Nghiên cứu quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về tạm ngừng phiên tòa và vận dụng quy định này vào thực tiễn xét xử thì phát sinh một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, theo quy định, nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Vậy Tòa án có phải mở lại phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết này không?
Khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa mà không có quy định thông báo về thời gian mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Điều này dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. Có quan điểm cho rằng, Tòa án phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nhưng theo quan điểm khác thì không cần thiết phải làm như vậy mà Hội đồng xét xử chỉ cần tiến hành nghị án và thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định này cho đương sự, Viện kiểm sát.
Thứ hai, nếu hết thời hạn 01 tháng đương sự vẫn còn đang thỏa thuận thì có coi là lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục không? Trường hợp này, Tòa án tiếp tục phiên tòa hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?
Thế nào là lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà không nêu rõ lý do nào trong các lý do quy định tại khoản 1 Điều này. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, việc đương sự vẫn còn đang tự thỏa thuận thì cũng được coi là lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, nên Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Theo tác giả thì quan điểm này chưa thật sự hợp lý. Bởi việc trước khi đưa vụ án ra xét xử các đương sự đã không tự thỏa thuận được việc giải quyết vụ án, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa để họ tự thỏa thuận trong thời hạn 01 tháng, nên khi hết thời hạn 01 tháng mà đương sự vẫn không thỏa thuận được thì Tòa án phải tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung là hợp lý hơn. Hơn nữa, cụm từ “chưa được khắc phục” không thể dùng cho lý do “các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải”.
Thứ ba, nếu hết thời hạn 01 tháng, sức khỏe đương sự ổn định có thể tiếp tục tham gia phiên tòa. Khi đến ngày Tòa án thông báo tiếp tục phiên tòa, đương sự này không có mặt (trong trường hợp đây là phiên tòa lần thứ nhất) mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án xét xử vắng mặt hay hoãn phiên tòa
Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng, đương sự đã có mặt tại phiên tòa ngay từ đầu nên sau khi không còn lý do tạm ngừng phiên tòa, Tòa án đã thông báo cho đương sự biết thời gian tiếp tục phiên tòa nhưng họ vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành phiên tòa mà không coi là họ vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất để hoãn phiên tòa như quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bởi quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 áp dụng cho trường hợp đương sự vắng mặt ngay từ đầu phiên tòa chứ không phải là trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa rồi sau đó vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Cũng có quan điểm cho rằng, Tòa án cần linh động hoãn phiên tòa để triệu tập đương sự lần thứ hai là nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự trong vụ án. Nếu họ tiếp tục vắng mặt thì Tòa án hoàn toàn có căn cứ để xét xử vụ án theo thủ tục chung.
Xem xét quy định về hoãn phiên tòa tại Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thấy rằng, Hội đồng xét xử chỉ được quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật Tố tụng dan sự năm 2015. Mà trường hợp trên theo tác giả không thể xác định là đương sự được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt lần thứ nhất. Chính vì vậy, việc Tòa án hoãn phiên tòa là chưa có căn cứ pháp lý.
Thứ tư, nếu hết thời hạn 01 tháng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn không thể tiếp tục tham gia phiên tòa vì lý do sức khỏe mà không có thẩm phán dự khuyết thay thế thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Khi đó, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì phải tiến hành nghị án, vậy việc biểu quyết thực hiện như thế nào và ai ký quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án?
Vấn đề này hiện đang vướng về quy định của pháp luật. Theo khoản 2 Điều 235 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản. Về nguyên tắc, khi nghị án, Hội đồng xét xử biểu quyết theo đa số nhưng trong trường hợp này chỉ có hai hội thẩm nhân dân nên không thể biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
Thứ năm, nếu phiên tòa diễn ra đến kết thúc phần tranh tụng thì Kiểm sát viên vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia phiên tòa. Theo quy định, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Nếu hết thời hạn 01 tháng, kiểm sát viên không thể tiếp tục phiên tòa, Viện kiểm sát cử kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa nhưng kiểm sát viên dự khuyết không tham gia phiên tòa ngay từ đầu thì Tòa án tiếp tục phiên tòa hay quay lại từ đầu?
Nghiên cứu quy định về sự có mặt của kiểm sát viên tại phiên tòa quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trường hợp kiểm sát viên không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử nhưng có kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu. Tuy nhiên, trường hợp trên thì kiểm sát viên không có mặt tại phiên tòa ngay từ đầu và trong thực tiễn xét xử thì đa phần không có kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa ngay từ đầu. Điều này bắt buộc Tòa án phải quay lại từ đầu phiên tòa theo thủ tục chung. Liệu việc Tòa án quay lại từ đầu phiên tòa có hợp lý không trong khi theo quy định nếu sau khi Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và không cần quay lại hỏi để làm rõ thêm vấn đề gì thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ tuyên án.
Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả bài viết mong được các độc giả cùng trao đổi để việc hiểu và áp dụng hướng dẫn quy định tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho thống nhất.
Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh