa đại pháp quan. Từ khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XV (1474), các pháp quan đã giải quyết các lời thỉnh cầu cũng như các khiếu kiện của người dân dựa trên nền tảng đạo đức. Hay nói cách khác, các pháp quan chấp nhận hoặc từ chối xét xử vụ việc chủ yếu dựa vào cách suy xét đúng sai của họ trong từng vụ việc cụ thể. Điều này khác với hệ thống Tòa án thông luật khi các Tòa án chỉ dựa chủ yếu vào nguồn luật là các tiền lệ xét xử. Đây cũng chính là khởi nguồn của lẽ công bằng[5].
Việc áp dụng lẽ công bằng trong hệ thống luật án lệ của Anh có một số ý nghĩa cụ thể như sau:
- Lẽ công bằng đóng góp vào việc xây dựng ra một quy trình tố tụng mới ở hệ thống thông luật. Quy trình này được tạo ra bởi và gắn với Tòa đại pháp quan, hoàn toàn khác biệt với quy trình tố tụng ở các Tòa án khác, từ việc soạn thảo hồ sơ, tài liệu, tống đạt giấy tờ, đến lấy lời khai của nhân chứng, thu thập chứng cứ, thẩm vấn,…
- Tòa đại pháp quan, nơi được áp dụng lẽ công bằng có những thẩm quyền riêng biệt mà các Tòa án thông thường khác không có đối với các vụ việc liên quan đến hợp đồng, bồi thường thiệt hại, thế chấp, phá sản, luật doanh nghiệp, ủy thác, hay các vụ việc liên quan đến bất động sản.
- Việc áp dụng lẽ công bằng dẫn tới việc xây dựng ra một hệ thống các biện pháp khắc phục (Remedies) mới trong quan hệ hợp đồng, bao gồm: (i) Biện pháp cho phép điều chỉnh lại nội dung hợp đồng (Rectification): Là việc Tòa án cho phép các bên tiến hành sửa đổi một cách nhanh chóng các tài liệu sai cho đúng với tinh thần của hợp đồng đã được giao kết giữa các bên; (ii) Biện pháp ban hành mệnh lệnh (Injunctions): Đây là lệnh của Tòa án, yêu cầu một bên không được thực hiện một hành vi mà Tòa coi là sai trái; (iii) Biện pháp kê khai (Account): Đây là lệnh yêu cầu một bên, người mà hiện đang giữ khoản tiền thuộc về phía nguyên đơn phải khai báo về việc khoản tiền này đã được sử dụng như thế nào; (iv) Các biện pháp bắt buộc thực hiện thỏa thuận (Specific performance): Là lệnh buộc bị đơn phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc những thỏa thuận giữa hai bên.
4. Quá trình hình thành và phát triển lẽ công bằng tại các nước theo truyền thống pháp luật dân luật - Civil Law
Khi Vương quốc Anh chinh phục các thuộc địa, hệ thống pháp luật án lệ của Anh, trong đó có yếu tố lẽ công bằng cũng được áp dụng tại các thuộc địa tại các khu vực khác nhau trên thế giới, tạo nên một truyền thống luật án lệ độc lập. Thời gian đầu được áp dụng tại các quốc gia theo truyền thống luật án lệ. Tuy nhiên, hiện nay, lẽ công bằng cũng được sử dụng tại các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như một loại nguồn luật bổ trợ.
Một trong những ví dụ có thể đề cập của xu hướng này là tại nước Seychelles (Sri-Lanca). Seychelles là một đảo quốc nằm trong Ấn Độ Dương. Trước năm 1810, Seychelles là nước thuộc địa của Pháp, chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống pháp luật thành văn của Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1810, Anh đã tiến hành xâm lược quốc gia này từ Pháp. Tại Thỏa ước đầu hàng, cả Anh và Pháp đều đồng ý bảo toàn “tín ngưỡng tôn giáo, pháp luật và tập quán” của đất nước này. Điều này đồng nghĩa với việc, hệ thống tư pháp và pháp luật của Cộng hòa Seychelles vẫn được giữ nguyên theo hệ thống pháp luật thành văn. Tuy nhiên, tại Phần 6 của Luật Tổ chức Tòa án của Seychelles có quy định rằng: “Tòa án tối cao vẫn được tiếp tục là Tòa án công bằng, được trao quyền lực, thẩm quyền để các thẩm phán được quyết định và xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền, khi mà thiếu vắng quy định điều chỉnh trực tiếp vụ án được ban hành bởi nước Cộng hòa Seychelles”. Như vậy, dù là quốc gia theo hệ thống pháp luật thành văn. Cộng hòa Seychelles vẫn có hệ thống Tòa án được trao thẩm quyền giống như Tòa đại pháp quan ở Anh. Sau này, Tòa án tối cao của Cộng hòa Seychelles đã sử dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp dân sự, khi mà pháp luật của nước này chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp. Cụ thể, Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân gia đình của Seychelles đều có quy định về giải quyết tranh chấp đất đai trong các vụ việc ly hôn giữa hai vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên, đối với các vụ việc tranh chấp phân chia tài sản giữa các cặp đôi chung sống lâu năm với nhau nhưng không xác lập quan hệ vợ chồng hợp pháp thì pháp luật của Seychelles chưa có quy định điều chỉnh. Để giải quyết vấn đề này, Tòa án tối cao của Seychelles đã sử dụng lẽ công bằng trong hệ thống pháp luật của Anh để giải quyết tranh chấp phân chia tài sản. Trên thế giới, các học giả đều cho nhận định rằng, hệ thống pháp luật Seychelles là sự giao thoa giữa hệ thống pháp luật án lệ và pháp luật thành văn[6].
Hay tại Pháp - là một trong những đại diện tiêu biểu của truyền thống luật dân sự, lẽ công bằng cũng đã được tiếp nhận từ cuối thế kỷ thứ XIX, trải qua nhiều thăng trầm vẫn tiếp tục được áp dụng trong thời điểm hiện tại, mặc dù ở mức độ và phạm vi hẹp hơn so với trước đây. Một trong nhưng biểu hiện cụ thể là Điều 1478 Bộ luật Tố tụng dân sự của Pháp quy định: “Trọng tài giải quyết tranh chấp phù hợp với quy tắc pháp luật trừ khi các bên trao quyền cho trọng tài giải quyết tranh chấp theo lẽ công bằng”. Như vậy, Pháp tuy là một nước theo hệ thống pháp luật thành văn nhưng cũng cho phép trọng tài được sử dụng nguồn luật lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, tại Bỉ, Thuỵ Sỹ… cũng đã cho phép trọng tài giải quyết tranh chấp theo lẽ công bằng theo thỏa thuận của các bên[7].
5. Quy định pháp luật dân sự của Việt Nam về lẽ công bằng và các vấn đề pháp lý đặt ra
Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”.
Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định tương tự: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.
Các quy định này để giải quyết một vấn đề của thực tiễn là trước năm 2015, một số trường hợp, Tòa án nhân dân đã từ chối thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Để giải quyết vấn đề chưa có điều luật để áp dụng, Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về một số nguồn luật cũng như trật tự áp dụng các nguồn luật đó như sau:
“1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Từ các quy định trên, có thể thấy, bên cạnh các nguồn của pháp luật dân sự như văn bản quy phạm pháp luật, các tập quán (nếu có), các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, các án lệ, thì lẽ công bằng cũng được quy định như là một nguồn của pháp luật dân sự.
