1. Chính sách và pháp luật về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập
Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành đã khẳng định quyết tâm của Nhà nước trong việc thực thi chính sách bình đẳng giới để hướng tới mục tiêu phát triển xã hội bền vững theo các giá trị nhân văn xã hội chủ nghĩa. Ngày 27/4/2007 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 11-NQ/TW), những nội dung của Nghị quyết tiếp tục khẳng định sự nhất quán và quyết tâm của Đảng trong suốt quá trình cách mạng là tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ ra: “Do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp, phụ nữ bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội có việc làm và thu nhập”[1]. Vì vậy, “Ðể đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Ðảng ta đặc biệt coi trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân, trong đó có phụ nữ. Phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới”[2].
Từ khi Luật Bình đẳng giới năm 2006, Nghị quyết số 11-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013 được ban hành, đã có nhiều văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định tại các văn bản này về các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trong đó, để đảm bảo trách nhiệm của các cộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp về vấn đề giới, ngày 13/ 8/2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTP quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây là giải pháp hữu hiệu và là tiền đề quan trọng cho việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới một cách thiết thực và hiệu quả. Trong khuôn khổ bài viết này, vấn đề “nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”[3], được lựa chọn phân tích, đánh giá về tính thiết thực, hiệu quả của chính sách bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
2. Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập
2.1. Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập theo quy định của pháp luật
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ học tập như nhau: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”[4] và được bình đẳng với nhau về cơ hội học tập: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”[5]. Như vậy, từ cơ sở pháp lý, Nhà nước đã khẳng định quyền và nghĩa vụ học tập cũng như không có sự phân biệt giới tính trong học tập của mọi công dân Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù về giới tính, với thiên chức làm mẹ, sau khi sinh khoảng 36 tháng, người phụ nữ thường có nhu cầu dành nhiều thời gian chăm sóc con vì đây được đánh giá là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập, làm việc bình thường cũng như thu nhập của người phụ nữ nói chung. Như vậy, để đảm bảo công bằng giới, cần phải tạo điều kiện để phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có cơ hội học tập, làm việc và thăng tiến như nam giới.
Sau khi Luật Bình đẳng giới năm 2003 được ban hành, ngày 19/5/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP quy định chi tiết các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới (Nghị định số 48/2009/NĐ-CP). Trong đó quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới về chính sách hỗ trợ nữ cán bộ. Tại Điều 18 Nghị định này quy định trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ nữ cán bộ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi với vai trò của Bộ Nội vụ cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, cụ thể: (i) Quy định các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nữ cán bộ, công chức, viên chức đang nuôi con nhỏ; (ii) Quy định hỗ trợ bằng tiền; tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ, công chức, viên chức mang theo con đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Đây là một sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tạo điều kiện giúp các nữ cán bộ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong việc tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ tốt hơn công việc của nhà nước, xã hội và gia đình. Giúp cho người phụ nữ có cơ hội thăng tiến trong công việc và đảm bảo thu nhập.
2.2. Thực tiến thực hiện hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập
Nhìn tổng thể, trên cơ sở Luật Bình đẳng giới năm 2006, phải 03 năm sau quy định hỗ trợ nữ cán bộ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi mới được Chính phủ hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, đến nay đã 09 năm nhưng các nội dung quy định tại Điều 18 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP vẫn chưa được Bộ Nội vụ và các bộ có liên quan ban hành thông tư hướng dẫn thực thi. Điều này cho thấy, mặc dù luật pháp Nhà nước (Luật Bình đẳng giới năm 2006); quan điểm đường lối của Đảng (Nghị quyết 11-NQ/TW) và Nghị định của Chính phủ đã có và rõ ràng, tuy nhiên, với sự chậm chễ của các bộ, ngành liên quan nên vấn đề đảm bảo thực thi trên thực tế quyền đối với nữ cán bộ đang nuôi con nhỏ khi tham gia học tập vẫn chưa được đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với việc nữ cán bộ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi muốn tham gia các lớp học bồi dưỡng, đào tạo vẫn phải tự giải quyết những vấn đề liên quan đến con nhỏ để có thể đến lớp. Tức là họ vẫn phải luôn “đối chọi”, “vật lộn” với những khó khăn, vất vả để có thể thực hiện được quyền học tập và không bỏ qua cơ hội được bồi dưỡng, đào tạo của mình. Một số trường hợp phụ nữ phải mang con nhỏ đến lớp học thời gian qua cho thấy để giành được quyền học tập của mình, người phụ nữ nói chung sẽ rất vất vả[6] và nữ cán bộ để có thể giành được quyền học tập cũng sẽ phải nỗ lực rất cao.
