Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 84,1% đại biểu tán thành.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ hơn một số nội dung qua thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Đối với yêu cầu thi hành án (Điều 31), đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến: Thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật giữ quy định hai cơ chế ra quyết định thi hành án: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu.
Thứ hai, đề nghị bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án. Vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá quy định về cơ chế ra quyết định thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng của Luật này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về cả hai phương án. Tuy nhiên, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về phương án “bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án” chưa có sự đồng thuận cao.
Thực tiễn cũng cho thấy cơ chế ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. Hiệu quả hạn chế trong thi hành án dân sự hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về yêu cầu thi hành án như Điều 31 dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự (Điều 170), qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thường xuyên báo cáo Tòa án về tiến độ, kết quả thi hành tất cả bản án, quyết định, làm cơ sở Tòa án theo dõi, giám sát việc thi hành án và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong việc báo cáo kết quả thi hành án cho Tòa án.
Có ý kiến đề nghị chỉ quy định cơ quan thi hành án dân sự báo cáo khi có yêu cầu của Tòa án. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, để đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc xem xét lại bản án, quyết định có sai sót theo quy định của pháp luật thì cần bổ sung quy định cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành án đối với Tòa án.
Tuy nhiên, do Tòa án không phải là cơ quan quản lý về thi hành án dân sự, nên việc báo cáo chỉ cần thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án mà không nhất thiết phải báo cáo thường xuyên để giảm bớt thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân tại các điều 14, 15 và 16 dự thảo Luật.
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Trên cơ sở tán thành với sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội mà điều quan trọng hơn là phải xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
Ý kiến khác nhau về hình thức sở hữu
Thảo luận về hình thức sở hữu (Điều 206), dự thảo quy định hai phương án về hình thức sở hữu: Phương án 1 xác định ba hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định hai hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như Bộ luật Dân sự hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, hiện có hai loại ý kiến.
Một số ý kiến tán thành với phương án 1 vì cho rằng nếu chỉ quy định hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất "nhiều hình thức sở hữu" của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp (sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân...).
Theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khóang sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, các loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, các văn bản pháp luật, nhất là Bộ luật Dân sự cần phải ghi nhận về sở hữu toàn dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) phương án 1 thể hiện được đầy đủ, toàn diện các hình thức sở hữu hiện đang tồn tại của nước ta, trong đó có sở hữu pháp nhân nằm trong nội hàm sở hữu chung.
Đại biểu cho rằng việc xác định hình thức sở hữu phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành, một số ý kiến đề nghị chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng có sở hữu toàn dân như hình thức sở hữu chung mà Hiến pháp đã ghi. Sở hữu chung chính là sở hữu quốc gia, đại diện là Nhà nước. Đối với chủ thể sở hữu, đại biểu cũng đề nghị nên sử dụng hai chủ thể rõ ràng là pháp nhân, thể nhân.
Làm rõ các loại pháp nhân
Về các loại pháp nhân (Điều 111 và Điều 112), dự thảo Bộ luật quy định hai loại pháp nhân cơ bản, đó là pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá thực tiễn áp dụng Bộ luật dân sự 2005 cho thấy chế định pháp nhân còn nhiều bất cập và cần được sửa đổi. Tuy nhiên dự thảo lần này không thay đổi cách tiếp cận so với Bộ luật hiện hành về khái niệm pháp nhân, thậm chí quy định của dự thảo còn thiếu rõ ràng so với luật hiện hành.
Đại biểu khẳng định chưa có đột phá nào trong dự thảo về khái niệm pháp nhân và do vậy tất cả những vướng mắc trên thực tế đã không được xử lý. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng việc xác định tổ chức là pháp nhân hay không theo quy định cụ thể của pháp luật...
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần làm rõ pháp nhân công và pháp nhân tư. Đối với pháp nhân công cần làm rõ hai loại: pháp nhân công quyền và pháp nhân phi công quyền. Trong đó, pháp nhân công quyền là các cơ quan chính quyền, tòa án... còn pháp nhân phi công quyền là những tổ chức xã hội như bệnh viện, trường học...
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nhận định dự thảo mới chỉ giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới khi hợp nhất, sát nhập, chia tách và chuyển đổi mà chưa đề cập đến giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới đối với quyền và lợi ích đã được xác định trước thời điểm trên giữa các pháp nhân này đối với bên thứ 3.
Đại biểu đề nghị bộ luật cần có nội dung khẳng định nguyên tắc việc hợp nhất, sát nhập, chia tách, chuyển đổi pháp nhân không phải là việc chuyển quyền và lợi ích của bên thứ 3 được xác lập trước thời điểm đó, trừ trường hợp có sự nhất trí của bên thứ 3. Điều này là hết sức quan trọng vì sẽ đảm bảo tính ổn định và mang tính chất dân sự, đại biểu khẳng định.
Bảo vệ quyền lợi của người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản nhưng ngay tình
Thảo luận về bảo vệ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản nhưng ngay tình (gọi tắt là người thứ ba ngay tình) khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 145), dự thảo Bộ luật bổ sung quy định về giao dịch dân sự với người thứ ba không bị vô hiệu trong trường hợp giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2 Điều 145).
Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa (khoản 3 Điều 145).
Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) đánh giá việc bảo vệ người thứ 3 ngay tình của dự thảo luật đã được mở rộng hơn so với luật hiện hành. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định như dự thảo Bộ luật chưa đảm bảo được quyền dân sự của công dân; xem nhẹ người chủ đích thực, nhất là những đối tượng giao dịch được lưu truyền nhiều đời cũng như việc bảo vệ hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đăng ký tài sản là bất động sản hoặc động sản được đăng ký quyền sở hữu.
Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị nội dung này cần giữ nguyên như luật hiện hành, chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 138 của Bộ luật dân sự 2005 như sau: Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản để đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ 3 ngay tình thì giao dịch với người thứ 3 vô hiệu trừ trường hợp người thứ 3 ngay tình có được tài sản này thông qua bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, hoặc giao dịch với người mà theo bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản.
Về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu: tại khoản 2 Điều 145 của dự thảo có quy định trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ 3, người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ 3 biết, hoặc phải biết tài sản đó đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ cho rằng quy định trên chỉ bảo vệ quyền lợi cho người thứ 3 nhưng không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu.
Theo đại biểu, quá trình giải quyết sẽ khó chứng minh được người thứ 3 có thật sự ngay tình hay không cho dù biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp ngoài ý chí của chủ sở hữu nhưng nếu biết người thứ 2 trong giao dịch dân sự không còn khả năng thanh toán thì người thứ 3 sẽ không bao giờ thừa nhận là họ biết, để không bị ràng buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu (nhất là trong trường hợp người thứ 2 trong giao dịch có sự thông đồng với người thứ 3).
Như vậy quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị nên giữ nguyên quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình như Điều 138 của Bộ luật hiện hành là phù hợp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác: thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (Điều 179); áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật (Điều 12 và Điều 13).
Theo Chương trình, chiều 25/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).