Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Trong đó, thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Do không giữ vai trò quan trọng và chính yếu trong công ty hợp danh, vì thường được quan niệm chỉ là những chủ thể tham gia đóng góp nguồn vốn cho công ty để tìm kiếm lợi nhuận, nên quyền hạn và nghĩa vụ của thành viên góp vốn khá hạn chế. Điều này làm cho thành viên góp vốn thường gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động tại công ty.
Ở Việt Nam, công ty hợp danh là một trong những loại hình công ty xuất hiện sớm nhất. Sau này, trải qua các biến cố của lịch sử Việt Nam, kể từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, công ty hợp danh mới được pháp luật quy định trở lại. Mặc dù vậy, khác với quy định tại nhiều quốc gia trên thế giới, các Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020 đều quy định công ty hợp danh tồn tại hai loại hình thành viên khác nhau về tư cách pháp lý. Trong đó, đối với thành viên góp vốn, do được xác định không giữ vai trò quan trọng và chính yếu tại công ty hợp danh, vậy nên, quyền hạn và nghĩa vụ của thành viên góp vốn khá hạn chế. Điều này làm cho thành viên góp vốn thường gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động tại công ty và thậm chí bị các thành viên hợp danh chèn ép gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp.
1. Quy chế pháp lý của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh và những vấn đề đặt ra
Nếu thành viên hợp danh là yếu tố then chốt không thể thiếu được trong việc hình thành, tồn tại và phát triển của công ty hợp danh, thì vai trò của thành viên góp vốn chỉ là thứ yếu[1]. Bởi lẽ, trái ngược với thành viên hợp danh, thành viên góp vốn thường được quan niệm chỉ là những chủ thể tham gia đóng góp nguồn vốn cho công ty để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, điều kiện để trở thành thành viên góp vốn khá đơn giản, dễ dàng. Cũng chính vì thế, quy chế pháp lý của thành viên góp vốn so với thành viên hợp danh luôn có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, về cơ bản, quyền hạn và nghĩa vụ của thành viên góp vốn như sau:
Thứ nhất, về các quyền hạn của thành viên góp vốn
- Thành viên góp vốn mặc dù không có quyền quản lý điều hành công ty hợp danh nhưng họ vẫn có quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn (điểm a khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Về nguyên tắc, trong các trường hợp, công ty có sự tham gia của cả thành viên góp vốn và thành viên góp vốn được tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên phải bao gồm toàn thể các thành viên kể cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Mỗi thành viên chỉ có một phiếu bầu và quyết định của Hội đồng được thông qua bởi ít nhất 3/4 số thành viên hợp danh nhất trí chấp thuận[2]. Mặc dù được quyền tham gia Hội đồng thành viên, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại không cho phép thành viên góp vốn có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên. Bởi vì, chỉ có thành viên hợp danh mới có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên (khoản 2 Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Đây chính là vấn đề gây ra sự khó khăn, cản trở cho thành viên góp vốn khi cần đề nghị Hội đồng thành viên họp để giải quyết những vấn đề quan trọng.
- Được chia lợi nhuận hằng năm hay lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của công ty hợp danh tương ứng với tỷ lệ vốn góp của thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn thường tham gia công ty hợp danh khi công ty này cần bổ sung nguồn vốn hoặc trong một số trường hợp đặc biệt khác. Tuy nhiên, vai trò chính của thành viên góp vốn chủ yếu mang lại nguồn tài chính cho công ty và được nhận khoản lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp khi công ty hợp danh kinh doanh có lãi.