Từ khi Nghị định số 48/2009/NĐ-CP được ban hành đến nay các quy định cụ thể để hỗ trợ nữ cán bộ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi vẫn chưa được thực thi, cụ thể chưa có các quy định về các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nữ cán bộ đang nuôi con nhỏ; họ vẫn chưa được Nhà nước hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia học tập; và đến nay cũng chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nào tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ mang theo con dưới 36 tháng tuổi đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, theo Tổng hợp số liệu của Ban Tổ chức thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tháng 12/2012 (được trích dẫn bởi Hoàng Thu Hà, 2015) thì “hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ có con dưới 36 tháng tuổi nói riêng cao hơn nam giới khi đi đào tạo, bồi dưỡng”[7]. Trong bài viết này tác giả không cho biết cụ thể là nữ cán bộ nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được các tỉnh, thành phố hỗ trợ những gì và chính sách cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật để nhìn nhận thì điều này là khá vô lý, vì đến nay vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn cụ thể Điều 18 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP, nên không có cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan, tổ chức khác thực thi các chính sách hỗ trợ nữ cán bộ nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi tham gia học tập. Vì trong chính quy định của Điều 18 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP đã nói rõ trách nhiệm của các bộ như: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác liên quan có trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, nên khi chưa có thông tư/thông tư liên tịch nào được ban hành để hướng dẫn thực thi thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết quyền lợi cho nữ cán bộ mang con dưới 36 tháng tuổi đến lớp học, lớp bồi dưỡng. Vì vậy, nếu hoạt động hỗ trợ này trên thực tế có diễn ra sẽ vẫn là "phi chính thức", chính quyền địa phương hoặc các cơ quan, tổ chức khác có thể thực thi hoặc có thể không thực thi và quyền của nữ cán bộ sẽ không được đảm bảo chắc chắn.
Để đảm bảo quyền được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của nữ cán bộ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mang con đến lớp, Chính phủ phải ưu tiên đầu tư một khoản kinh phí tương đối lớn và có tính chất lâu dài để xây dựng cơ sở giữ trẻ trong đó cần phải đầu tư xây dựng trường lớp, tuyển dụng sử dụng con người để có thể thực hiện và duy trì lớp học lâu dài, để có thể đảm bảo hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức nữ khi họ mang con dưới 36 tháng tuổi đến lớp trong quá trình học tập.
2.3. Một số nguyên nhân dẫn đến việc quyền được hỗ trợ trong học tập của nữ cán bộ chưa được đảm bảo
Thứ nhất, nguyên nhân nhận thức, tư tưởng
Vấn đề bình đẳng giới không mới, nhưng nhận thức về vấn đề bình đẳng giới còn khá hạn chế trong một số tầng lớp dân cư, bao gồm cả bộ phận lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, nên nhiều quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước đã không được thực thi ở nhiều bộ ngành, địa phương, đơn cử như quy định về tỷ lệ % nữ tham chính đã không đảm bảo ở nhiều địa phương khi thực hiện hoạt động bầu, cử tại các cơ quan Đảng, Chính quyền, và “nhiều nơi, không có cán bộ nữ được bầu giữ các chức danh bí thư, phó bí thư như: Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Bình, Vĩnh Long… Một số Đảng bộ như: Thái Bình, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bình Định không có cán bộ nữ tham gia ban thường vụ”[8].
