1. Quy định về quyền có họ, tên theo pháp luật dân sự Việt Nam
Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền có họ, tên được quy định tại Điều 26, thuộc Mục 2 quy định về quyền nhân thân.
Trong các yếu tố đặc định hóa cá nhân thì họ, tên thường được coi là yếu tố cơ bản nhất, họ của một người thể hiện nguồn gốc huyết thống của người đó, tên của một cá nhân là công cụ cá biệt hóa từng cá nhân. Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khẳng định: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Quy định này cho thấy, quyền có họ, tên có mối quan hệ mật thiết với quyền được đăng ký khai sinh, bởi lẽ, họ, tên của một cá nhân chính là họ, tên trong khai sinh của người đó[2].
Việc xác định họ của một cá nhân khi khai sinh được quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng”.
Như vậy, so với quy định về quyền có họ, tên tại Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quy định về quyền có họ, tên trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được thể hiện rõ nét hơn bằng việc bổ sung cả trường hợp chữ đệm trong tên (nếu có) tại khoản 1 và việc xác định họ cho người được khai sinh là họ của người cha đẻ hoặc họ của người mẹ đẻ trên cơ sở thỏa thuận giữa cha và mẹ. Trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận thì họ của người con khi đi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh được xác định trên cơ sở tập quán.
Trước đây, việc xác định họ của cá nhân chưa thật sự rõ ràng, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định quyền có họ và tên của cá nhân cũng như căn cứ xác định họ và tên theo tên khai sinh (khoản 1 Điều 26). Cùng với Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) cũng có nhiều điểm chưa rõ ràng, thống nhất trong việc xác định họ của cá nhân, dẫn đến tình trạng có hai luồng quan điểm về vấn đề xác định họ của một cá nhân khi sinh ra[3]. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác định họ của đứa trẻ được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn họ bố hoặc họ mẹ, bởi khi đi đăng ký khai sinh, người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ. Quan điểm thứ hai cho rằng, pháp luật không đưa ra quy định cấm đứa trẻ sinh ra không được mang họ khác với họ của cha hoặc họ của mẹ nên cá nhân sinh ra có thể được đặt tên theo họ thứ ba khác. Việc xác định họ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi đăng ký khai sinh, người đi đăng ký có yêu cầu được đăng ký theo họ người thứ ba (không phải họ của cha hoặc họ của mẹ) thì các cán bộ tư pháp - hộ tịch có quyền từ chối với lý do trái với quy định của pháp luật[4]. Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã bổ sung quy định về xác định họ của trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ trên cơ sở luật hóa các quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (Thông tư số 01/2008/TT-BTP).
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014, thông tin về họ, tên, chữ đệm là một trong các nội dung của việc đăng ký khai sinh. Cần lưu ý là, trên thực tế, có trường hợp tập quán của một số đồng bào dân tộc ở nước ta không có họ dẫn đến tờ khai sinh của cá nhân không có họ. Vấn đề này cần được nhìn nhận và giải quyết ở góc độ việc có họ là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân và không phải là nghĩa vụ, bởi vậy, không có quy định nào bắt buộc một cá nhân phải có họ hoặc cá nhân sẽ bị hạn chế quyền (quyền tự do đi lại, quyền lao động…) nếu giấy khai sinh không ghi nhận họ. Bởi vậy, cơ quan, tổ chức có liên quan cần tôn trọng cấu thành tên gọi của cá nhân đó thể hiện trên giấy khai sinh của họ[5].
Đối với việc đặt tên của cá nhân, khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thể hiện: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”; “việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Như vậy, luật không cấm việc đặt tên trùng với tên của các danh nhân hay anh hùng dân tộc hoặc các quy định cấm khác. Tại dự thảo Bộ luật Dân sự[6] cũng đã từng đặt ra quy định: “Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua đã không còn quy định giới hạn này.
Điều này thể hiện việc các quyền nhân thân của cá nhân ngày càng được pháp luật ghi nhận, tôn trọng và ngày càng hạn chế việc áp đặt các quy định cấm liên quan đến việc thực hiện các quyền nhân thân của công dân, trong đó có quyền đối với họ, tên. Việc đặt tên bị hạn chế khi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Mặt khác, một quy định trong luật khác cũng có liên quan đến việc đặt tên, đó là trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) có quy định tại khoản 4 Điều 19 như sau: “Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam”. Việc đặt tên Việt Nam trong trường hợp này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn, tuy nhiên, việc lựa chọn đó vẫn phải tuân theo các quy định về việc đặt tên theo Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tại khoản 4, khoản 5 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc “cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình” và “việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Điều 27, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi họ, thay đổi tên với các trường hợp cụ thể mà cá nhân được phép thay đổi họ (08 trường hợp) và thay đổi tên (07 trường hợp). Đồng thời khẳng định, việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
2. Một số vướng mắc thực hiện quyền có họ, tên trong thực tiễn
2.1. Đối với quyền có họ của cá nhân thuộc một số nhóm dân tộc thiểu số
Như điều luật đã thể hiện, việc có họ của một cá nhân là quyền nhân thân, quyền dân sự được luật quy định mà không phải là nghĩa vụ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, đối với một số dân tộc có họ nhưng một số cá nhân cụ thể trong dân tộc ấy trong quá trình đăng ký khai sinh trải qua nhiều thế hệ khi đăng ký thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân đều chỉ thể hiện có một thành tố duy nhất là tên thì sẽ xử lý thế nào khi đến thời điểm hiện nay, các thế hệ con cháu của họ muốn có họ?
Trường hợp cụ thể trong nhóm dân tộc thiểu số Jrai (cách viết khác là Gia Rai), Bahnar (cách viết khác là Ba Na) ở tỉnh Gia Lai. Đây là 02 dân tộc thuộc nhóm các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên. Về ngữ hệ người Jrai thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo, người Ba Na thuộc nhóm ngữ hệ Môn - Khơ Me.
Từ thực tiễn công tác của tác giả cho thấy, một trong những câu hỏi thường nhận được trong các chuyến đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc trợ giúp pháp lý[7] tại cơ sở trên địa bàn sinh sống của 02 nhóm dân tộc này ở Gia Lai là: “Giấy tờ tùy thân của tôi không có họ, nay tôi muốn có họ thì phải làm sao?”.
Nghiên cứu dân tộc học về nhóm người Jrai[8] cho thấy: “Theo điều tra chưa đầy đủ, người Gia Rai thuộc người Chor, Tbuăn, Mthur có mười họ: Rchom, Nay, Rơ ô, Siu, Rơma, Ksor, Rahlan, Hiao, Kpa, Pui”. Hay nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai[9] cũng cho ra kết quả: “Người Jrai có 10 họ chính là: Ksor, Rơchom/Rơ Chăm/Rơ Châm/Rcom, Siu, Nay/Nei, Kpa, Rơ lan/Rah Lan, Hiao, Rơmah, Rơ Ô, Puih/Kpui. Đồng bào cho rằng, các họ của người Jrai đều là con cháu của mẹ H’Bia (Hkranh) nhưng do mỗi người con được sinh ra ở những vị trí khác nhau nên mang những họ khác nhau”.
Đối với nhóm người Bahnar vốn không có họ. Từ thời Pháp thuộc đến nay, hầu hết đồng bào đều được gán cho hoặc tự nhận họ Đinh. Hầu hết những người Bahnar mang họ Đinh đều lấy tên lót là Văn hoặc Thị để phân biệt giới tính như người Kinh. Những năm gần đây, xu hướng tự nhận họ ở người Bahnar khá phổ biến: Có bộ phận nhận một họ của người láng giềng tiếp giáp như họ Siu của người Jrai, có người tự nhận một họ mà trong ngôn ngữ của dân tộc mình thể hiện một ước mơ nào đó (ví dụ như họ Brôn, có nghĩa là khỏe mạnh), hoặc nhận một họ để thể hiện nỗi nhớ quê hương[10]... Việc xác định họ đối với các nhóm dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar thường gắn với một sự tích, một sự kiện nào đó gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng, là tập quán tốt đẹp của tộc người.