Trước Bộ luật Dân sự năm 2015, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam quy định về lẽ công bằng với tư cách là một nguồn của pháp luật dân sự và cho tới nay pháp luật dân sự Việt Nam cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích rõ nội hàm của thuật ngữ lẽ công bằng cũng như phạm vi áp dụng của lẽ công bằng như một nguồn luật ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các luật sư thuộc Công ty luật hợp danh FDVN, thì thực tế, các Tòa án ở Việt Nam đã xét xử một số vụ tranh chấp dân sự dựa trên cơ sở lẽ công bằng. Trang thông tin của Công ty luật hợp danh FDVN đã giới thiệu “Danh mục 20 bản án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp”, trong đó đăng các bản án đã được tóm tắt lại dựa trên quan điểm riêng của Công ty[8]. Trong số 20 bản án được đưa vào danh mục, đa số (10 vụ) liên quan tới tranh chấp đất đai, ngoài ra là các vụ liên quan tới ly hôn/nuôi con (03 vụ), về tranh chấp tài sản khác (03 vụ), về hợp đồng (02 vụ), về góp hụi (01 vụ) và về thừa kế (01 vụ ). Hầu hết các bản án là do Tòa án cấp phúc thẩm tuyên (14/20 vụ).
Qua nghiên cứu 20 bản án trong Danh mục kể trên[9], có thể thấy, trong hầu hết trường hợp, lẽ công bằng được áp dụng để tính toán các lợi ích vật chất cụ thể phù hợp với sự đóng góp thực tế của các bên tranh chấp mà chưa phải là nguồn luật để giải quyết chính tranh chấp đó. Chẳng hạn:
Trong vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ xét xử năm 2021, bản án ghi nhận: “Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng”.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xử tranh chấp đất đai năm 2021 có đoạn: “Xét bị đơn đã sử dụng nhà, đất tại… ổn định trong một thời gian dài, có công sức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, làm tăng giá trị của tài sản, nên để bảo đảm lẽ công bằng… công sức này được xác định là 30% giá trị của tài sản”.
Trong vụ án “cây chà 19 tiếng” nổi tiếng vì áp dụng tập quán địa phương, do Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm tranh chấp về cây chà năm 2020, bản án cho rằng “… công nhận cây chà 32, 30 thuộc quyền sở hữu chung của ông Nguyễn Thanh H và ông Nguyễn Văn T là có căn cứ, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán địa phương và lẽ công bằng cho các bên”.
Do chưa có quy định cụ thể về xác định và áp dụng lẽ công bằng và do các Tòa án đã dựa trên “lẽ công bằng” để xét xử nên thực tế đặt ra một số vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần phải giải quyết, cụ thể là:
Thứ nhất, thế nào là lẽ công bằng? Dường như cái được các Tòa án đề cập trong các bản án không phải là “lẽ công bằng” mà là “sự công bằng”. Vậy thực chất “lẽ công bằng” và “sự công bằng” có phải là hai cách thể hiện của một khái niệm hay là hai khái niệm độc lập?
Thứ hai, khi nào thì áp dụng lẽ công bằng? Tinh thần của quy định trong Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 là lẽ công bằng phải được coi là một nguồn luật để làm cơ sở xét xử tranh chấp dân sự, sau khi đã sử dụng tới tất cả các nguồn luật khác mà không tìm được các quy định tương ứng để xét xử. Tuy nhiên, qua việc áp dụng lẽ công bằng của các Tòa án trong các trường hợp được liệt kê thì dường như lẽ công bằng mới chỉ được sử dụng để bổ sung cơ sở cho việc xác định quyền lợi/nghĩa vụ vật chất cho phù hợp với tình huống cụ thể của tranh chấp. Ngoài lẽ công bằng, các bản án đều có đề cập tới các nguồn luật khác được sử dụng để giải quyết tranh chấp là các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và tập quán.
Thứ ba, lẽ công bằng có phụ thuộc vào các yếu tố văn hóa - xã hội như điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân trong xã hội hay không? Trường hợp có phụ thuộc, vấn đề đặt ra là khi các yếu tố đó thay đổi, chuẩn mực về lẽ công bằng có thay đổi hay không? Chẳng hạn tư duy: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” được coi là công bằng một cách khá phổ biến trong thời gian trước đây ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, đặc biệt với sự phát triển của kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, tư duy này dường như không còn phù hợp. Trường hợp lẽ công bằng là bất biến, không phụ thuộc vào sự thay đổi kinh tế - xã hội và các thay đổi khác, thì lẽ công bằng đó sẽ được áp dụng như thế nào khi xã hội thay đổi?
Thứ tư, khi xét xử, thẩm phán cũng chỉ nhìn nhận lẽ công bằng căn cứ vào nền tảng kinh tế - xã hội, học vấn, nhận thức của bản thân mình, vậy thì có thực sự là “công bằng” cho các bên không và để bảo đảm công bằng thì cần có những điều kiện, tiêu chuẩn gì đối với thẩm phán nói chung và cần có nguyên tắc, điều kiện nào đối với việc xác định lẽ công bằng trong từng tình huống cụ thể và áp dụng lẽ công bằng đó với tư cách là một nguồn luật để xét xử các tranh chấp dân sự nói riêng?
Mặt khác, pháp luật hướng tới việc bảo đảm công bằng xã hội. Hay nói cách khác, pháp luật chính là sự thể chế hóa lẽ công bằng vào các quy định cụ thể. Việc phải lấy lẽ công bằng làm nguồn luật chứng tỏ một điều là trong các quy định của pháp luật thực định (bao gồm cả các tập quán và án lệ) vẫn còn có “lỗ hổng” cần phải lấp đầy. Vậy việc hoàn thiện pháp luật sau đó sẽ phải được thực hiện cụ thể như thế nào? Liệu việc chuyển hóa lẽ công bằng vào các quy định cụ thể có phải là giải pháp hay không?
Trong thời gian tới, các cơ quan chủ trì xây dựng pháp luật cần có quan điểm rõ ràng về nội hàm của thuật ngữ lẽ công bằng như một loại nguồn luật nhằm xây dựng một cách hiểu và tiếp cận thống nhất, tránh cách hiểu hoặc giải thích không đúng về nguồn luật mới, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền hiểu và áp dụng đúng lẽ công bằng, góp phần bảo đảm công lý trong các quan hệ dân sự của người dân.
ThS. Đào Bá Minh
Nghiên cứu viên, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Theo Viện Thông tin pháp luật, Khoa Luật, trường Đại học Cornell, https://www.law.cornell.edu/wex/equity, truy cập ngày 05/10/2023.
[2]. Lệnh hay lệnh yêu cầu là một quyết định của Tòa án yêu cầu một người phải thực hiện hoặc ngừng thực hiện một hành vi nhất định - Theo Viện Thông tin pháp luật, Khoa Luật, trường Đại học Cornell, https://www.law.cornell.edu/wex/injunction, truy cập ngày 05/10/2023.
[3]. Là biện pháp khắc phục hợp đồng, theo đó Tòa án sẽ yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ như đã giao kết một cách phù hợp và chính xác nhất với thỏa thuận ban đầu. Biện pháp khắc phục này sẽ được áp dụng khi mà bồi thường bằng tiền chưa tương xứng với những thiệt hại mà biên vi phạm đã gây ra - Theo Viện Thông tin pháp luật, Khoa Luật, trường Đại học Cornell, https://www.law.cornell.edu/wex/specific_performance, truy cập ngày 05/10/2023.
[4]. Xem thêm tại: What is Equity Law, https://pediaa.com/what-is-equity-law/, truy cập ngày 05/10/2023.
[5]. Xem thêm tại: https://www.jstor.org/stable/pdf/1274509.pdf.
[6]. Xem thêm tại: https://ojs.victoria.ac.nz/vuwlr/article/view/4992/4440.
[7]. TS. Nguyễn Thị Hoa, Hoàn thiện pháp luật trọng tài ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (436), tháng 6/2021, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210862, truy cập ngày 05/10/2023.
[8]. Xem tại: Tổng hợp 20 bản án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp, http://fdvn.vn/tong-hop-20-ban-an-ap-dung-le-cong-bang-de-giai-quyet-tranh-chap/, truy cập ngày 05/10/2023; hoặc tại https://drive.google.com/file/ d/1lWgW2F5p3EE4BhhfRs3La7easrcgWMMG/view.
[9]. Các nhận xét của tác giả tạm thời chỉ dựa trên việc nghiên cứu tóm tắt bản án của FDVN Law Firm.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)