Một bộ phận không nhỏ các cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chưa nghiên cứu kỹ và quán triệt văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề giới; chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững của xã hội ở hiện tại cũng như trong tương lai nên trong các chương trình nghị sự, bầu, cử của địa phương, của bộ, ngành vẫn thường không mấy chú trọng đến vấn đề đảm bảo tỉ lệ nữ tham chính, dẫn đến quyền của người phụ nữ và người phụ nữ là cán bộ, công chức, viên chức khó được đảm bảo.
Thứ hai, nguyên nhân kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái, kinh tế Việt Nam cũng đang chịu sự tác động nghiêm trọng của sự suy thoái kinh tế thế giới, nên để có nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ nữ cán bộ nuôi con dưới 36 tháng tuổi mang con theo khi tham gia học tập khó có thể đảm bảo thực thi.
3. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo thực thi quy định hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà các quy định về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong học tập chưa được thực thi. Tuy nhiên, khẳng định rằng ngay từ khi xây dựng Luật Bình đẳng giới năm 2006, các nhà lập pháp đã thực sự tính đến thiên chức, cũng như vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Để tạo điều kiện cho phụ nữ có điều kiện phát triển bình đẳng trên mọi phương diện với nam giới, khi phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, nữ cán bộ sẽ được Chính phủ hỗ trợ và cần phải thực thi quyết liệt các giải pháp sau:
Một là, nhận thức vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo các quyền lợi của người phụ nữ nói chung là vấn đề nóng bỏng của xã hội. Vấn đề này có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội về lâu dài. Nên cần thiết phải quan tâm và hành động ngay lập tức bằng việc ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết Điều 18 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP để nữ cán bộ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia học tập được hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn, vất vả của họ để sau khi học tập họ có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều hơn.
Hai là, trong mọi chi tiêu của ngân sách, cần phải ưu tiên một khoản đủ để xây dựng trường lớp giữ trẻ giúp các nữ cán bộ nuôi con dưới 36 tháng tuổi đi học mang theo con, và có thể duy trì trường lớp đó lâu dài trên thực tế, coi đây là nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội thường xuyên của Chính phủ. Để thực hiện được giải pháp này, cần phải thắt chặt chi tiêu, chi tiêu hợp lý, có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Việc xây dựng trường lớp cần hướng tới việc quy định rõ là trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo và tập thể của bộ, ngành, địa phương.
Hiện các bộ, ngành, địa phương đều có các trường lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho ngành. Vì vậy, có thể đưa vấn đề tổ chức lớp giữ trẻ cho cán bộ, công chức, viên chức nữ đi học mà mang con nhỏ dưới 36 tháng tuổi vào các trường này để có thể tiết kiệm được việc đầu tư cơ sở vật chất, con người ở quy mô lớn gây lãng phí không cần thiết. Việc yêu cầu các trường bộ ngành, địa phương tổ chức thêm lớp giữ trẻ cũng sẽ là cơ hội để tăng thêm các hoạt động thiết thực của các cơ sở giáo dục, đào tạo hay bồi dưỡng này. Hoặc, từng bộ, ngành, địa phương cũng có thể kết hợp với các trường lớp giữ trẻ công lập, tư thục trên địa bàn để có kế hoạch thuê, mượn địa điểm hay phối hợp tổ chức quản lý trẻ trong thời gian mẹ của các trẻ tham gia tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Đây là giải pháp hữu hiệu và rất cơ động vì có thể tiết kiệm chi phí, mà hiệu quả cao vì không phải đầu tư cơ sở vật chất cũng như con người.
Ba là, mở các lớp học tập huấn, bồi dưỡng hay đào tạo linh hoạt về loại hình, trên cơ sở phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu gắn với công vụ để đảm bảo không quá vất vả cho người học mà lại đạt hiệu quả của tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Hiện thế giới đã bước vào thời đại công nghệ 4.0 nên cần tăng cường áp dụng loại hình học tập trực tuyến (hay còn gọi là eLearning/online learning - là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng để phục vụ học tập, lấy tài liệu…) để cán bộ, công chức, viên chức nữ có thể tham gia học tập dễ dàng hơn mà vẫn đạt hiệu quả thiết thực.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam