1. Quy định pháp luật về quan hệ hụi, họ
1.1. Khái niệm và đặc điểm pháp lý của hụi, họ
Theo khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Đây là giao dịch đã được hình thành từ lâu đời ở nước ta, nhằm mục đích huy động vốn và tương trợ lẫn nhau trong nhân dân và mỗi vùng, miền sẽ có cách gọi khác nhau. Chẳng hạn, tại miền Bắc thường gọi là họ, miền Trung thường gọi là biêu, phường và miền Nam thường gọi là hụi. Một số nơi còn có cách gọi khác là bưu, huê, hội... Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất là giống nhau và trong bài viết này tác giả gọi quan hệ họ, hụi, biêu, phường là hụi, họ.
Như vậy, có thể hiểu, hụi, họ là một giao dịch dân sự về tài sản và cũng là một dạng của hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng, vì nó có đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Từ đó, có thể đưa ra các đặc điểm pháp lý của hụi, họ như sau:
Thứ nhất, hụi, họ là một giao dịch dân sự được quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi tham gia hụi, họ các bên có sự thỏa thuận nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Thứ hai, hụi, họ là dạng của một hợp đồng dân sự. Do đó, hụi, họ có các đặc điểm đặc trưng của hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khi tham gia vào quan hệ hụi, họ có sự thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ, sự thỏa thuận này trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Bên cạnh đó, cá nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực nhưng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, còn phải bảo đảm điều kiện để giao dịch có hiệu lực được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ ba, giao dịch hụi, họ có tính chất tương tự như một dạng hợp đồng vay tài sản, được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhưng giao dịch hụi, họ lại có một số điểm khác so với hợp đồng vay tài sản thông thường, chẳng hạn như hoạt động vay mượn tài sản trong hụi, họ không chỉ là sự diễn ra ở bên cho vay và đi vay mà có sự hoán đổi vị trí với nhau. Ở kỳ lĩnh hụi, họ này thì hụi viên là người đi vay nhưng ở kỳ lĩnh hụi, họ sau, hụi viên đó chính là người cho vay. Quan hệ vay mượn trong giao dịch hụi, họ là giữa nhiều cá nhân vay một cá nhân và ngược lại, một cá nhân đi vay của nhiều cá nhân luân phiên giữa các thành viên trong một dây hụi. Đặc biệt, trong giao dịch hụi, họ thì cá nhân đi vay tài sản tự đặt ra mức lãi suất thông qua hình thức bỏ lãi (thành viên nào bỏ lãi cao nhất thì được hốt hụi trước). Bản chất trong hụi, họ lại khác so với hợp đồng vay tài sản thông thường vì người cho vay áp đặt lãi suất đối với người đi vay còn hụi thì ngược lại[1].
Thứ tư, việc tham gia giao dịch hụi, họ cũng thể hiện hình thức tín dụng trong nhân gian. Trong đó, chủ hụi, họ đứng ra làm trung gian tài chính làm đầu mối huy động vốn và hưởng lợi nhuận, vì vậy, việc tham gia giao dịch hụi thực chất là một quan hệ tín dụng - tín dụng dân gian.
1.2. Nguyên tắc và điều kiện tham gia hụi, họ
Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (Nghị định số 19/2019/NĐ-CP) quy định về nguyên tắc và điều kiện tham gia hụi như sau:
- Nguyên tắc tham gia hụi, họ: Việc tổ chức hụi, họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc tổ chức hụi, họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi, họ. Không được tổ chức khi vỡ hụi, họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác[2].
- Điều kiện tham gia hụi, họ: Điều 5, Điều 6 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định điều kiện tham gia hụi, họ như sau: (i) Đối với thành viên: Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. (ii) Đối với chủ hụi, họ: Chủ hụi, họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi, họ thì chủ hụi, họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
1.3. Quyền, nghĩa vụ của thành viên, chủ hụi, họ
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân. Trong quan hệ hụi, họ, chủ thể tham gia quan hệ pháp luật là cá nhân, được thể hiện dưới vai trò là chủ hụi, họ và thành viên tham gia hụi, họ. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ hụi, họ, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thành viên và chủ hụi tại Chương II như sau:
- Quyền và nghĩa vụ của thành viên được quy định chi tiết tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP bao gồm quyền, nghĩa vụ của thành viên trong hụi, họ không có lãi, trong hụi, họ có lãi và trong hụi, họ hưởng hoa hồng.
- Quyền và nghĩa vụ của chủ hụi, họ được quy định chi tiết tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP:
+ Chủ hụi, họ trong hụi, họ không có lãi có các quyền thu phần hụi của các thành viên; yêu cầu thành viên không góp phần hụi của mình phải trả phần hụi, họ trong trường hợp chủ hụi, họ đã góp thay cho thành viên đó.
+ Chủ hụi, họ trong hụi, họ có lãi có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 17; lĩnh các phần hụi, họ trong kỳ mở hụi đầu tiên và không phải trả lãi cho các thành viên khác trong trường hợp chủ hụi đồng thời là thành viên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Chủ hụi, họ trong hụi, họ hưởng hoa hồng có các quyền được quy định thuộc trường hợp hụi, họ không có lãi hoặc các quyền được quy định thuộc trường hợp hụi, họ có lãi; được hưởng hoa hồng từ thành viên lĩnh hụi, họ.
+ Nghĩa vụ của chủ hụi, họ: Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; Thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, họ; phần hụi, họ, kỳ mở hụi, họ; số lượng thành viên của từng dây hụi, họ mà mình đang làm chủ hụi, họ cho người muốn gia nhập dây hụi, họ; giao các phần hụi, họ cho thành viên lĩnh hụi, họ tại mỗi kỳ mở hụi, họ; nộp thay phần hụi, họ của thành viên nếu đến kỳ mở hụi, họ mà có thành viên không góp phần hụi, họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; để các thành viên xem, sao chụp sổ hụi, họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi, họ khi có yêu cầu; gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
1.4. Các quy định về tổ chức hụi, họ
- Về hình thức thỏa thuận về dây hụi, họ: Thỏa thuận về dây hụi, họ được thể hiện bằng văn bản, trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung văn bản thì không cần phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên, nếu các bên có yêu cầu thì được công chứng, chứng thực (Điều 7 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP).
- Về việc gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi, họ: Mọi cá nhân có thể tham gia dây hụi, họ khi được sự đồng ý của chủ hụi, họ và tất cả các thành viên, đồng thời có tài sản đủ để góp đầy đủ các phần hụi, họ theo thỏa thuận tính đến thời điểm tham gia.
Trong trường hợp thành viên muốn rút khỏi dây hụi, họ thì phải thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Đối với thành viên đã được lĩnh hụi, họ được rút khỏi dây hụi, họ khi đã đóng đầy đủ các phần hụi chưa góp và tiến hành giao cho chủ hụi, họ hoặc giao cho thành viên giữ sổ hụi, họ. (ii) Đối với thành viên đã thực hiện việc góp hụi, họ nhưng chưa được lĩnh thì sẽ được lĩnh các phần hụi, họ theo văn bản thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận, thành viên rút khỏi dây hụi được nhận lại các phần hụi, họ đã góp tại thời điểm kết thúc dây hụi, họ; nếu có lý do chính đáng thì được nhận lại phần hụi, họ đã góp tại thời điểm rút khỏi dây hụi, họ. Đồng thời, thành viên rút khỏi dây hụi, họ phải hoàn trả một phần tiền lãi đã nhận (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. (iii) Trường hợp người tham gia dây hụi, họ chết thì quyền, nghĩa vụ của người đó đã được xác lập trong quan hệ về hụi, họ được giải quyết theo quy định pháp luật về thừa kế. Việc tham gia dây hụi, họ của người thừa kế được thực hiện theo thỏa thuận của người thừa kế và những người tham gia dây hụi, họ[3].
Chấm dứt dây hụi, họ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi; mục đích tham gia dây hụi, họ của các thành viên đã đạt được; trường hợp dây hụi, họ chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia dây hụi, họ được thực hiện theo thỏa thuận về dây hụi, họ và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015[4].