- Thành viên góp vốn có quyền được cung cấp các báo cáo tài chính hằng năm của công ty hợp danh và có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc các thành viên hợp danh phải cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty. Thành viên góp vốn cũng có quyền được xem xét sổ sách kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và các loại tài liệu khác của công ty. Có thể nói, đây đều là các quyền hạn rất quan trọng của thành viên góp vốn, bởi lẽ, thành viên này không được quyền tham gia vào các công việc quản lý, điều hành việc kinh doanh của công ty nên “thành viên góp vốn rất dễ chịu thiệt hại, nếu như họ không nhận được kịp thời thông tin về mọi tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty hợp danh”[3]. Thế nên, để đảm bảo quyền lợi của mình, thành viên góp vốn cần phải biết và được quyền giám sát về tình hình hoạt động kinh doanh và các nguồn tài chính của công ty. Nghiên cứu cho thấy, pháp luật của hầu hết các quốc gia đều rất quan tâm đến quyền được thông tin của thành viên góp vốn. Tại Pháp, ngoài việc được thông báo về các tài liệu kế toán trước ngày họp hội đồng hàng năm, thành viên không phải là người quản lý có quyền 02 lần trong năm, được thông báo về các sổ sách, tài liệu… có quyền được xem các tài liệu bao gồm quyền sao chép tài liệu[4]. Theo khoản 3 Điều 166 Bộ luật Thương mại Đức, các thành viên góp vốn có quyền kiểm tra hạn chế. Họ có thể yêu cầu bản sao tổng kết cuối năm và kiểm tra sự chính xác của nó[5]. Điều đó cho thấy, quyền được thông tin có giá trị và quan trọng như thế nào đối với thành viên góp vốn.
- Thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của họ tại công ty hợp danh cho người khác. Nếu so với thành viên hợp danh thì thành viên góp vốn thực hiện quyền hạn này khá đơn giản, dễ dàng và không bị pháp luật đưa ra nhiều hạn chế, ràng buộc như thành viên hợp danh. Do đó, đây được xem là thuận lợi đối với thành viên góp vốn, bởi khi không còn muốn đầu tư vào công ty hợp danh thì thành viên góp vốn có thể dễ dàng và nhanh chóng rút lui khỏi công ty này.
- Thành viên góp vốn còn có quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, cần lưu ý, thành viên góp vốn chỉ được quyền nhân danh bản thân họ chứ không được đại diện cho công ty hợp danh. Bởi vì, thành viên góp vốn không chịu nghĩa vụ liên đới và trách nhiệm vô hạn như thành viên hợp danh. Vì thế, nếu thành viên góp vốn đứng ra giao dịch với người thứ ba bên ngoài có thể làm cho người thứ ba này lầm tưởng thành viên góp vốn cũng giống như thành viên hợp danh tức là phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới. Hơn nữa, nếu thành viên góp vốn cũng có quyền đại diện cho công ty giao dịch thì sẽ làm giảm mất vai trò và quyền hạn của thành viên hợp danh. Do vậy, pháp luật thường không quy định cho phép thành viên góp vốn có tư cách thương nhân như thành viên hợp danh. Còn trong trường hợp, nếu thành viên góp vốn cố tình tự nhân danh cho công ty hợp danh giao dịch với bên ngoài thì lập tức quy chế pháp lý của thành viên góp vốn sẽ chuyển sang thành quy chế pháp lý của thành viên hợp danh. Điều đó có nghĩa, kể từ thời điểm này, thành viên góp vốn cũng sẽ có các quyền hạn và phải gánh chịu nghĩa vụ pháp lý giống như thành viên hợp danh. Đương nhiên, trong đó thành viên góp vốn cũng sẽ phải liên đới và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty hợp danh.
- Thành viên góp vốn được pháp luật cho phép tự do định đoạt phần vốn góp của họ tại công ty hợp danh dưới các hình thức như để lại thừa kế, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty hợp danh. Ngoài ra, trong trường hợp thành viên góp vốn chết thì những người thừa kế của thành viên này sẽ được quyền thay thế để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Quy định này khiến việc trở thành thành viên của người thừa kế thành viên góp vốn khác với người thừa kế thành viên hợp danh, vì người thừa kế thành viên hợp danh chỉ được trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận[6].
- Trong trường hợp công ty hợp danh bị giải thể hoặc phá sản thì thành viên góp vốn vẫn có quyền được hưởng một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp của họ trong công ty.
- Ngoài ra, thành viên góp vốn còn có quyền đề nghị công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp của họ khi giấy đó mất, bị hủy hoại, hư hỏng hoặc bị tiêu hủy… Các quyền hạn khác của thành viên góp vốn được quy định trong Điều lệ công ty hợp danh hoặc từ sự thỏa thuận giữa các thành viên trong công ty với nhau.