Tuy nhiên, mặc dù được xác định là một quyền nhân thân, quyền dân sự của cá nhân và việc muốn có “họ” của những cá nhân chỉ có yếu tố “tên” trên giấy khai sinh, trong khi đó, nhóm dân tộc của cá nhân này có họ theo truyền thống văn hóa của tộc người là vấn đề hoàn toàn chính đáng. Nhưng đối với trường hợp được đặt ra trong vấn đề trên đây, nếu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký hộ tịch để bổ sung yếu tố “họ” vào giấy khai sinh và các loại giấy tờ khác của cá nhân thì theo pháp luật hiện hành không thực hiện được vì mặc dù Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về xác định họ theo tập quán nhưng theo cách trình bày và cách hiểu liên kết của điều luật diễn giải thì việc xác định theo tập quán để xác định họ của con khi khai sinh cũng chỉ giới hạn trong phạm vi họ của cha, mẹ hoặc có thể nói là chưa rõ ràng và chưa bao quát được các trường hợp khác.
Đối với trường hợp đặt ra trên đây, ít nhất sẽ được trả lời là pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch hiện hành không có quy định hoặc chưa có hướng dẫn về bổ sung “họ” của cá nhân trong trường hợp này. Vì vậy, quyền nhân thân cơ bản của cá nhân trong trường hợp này đã không được bảo vệ vì luật chưa có quy định.
Từ những phân tích trên cho thấy, việc xác định họ của cá nhân không phải là vấn đề đơn giản ngay cả khi pháp luật đã quy định cách xác định họ theo họ của cha hoặc họ của mẹ, bởi vì họ của một người không chỉ dựa trên các căn cứ pháp lý mà còn bị tác động và chịu sự chi phối của tập quán, truyền thống dân tộc.
2.2. Đối với vấn đề bổ sung thành tố chữ đệm trong tên của cá nhân
Một trường hợp vướng mắc nữa xảy ra trong thực tiễn là đối với vấn đề chữ đệm trong cấu thành của tên của một cá nhân. Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Như vậy, trong tên của mỗi cá nhân sẽ được cấu trúc gồm: Họ (nếu có họ) + chữ đệm (nếu có) + tên (luôn luôn và phải có).
Như vậy, chữ đệm là một thành tố độc lập so với họ, tên và là thành tố có thể tùy nghi (có hoặc không có khi đăng ký khai sinh). Mặt khác, luật cũng không giới hạn số ký tự hoặc từ trong việc đặt tên của cá nhân nên có thể hiểu số lượng chữ đệm trong tên của một cá nhân là do người đi đăng ký khai sinh quyết định lựa chọn trên cơ sở cân nhắc tính phù hợp và thuận tiện cho quá trình sử dụng tên đó.
Vấn đề tiếp theo được đặt ra ở đây là, nếu một người đã được đăng ký và được cấp giấy khai sinh, đến một thời điểm nào đó, cha mẹ của họ (khi chưa thành niên) hoặc bản thân cá nhân đó (khi đã thành niên) muốn thực hiện thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bổ sung chữ đệm vào tên của mình thì có được không?
Trước đây, khi thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Thông tư số 01/2008/TT-BTP, vì còn nhiều quy định chưa được quy định rõ ràng và có nhiều cách hiểu khác nhau nên thực tế, việc bổ sung chữ đệm trong vấn đề đặt ra trên đây vẫn thực hiện được, hoàn toàn bình thường (ví dụ: Đã đăng ký khai sinh tên Nguyễn Thị Lý thì có thể bổ sung thêm chữ đệm “Thiên” vào thành tố tên để thành Nguyễn Thị Thiên Lý).
Tuy nhiên, trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì còn nhiều cách hiểu khác nhau đối với vấn đề bổ sung chữ đệm trong vấn đề đặt ra trên đây nên người có nhu cầu bổ sung không thực hiện được.
