Ở nước ta, các quy định về tội phạm môi trường được quy định từ trong Bộ luật Hình sự năm 1985, tuy nhiên Bộ luật Hình sự năm 1985 chưa có chương riêng để quy định về các tội phạm môi trường mà chỉ có một điều luật dành để quy định tội phạm xâm hại đến môi trường (Điều 195). Khi Hiến pháp năm 1992 ra đời, thì nền tảng cơ bản cho chính sách hình sự của Việt Nam đối với tội phạm môi trường được quy định: “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường” (Điều 29). Trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã cụ thể hóa các hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể, mỗi điều khoản về tội phạm môi trường đều đã xác định hành vi phạm tội, căn cứ truy cứu hình sự, định khung (phạt tiền) và định hình (phạt tù) tương ứng với ba mức độ hậu quả gây ra.
Trong bài viết “Quy định về tội phạm môi trường trong pháp luật hình sự Việt Nam”, TS. Nguyễn Minh Khuê đã phân tích quy định về tội phạm môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và khó khăn, vướng mắc trong thi hành các quy định về tội phạm này. Đồng thời, nêu lên những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội phạm môi trường; phân tích khó khăn, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành về tội phạm môi trường.
Kính mời độc giả đọc bài viết này trên số Chuyên đề 200 trang “Tội phạm môi trường - Khung pháp luật và thực tiễn thực thi ở Việt Nam hiện nay” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.