Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác… Dự thảo Luật đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại tổ và hội trường trong Kỳ họp thứ 7. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 lần này gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật. Các nội dung được đại biểu quan tâm, góp ý nhiều như: giải thích từ ngữ, khái niệm; hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; quy hoạch đối với đô thị mới; quy hoạch không gian ngầm; tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan…
Về giải thích từ ngữ, khái niệm
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật cần giải thích rõ ràng, cụ thể hơn nữa về khái niệm “đô thị mới”, “nhiệm vụ quy hoạch”. Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo định hướng được xác định tại quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn hoặc quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị cần quy định thêm về quy mô dân số tối thiểu phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của đô thị loại V, phù hợp với từng vùng miền. Về khái niệm “nhiệm vụ quy hoạch”, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ quy hoạch là các yêu cầu về nội dung nghiên cứu, tổ chức thực hiện lập quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu cho rằng, ngoài nội dung này, nhiệm vụ quy hoạch còn bao hàm lập nhiệm vụ, lập quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cùng về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, để bảo đảm sự đồng bộ giữa các luật, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “công trình thủy lợi” vào khoản 15 Điều 2 của dự thảo Luật, cụ thể như sau: “Hạ tầng kỹ thuật là khung hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của đô thị, nông thôn và khu chức năng, được xác định trong nội dung quy hoạch chung và quy hoạch phân khu gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn nước, hệ thống tưới tiêu, thoát nước, công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật phân theo tuyến”.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm “khu chức năng” tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, nội dung của khoản này chưa đề cập tới “cụm công nghiệp” - loại hình đang hình thành và phát triển tại nhiều địa phương. Do vậy, đề nghị cần làm rõ “cụm công nghiệp” có phải một trong những khu chức năng hay không để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và thuận tiện cho triển khai thực hiện sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, Ban soạn thảo cần giải thích rõ không gian dưới mặt đất và không gian dưới mặt nước... Khoản 7 Điều 2 dự thảo Luật quy định không gian đô thị, nông thôn là không gian trên mặt đất, dưới mặt đất, dưới nước tại địa bàn đô thị, nông thôn. Theo đại biểu, giải thích này chưa rõ. Không gian đô thị, nông thôn là không gian trên mặt đất thì có thể nhận thức được nhưng không gian dưới mặt đất, không gian dưới nước “là gì” thì Ban soạn thảo cần tiếp tục giải thích để cho dễ hiểu hơn.
Về khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Cũng về giải thích từ ngữ quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đề nghị bổ sung, sửa đổi điểm 9 Điều 2: Cảnh quan là không gian được xem xét nhiều hướng khác nhau như không gian xung quanh công trình kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, đất bãi bồi, dải đất ven bờ sông, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch và không gian sử dụng chung khác. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị cần làm rõ cụm từ “đô thị lớn”, đồng thời, xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị và làm rõ các khái niệm “khu chuyển đổi chức năng”, “khu hạn chế phát triển”, “khu phát triển mới”, “khu dự trữ phát triển”…
Đánh giá cao dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, khi đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, đại biểu đề nghị cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm “siêu đô thị” vào dự thảo Luật. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung khái niệm về “công trình ngầm” trong Điều 2 của dự thảo Luật để tránh các trường hợp “diễn giải” khác nhau trong tương lai.
Bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống các quy hoạch
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện giao. Về vấn đề này, Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện giao. Theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.
Góp ý quy định về việc bảo đảm của sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 8, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết, dự thảo Luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. Theo đại biểu, quy định như điều này làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã sẽ “rời rạc”, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa bảo đảm mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung “từng bước cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỉ trọng trong chi thường xuyên”.