Có ý kiến cho rằng, yêu cầu này của công dân không thuộc các trường hợp được thay đổi (vì không có lý do để thay đổi), không thuộc trường hợp cải chính (vì việc đăng ký trước đây hoàn toàn đúng) và cũng không thuộc trường hợp bổ sung hộ tịch (vì thực tế đã đăng ký 01 chữ đệm trong tên) do pháp luật chưa có hướng dẫn đối với trường hợp đăng ký bổ sung chữ đệm nên không thể thực hiện thủ tục bổ sung theo yêu cầu của công dân.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, vì pháp luật không có quy định giới hạn số lượng chữ đệm trong tên và tại khoản 13 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định “bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký” mà thực tế, thông tin chữ đệm này khi đăng ký khai sinh chưa đăng ký nên công dân được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đăng ký, vì theo nguyên tắc công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm.
Xét trên các quy định về quyền có họ, tên và quyền thay đổi họ, tên thì việc bổ sung chữ đệm vào thành tố tên của cá nhân là hoàn toàn chính đáng và việc bổ sung chữ đệm không làm thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được cá nhân xác lập với tên khi chưa bổ sung chữ đệm mới.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Đối với việc xác định họ của cá nhân hoặc nhóm cá nhân mà do các yếu tố lịch sử nhân thân để lại khi các thế hệ trước của cá nhân, nhóm cá nhân đó không đăng ký họ hoặc bị thất lạc họ của dòng tộc theo thời gian trong khi cộng đồng dân tộc mà họ sinh sống có “họ” như các trường hợp đã đề cập trong bài viết này thì cần có quy định điều chỉnh đối với nhu cầu được có “họ” chính đáng của những cá nhân/nhóm cá nhân này. Việc này cần sửa bổ sung 01 khoản vào Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 và thiết kế xây dựng quy định điều chỉnh theo hướng áp dụng tập quán văn hóa tốt đẹp liên quan đến họ của cộng đồng dân tộc đã tồn tại và những nhóm cá nhân này có quyền thỏa thuận với nhau để chọn 01 trong các họ mà dân tộc mình đang có để đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận.
Đối với việc bổ sung chữ đệm vào thành tố tên của cá nhân, đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và không làm thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được cá nhân xác lập với tên khi chưa bổ sung chữ đệm mới, cần sớm có hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hướng đây là thủ tục bổ sung hộ tịch.
Vì vậy, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, kiến nghị Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước và quyền hạn của mình, sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn hoặc ban hành thông tư của Bộ trưởng để kịp thời điều chỉnh vấn đề xác định họ và bổ sung chữ đệm để thống nhất áp dụng và kịp thời bảo vệ được quyền lợi chính đáng của công dân.
Tóm lại, qua những phân tích trong bài viết, có thể khẳng định, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản pháp luật chuyên ngành đã khắc phục được nhiều hạn chế trong việc xác định họ và tên của cá nhân so với Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch trước đây. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành các quy định này ở cơ sở đã phát sinh những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự, trong đó có quy định về quyền có họ, tên là một trong những quyền nhân thân, quyền dân sự quan trọng và cơ bản của công dân.
Luật gia Thiều Hữu Minh
Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng
[1] ThS. Nguyễn Văn Huy (Chủ biên), Quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội - 2019, tr. 7.
[2] TS. Đinh Trung Tụng (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, (Quyển 1), Nxb. Tư pháp, Hà Nội - 2021, tr. 98.
[3] Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: “Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn)…”.
[4] Xem bài viết: Quy định của pháp luật về xác định họ, tên cho cá nhân, tại địa chỉ: Https://kiemsat.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-xac-dinh-ho-ten-cho-ca-nhan-47963.html.
[5] TS. Đinh Trung Tụng (Chủ biên), tlđd, tr. 99.
[6] Xem tại https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/kyhopthuchin/Pages/van-kien-tai-lieu.aspx?ItemID=2982, truy cập ngày 29/7/2023.
[7] Trong các hoạt động hàng năm của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và hoạt động của Hội luật gia tỉnh Gia Lai.
[8] Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên), Cầm Trọng, Trần Mạnh Cát, Ngô Vĩnh Bình, Lê Duy Đại, Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Công Tum, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội - 1981, tr. 82.
[9] TS. Nguyễn Thị Kim Vân, Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội - 2013, tr. 87.
[10] TS. Nguyễn Thị Kim Vân, tlđd, tr. 18 - 19.