Thực tế trong nhiều năm vừa qua, hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường dần được phát hiện và xử lý. Thực tế xử lý các vụ việc cho thấy vai trò rất quan trọng của các quy định pháp luật trong việc xử lý hành vi vi phạm, nhất là pháp luật hình sự - công cụ pháp lý sắc bén của Nhà nước trong quản lý xã hội.
Qua tổng kết Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy các quy định về tội phạm môi trường chứa đựng nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường như: (i) Các quy định về cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng như quy định cấu thành vật chất (đòi hỏi phải có yếu tố hậu quả xảy ra thì mới xử lý trách nhiệm hình sự, trong khi hậu quả của các hành vi vi phạm về môi trường không xảy ra ngay lập tức mà có thể xảy ra sau một thời gian dài); (ii) Hầu hết các điều luật quy định tội phạm về môi trường chỉ quy định rất chung chung về "gây hậu quả nghiêm trọng”, "gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà chưa có một văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành hướng dẫn phân biệt các mức độ vi phạm, gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong việc xử lý các hành vi phạm tội; (iii) Về chủ thể vi phạm các tội phạm về môi trường, BLHS năm 1999 chỉ quy định các chủ thể là các cá nhân mà chưa quy định chủ thể của tội phạm là các pháp nhân, trong khi đó thực tiễn thời gian qua cho thấy các pháp nhân mới là chủ thể gây ra các vụ việc ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Việc không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội phạm về môi trường cùng với những hạn chế của các chế tài hành chính, dân sự đã làm giảm đáng kể hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm về môi trường. Từ những bất cập đó, đòi hỏi phải xây dựng các quy định mang tính khả thi, theo hướng có thể xử lý ngay dựa trên hành vi vi phạm, không phải đợi đến khi hậu quả xẩy ra; các vi phạm phải được định lượng cụ thể, trên cơ sở so sánh với các hành vi đang được quy định trong các văn bản xử lý vi phạm hành chính các vi phạm về môi trường. Các quy định cũng được sửa đổi để phù hợp với các văn bản chuyên ngành và với các chuẩn mực quốc tế quy định về vấn đề này.
BLHS năm 2015 đã cơ bản khắc phục được những bất cập của các quy định về tội phạm môi trường trong BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Chương XIX BLHS năm 2015 gồm có 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246) quy định các tội phạm xâm phạm đến môi trường và hệ sinh thái. BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, cụ thể:
1. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường
So với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), BLHS năm 2015 có những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây: (i) Sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường; (ii) Bổ sung 01 tội danh mới; (iii) Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền; (iv) Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội phạm về môi trường.
Thứ nhất, về việc sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể
Một số tội phạm về môi trường đã được sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý nhằm đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thay cho quy định mang tính chung chung trước đây. Tại cấu thành một số tội phạm đã bỏ quy định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” và thay vào đó là quy định về hành vi vi phạm cụ thể.
Ví dụ: Nếu như Điều 182a BLHS năm 1999 về tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại quy định “người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì Điều 235 BLHS năm 2015 quy định các hành vi vi phạm với các mức định lượng cụ thể như: Người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.
Tại một số điều luật khác, các dấu hiệu định tội mang tính định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “diện tích lớn” trước đây đều được định lượng hóa.
Ví dụ 1: Điều 189 BLHS năm 1999 về tội hủy hoại rừng quy định “người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng”, “hủy hoại diện tích rừng rất lớn”, “ hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”. Tại BLHS năm 2015, những quy định này đã được thay thế bằng những định lượng cụ thể với các loại rừng như rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng sản xuất, rừng đặc dụng. Ví dụ, khoản 1 Điều 243 quy định hành vi hủy hoại cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); rừng sản xuất có diện tích từ trên 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2); rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2); rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2), thì bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại rừng.
Điều 243 đã cụ thể hóa dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại BLHS năm 1999 bằng các định lượng cụ thể như gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.
Ví dụ 2: Điều 246 BLHS năm 2015 về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại đã bỏ quy định mang tính không cụ thể “người nào cố ý nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 1 Điều 191a BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và thay vào đó là các hành vi vi phạm cụ thể như “nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, “phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Tương tự, tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” cũng được thay bằng các định lượng cụ thể.
Ở lần sửa đổi lần này, đối với các tội phạm quy định cấu thành hình thức (tức là việc xử lý về hình sự sẽ căn cứ vào hành vi phạm tội, mà không cần phải đợi hậu quả của hành vi) thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự được quy định dựa trên cơ sở tham khảo quy định của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào tính hợp lý, khả thi của quy định. Ví dụ: Đối với tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 BLHS năm 2015), hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,5 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày thì bị xử lý hình sự, trong khi theo quy định của Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức xử phạt cao nhất là từ 950 triệu đến một tỷ đồng trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày trở lên. Như vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy định các mức xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với quy định của BLHS vừa được ban hành.
Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, các trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý với mức phạt tiền rất cao, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.
Thứ hai, BLHS năm 2015 đã bổ sung 01 tội danh mới: “Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông” (Điều 238)
Tội danh này được bổ sung nhằm xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; bảo vệ bờ, bãi sông; các hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; không tuân thủ quy trình, quy chuẩn vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, công trình phân lũ, làm chậm lũ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực tiễn vừa qua cho thấy nhiều vụ việc các cơ sở thủy điện xả lũ không đảm bảo thời gian thông báo cho các vùng dân cư ở khu vực hạ lưu gây ngập lụt, thiệt hại về vật chất nặng nề cho một số khu vực dân cư đó; các hành vi khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép diễn ra phổ biến, gây hậu quả sạt lở nghiêm trọng cho các bờ, bãi sông… trong khi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này không đủ tính răn đe và phòng ngừa hành vi vi phạm.