Tóm lại, không phải là những nhân vật chính mà có thể quyết định sự hình thành, tồn tại của công ty và cũng không phải gánh chịu nghĩa vụ liên đới và trách nhiệm vô hạn, vậy nên, quyền hạn của thành viên góp vốn khá hạn chế. Chủ yếu quyền hạn của thành viên góp vốn chỉ để cho thành viên này có thể tham gia và quyết định một số vấn đề liên quan đến phần vốn góp của mình.
Thứ hai, các nghĩa vụ của thành viên góp vốn
- Công ty hợp danh là công ty thuộc hình thức của công ty đối nhân[7]. Thế nên, thông thường, người ta đã quen với việc các thành viên của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn và nghĩa vụ liên đới đối với mọi nghĩa vụ tài sản. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn so với hầu hết các quốc gia quy định về công ty hợp danh đó chính là trong công ty hợp danh tại Việt Nam hiện nay, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp. Nói cách khác, nghĩa vụ về tài chính quan trọng nhất của thành viên góp vốn đối với công ty hợp danh chính là thành viên góp vốn sẽ chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp. Về bản chất, trách nhiệm hữu hạn được xác định là nghĩa vụ của cổ đông hay thành viên phải trả các khoản nợ của công ty được giới hạn trong số vốn đã cam kết góp vào công ty[8]. Điều này trái ngược hoàn toàn so với chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh. Do đó, đã có nhận xét cho rằng, thành viên góp vốn được hưởng cơ chế chịu trách nhiệm hữu hạn trong công ty hợp danh là trái ngược với bản chất chung của mọi loại hình công ty đối nhân, bởi lẽ, khi tham gia vào một công ty thuộc loại hình công ty đối nhân thì mọi thành viên đều phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty. Là công ty đối nhân nhưng chỉ các thành viên hợp danh mới bị áp dụng nguyên tắc chịu trách nhiệm vô hạn, còn thành viên góp vốn thì chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp tại công ty hợp danh. Có thể thấy rằng, mặc dù cũng tham gia vào một công ty đối nhân, thế nhưng, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về tài sản giống như cổ đông của công ty cổ phần hay thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì thế, nếu so sánh nghĩa vụ về tài chính của thành viên góp vốn với thành viên hợp danh thì thành viên góp vốn đã gặp rất nhiều lợi thế và có sự bảo đảm an toàn đối với nguồn tài chính. Bởi lẽ, thành viên góp vốn có thể phần nào tự giới hạn rủi ro phải chịu khi tham gia đầu tư tại công ty hợp danh.
- Thành viên góp vốn có nghĩa vụ phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết vào công ty. Trong trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn cam kết thì số vốn đó sẽ được coi là khoản nợ của thành viên góp vốn với công ty. Nếu trường hợp này xảy ra thì thành viên góp vốn có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên. Về nguyên tắc, thành viên góp vốn mới sẽ phải cam kết góp vốn vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận (khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
- Thành viên góp vốn không được quyền tham gia quản lý điều hành công ty và không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. Tại công ty hợp danh, nguyên tắc pháp định, chỉ thành viên hợp danh mới có quyền tham gia quản lý điều hành và tiến hành công việc kinh doanh của công ty này.
- Thành viên góp vốn có nghĩa vụ tuân thủ điều lệ công ty, nghị quyết và các quyết định khác của Hội đồng thành viên. Với tư cách là một trong các thành viên của công ty, vậy nên, các quy định nội bộ của công ty hay các quyết định của Hội đồng thành viên đều áp dụng chung đối với mọi thành viên.
- Ngoài ra, trong quá trình tham gia công ty hợp danh, thành viên góp vốn còn có các nghĩa vụ khác căn cứ theo quy định tại điều lệ công ty.
Tóm lại, nghĩa vụ của thành viên góp vốn cũng tương ứng với quyền hạn mà thành viên này có được. Tuy nhiên, thành viên góp vốn có thể dễ dàng rút lui khỏi công ty hợp danh mà không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty này.
