1. Khái quát chung về quyền con người
Để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền con người, sau khi thành lập Liên Hợp Quốc năm 1945, các điều ước quốc tế đã ghi nhận các quyền con người trong các văn kiện quan trọng như: Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 (UDHR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội năm1966 (ICESCR)… được gọi chung là luật quốc tế về quyền con người. Năm 1977, Karel Vasak đưa ra ý tưởng về ba “thế hệ quyền con người” trên cơ sở phân loại các nhóm quyền, cụ thể:
Thế hệ thứ nhất, các quyền dân sự, chính trị, bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị mà tiêu biểu như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng... Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là UDHR và ICCPR.
Thế hệ thứ hai, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bao gồm các quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở, quyền giáo dục, quyền được đảm bảo mức sống phù hợp, quyền công đoàn… Văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu nhất đề cập đến thế hệ quyền này là ICESCR.
Thế hệ thứ ba, các quyền tập thể, bao gồm các quyền tập thể, tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc; quyền phát triển; quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quyền được sống trong hoà bình; quyền được sống trong môi trường trong lành… Danh mục các quyền thuộc thế hệ quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó, những quyền được đề cập gần đây bao gồm: Quyền được thông tin và các quyền về thông tin, quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là Tuyên ngôn về trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa năm 1960; Hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 là ICCPR (Điều 1), ICESCR (Điều 1); Tuyên bố về quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình năm 1984; Tuyên bố về quyền phát triển năm 1986[2]…
Đa số các quyền trong ba thế hệ quyền con người đã được pháp điển bằng các điều ước quốc tế và nội luật hóa trong luật quốc gia, trong đó có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số quyền con người về quyền dân sự, chính trị - thế hệ quyền con người thứ nhất - trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
2. Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 bảo đảm thực hiện một số quyền con người về dân sự, chính trị
2.1. Về quyền bình đẳng, công bằng
Quyền bình đăng, công bằng đã được cụ thể hóa tại Điều 7 UDHR: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào”; Điều 3, 26 ICCPR cũng ghi nhận “các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định” và “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”.
Tại Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định đối tượng được bồi thường, theo đó, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Như vậy, Luật không phân biệt đối tượng là người Việt Nam hay người nước ngoài, cá nhân hay tổ chức, nam hay nữ… miễn sao các đối tượng đáp ứng đầy đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 7 của Luật thì sẽ được bồi thường. Mặt khác, Điều 4 của Luật ghi nhận nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, theo đó, việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
2.2. Về các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm; quyền không bị tra tấn, nhục hình và được đối xử nhân đạo; quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện, độc đoán; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng; quyền sống, tránh mọi hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra khi xâm phạm quyền sống
Khoản 5 Điều 9 ICCPR quy định“bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam cầm bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu được bồi thường” và khoản 6 Điều 14 ICCPR cũng ghi nhận “khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị hủy bỏ hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên theo luật, có quyền yêu cầu bồi thường”.
Để quy định về quyền được bồi thường của người bị thiệt hại, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã liệt kê các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan trực tiếp đến các quyền nêu trên. Theo đó, Điều 18 của Luật quy định các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường bao gồm: (i) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; (ii) Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; (iii) Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; (iv) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; (v) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; (vi) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành; (vii) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành; (viii) Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành; (ix) Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; và (x) Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 18 bị thiệt hại.
2.3. Về quyền được bồi thường thiệt hại
Phù hợp với các quy định của ICCPR về quyền được yêu cầu bồi thường và được bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định các loại thiệt hại được bồi thường. Theo đó, Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản bị xâm phạm (Điều 23), thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25), thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26), thiệt hại về tinh thần (Điều 27) và các chi phí khác như thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại (Điều 28,… Đặc biệt, ngoài các thiệt hại được bồi thường như đã nêu trên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 còn ghi nhận việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại. Cụ thể, khoản 1 và 2 Điều 29 của Luật quy định người bị thiệt hại là cá nhân được khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp, bao gồm: (i) Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Khôi phục quyền học tập; (iii) Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Quy định này không chỉ thể hiện rõ quyền dân sự, chính trị của người bị thiệt hại mà còn bao gồm các quyền về kinh tế, xã hội như quyền được học tập, quyền được tham gia tổ chức xã hội.
2.4. Về quyền “không bị hạ thấp nhân phẩm”, xâm phạm các quyền và tự do
Điểm a khoản 3 Điều 2 ICCPR quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc “bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hậu quả, cho dù sự xâm phạm đó là do hành vi của những người thi hành công vụ gây ra” hay Điều 7 ICCPR cũng ghi nhận “không ai có thể bị tra tấn, ... hạ thấp nhân phẩm”. Quyền này đã được thể hiện rõ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thông qua các quy định về việc phục hồi danh dự (Mục 3 Chương V). Theo đó, người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật, người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật thì được phục hồi danh dự. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại như đã nêu trên (Điều 31).
2.5. Về quyền được tiếp cận thông tin
Khái niệm về quyền tiếp cận thông tin được chính thức ghi nhận trong UDHR và ICCPR (khoản 2 Điều 19). Để nội luật hóa quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quy định này tại Điều 25 về quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam. Để bảo đảm thực hiện quyền này, Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin”.
3. Một số lưu ý trong quá trình áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước đối với quyền con người về dân sự, chinh trị
Điều 2 ICCPR quy định “các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này... Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này”. Như vậy, các Nhà nước - chủ thể cơ bản, có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy thực thi quyền con người nói chung và trong lĩnh vực bồi thường nhà nước nói riêng. Nói cách khác, Nhà nước hay cụ thể hơn là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, cùng các công chức, viên chức của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy việc thực thi quyền con người trong thực tiễn. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã được sửa đổi bổ sung với nhiều quy định có để bảo đảm quyền cho người bị thiệt hại như đã phân tích ở trên; đồng thời, cũng ghi nhận trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại (Điều 14), cơ quan giải quyết bồi thường (Điều 15), trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước (Chương VIII). Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định này có thể “đi vào cuộc sống”, cần sự phối hợp thực hiện từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trong đó, đặc biệt quan trọng về phía cơ quan nhà nước. Dựa theo các nghĩa vụ mà Nhà nước phải thực hiện, có thể xác định một số nhiệm vụ để bảo đảm hiệu quả thi hành Luật:
Thứ nhất, về chức năng “tôn trọng”: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ghi nhận rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, cụ thể đối với người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Luật được ban hành thể hiện rõ sự “tôn trọng” của Nhà nước, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân.
Thứ hai, về chức năng “bảo vệ và bảo đảm”: Các cơ quan nhà nước, công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước cần: (i) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời phát hiện và tổ chức kiểm tra các vụ việc khó phức tạp mới phát sinh; (ii) Theo dõi để đôn đốc các vụ việc chưa được giải quyết kịp thời; (iii) Nghiên cứu và kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để nâng cao hiệu quả thi hành các quy định của Luật (ví dụ như, Quy chế phối hợp hay bộ tiêu chí đánh giá…); (iv) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật…
Thứ ba, về chức năng “thúc đẩy thực thi”: Để thực hiện chức năng này, các cơ quan nhà nước cần: (i) Căn cứ vào sự phân công, phân cấp nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng chịu tác động với hình thức phong phú, đa dạng và nội dung chính xác, đầy đủ; (ii) Hướng dẫn hỗ trợ người yêu cầu bồi thường nói chung và người bị thiệt hại nói riêng thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình được kịp thời, hiệu quả; (iii) Nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước để khi phát sinh vụ việc, thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo đúng thời hạn quy định; (iv) Nắm bắt để phản ứng kịp thời với những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành; (v) Xây dựng và vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu về công tác bồi thường nhà nước qua đó kịp thời tương tác với người yêu cầu bồi thường và xã hội về các vụ việc phát sinh…
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.