Tội phạm có cấu thành vật chất, các hành vi phạm tội chỉ bị xử lý hình sự khi gây ra các thiệt hại về sức khỏe của con người hoặc thiệt hại về tài sản. Hình phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 1 bao gồm phạt tiền với mức phạt từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Khoản 2, 3 quy định chế tài đối với các trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, làm chết người, gây thiệt hại về tài sản) với mức phạt tiền cao nhất lên đến 2 tỷ đồng và phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 đến 05 năm.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các điều luật theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền
Do tính chất nghiêm trọng của các tội phạm môi trường và xét mục đích chủ yếu của các hành vi phạm tội là nhằm vào lợi ích kinh tế nên phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được mở rộng, mức phạt tiền được nâng lên đảm bảo tính răn đe, trừng trị đối với các hành vi vi phạm. Trước hết, về việc mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền: Hình phạt tiền đã được bổ sung tại khung cơ bản (khoản 1) tại khoản 1 Điều 241 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (đây là điều luật duy nhất không quy định hình phạt tiền tại khung cơ bản tại BLHS năm 1999). Hình phạt tiền đã được quy định tại khung tăng nặng của một số tội (ví dụ: Tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm). Về việc nâng mức phạt tiền tại các điều luật: Các điều luật đã có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, mức phạt tiền được quy định ở mức rất cao, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Ví dụ: Tại Điều 146 về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại, mức phạt tiền được nâng lên, khoản 1 quy định mức phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng thay cho mức quy định của Điều 191a BLHS năm 1999 là từ 50 triệu đến 500 triệu đồng; Điều 243 về tội hủy hoại rừng quy định hình phạt tiền tại khoản 1 được nâng lên mức từ 50 triệu đến 500 triệu so với quy định tại BLHS năm 1999 là từ 10 triệu đến 100 triệu để đảm bảo tính răn đe.
Thứ tư, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm về môi trường
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của nước ta, trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân thương mại đã được quy định vào trong BLHS năm 2015. Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều pháp nhân, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng nhưng do BLHS chưa quy định vấn đề này nên việc xử lý trách nhiệm của các pháp nhân này gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả. Trong khi đó, các chế tài hành chính với mức xử phạt tiền cao nhất đến 2 tỷ đồng đối với các pháp nhân không đảm bảo tính răn đe và không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cơ chế kiện dân sự hiện nay cũng gây khó khăn đối với những người bị thiệt hại bởi các hành vi phạm tội của các doanh nghiệp trong việc yêu cầu bồi thường như vấn đề chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội và các thiệt hại xảy ra.
BLHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với đa số các tội phạm về môi trường, cụ thể là đối với các tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 242); tội hủy hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).
Việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ căn cứ vào mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi của các cá nhân thuộc pháp nhân, theo đó tại các điều luật được thiết kế một khung riêng để quy định hình phạt đối với pháp nhân, trong đó hình phạt áp dụng đối với pháp nhân sẽ tương ứng với các trường hợp phạm tội của cá nhân nêu tại các khoản của điều luật. Hình phạt chính được áp dụng chủ yếu đối với pháp nhân phạm tội bao gồm hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Mức phạt đối với pháp nhân rất cao, ví dụ mức phạt đối với hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam có thể lên đến 07 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm. Các hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định với thời hạn cấm cụ thể.
2. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường
Trong lần sửa đổi lần này, hai tội danh được áp dụng tương đối phổ biến là tội gây ô nhiễm môi trường và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường, đồng thời đảm bảo thực hiện một số Công ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với nhóm các tội gây ô nhiễm như tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239), trong cấu thành tội phạm của các tội này đã quy định “chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockhom về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy”.
Trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng các loài động vật hoang dã được bảo vệ tại Điều này, theo đó đối tượng được bảo vệ không chỉ là các động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP (về tiêu chí xác định loài và chế độ thuộc loài danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) mà còn đối với cả các cá thể thuộc Nhóm IB ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các cá thể quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Về việc quy định hành vi phạm tội, BLHS thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm thông qua việc bổ sung 03 nhóm hành vi liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật thuộc Nhóm IB và Phụ lục I như sau: (i) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán một số lượng cá thể sống nhất định (điểm c khoản 1); (ii) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép một số lượng nhất định cá thể (đã chết) hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại (điểm d khoản 1). Đồng thời, bổ sung nhóm hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm này (điểm b khoản 1). Một số trường hợp vi phạm dưới mức định lượng nói trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm (điểm đ khoản 1). Chính sách xử lý nghiêm khắc cũng thể hiện ở việc BLHS năm 2015 đã hình sự hóa hành vi tàng trữ cá thể (đã chết), bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài quy định tại nhóm IB và Phụ lục I CITES (điểm b, điểm d khoản 1 Điều 244) nhằm bảo đảm xử lý triệt để hơn các hành vi phạm tội, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Điều luật bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội với chế tài phạt tiền từ 1 tỷ đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đến 600 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp