Tuy nhiên, qua gần 15 năm triển khai thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện phát triển và phát huy hơn nữa vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 16/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thông qua Luật Thanh niên năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021). Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích về sự cần thiết ban hành Luật Thanh niên năm 2020, một số quy định mới của Luật, đồng thời, đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện để Luật đi vào cuộc sống.
1. Sự cần thiết ban hành Luật Thanh niên năm 2020
Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật số 53/2005/QH11 về Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Qua gần 15 năm triển khai thực hiện, việc ban hành Luật Thanh niên năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:
Một là, một số quy định của Luật Thanh niên năm 2005 khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, cụ thể như: Chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung; thiếu nguồn lực thực hiện; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.
Hai là, thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách theo quy định của Luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật Thanh niên năm 2005 còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng.
Ba là, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.
Bốn là, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Thanh niên năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Năm là, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên Việt Nam: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc” (khoản 2 Điều 37). Việc quy định như trên cho thấy, Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc Hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.
Sáu là, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nghị quyết số 25-NQ/TW); Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, trong đó đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên và vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Do đó, việc ban hành Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Một số quy định mới của Luật Thanh niên năm 2020
Luật Thanh niên năm 2020 gồm có 07 chương, 41 điều (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) có những nội dung mới, cơ bản như sau:
Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định trách nhiệm của thanh niên. Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương (Chương II) quy định 08 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên, nhưng Luật Thanh niên năm 2020 không quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trên các lĩnh vực cơ bản, mà dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên.
Thứ hai, quy định cụ thể nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, khắc phục nhược điểm đó, Luật Thanh niên năm 2020 quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp.
Thứ ba, bổ sung quy định về Tháng Thanh niên. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, Quốc hội quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên với mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.
Thứ tư, về đối thoại với thanh niên. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng, theo đó, định kỳ người đứng đầu chính quyền các cấp có trách nhiệm trực tiếp đối thoại với thanh niên nhằm giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên.
Thứ năm, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên như: Học tập và nghiên cứu khoa học; về lao động, việc làm; về khởi nghiệp; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, thể dục, thể thao; về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp; thanh niên từ đủ mười sáu tuối đến dưới mười tám tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, về tổ chức thanh niên. Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 chương quy định về tổ chức thanh niên, trong đó quy định vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; đồng thời, quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên đối với thanh niên.
Thứ bảy, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Luật Thanh niên năm 2020 quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Ngoài ra, Luật Thanh niên năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.
Thứ tám, về cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên: Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 08 nhiệm vụ cụ thể. Luật Thanh niên năm 2020 giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Để triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đối thoại thanh niên, cơ chế chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và Nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
3. Một số giải pháp triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020
Để đưa Luật Thanh niên năm 2020 và các chính sách, pháp luật đối với thanh niên vào cuộc sống, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Luật Thanh niên gửi lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tới cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm nâng cao nhận thức trong việc tổ chức thi hành và đưa Luật Thanh niên năm 2020 vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở tất cả các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Thanh niên; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên năm 2020 một cách kịp thời nhằm bảo đảm các chính sách được tổ chức thực thi có hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.
Hai là, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên tương xứng với nhiệm vụ được giao, từ đó, bố trí đủ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên ở các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong việc thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật đối với thanh niên; tổ chức triển khai Luật Thanh niên. Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đúng với tính chất là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên và tổ chức triển khai các chính sách đã được quy định trong Luật Thanh niên năm 2020. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật về thanh niên.
Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về thanh niên; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế quản lý nhà nước về thanh niên, trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách đối với thanh niên; tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế cho phát triển thanh niên. Tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức thanh niên trong khu vực và thế giới.
Năm là, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên năm 2020 đến các tầng lớp thanh niên, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Thanh niên, hiểu rõ những chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho thanh niên. Đặc biệt là về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai, đưa các quy định của Luật Thanh niên năm 2020 đi vào cuộc sống.
Huyện Đoàn Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh