Tuyển dụng công chức là để giao giữ một chức trách nhất định hay để bổ nhiệm vào một ngạch công chức nào đó, để thi hành nhiệm vụ được Nhà nước trao, do vậy việc tuyển dụng công chức phải cẩn trọng. Bài viết bàn về những quy định về tuyển dụng công chức theo pháp luật hiện hành dựa trên các nội dung về: Căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng công chức; về thi tuyển công chức; về trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức, về tập sự. Qua đó, tác giả đã chỉ ra được một số khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức.
1. Pháp luật về tuyển dụng công chức
Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, căn cứ để tuyển dụng công chức là yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công chức. Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức. Hàng năm, cơ quan sử dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, báo cáo cơ quan quản lý công chức để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng công chức. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận đối với một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, tùy theo mục tiêu và đối tượng cũng như công việc cần tuyển.
Như vậy, tuyển dụng công chức là việc lựa chọn và chấp nhận một người tự nguyện gia nhập hệ thống công vụ sau khi đã xác nhận người đó có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật để bổ nhiệm vào một ngạch công chức theo tiêu chuẩn chuyên môn nhất định của vị trí công việc cần tuyển. Tuyển dụng công chức là để giao giữ một chức trách nhất định hay để bổ nhiệm vào một ngạch công chức nào đó, để thi hành nhiệm vụ được Nhà nước trao cho công chức, do vậy việc tuyển dụng công chức phải cẩn trọng.
Các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng công chức hiện hành có Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2010/NĐ-CP (Thông tư số 13/2010/TT-BNV); Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác quy định những nội dung cụ thể sau:
Về căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng công chức: Quy định cơ quan tuyển dụng công chức phải xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng. Đây là một trong những nội dung quy định mới nhằm mục đích tuyển dụng được đúng người đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, hạn chế việc tuyển dụng công chức một các tùy tiện. Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 giới hạn tuổi tối đa được tuyển dụng vào công chức hành chính là 45 tuổi, nhưng đến nay quy định mới của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP không giới hạn tuổi tối đa, pháp luật hiện hành đã mở rộng đối tượng được tham gia dự tuyển vào công chức hành chính, cơ quan tuyển dụng có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn được người có tài năng và trình độ chuyên môn phục vụ cho nền hành chính.
Về thi tuyển công chức: Trước đây, văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể các môn thi, giao Bộ Nội vụ quy định và chỉ quy định có ba môn thi là môn hành chính nhà nước, môn ngoại ngữ, môn tin học. Hiện nay, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể 4 môn thi bắt buộc, bao gồm môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, môn ngoại ngữ, môn tin học. Khi chưa quy định và thực hiện tổ chức thi đối với môn chuyên ngành trên thực tế đã gặp phải hạn chế khi tuyển dụng vào từng vị trí việc làm cụ thể trong cơ quan hành chính nhà nước. Khắc phục tình trạng đó, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP đã quy định thêm môn thi nghiệp vụ chuyên ngành, yêu cầu người tham gia dự tuyển phải có kiến thức tổng hợp, chuyên môn nghiệp vụ được tích lũy trong quá trình đào tạo và phải biết và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, tin học văn phòng để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Về trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức: Pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm của người tham gia tuyển dụng công chức và người có thẩm quyền tuyển dụng công chức như: Thông báo tuyển dụng, hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, gia hạn thời hạn hoàn thiện hồ sơ, quyết định tuyển dụng, người trúng tuyển đến nhận việc... Nhìn chung, các quy định về trình tự, thời gian cụ thể chi tiết; bổ sung một số thủ tục tuyển dụng công chức đối với trường hợp đặc biệt trước đó chưa quy định.
Về tập sự: Trước đây đã quy định miễn tập sự đối với người đã là cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia tuyển dụng công chức. Theo quy định mới không phân biệt người tham gia tuyển dụng công chức đã được bầu, bổ nhiệm chức danh, chức vụ gì, làm việc ở cơ quan nào miễn là đã đóng bảo hiểm xã hội bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự thì sẽ được miễn tập sự.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức đã được quy định khá đầy đủ và rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn vẫn nảy sinh những khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, chỉ tiêu biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo khoản 5 Điều 66 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì: “Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân các cấp”. Theo đó, có nơi ban hành nghị quyết về biên chế hành chính theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Tuy nhiên, cách làm này gặp vướng mắc trong thực tiễn. Thời điểm Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết về biên chế công chức (vào kỳ họp thường lệ giữa năm) thì Chính phủ chưa có quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho địa phương năm đó. Do vậy, chưa có căn cứ để Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Nhưng nếu Hội đồng nhân dân không quyết định giao biên chế hành chính vào năm đó thì đầu năm sau Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có căn cứ xác định tổng quỹ lương và thực hiện chi trả lương cho công chức hành chính của địa phương. Để giải quyết tình huống này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vẫn ban hành nghị quyết giao chính thức tổng biên chế hành chính năm đó bằng số biên chế được Chính phủ giao cho năm trước và giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định sau khi Chính phủ giao biên chế hành chính năm đó.
Thứ hai, về công tác thi tuyển công chức vào cơ quan hành chính nhà nước, hiện nay chưa quy định về thời gian tổ chức thi tuyển công chức hàng năm. Do vậy có bộ, ngành, tỉnh tổ chức thi vào đầu năm; có bộ, ngành, tỉnh tổ chức thi vào cuối năm. Thực tế hiện nay quy định chỉ tổ chức thi tuyển đối với ngạch cán sự và ngạch chuyên viên, chưa quy định thi tuyển dụng mới đối với ngạch cao hơn và một số vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, dẫn đến phạm vi cạnh tranh thi để được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý có phạm vi hẹp trong số công chức nhà nước (cạnh tranh trong nội bộ công chức nhà nước), chưa có cơ hội cho tuyển mới công chức vào ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, vị trí lãnh đạo, quản lý. Điều đó phần nào đã hạn chế việc thu hút người giỏi, có kinh nghiệm vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ ba, về tập sự và bổ nhiệm vào ngạch, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người được tuyển dụng vào ngạch công chức đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bằng với thời gian tập sự trở lên thì không phải tập sự. Xét về mặt chế độ, chính sách quy định như vậy là phù hợp, vì người được tuyển dụng công chức đương nhiên được hưởng 100% ngạch, bậc lương được tuyển dụng và bổ nhiệm, nhưng trong thực tế thì không phải tất cả những công chức đã có thời gian công tác và tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó đều làm những công việc phù hợp với vị trí việc làm của công chức mới được tuyển dụng. Do vậy, cần hạn chế về đối tượng đối với người được miễn tập sự.
Thứ tư, yêu cầu đối với việc bổ nhiệm vào ngạch công chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước phù hợp với ngạch công chức được bổ nhiệm, tức là, trước khi bổ nhiệm vào ngạch, người công chức phải học kiến thức quản lý hành chính nhà nước và được cấp chứng chỉ. Nhưng trên thực tế, công chức mới được tuyển dụng đang trong thời gian tập sự rất ít khi được cử đi học bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Do vậy, thường là hết thời gian tập sự công chức được bổ nhiệm vào ngạch đã dự tuyển và nợ chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, sau đó đi học bổ sung sau, dẫn đến tình trạng đi học có tính chất đối phó cho đầy đủ thủ tục trong hồ sơ theo quy định. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2010/TT-BNV theo hướng công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) thực hiện theo phương thức kết hợp có tuyển dụng mới và thi nâng ngạch.
Hình thức thi nên quy định theo hướng thi tuyển công chức ngạch cán sự và ngạch chuyên viên quy định như hiện nay. Nhưng hướng tới sửa đổi, bổ sung quy định, thành lập cơ quan tổ chức thi tuyển công chức chung cho tất cả các bộ, ngành và địa phương; thi tuyển 2 vòng độc lập: (i) Vòng thứ nhất, tổ chức thi tuyển chung cho các bộ, ngành và địa phương; (ii) Vòng thứ hai, cơ quan tuyển dụng trực tiếp phỏng vấn sâu đối với người tham gia dự tuyển công chức trong số những người đã trúng tuyển ở vòng một. Thi tuyển ngạch chuyên viên chính tổ chức thi làm 3 vòng: Vòng 1 và vòng 2 tổ chức thi chung cho các bộ, ngành và địa phương, vòng 1 thi trắc nghiệm và tiếng Anh, vòng 2 thi viết tự luận, vòng 3 cơ quan tuyển dụng tổ chức thi phỏng vấn sâu để đánh giá khả năng ngôn ngữ như cách đặt câu, cách hiểu, cách tư duy, cách thể hiện suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, hiệu quả, hợp lý; đánh giá khả năng ứng viên về kỹ năng xuất sắc cơ bản và khả năng phân tích các kết quả, sử dụng thông tin; kiểm tra khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, khả năng ra quyết định. Đối với ngạch chuyên viên chính nên tổ chức thi thí điểm với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng ít để tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai rộng trên toàn quốc.
Môn thi chuyên ngành đối với ngạch cán sự và ngạch chuyên viên hiện nay quy định theo hướng đúng hoặc phù hợp với vị trí, việc làm cần tuyển và môn thi đó có trong chương trình đào tạo đã được cấp bằng tốt nghiệp.
- Hiện nay chưa quy định thời gian tổ chức thi tuyển công chức cố định hàng năm cho nên chưa thu hút được tối đa số sinh viên mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học chính quy mới ra trường. Do vậy, nên quy định thời gian giao chỉ tiêu biên chế chậm nhất ngày 30/8 hàng năm và thời gian tổ chức thi tuyển công chức cố định vào tháng 11 hàng năm.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định trước khi bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước phù hợp với ngạch được bổ nhiệm.
Quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với người tham gia công tác tuyển dụng và người tham gia dự tuyển công chức nếu phát hiện sai phạm thì trong 3 năm liên tiếp không được tham gia thi tuyển.
Hai là, sửa đổi khoản 4 Điều 20 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP theo hướng: “Các trường hợp đã có thời gian công tác trước đó phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng không thực hiện chế độ tập sự, còn lại các trường hợp khác thời gian công tác trước đó không phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, nhưng đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải thực hiện chế độ tập sự và được hưởng 100% mức lương đối với những trường hợp trên đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự…”.
Ba là, đảm bảo cán bộ, công chức thực hiện pháp luật về tuyển dụng công chức là những người có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Ngay từ khi lựa chọn người để tham gia công tác tuyển dụng công chức cho cơ quan hành chính nhà nước phải có sự xem xét và cử người có khả năng, năng lực phù hợp với mục đích, yêu cầu của công tác tuyển dụng công chức, vì cán bộ, công chức là những người đại diện cho cơ quan nhà nước, để lựa chọn người có đức, có tài vào cơ quan để phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân.
Bốn là, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối với những vi phạm pháp luật trong hoạt động tuyển dụng công chức. Thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức và công dân. Thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác thi tuyển công chức và bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho người làm công tác thi tuyển; đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời để nâng cao chất lượng công tác thi tuyển công chức.
Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức – Bộ Nội vụ