Bài viết tập trung bàn về hoạt động công bố và bãi bỏ án lệ trong việc giải quyết các vụ việc dân sự ở Việt Nam trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật hiện hành.
1. Quy định pháp luật về công bố án lệ
Thứ nhất, về nội dung và hình thức án lệ được công bố.
Ở Việt Nam, mặc dù án lệ được ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về nội dung và hình thức án lệ. Hiện nay, án lệ của Việt Nam không phải là bản án gốc mà được viết lại dưới hình thức nhất định và được ban hành dưới hình thức khác so với bản án thông thường. Án lệ được công bố chỉ cần đáp ứng các nội dung theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ[1] (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP).
Về nội dung, án lệ ở Việt Nam có sự khác biệt về nội dung so với các bản án. Những bản án, quyết định được lựa chọn trở thành án lệ sẽ được biên tập lại trước khi công bố. Do vậy, cấu trúc án lệ không tương đồng với nội dung của bản án nói chung và bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao nói riêng. Điều này khác hẳn với hình thức án lệ ở các nước theo truyền thống pháp luật Common Law (như Anh, Mỹ, Úc - Án lệ được lấy từ nguyên bản bản án gốc và được xuất bản thành một tập án lệ) và Civil Law (ở Pháp, chỉ những bản án, quyết định của các Tòa án đứng đầu trong hệ thống Tòa án mới có thể trở thành án lệ. Chính vì lẽ đó mà hình thức, cấu trúc bản án của Tòa phá án đồng thời là hình thức, cấu trúc án lệ. Ở Nhật, án lệ là các bản án của Tòa án nhân dân tối cao hội tụ đủ tiêu chuẩn và trở thành án lệ[2]).
Xây dựng án lệ theo cách làm ở Việt Nam có những ưu điểm nhất định. Đó là có thể loại bỏ các nội dung không phải là cốt lõi của bản án gốc và chỉ đưa ra nguyên tắc pháp lý cốt lõi của án lệ. Cách viết lại án lệ này thường giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được vấn đề gây tranh cãi và nguyên tắc pháp lý. Tuy nhiên, cách thức này cũng tồn tại những nhược điểm như: Một số vấn đề gây tranh cãi về mặt pháp lý có trong bản án gốc có thể bị loại bỏ, bị bỏ sót; nội dung các án lệ có thể có sự không đồng nhất ở các thời điểm; nội dung chính của bản án gốc có thể bị sai lệch theo ý kiến của người biên tập và có thể dẫn đến kết quả là làm giảm phạm vi xem xét và nghiên cứu của các nhà nghiên cứu. Trong khi đó, giá trị cốt lõi của án lệ chính là nguyên tắc pháp lý phải được thể hiện trong án lệ[3].
Về hình thức, cũng như Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP không đưa ra các yêu cầu về hình thức án lệ. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc nâng cao chất lượng nguồn bản án, quyết định để phát triển án lệ và giảm tải việc phải biên tập lại bản án gốc để trở thành án lệ. Nếu có mẫu án lệ (như mẫu bản án, quyết định trong Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự) thì qua thực tiễn xét xử, trong trường hợp dự liệu khả năng bản án, quyết định được ban hành có thể phát triển thành án lệ, ngay từ đầu, thẩm phán sẽ lưu ý đến chất lượng viết bản án ở những nội dung cần phải có trong án lệ.
Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có đề cập đến nội dung công bố án lệ, trong đó có nhắc đến tên án lệ. Tuy nhiên, cách đặt tên án lệ vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến sự không thống nhất trật tự trong cách đặt tên như hiện nay, gây khó khăn cho việc tra cứu, tìm kiếm và sử dụng án lệ. Trong khi đó, pháp luật đã có quy định cụ thể về cách đặt tên cho bản án[4].
Thứ hai, về chủ thể công bố án lệ.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014[5] và khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, ở Việt Nam, chủ thể có thẩm quyền công bố án lệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với những án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Như vậy, ở Việt Nam thừa nhận hình thức công bố chính thức từ Tòa án nhân dân tối cao và cụ thể là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp công bố. Tuy nhiên, việc công bố chính thức án lệ ở Việt Nam có điểm đặc thù là nhằm xác định hiệu lực pháp lý của án lệ: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố”[6]. Đây là sự khác biệt của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Ở hầu hết các nước sử dụng án lệ, công bố án lệ chính thức nhằm đưa nội dung án lệ đến công chúng, giúp cho các chủ thể khác nhau như các thẩm phán, luật sư... biết đến nội dung của án lệ (pháp luật) để thực hiện và có ý nghĩa xác định giá trị pháp lý của án lệ. Chỉ những lựa chọn và công bố bởi các cơ quan, tổ chức chính thức hoặc các tạp chí chính thức thì những bản án, quyết định mới có giá trị pháp lý để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Điều này nhằm minh bạch hóa hoạt động tư pháp (công bố các bản án, quyết định thông thường, không chứa đựng các giải pháp pháp lý mới) với hoạt động công bố án lệ[7].
Do đó, ở hầu hết các nước trên thế giới, việc công bố án lệ không nhằm xác định hiệu lực của án lệ và đa dạng hình thức công bố án lệ hơn ở Việt Nam (công bố án lệ tư nhân, bán chính thức, bán tư nhân). Điều này sẽ tạo điều kiện để mọi chủ thể, chuyên gia, công dân tiếp cận nhanh và nâng cao thói quen tiếp nhận, bình luận, sử dụng án lệ hơn.
Thứ ba, về cách thức công bố án lệ.
Án lệ được công bố bằng quyết định do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành[8] và Án lệ được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản[9]. Như vậy, án lệ ở Việt Nam không thuộc trường hợp công bố tất cả bản án, quyết định như ở các nước Tây Ban Nha, Na Uy, Hàn Quốc. Việt Nam cũng không thuộc các quốc gia có cách thức công bố bằng tuyển tập có chọn lọc các bản án, quyết định nào là án lệ như hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật Common Law cũng như Civil Law. Bởi công bố án lệ bằng tuyển tập là sự khẳng định giá trị án lệ và bản án, quyết định thông thường. Trong khi ở Việt Nam đưa vào Tuyển tập án lệ chỉ là cách tập hợp, lưu trữ án lệ chứ không phải là thủ tục ghi nhận hiệu lực, giá trị án lệ so với các bản án, quyết định như ở các nước khác. Án lệ ở Việt Nam được công bố bởi một quyết định của chủ thể có thẩm quyền, đó là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Điều này thể hiện sự khác biệt về cách thức công bố án lệ ở Việt Nam với hầu hết các quốc gia khác.
Thứ tư, về phương thức công bố án lệ.
Ở Việt Nam, án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao... và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản[10]. Nếu căn cứ vào các phương thức công bố án lệ in trên giấy và trên phương tiện điện tử ở các nước trên thế giới, thì ở Việt Nam đều không ghi nhận hai phương thức này. Khác với nhiều nước theo truyền thống Common Law, đăng tải trên cổng thông tin hay đưa vào tuyển tập án lệ không làm phát sinh hiệu lực áp dụng án lệ ở Việt Nam. Công bố trên cổng thông tin để phổ biến rộng rãi cho các chủ thể tiếp cận, sử dụng, viện dẫn phục vụ mục đích nghiên cứu, tố tụng, giảng dạy, đào tạo…
Phương thức công bố án này của án lệ trên Cổng thông tin của Tòa án nhân dân tối cao có vẻ tương đồng với hoạt động công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP). Nếu có khác biệt thì các án lệ này được gửi cho các Tòa án, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao mà các bản án, quyết định không thấy quy định rõ. Vấn đề đặt ra ở đây là, công bố án lệ trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP. Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP là hướng dẫn về nguyên tắc, thủ tục công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án[11] chứ không bao gồm án lệ. Các bản án, quyết định được công bố phải là toàn bộ nội dung bản án, quyết định (trừ những thông tin cá nhân được mã hóa) và giữ đúng hình thức, bố cục của bản án, quyết định đã được quy định trong các luật tố tụng và được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành mẫu để áp dụng thống nhất[12]. Vậy vấn đề đặt ra là, việc công bố án lệ trên Cổng thông tin điện tử Tòa án được điều chỉnh bởi văn bản nào, cụ thể như thế nào?
