In this article, the authors assess the current situation of daily-life solid waste management from practice in Hanoi City, thereby proposing requirements to improve the legislation on daily-life solid waste management in Vietnam.
1. Sự tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến việc thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hà Nội
1.1. Tác động tích cực
Thứ nhất, Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa và là nơi giao dịch kinh tế lớn của cả nước. Hiện nay, Hà Nội gồm 30 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó có 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam, Hòa Bình; phía Đông giáp Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Đây là lợi thế để người dân giao lưu, trao đổi các thông tin trong mọi lĩnh vực như kinh doanh buôn bán, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ... Vì vậy, người dân thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện tiếp cận các loại thông tin đa chiều. Hà Nội có dân trí cao và thường xuyên được nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Điều này góp phần vào việc thực hiện hiệu quả pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại thủ đô.
Thứ hai, kinh tế Thủ đô Hà Nội liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong giai đoạn vừa qua. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 3,94%, tuy không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng là mức cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, GRDP tăng 7,36%; năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng ước đạt được thấp hơn trung bình giai đoạn 2016 - 2019, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 GRDP tăng 6,67% (cả nước ước 5,9%). Quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 1,024 triệu tỷ đồng, khoảng 43,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.250 USD, tăng 1,43 lần so với năm 2015, gấp 1,9 lần bình quân cả nước[1]. Do mức sống và trình độ dân trí tại Thành phố Hà Nội ngày càng cao nên người dân thủ đô luôn có thái độ ứng xử văn minh trong sinh hoạt thường nhật, có ý thức bảo vệ môi trường giữ gìn thủ đô sạch đẹp. Điều này đã tác động tích cực đến việc thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hà Nội.
1.2. Tác động tiêu cực
Thứ nhất, Hà Nội lại là một trong những thành phố “đắt đỏ” nhất thế giới và giá bất động sản không thua kém các quốc gia giàu có[2]. Điều này đã khiến người dân Hà Nội, đặc biệt tầng lớp có thu nhập thấp, phải sống trong điều kiện chật chội, thiếu tiện nghi. Trong các quận trung tâm thành phố, các đường phố của Hà Nội thường xuyên ùn tắc do cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, số lượng ô tô, xe máy, xe đạp “khổng lồ” cùng tham gia giao thông dẫn đến quá tải. Bên cạnh đó, ý thức chưa tốt của một bộ phận các cư dân thành phố cũng là những hạn chế không nhỏ ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật và thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ hai, sau lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008, điều kiện chăm sóc y tế giữa nội đô và các huyện ngoại thành Hà Nội có sự chênh lệch lớn. Nếu như tại địa phận Hà Nội cũ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 9,7%, thì ở Hà Tây, con số lên tới 17%. Tương tự, tuổi thọ trung bình tại khu vực Hà Nội cũ khá cao, 79 tuổi, nhưng sau khi mở rộng, con số này bị giảm xuống còn 75,6 tuổi. Tại không ít khu vực thuộc các huyện ngoại thành, cư dân vẫn phải sống trong điều kiện vệ sinh yếu kém, thiếu nước sạch để sinh hoạt, phải sử dụng nước ao, nước giếng[3]. Những vấn đề này cũng là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hà Nội.
2. Thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hà Nội
Thứ nhất, chất thải rắn sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, các chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hà Nội còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ hoạt động lưu giữ, chuyển giao cũng như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được chú trọng; hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải rắn sinh hoạt có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp; phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, hầu hết các bãi chôn lấp đã tồn tại từ lâu, tốn nhiều quỹ đất mà không hiệu quả; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp. Nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được xây dựng và vận hành nhưng chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường và rất chậm so với tiến độ đặt ra. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính chất tự phát nên chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ dịch vụ, hợp tác xã, chưa phù hợp với thực tế xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam do chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm không khí cao, thiết bị xử lý bụi, khí thải đi kèm không bảo đảm.
Thứ hai, trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của một số chủ thể có liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, người dân thủ đô, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu chung cư, văn phòng có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và các chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt khác chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Nhận thức của một bộ phận người dân thủ đô trong các khâu phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Chất thải rắn sinh hoạt chưa được tận dụng tối đa phần có ích để tái chế, tái sử dụng. Tại nhiều quận, huyện, xã, phường của Thủ đô Hà Nội, một bộ phận người dân chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng phí vệ sinh môi trường theo quy định. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt còn vì lợi ích kinh tế mà “quên” đi hoặc chưa có ý thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Việc phân công chức năng nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt giữa các cơ quan có liên quan đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc lập và thực hiện quy hoạch về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hợp lý, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội, một số quy hoạch đã lập từ lâu nên bị lạc hậu so với tình hình thực tế nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Quy định về phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thấp, không đủ chi phí cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Sự vào cuộc của chính quyền chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao, nên các quận, huyện của Thành phố Hà Nội vẫn đang thụ động trong việc quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc ban hành giá, phí vệ sinh chưa theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng ứ đọng chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều quận, huyện của Hà Nội, nhất là các khu vực ngoại thành, với tỷ lệ thu gom chỉ đạt gần 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (ước khoảng 2.500 tấn/ngày). Nhiều huyện xa trung tâm Thành phố Hà Nội chưa có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, nên còn có hiện tượng tận dụng các ao, hồ, các vùng trũng để đổ rác, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật và tạo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm của khu vực...