- Về sổ hụi, họ, giấy biên nhận: Việc tham gia hụi, họ phải có sổ hụi, họ với các nội dung được quy định tại Điều 8 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP. Trường hợp dây hụi, họ không có chủ hụi, họ thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi, họ. Ngoài ra, khi góp, lĩnh hụi, họ, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi, họ hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.
- Về lãi suất trong hụi có lãi: Do các thành viên của dây hụi, họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi, họ tại mỗi kỳ mở hụi, họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi, họ phải góp trừ đi giá trị các phần hụi, họ đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi, họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó[5].
2. Một số biến tướng điển hình trong việc tham gia quan hệ hụi, họ hiện nay
Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tạo được hành lang pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân khi tham gia vào giao dịch về hụi, họ. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động hụi, họ trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ diễn biến phức tạp, việc góp hụi, họ bị biến tướng, trở thành vấn nạn xã hội và đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, họ gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân, gây áp lực trong công tác quản lý nhà nước, nhất là khi chủ hụi, họ có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tham gia, nhiều vụ vỡ hụi, họ gây hậu quả rất nghiêm trọng, số vụ vỡ hụi, giật hụi lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng tại một số địa phương. Một số biến tướng điển hình trong việc tham gia quan hệ hụi, họ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người tham gia hụi, họ hoặc lợi dụng việc góp hụi, họ để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ hụi, họ mạo danh tự ý lấy các phần hụi, họ của hụi viên. Với thủ đoạn này, đa số các chủ hụi, họ lợi dụng lòng tin của các hụi viên trong việc họ tin tưởng, không quan tâm đến kỳ mở hụi mà phụ thuộc vào việc chủ hụi, họ nói hụi viên nào đó lĩnh hụi, họ nhưng thực tế là do chủ hụi, họ tự lấy tên của một số hụi viên để lĩnh hụi, họ hoặc tự ý bán các phần hụi, họ của các hụi viên để lấy tiền.
Thứ hai, chủ hụi, họ đưa tên thành viên tham gia nhưng không có thật để nhận phần hụi, họ (người không thật hoặc có thật nhưng không tham gia phần hụi, họ đó). Nguyên nhân là do chủ hụi, họ không thực hiện đúng quy định về việc lập và gửi sổ hụi, họ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
Thứ ba, khi gom hụi, họ của hụi viên, chủ hụi, họ nói tiền lãi hụi thấp hơn thực tế để chiếm đoạt phần tiền lãi chênh lệch. Do tin tưởng, các hụi viên không đi đến kỳ mở hụi, họ nên họ không biết số tiền lãi mà các hụi viên bỏ ra để lĩnh hụi, họ. Chủ hụi, họ cố tình nói thấp đi số lãi để các hụi viên đóng cao hơn và chủ hụi, họ sẽ nhận được phần lãi hụi, họ chênh lệch.
Thứ tư, do chủ hụi, họ đang túng thiếu tiền nên gom được các phần hụi, họ và đến ngày thì không giao cho hụi viên lĩnh hoặc lợi dụng việc góp hụi, họ để cho vay hoặc khi các thành viên không có khả năng đóng, trả hụi thì chủ hụi, họ hoặc một số hụi viên đã nộp thay phần của hụi viên và tính lãi suất cao hoặc khi trả lãi thì mỗi kỳ mở hụi, họ cao hơn.
Thứ năm, đây là hoạt động mang tính tự phát, thường ít công khai. Trong khi số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về nhau, ít thông tin về điều kiện kinh tế, mục đích của chủ hụi. Chủ hụi, họ thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản mà thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin và không thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia, thậm chí gian dối trong mục đích, phớt lờ các quyền được xem thông tin của người tham gia, không báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định.