Mặt khác, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức sắp xếp án lệ một cách khoa học. Hiện nay, mặc dù số lượng các án lệ đã được công bố không ngừng được tăng lên theo thời gian và dự kiến trong tương lai, số lượng án lệ sẽ rất lớn với nhiều lĩnh vực được công bố bởi các Tòa án khác nhau. Điều này dẫn đến vấn đề tra cứu, sử dụng án lệ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như không được phân loại, sắp xếp một cách khoa học với những tiêu chí rõ ràng, phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự hướng dẫn cụ thể về cách thức sắp xếp án lệ một cách khoa học để phục vụ hiệu quả và tiện lợi cho việc tra cứu, sử dụng, đây là một vấn đề cần phải được xem xét và hoàn thiện trước bối cảnh yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay[13].
2. Quy định pháp luật về bãi bỏ án lệ
2.1. Các trường hợp bãi bỏ án lệ
Khi pháp luật và xã hội phát triển và thay đổi, có những án lệ không còn phù hợp với thực tế. Nếu án lệ vẫn được áp dụng, sử dụng, viện dẫn thì sẽ bất hợp lý. Điều này đòi hỏi án lệ cũ phải được điều chỉnh, bổ sung hoặc được thay thế bằng một án lệ mới. Vì thế, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định các trường hợp bãi bỏ án lệ như sau:
Thứ nhất, án lệ đương nhiên bị bãi bỏ không cần thủ tục: Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật[14]. Đối chiếu với những trường hợp bãi bỏ án lệ ở hầu hết các nước trên thế giới, trường hợp án lệ đương nhiên bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật Việt Nam tương tự như ở nước khác.
Thứ hai, án lệ bị bãi bỏ theo thủ tục pháp lý: Đây là trường hợp án lệ bị bãi bỏ do không còn phù hợp do chuyển biến tình hình hoặc do bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ[15]. Trường hợp này, việc bãi bỏ án lệ phải tuân thủ theo một thủ tục tương tự như thủ tục tạo lập án lệ với nhiều bước theo quy định tại khoản 3 Điều 6 và quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
Đối với trường hợp bãi bỏ án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình, cần cân nhắc lại thuật ngữ “chuyển biến tình hình” vì quy định vậy này quá chung chung, thậm chí không có một tiêu chí nào cụ thể để xác định liệu đã có sự chuyển biến tình hình hay chưa và có hay không nên đề xuất bãi bỏ án lệ do chuyển biến tình hình. Theo đó, cần đưa ra một số tiêu chí nhất định để các cá nhân, tổ chức, Tòa án dễ dàng đánh giá tình hình và đưa ra các kiến nghị về bãi bỏ án lệ. Ví dụ như ở Mỹ, cũng là trường hợp bãi bỏ án lệ do không phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, ở Mỹ sử dụng thuật ngữ cụ thể và dễ hiểu hơn. Đó là trường hợp án lệ không có khả năng thực hiện hoặc khó thực hiện trên thực tế[16].