Phát biểu góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan tâm đến quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 6. Đại biểu cho rằng, các nội dung tại điều này còn thiếu, chưa quy định, phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vùng tỉnh, vùng huyện 05 năm và tầm nhìn định hướng phát triển chung lâu dài… Về nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Điều 7, đại biểu cho rằng chưa đầy đủ, thiếu nguyên tắc về tuân thủ kế hoạch sử dụng đất hằng năm và quy hoạch sử dụng đất theo chu kỳ 05 năm, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng lâu dài của quốc gia. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định để xử lý tình trạng chồng chéo quy hoạch trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm chỉnh quy hoạch cấp trên với quy hoạch cấp dưới, quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch chung theo nguyên tắc của Luật Quy hoạch năm 2017. Theo đó, quy hoạch cấp dưới không trái với quy hoạch cấp trên để được các cơ quan có thẩm quyền xây dựng thông qua. Quy hoạch chuyên ngành thì không trái với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng chung của quốc gia, vùng.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng tình với quan điểm “đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung”. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, dự thảo Luật phải phân định rõ ràng. Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực... Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 20 phải quy định theo hướng: cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, không phải là định hướng. Thậm chí, ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới. Đại biểu cũng đề nghị, trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở khoản 3 Điều 50 cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là “đi xin” đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có. Đại biểu cũng cho biết, quy hoạch thực chất là việc lựa chọn những phương án phân bổ nguồn lực để cho các mục tiêu phát triển. Vì vậy, làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực, trong đó nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng ta phải quy định trong luật, đó là, trong các phương án lựa chọn về phát triển đô thị phải có việc đánh giá về chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất, để có cơ sở để thuyết minh.
Về quy hoạch không gian ngầm
Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng không gian ngầm...
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan
Về vấn đề này, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Từ những bất cập quy hoạch trong thực tiễn hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương, đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, các tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bô-xít hiện nay như dự thảo Luật Địa chất và Luật Khoáng sản, để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại Luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, điểm c khoản 5 Điều 3 của dự thảo Luật có quy định quy hoạch phân khu được lập cho trường hợp “Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan”. Đại biểu cho rằng cần bỏ điểm này, vì quy hoạch phân khu đô thị và nông thôn cần được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trường hợp có mâu thuẫn giữa các luật thì cần có sự điều chỉnh thống nhất tại một luật chuyên ngành thay vì phải rà soát tất cả các luật, nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực của pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, điểm d khoản 7 Điều 3 trong dự thảo Luật quy định: quy hoạch chi tiết được lập cho trường hợp khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này. Hiện nay, pháp luật về nhà ở chỉ quy định lập quy hoạch chi tiết cho dự án nhà ở. Việc lập quy hoạch chi tiết cho tất cả các dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, kể cả dự án nhà ở sẽ không hiệu quả, vì lập quy hoạch chi tiết cần huy động được sự sáng tạo và sẽ khó khăn trong công tác điều chỉnh sau khi thực hiện đấu thầu, đấu giá.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, dự thảo Luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đại biểu cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để bảo đảm thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu những vướng mắc thực tế tại thành phố Hà Nội liên quan đến quy hoạch tỷ lệ phân khu 1/2.000 và 1/5.000 và cho rằng, chỉ nên có một loại quy hoạch phân khu ở tỉ lệ 1/2.000. Đồng thời, khi tỷ lệ phân khu 1/5.000 đã được thực thi ổn định ở thành phố Hà Nội, chúng ta nên quy định về điều khoản trực tiếp để phù hợp với Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Góp ý nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa các luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định: Quy hoạch chung là cơ sở để xác định lập các dự án đầu tư không chỉ ở mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung như quy định tại khoản 6 Điều 21, khoản 5 Điều 22, khoản 4 Điều 26 và khoản 5 Điều 27 của dự thảo Luật.
Cùng về vấn đề này, theo đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ vai trò, vị trí của các phương án quy hoạch hệ thống đô thị, phương án quy hoạch nông thôn thuộc quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 với hệ thống các quy hoạch đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần xác định và làm rõ tính thống nhất trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017. Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ quy mô tối thiểu của khu chức năng cần phải lập quy hoạch phân khu để tránh tình trạng khu chức năng có quy mô nhỏ và rất nhỏ cũng phát sinh thêm bước lập quy hoạch phân khu…
Việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Minh Trí