Nguyên nhân dẫn đến biến tướng trong việc tham gia quan hệ hụi, họ và dẫn đến những tranh chấp như sau:
- Do người dân chưa biết các quy định của pháp luật về hụi. Thực tế cho thấy, nhiều người tham gia giao dịch hụi chưa hề biết Nhà nước đã có quy định chi tiết về hụi, khi có tranh chấp phát sinh thì những người tham gia hụi đến Tòa án khởi kiện hoặc đến các cơ quan Công an gửi đơn tố cáo yêu cầu giải quyết nhưng họ không đưa ra được chứng cứ để giải quyết, thậm chí một số người cứ xem đó là một “xui rủi” trong cuộc sống mà không tìm đến cơ quan thực thi pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Qua đó, chúng ta thấy được sự hiểu biết, ý thức về pháp luật của người dân còn rất hạn chế nên đã để quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm một cách đáng tiếc. Ngoài ra, việc chơi hụi, họ giữa những người dân tại địa phương không được tổ chức và thực hiện phù hợp với quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như: Không lập sổ hụi, họ; không tổ chức họp, không tổ chức hốt hụi, họ với đầy đủ các thành viên dẫn đến các thành viên chơi hụi, họ không biết nhau, chỉ biết chủ hụi, họ; việc đóng hụi, hốt hụi các thành viên đều chỉ thông qua chủ hụi… Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp hụi, họ tại địa phương là rất khó khăn.
- Các bên chơi hụi, họ ít khi có yêu cầu đem văn bản giao dịch hụi, họ ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực. Bởi lẽ, các thành viên thường tin tưởng vào chủ hụi, họ và việc làm này tốn kém, mất nhiều thời gian nên các việc công chứng, chứng thực các văn bản giao dịch rất ít xảy ra. Nếu các bên ý thức được việc làm trên thì sẽ hạn chế tranh chấp xảy ra, quyền lợi giữa chủ hụi và thành viên sẽ được bảo đảm, an toàn hơn. Đồng thời khi có tranh chấp cũng giúp các cơ quan thực thi pháp luật giải quyết án hụi thuận lợi, hiệu quả hơn.
- Các bên chơi hụi, họ ít khi thảo luận để thống nhất đầy đủ các nội dung khi tham gia giao dịch hụi, họ. Trên thực tế, khi tham gia hụi, họ, các bên ít khi thảo luận để thống nhất đầy đủ các nội dung như: Chủ hụi, họ, số người tham gia, phần hụi, họ, kỳ mở hụi, họ, thể thức góp hụi, họ và lĩnh hụi, họ, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia hụi, họ, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, việc chuyển giao phần hụi, họ, việc ra khỏi hụi, họ, chấm dứt hụi, họ, các nội dung khác… và thường thì chỉ thỏa thuận về chủ hụi, họ, số người tham gia, phần hụi, họ, kỳ mở hụi, họ, thể thức góp và lĩnh hụi, họ. Từ đó, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp khó xác định được quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên khi có tranh chấp.
- Chủ hụi, họ lập và giữ sổ hụi, họ, nếu có tranh chấp xảy ra mà không có lợi cho chủ hụi, họ thì chủ hụi, họ sẽ không giao nộp hoặc thậm chí có thể tiêu hủy sổ hụi, họ, điều này sẽ rất khó có căn cứ xác định quyền lợi của những người tham gia.
3. Một số giải pháp góp phần hạn chế những biến tướng và tranh chấp khi tham gia vào quan hệ hụi, họ
Thứ nhất, các bên tham gia vào giao dịch hụi, họ phải thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức hụi được quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP: Về điều kiện tham gia, sổ hụi, họ, hình thức thỏa thuận hụi, họ cần lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực, thực hiện thông báo về tổ chức dây hụi bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Thứ hai, phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân hiểu biết đầy đủ các quy định về hoạt động hụi, họ. Đồng thời, tuyên truyền sâu, rộng về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên lĩnh vực này; nghiêm cấm việc tổ chức hụi, họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác… Phát huy vai trò của lực lượng Công an cấp xã trong việc phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các dây hụi, họ trên địa bàn, có giải pháp đề phòng tình trạng vỡ hụi, họ tại địa phương.
Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi vỡ hụi, họ, các bên nên yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi, họ./.
ThS. Trịnh Thị Muội
Trường Cao đẳng Luật miền Nam
[1]. La Thùy Diễm, Trần Văn Trung: “Nhận diện phương thức, thủ đoạn lợi dụng hình thức góp họ để chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Kiểm Sát, số 02/2023, tr. 57.
[2]. Xem Điều 3 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
[3]. Xem Điều 10 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
[4]. Xem Điều 11 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
[5]. Xem Điều 21 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 407), tháng 6/2024)