Đối với trường hợp bãi bỏ án lệ do bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ, căn cứ này có lẽ xuất phát từ việc án lệ ở Việt Nam không phải là bản án, quyết định gốc mà được biên tập lại. Trong khi đó, Việt Nam áp dụng hai cấp xét xử và các giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt nhằm sửa sai của bản án, quyết định cấp dưới nên khả năng bản án, quyết định bị hủy, bị sửa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng án lệ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: “Cần làm rõ những nội dung kế thừa trong án lệ nằm tại lập luận của thẩm phán để giải quyết vụ án. Do đó, khi những bản án bị hủy toàn bộ không phải do những thiếu sót trong lập luận của bản án mà do vi phạm thủ tục tố tụng hay thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định. Theo đó, những trường hợp này giá trị trong các lập luận của bản án để giải quyết vụ án vẫn có thể được kế thừa để giải quyết các vụ án tương tự chứ không bắt buộc phải bãi bỏ”[17]. Tác giả cho rằng, nếu sửa luật theo hướng trường hợp bản án, quyết định bị hủy do vi phạm pháp luật tố tụng mà án lệ thuộc phần lập luận pháp luật nội dung thì án lệ vẫn được ghi nhận sẽ không bảo đảm tính khoa học về mặt lý luận và tổng thể, bởi xuất phát từ quy định nguồn án lệ phải là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2.2. Thẩm quyền bãi bỏ án lệ
Pháp luật Việt Nam không giống với hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật Common Law và Civil Law. Ở các nước theo truyền thống Common Law, thẩm quyền bãi bỏ án lệ được áp dụng trong cả hai trường hợp chiều dọc và chiều ngang theo thứ bậc Tòa án. Trong khi ở các nước theo truyền thống pháp luật Civil Law, thẩm quyền bãi bỏ án lệ thuộc về một số Tòa án có vị trí cao trong hệ thống cơ quan xét xử. Ở Việt Nam, thẩm quyền bãi bỏ án lệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc bãi bỏ án lệ phải được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Nếu phân trường hợp thẩm quyền bãi bỏ án lệ như ở các nước theo trường phái pháp luật Common Law thì thẩm quyền bãi bỏ án lệ ở Việt Nam là thẩm quyền theo chiều ngang - cơ quan thông qua án lệ là cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ án lệ.
2.3. Cách thức bãi bỏ án lệ
Theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, các chủ thể tham gia vào thủ tục bãi bỏ án lệ bao gồm:
Chủ thể kiến nghị bãi bỏ án lệ là cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án. Chủ thể tham gia vào quá trình xem xét bãi bỏ án lệ là Hội đồng tư vấn án lệ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Chủ thể thông qua việc bãi bỏ và công bố án lệ bị bãi bỏ là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[18].
Về thủ tục bãi bỏ án lệ: Án lệ ở Việt Nam không thuộc trường hợp bãi bỏ đương nhiên theo khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì phải trải qua các thủ tục sau để bãi bỏ[19], đó là:
- Bước 1: Cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ khi phát hiện án lệ thuộc trường hợp bãi bỏ. Tòa án đã hủy, sửa bản án, quyết định thuộc trường hợp tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP phải gửi báo cáo kèm theo quyết định đã hủy, sửa về Tòa án nhân dân tối cao để xem xét; Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
- Bước 2: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận kiến nghị, báo cáo.
- Bước 3: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ theo nguyên tắc thông qua án lệ.
- Bước 4: Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối, Chánh án Tòa án nhân dân tối ban hành thông báo bãi bỏ án lệ. Thông báo bãi bỏ án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có một trình tự, thủ tục hủy bỏ phức tạp và mất nhiều thời gian hay không? Đây là nội dung cần được nghiên cứu, vì chưa có một án lệ nào được công bố bị bãi bỏ ở Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị An Na
Giảng viên chính, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp
[1]. Thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
[2]. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh (2018), Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, Sách chuyên khảo, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 57.
[3]. Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao Hàn Quốc (2017), Tài liệu “Hội thảo về chế định án lệ tại Việt Nam”, Hà Nội, tr. 16 - 19.
[4]. Liên minh châu Âu, Tòa án nhân dân tối cao, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (2019), Tài liệu Hội thảo Lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về án lệ, Hà Nội, tr. 21 - 22.
[5]. Xem Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “5. Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.
[6]. Xem khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP.
[7]. Xem Đỗ Thanh Trung (2018), Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của Tòa án ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 59, tr. 119.
[8]. Xem khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP.
[9]. Xem khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP.
[10]. Xem khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP.
[11]. Xem Điều 1 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP.
[12]. Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (2017), Tài liệu Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án, Hà Nội, tr. 7.
[13]. Khoa Luật, Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, 2022, Áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay, Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, 2021, tr. 317.
[14]. Khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
[15]. Khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
[16]. Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay, Sách chuyên khảo, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 507.
[17]. Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh (2021), Sách chuyên khảo Áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 517.
[18]. Xem khoản 1, 2, 3 Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
[19]. Xem khoản 1, 2, 3 Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)