2. Kiến nghị
Hội đồng thành viên là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất và là cơ quan quản lý duy nhất đối với công ty hợp danh. Vì thế, về nguyên tắc, mọi vấn đề quan trọng của công ty đều được đưa ra bàn, thảo luận và giải quyết công khai tại Hội đồng thành viên. Mặc dù, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho phép thành viên góp vốn được quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên, thế nhưng, có thể thấy rằng, sự tham gia của thành viên góp vốn vào Hội đồng thành viên dường như chỉ mang tính hình thức. Bởi lẽ, thực quyền quyết định tại công ty hợp danh hoàn toàn thuộc về thành viên hợp danh. Vì vậy, nếu các thành viên hợp danh liên kết với nhau để đưa ra các quyết định có lợi cho họ thì quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn có thể bị xâm hại và ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, từ thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam trong một số năm gần đây cho thấy tình trạng khá phổ biến đó là, không ít nhà đầu tư có nhiều tiền đã thuê mướn một số người đứng ra với danh nghĩa là thành viên hợp danh để thành lập công ty hợp danh vì muốn kinh doanh một số lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, điển hình như văn phòng công chứng hay văn phòng thừa phát lại. Do không đủ điều kiện hoặc không muốn đứng danh nghĩa là thành viên hợp danh, thế nên, các nhà đầu tư này chỉ có thể là thành viên góp vốn. Tuy nhiên, các thành viên góp vốn này lại có quyền thuê mướn và chỉ đạo thành viên hợp danh làm việc. Vì vậy, vai trò của thành viên góp vốn và thành viên hợp danh trong các công ty này đã bị đảo ngược. Thành viên hợp danh lại trở thành những người làm thuê, còn thành viên góp vốn mới là người chủ thật sự của công ty hợp danh. Mặc dù vậy, có thể giữa thành viên góp vốn và thành viên hợp danh đã có sự thỏa thuận trước, thế nhưng, về mặt pháp lý, thành viên hợp danh mới là người có những quyền hạn quyết định các vấn đề quan trọng của công ty hợp danh. Do đó, nếu thành viên góp vốn và thành viên hợp danh phát sinh mâu thuẫn mà chỉ có thể được giải quyết khi tổ chức Hội đồng thành viên nhưng thành viên góp vốn lại không có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên thì việc giải quyết mâu thuẫn sẽ rất khó khăn, phức tạp và như vậy, quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên góp vốn không biết sẽ được pháp luật bảo vệ bằng cách nào? Vậy nên, để phù hợp với yêu cầu kinh doanh hiện nay và còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia dưới tư cách thành viên góp vốn, nhóm tác giả cho rằng, cần quy định cho phép thành viên góp vốn cũng có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên triệu tập họp Hội đồng thành viên. Bởi vì, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể triệu tập họp Hội đồng thành viên khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của thành viên hợp danh (khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Tất nhiên, để tránh trường hợp thành viên góp vốn lạm dụng quyền hạn này gây khó khăn cho công ty hợp danh và các thành viên hợp danh thì có thể quy định một tỷ lệ vốn tối thiểu mà thành viên góp vốn phải có đủ thì mới được quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên triệu tập họp Hội đồng thành viên hoặc quy định rõ quyền yêu cầu họp của thành viên góp vốn chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Có như vậy, khi thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phát sinh mâu thuẫn, thành viên góp vốn mới có cơ sở để yêu cầu Hội đồng thành viên giải quyết và quy định này còn góp phần giảm bớt sự lạm quyền của thành viên hợp danh.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguyễn Văn Phước
Văn phòng Chính phủ
[1]. Minh Ngọc và Ngọc Hà (2011), Luật Kinh tế, Nxb. Lao động, tr. 231.
[2]. Nguyễn Mạnh Bách (2006), Các công ty thương mại, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr. 83.
[3]. Nguyễn Vinh Hưng (2019), Các mối quan hệ pháp lý của công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Nghề luật, số 01, tr. 69.
[4]. Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật thương mại, Luật kinh doanh, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 203 - 204.
[5]. Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Pháp lý, tr. 63 - 64.
[6]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, tập I, Nxb. Công an nhân dân, tr. 154.
[7]. Bùi Ngọc Cường (2010), Giáo trình Luật Thương mại, tập 1, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr. 52.
[8]. Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật Doanh nghiệp: Tình huống - phân tích - bình luận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 69.