Thứ tư, các văn bản quy định việc thực hiện các khâu trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa hoàn thiện; thiếu các hướng dẫn cụ thể chi tiết cho lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với mục tiêu thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, chuyển giao và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thiếu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn lựa chọn mô hình công nghệ xử lý phù hợp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, dẫn đến việc “lúng túng” trong lựa chọn chủ đầu tư. Quy định về khoảng cách an toàn môi trường của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến những hạn chế, vướng mắc do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong lựa chọn vị trí xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt). Việc bổ sung các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gặp khó khăn; chưa có văn bản hướng dẫn về các công trình cần điều chỉnh vào quy hoạch điện lực theo quy định của Luật Quy hoạch, nên tiến độ triển khai các dự án điện rác chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Trong những tháng cuối năm 2021, Thủ đô Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu tập trung vào nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng phát sinh lượng chất thải sinh hoạt lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã phối hợp kịp thời với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trong số 11.071 công trình được kiểm tra, có 240 công trình vi phạm, trong đó có nhiều công trình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các công trình lân cận[4]… Các khu vực ô nhiễm như mương Thụy Khuê, quận Tây Hồ, nhiều năm liền ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay, đã được đầu tư bê tông cống hóa kiên cố. Tại quận Đống Đa, Ủy ban nhân dân quận đã xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm tại 03 hồ lớn là hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, hồ Khương Thượng. Tại huyện Phú Xuyên, Ủy ban nhân dân huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm các điểm tập kết rác thải không đúng nơi quy định, các điểm tập kết rác lộ thiên trên địa bàn, cải tạo thành các đoạn đường, điểm trồng cây, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trong trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, có thể kể tới việc tồn tại rất nhiều các bãi rác tự phát mà một số người dân thiếu ý thức thường “lén lút” mang tới đổ trộm gây ô nhiễm ở khu vực này vẫn xuất hiện thường xuyên. Việc để cho nhiều bãi rác thải tự phát tồn tại xung quanh khu vực công viên như vậy không chỉ tạo nên hình ảnh “nhếch nhác”, mất mỹ quan đô thị, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
3. Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam
So với những quy định pháp luật ở những quốc gia có trình độ quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường tốt thì những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế. Sự hạn chế này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước ta, cũng như nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, theo tác giả, việc hoàn thiện pháp luật quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải tiến hành theo các định hướng sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược xây dựng pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải trên cơ sở vận dụng linh hoạt các lý thuyết hiện đại về phát triển bền vững; về phòng ngừa ô nhiễm môi trường; những quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước về ý nghĩa của hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với việc phát triển kinh tế bền vững tại các đô thị lớn ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của người dân thủ đô.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật bảo vệ môi trường. Những nguyên tắc đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường nói chung. Nó có thể được coi như cơ sở, nền tảng cho những quy định cụ thể của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho tất cả các tỉnh thành, địa phương và nhất là đối với các đô thị lớn ở Việt Nam.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải phù hợp với thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong tất cả các công đoạn và phải trên cơ sở sửa đổi, bổ sung, phát triển những quy định hiện hành.
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải xác định đầy đủ và chính xác các yêu cầu của nó. Có thể khái quát lại những yêu cầu đó là: Khi xây dựng các nội dung trong pháp luật quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam cần quan tâm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành; được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các yêu cầu về phát triển bền vững; chú ý đến yếu tố phòng ngừa; thực hiện nguyên tắc ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền; pháp luật quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, mang tính ổn định và phù hợp với xu thế phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
TS. Lê Kim Nguyệt & Học viên cao học Chử Trọng Nghĩa
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. https://kinhtedothi.vn/tang-truong-grdp-nam-2020-cua-ha-noi-dat-muc-cao-so-voi-muc-chung-cua-ca-nuoc.html, truy cập ngày 25/12/2021.
[2]. https://tuoitre.vn/ha-noi-va-tphcm-trong-nhom-50-thanh-pho-dat-do-nhat-the-gioi-146903.htm, truy cập ngày 01/10/2021.
[3]. https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-thu-do-ha-noi-can-tich-hop-xu-ly-chat-thai-ran.html, truy cập ngày 20/10/2022.
[4]. https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/ha-noi-tang-cuong-thanh-kiem-tra-xu-ly-diem-den-o-nhiem-329660.html, truy cập ngày 12/12/2021.